Bão Nari uy hiếp, hơn 150.000 người miền Trung sơ tán
Các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đang khẩn cấp sơ tán hơn 150.000 dân phòng tránh nguy hiểm trước khi cơn bão Nari, được cho là mạnh tương đương với bão Wutip đang áp sát với cấp 12-13.
Mặc dù bão Nari chưa đổ bộ vào đất liền nhưng từ rạng sáng đến trưa 14/10 ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã xuất hiện những cột sóng dội vào bờ cao 5-7m uy hiếp các khu dân cư ven biển. Ảnh: Trí Tín. |
Sáng 14/10, người dân các tỉnh miền Trung hối hả đưa tàu thuyền lên bờ, giằng buộc cố định chống va đập tại các vũng neo đậu. Hàng chục nghìn hộ dân ven biển Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng dùng bao tải xúc cát, dây thừng giằng mái nhà chắc chắn để chống bão số 11.
Mặc dù bão Nari chưa vào đất liền nhưng từ rạng sáng đến trưa 14/10 ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh lên cấp 8, giật trên cấp 10, những cột sóng lớn từ 5 đến 7 m liên tục dội vào bờ. Dọc theo hai bên trục đường chính của huyện đảo Lý Sơn, gió lớn đã quật đổ nhiều cây và giật sập nhà ông Đặng Oai ở thôn Tây, An Hải. Hàng chục hộ dân đã được di dời đến vùng an toàn.
Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, các địa phương đã lập phương án sẵn sàng sơ tán khoảng hơn 54.000 hộ dân với 216.000 nhân khẩu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ cho biết, tỉnh đã yêu cầu các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh, huyện đảo Lý Sơn và các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà di dời gần 5.200 hộ dân với 21.300 nhân khẩu trong vùng ảnh hưởng bão, ngập lụt, sạt lở núi...
"Bão số 11 đổ bộ vào thì công tác sơ tán dân đến các trường học, trụ sở cơ quan, nhà dân kiên cố an toàn hoàn thành trước 21h tối 14/10. Riêng các huyện miền núi cần dựng ngay lều bạt tạm, di dời dân đến ở khu vực an toàn đề phòng nguy hiểm tính mạng do sạt lở núi. Nếu bão đổ bộ tỉnh sẽ chỉ đạo ngành giáo dục cho học sinh nghỉ học vào ngày mai (15/10)", ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi nhận định, do có khả năng nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 11, nên vùng biển Quảng Ngãi từ chiều nay đến ngày 15/10 sẽ có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 12-13; biển động dữ dội. Vùng ven biển các địa phương phía bắc Quảng Ngãi sẽ có gió cấp 6, giật trên cấp 7; sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 10-11. Trong đất liền sẽ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. "Cơn bão số 11 có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng và còn có khả năng đổi hướng khi vào gần bờ nên người dân cần cẩn trọng đề phòng", ông Sỹ nói.
Trước diễn biến phức tạp của bão Nari, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã tổ chức sơ tán khẩn cấp khoảng 11.000 hộ dân với gần 55.000 nhân khẩu tại vùng ven biển quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn... hoàn thành trước 17h chiều nay.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng lo ngại, có nguy cơ tâm bão số 11 (sức gió cấp 10-11, giật cấp 14-15) có sức tàn phá chẳng khác gì cơn bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006.
Ngư dân Quảng Ngãi đưa tàu thuyền, ghe thúng vào bờ trú tránh bão. Ảnh: Trí Tín. |
Trong khi đó, Trung tâm dự báo khí tượng Trung ương dự báo, bão số 11 đổ bộ kèm theo mưa to ở phía bắc Quảng Nam khiến mực nước các sông dâng cao nhiều khả năng vượt trên báo động 3.
Để chủ động đối phó với cơn bão số 11, tỉnh Quảng Nam sẵn sàng phương án di dời khoảng 7.000 hộ dân với hơn 27.000 nhân khẩu ở các xã ven sông biển, vùng trũng các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn và phố cổ Hội An. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam đã gửi công văn khẩn đề nghị các chủ hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 xả nước đón lũ. Điều lo ngại nhất hiện này là toàn tỉnh có 32 trong tổng số 73 hồ chứa nước thủy lợi đã đầy nước.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An cho biết, thành phố đang huy động lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ di dời khoảng 8.000 người dân ở hai phường ven biển Cửa Đại, Cẩm An và xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) đến nơi trú tránh bão an toàn. Số hộ dân nhà yếu, nhà tạm còn lại cũng buộc phải sơ tán đến nhà ở kiên cố; các khách sạn ven biển gần khu vực Cửa Đại được yêu cầu tuân thủ sơ tán du khách vào sâu khu vực bên trong an toàn.
