Tin Thế Giới Tổng Hợp

Cả nhà Rhodes vừa mới bắt đầu một kỳ nghỉ dài ba tuần ở châu Á. Rhodes tuần trước chia sẻ trên tài khoản Twitter rằng anh "đã gói ghém hành lý cho hai con trong ba tuần tới"...

4 người một nhà thiệt mạng trong tai nạn máy bay Lào

Gavin Rhodes, người Australia, đã rất háo hức vì được cùng vợ và hai con đến thăm Lào, mà không ngờ rằng đó là chuyến đi cuối cùng của gia đình họ.  

 
au-4231-1381986556.jpg

Gia đình Rhodes. Ảnh: Herald Sun

Gia đình Rhodes gồm Gavin, 39 tuổi, một nhân viên tư vấn thuế ở tây Sydney; người vợ Phoumalaysy, 35 tuổi; con gái Jadesuda, 3 tuổi; và con trai Manfred, 17 tháng tuổi. Họ là bốn trong số những người Australia thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay ở Lào hôm qua. 

Cả nhà Rhodes vừa mới bắt đầu một kỳ nghỉ dài ba tuần ở châu Á. Rhodes tuần trước chia sẻ trên tài khoản Twitter rằng anh "đã gói ghém hành lý cho hai con trong ba tuần tới". 

Tweet cuối cùng của anh đăng vào ngày hôm qua, kể chuyện cậu con trai Manfred đang ngủ ở khách sạn tại Vientiane. Gia đình anh dự kiến ở lại Lào cho đến 31/10, trước khi sang Bangkok du lịch ba ngày. 

Một phụ nữ Lào, người cho biết là cô của Phoumalaysy, kể rằng bà rất đau khổ khi đến nhà của gia đình Rhodes ở Peakhurst, tây nam Sydney. Giới chức Lào vẫn chưa trục vớt được thi thể của cháu bà và Gavin ở dưới sông. 

"Tôi chỉ mới nói chuyện với anh trai (bố của Phoumalaysy) sáng nay. Chúng nó đang đợi ở một ngôi chùa", bà nói. "Năm ngoái chúng tôi đi cùng nhau, nhưng năm nay nóng quá nên tôi không muốn đi. Tôi không thể tin được", 

Một thông báo của gia đình Rhodes hôm nay đã yêu cầu báo chí tôn trọng quyền riêng tư của họ vào "thời điểm khó khăn này", và tuyên bố không cung cấp thêm thông tin gì nữa.

Hai người Australia khác cũng thiệt mạng trong chuyến bay trên là Michael Creighton, một nhân viên rà phá bom mìn và bố anh, Gordon.

Michael là chồng cũ của cựu nghị sĩ bang Tasmanian, Kathryn Hay. "Anh ấy đi du lịch khắp thế giới, giúp đỡ mọi người bằng nhiều cách, anh ấy rất thông minh và chăm chỉ", Hay kể. "Anh ấy thường rà phá bom ở những nơi mà bom mìn chưa phát nổ và đảm bảo an toàn cho trẻ em"

Australia cho biết các nhân viên lãnh sự quán tại Lào đã liên lạc với các gia đình của những hành khách trên máy bay. "Giới chức Lào nói với sứ quán chúng tôi ở Vientiane rằng họ không hy vọng sẽ có người sống sót", một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Australia nói.

Một nửa số nạn nhân là người nước ngoài

Theo một danh sách hành khách được truyền thông Thái Lan đăng tải, hơn một nửa số người trên máy bay  gặp nạn của hãng hàng không Lao Airlines là công dân của các nước Mỹ, Việt Nam, Pháp, Thái Lan, Canada, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc và Australia. 

bando-7961-1381982430.jpg

Bản đồ cho thấy vị trí của Vientiane, nơi máy bay cất cánh, và Pakse, nơi máy bay gặp nạn. Đồ họa: NY Times

Các nhân chứng tại hiện trường mô tả khung cảnh hỗn loạn và cho hay nhiều thi thể được chuyển đến trung tâm cấp cứu được thiết lập ở một ngôi chùa tại Pakse. "Mọi thứ thật sự kinh khủng", một người nước ngoài nói.

"Việc tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang diễn ra", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Sek Wannamethee cho hay. "Các nhóm cứu hộ ở Lào đang chuyển thi thể các nạn nhân đến một bệnh viện địa phương".