"Việc sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm chậm nhất hoàn tất lúc 16h tối nay. Người dân neo buộc tàu thuyền, giằng chống nhà cửa đã hoàn tất trong hôm nay", ông Sự nói.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẩn cấp vào các tỉnh miền Trung chỉ đạo công tác phòng chống bão Nari. Chiều nay, Phó Thủ tướng thị sát, làm việc với Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn về phương án phòng chống bão tại nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Trước đó, chiều 13/10, trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, đây là cơn bão tương đương hoặc mạnh hơn so với cơn bão số 10 vừa qua. Do vậy các tỉnh cần tăng cường kiểm tra, rà soát các biện pháp phòng chống, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để giảm tránh thiệt hại đến mức thấp nhất do bão, lũ gây ra. Tập trung tuyên truyền, thông báo, cảnh báo tình hình diễn biến cơn bão cho người dân địa phương nắm rõ tình hình để có thể chủ động để ứng phó với bão lũ.
Bão số 11 (tên quốc tế Nari) đang tăng cấp 15, 16, hướng vào các tỉnh ở khu vực miền Trung. Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên cho hay các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Quảng Nam trong hôm nay phải sơ tán 38.381 hộ dân với 155.544 người.
Dự báo chiều tối nay, tâm bão sẽ ập vào TP Đà Nẵng. Đến 16h, vị trí tâm bão ở cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 140 km về phía Đông với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14 (134-166 km/h), giật cấp 15, cấp 16. Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 đến 4 m.
Trí Tín
Vụ nổ ở Phú Thọ do 'pháo hoa ẩm'
Theo Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nguyên nhân vụ nổ khiến 24 người chết, gần 100 bị thương có thể do pháo hoa bị ẩm, tự bốc cháy dẫn tới nổ toàn bộ kho chứa, làm rung chuyển huyện Thanh Ba, Phú Thọ.
Ngày 13/10, một ngày sau vụ nổ ở Xí nghiệp thuốc nổ - pháo hoa thuộc Nhà máy Z121 khiến cháy sập toàn bộ dây chuyền sản xuất và kho pháo hoa, nhiều nhà dân tại huyện Thanh Ba, Phú Thọ hư hỏng nặng, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã đưa ra các giả thuyết về nguyên nhân sự việc.
Theo báo cáo của Bộ Quốc Phòng, nhiều khả năng kho pháo hoa tự phát nổ và gây cháy lan sang hầu hết các kho khác trong nhà máy rộng cả chục nghìn m2.Ảnh: Bá Đô |
Hai nguyên nhân chính được cho là có thể do pháo hoa tự phát nổ hoặc có quả pháo hoa bay từ khu sản xuất rơi vào khu vực kho gây cháy và nổ. Tuy nhiên, phía Tổng cục cho rằng nguyên nhân thứ hai khó xảy ra vì hầu hết pháo hoa tại khu vực sản xuất chưa lắp liều phóng (thuốc đen) nên không có khả năng bay sang nhà kho cách đó hơn 150 m. Khu sản xuất (nhà F 31) vẫn còn pháo hoa hoàn chỉnh trước khi xảy ra vụ nổ. Nếu số pháo hoa này nổ trước, số thương vong ở nhà F31 sẽ khoảng 3-4 người (đang làm việc) nhưng thực tế không ai ở đây bị thương vong.
Nguyên nhân pháo hoa để khu nhà kho tự phát lửa, gây cháy nổ được cho là hợp lý hơn. Có 2 giả thuyết đặt ra về lý do pháo tự cháy. Một là các hộp pháo rơi, va đập, cọ sát rồi gây cháy hoặc do thuốc pháo hoa bị phân hủy, tự bốc cháy.
Thực tế tại nhà kho chỉ có pháo hoa tầm thấp được bao gói, 25 ống kết thành 1 giàn phóng, mỗi giàn bao gói trong một hộp giấy. Các hộp carton đựng pháo có ma sát lớn, diện tích đáy rộng, không bị trơn trượt nên khó có khả năng tự rơi đổ. Do vậy, Tổng cục cho rằng chỉ còn khả năng "pháo hoa bị phân hủy, tự bốc cháy".