Chiếc máy bay ATR của Lao Airlines cất cánh từ Vientiane lúc 14h45 (giờ địa phương) và dự kiến đến thành phố Paske, tỉnh Champasak, hơn một giờ sau đó. Tuy nhiên, đến 16h, máy bay đã lao xuống sông Mekong khi đang cố gắng hạ cánh. Gió mạnh khiến phi cơ bị cuốn đi và ra khỏi tầm kiểm soát của radar không lưu.

"Máy bay sắp hạ cánh thì bị gặp phải gió mạnh, khiến đầu của nó bị hất ngược lên, đẩy ra khỏi khu vực sân bay và biến mất khỏi radar kiểm soát không lưu", hãng thông tấn Lào KPL dẫn lời một nhân chứng cho hay.

Hãng sản xuất máy bay Pháp - Italy ATR cho biết, chiếc phi cơ trên còn mới và được bàn giao cho Lao Airlines vào tháng ba.

Tổng giám đốc Cục Hàng không Dân sự Lào, Yakua Lopangkao, cho hay nguyên nhân tai nạn là thời tiết xấu do bị ảnh hưởng bởi cơn bão Nari. 

pakse-2112-1382002272.jpg

Bản đồ cho thấy (từ phải sang) vị trí của thành phố Pakse, sân bay Pakse và đảo Don Kho, nơi những mảnh vỡ của chiếc máy bay được tìm thấy. Ảnh: Google

Lao Airlines là hãng hàng không quốc gia của Lào, hoạt động từ năm 1976. Hãng vận hành 7 đường bay nội địa, đồng thời có các chuyến bay tới Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan. Hãng đặt mục tiêu vượt qua mốc 1 triệu hành khách trong năm nay.

Kể từ những năm 1950, 29 tai nạn hàng không chết người đã xảy ra tại Lào. Vụ việc gần đây nhất là vào tháng 10/2000, khi 8 người thiệt mạng sau khi một chiếc máy bay của hãng hàng không này, khi đó còn mang tên Lao Aviation, lao xuống vùng núi xa xôi phía đông bắc nước này.

Anh Ngọc

 

Bão lớn quét qua Nhật, 17 người chết

Ít nhất 17 người chết và hàng chục người mất tích khi cơn bão Wipha đổ bộ vào Nhật Bản hôm qua. 

Theo đài NHK, đội cứu hộ tìm thấy 16 thi thể trên đảo Izu Oshima, cách Tokyo 120 km về phía nam. Một người phụ nữ khác được phát hiện chết ở phía tây Tokyo. Hầu hết những người thiệt mạng bị chôn vùi trong lở đất, theo AP. Hơn 40 người mất tích và hàng chục ngôi nhà bị phá hủy trên hòn đảo Izu Oshima. 

Cơn bão, có vận tốc gió 125 km/h, đã mang theo mưa lớn khi đổ bộ vào khu vực bờ biển phía đông của Nhật và thủ đô Tokyo đúng giờ cao điểm, khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy, hàng nghìn trường học đóng cửa. Tuy nhiên, không có báo cáo nào về thiệt hại vật chất đáng kể quanh khu vực Tokyo. 

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị quản lý nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đã hủy tất cả hoạt động xa bờ và đảm bảo an toàn cho nhà máy khi cơn bão tiến vào. Sau khi trận động đất và sóng thần năm 2011 làm hư hại nhà máy này, TEPCO vẫn đang phải xử lý rò rỉ phóng xạ trong cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ vụ Chernobyl năm 1986. 

Phát ngôn viên TEPCO cho biết cơn bão không gây ra trục trặc mới nào tại nhà máy. Cơ sở này nằm ở bờ biển cách Tokyo 220 km về phía bắc. 

Wipha sau đó được hạ cấp xuống thành áp thấp nhiệt đới khi tới bờ biển đông bắc Nhật Bản và di chuyển về phía đông bắc với vận tốc 95 km/h, theo cơ quan khí tượng Nhật. Đây là cơn bão mạnh nhất càn quét khu vực này kể từ tháng 10/2004.

70514506-japan-typhoon-464-9088-13819834

Hướng đi của bão Wipha. Đồ họa: Joint Typhoon Warning Center

Trọng Giáp (Video: Arirang)

Kẻ âm mưu đánh bom sân bay Mỹ bị bắt

Một người đàn ông vừa bị cảnh sát Mỹ bắt giữ, do bị nghi ngờ có liên quan đến các thiết bị nổ làm từ đá khô tại sân bay quốc tế Los Angeles.

lax-4159-1381979122.jpg

Xe cảnh sát đỗ ở lối vào sân bay quốc tế Los Angeles (LAX), Mỹ. Ảnh: AP

AFP dẫn lời cảnh sát hôm qua cho hay, nghi phạm Dicarlo Bennett bị bắt giam hôm 15/10. Theo LA Times, Bennett là một nhân viên sân bay. 

Cảnh sát Los Angeles cho hay trên website rằng số tiền bảo lãnh cho nghi phạm 28 tuổi này là một triệu USD. 

"Tôi nghĩ chúng tôi có thể chắc chắn rằng anh ta không phải là một tên khủng bố hay một trùm tội phạm có tổ chức. Anh ta chỉ làm điều đó cho vui mà thôi", phó cảnh sát trưởng Los Angeles Michael Downing nói.

Trước đó, một trong các thiết bị đã phát nổ, sau khi được tìm thấy trong nhà vệ sinh của nhân viên sân bay vào tối 13/10. Thiết bị nổ thứ hai nằm gần một máy bay ở sảnh ga quốc tế có tên Tom Bradley. 

Cả hai thiết bị đều được làm từ các chai nhựa. Thiết bị thứ hai được phát hiện sau thiết bị đầu tiên hơn một ngày và không phát nổ. Giới chức cho hay không có ai bị thương trong vụ việc.

Anh Ngọc

Obama ký dự luật tránh vỡ nợ

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ký duyệt một dự luật mà Thượng viện và Hạ viện cùng thông qua, giúp cường quốc kinh tế này tránh được cảnh vỡ nợ, đồng thời mở đường cho chính phủ hoạt động trở lại sau 16 ngày.

131016-obama-statement-ap-6-5943-1381990

Tổng thống Obama được cho là đã chiến thắng trước Chủ tịch Hạ viện John Boehner trên vấn đề nâng trần nợ công. Ảnh: AP

Ông Obama đặt bút ký dự luật có nội dung giúp chấm dứt tình trạng chính phủ ngừng hoạt động một phần và nâng trần nợ công vào rạng sáng hôm nay theo giờ Washington, CNN dẫn thông báo của Nhà Trắng. Đây là hành động đúng theo lời hứa mà tổng thống Mỹ đưa ra sau khi Thượng viện thông qua dự luật hôm qua.

Dự luật này là kết quả của hai tuần giao tranh chính trị căng thẳng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Các nghị sĩ tại cả Thượng viện và Hạ viện phải chạy đua với thời gian ngay trước thời hạn chót 17/10, để thảo luận và thông qua dự luật trên suốt đêm qua (sáng hôm nay theo giờ Hà Nội). Truyền thông Mỹ cho rằng việc dự luật được thông qua được coi như sự thắng lợi tạm thời của Obama trước Chủ tịch Hạ viện John Boehner.

Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã bỏ phiếu thông qua dự luật được Thượng viện chấp thuận. Tuy nhiên, nội bộ đảng này cũng rất phân hóa, bởi có tới 62% dân biểu đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống. Dự luật có thể thông qua với tỷ lệ 285 phiếu thuận trên 144 phiếu chống, là bởi nó nhận được sự đồng thuận rất cao từ đảng Dân chủ.

"Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ quay trở lại làm việc vào sáng thứ năm", bà Sylvia Mathews Burwell, chủ nhiệm văn phòng Quản lý và Dự toán, nói. Burwell cũng khuyến nghị các nhân viên nên kiểm tra website của văn phòng Quản lý nhân sự để nắm bắt thông tin.

Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động từ ngày 1/10 sau khi Thượng viện và Hạ viện không thể thống nhất về ngân sách cho các cơ quan của chính phủ. Tình trạng này đã diễn ra 17 lần kể từ năm 1977, trong đó thời gian ngắn nhất là một ngày và dài nhất là 21 ngày.

Ngoài cảnh phải đóng cửa một phần, chính phủ Mỹ còn đối mặt với nguy cơ vỡ nợ nếu như một dự luật khẩn cấp không được thông qua trước 17/10. Bộ Tài chính Mỹ sẽ chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, trong khi các khoản phải chi là gấp đôi. Chính phủ Mỹ sẽ chính thức hết sạch tiền vào khoảng 22/10 - 1/11, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Hạ viện và Trung tâm chính sách lưỡng đảng.

Đức Dương

Theo Vnexpress