Vụ nổ xảy ra, khiến nhiều nhà kho, xưởng sản xuất của nhà máy bị phá hủy .Ảnh: Bá Đô |
Theo Tổng cục, hiện tượng pháo hoa tự phân hủy, tự bốc được lý giải: Cấu tạo vỏ quả pháo hoa gồm 2 bán cầu gắn với nhau, bên trong chứa viên màu và chất nhồi cháy. Trong các viên màu có chứa thành phần hợp kim nhôm - magiê (Al-Mg) đóng vai trò làm chất cháy.
Trận bão gần đây gây mưa nhiều, thời tiết ẩm, mái nhà kho có thể bị dột hoặc bị hắt nên nước rơi vào quả pháo hoa. Khi đó, pháo hoa bị ẩm, hỗn hợp Al-Mg phân hủy làm nhiệt âm ỉ nhiều ngày. Đến thời điểm nhất định, chúng tự bốc cháy gây cháy pháo hoa. Do lượng pháo hoa lớn, từ cháy đã dẫn tới nổ toàn bộ kho chứa. Khi nổ, pháo hoa bắn lên trời rơi vào các kho và khu vực sản xuất.
Trước đó, gần 8h sáng 13/10, nhiều tiếng nổ lớn phát ra từ nhà Z4, thuộc Nhà máy Z121 (Thanh Ba, Phú Thọ), sau vài giờ phát nổ, toàn bộ khu vực nhà máy rộng cả chục nghìn mét với nhiều xưởng sản xuất bị phá hủy, hàng chục nhà dân trong vòng bán kính trên 3km bị ảnh hưởng, sập mái vỡ kính. Vụ nổ xảy ra khiến 24 người chết, và 98 người khác bị thương, gây thiệt hại trên 50 tỷ đồng.
Bá Đô
Hàng nghìn người đổ về mộ phần Đại tướng
Sáng nay, hàng nghìn người dân tiếp tục đổ về cầu nguyện tại núi Mũi Rồng, nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sáng nay, núi Mũi Rồng không còn cảnh biển người chen chân như hôm qua. Tiếng chuông chùa vang lên đều đặn cầu siêu cho Đại tướng. Hàng nghìn vòng hoa, câu đối được xếp kín dọc các bậc tam cấp dẫn lên khu mộ. |
Đêm qua, các thủ tục an táng đã hoàn tất, tuy nhiên ngôi mộ chưa được ốp đá mà mới chỉ đắp phần đất phía trên. Gia đình Đại tướng và ban tổ chức tang lễ đã đồng ý để người dân được đến sát bên phần mộ thắp hương cầu nguyện cho ông. |
Đầu giờ sáng, hàng nghìn người dân, tăng ni phật tử... tiếp tục đổ về Vũng Chùa để tận mắt nhìn thấy nơi an nghỉ cuối cùng của vị tướng. |
Nhiều người dân hôm qua không thể đến tiễn đưa Đại tướng, hôm nay đã vào Vũng Chùa thật sớm để viếng. |
Họ đứng cầu nguyện rất lâu. |
Sụp lạy bên mộ Đại tướng. |
Nhà ở ngay xã Quảng Đông, cách nơi an táng Đại tướng an nghỉ chừng 4km nên vợ chồng ông Nguyễn Xuân Tùng (65 tuổi) là những người đến thắp hương đầu tiên. Ông Tùng bảo, người Vũng Chùa tự hào khi được Đại tướng chọn làm nơi yên nghỉ. "Chúng tôi sẽ đến đây hương khói và chăm sóc phần mộ cho bác Giáp thay cho đồng bào chiến sĩ cả nước", ông Tùng tâm sự. |
Gần trưa, một chiếc trực thăng của không quân Việt Nam hạ cánh xuống Vũng Chùa. |
Chiếc chuyên cơ chở theo đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng do Trung tướng Nguyễn Quang Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, dẫn đầu về kiểm tra công tác an ninh khu vực an táng. |
Hầu hết các gia đình ở Vũng Chùa đều lập bàn thờ tưởng nhớ Đại tướng. Nhiều nhánh hoa rừng được đặt trước di ảnh ông. |
Lê Hoàng
Theo Vnexpress