Cháy rụi chợ trái cây lớn nhất Mỹ Tho
Sau gần nửa giờ phát hỏa trưa 8/10, 63 quầy sạp trong chợ trái cây Thạnh Trị ven sông Bảo Định ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cháy rụi.
Thượng tá Đoàn Văn Thanh, Trưởng công an TP Mỹ Tho cho biết, khu vực hỏa hoạn là chợ trái cây đầu mối lớn nhất Mỹ Tho, nằm dọc theo đường Nguyễn Tri Phương ở phường 4. Phía sau chợ là sông Bảo Định nên không chỉ xe chuyên dụng mà ca nô chữa cháy cũng được huy động.
Chợ Thạnh Trị cháy ngùn ngụt trưa 8/10. Ảnh: Người lao động. |
Lửa bén vào thùng xốp và bìa cát-tông đựng trái cây gây cháy nhanh. Hơn nửa giờ sau, lửa được dập tắt, 63 quầy sạp cháy rụi. Rất may không có người thương vong và dãy phố đối diện không bị ảnh hưởng.
Bước đầu nhà chức trách xác định, một tiểu thương thuê thợ hàn lại các khung sắt vào trưa nay. Có thể máy hàn làm điện quá tải gây chập dẫn đến hỏa hoạn.
"Chủ vựa thuê thợ hàn khai mới nhập trái cây trị giá khoảng nửa tỷ đồng đã bị cháy sạch. Các tiểu thương còn lại không còn nhiều hàng vì đã bán gần hết vào buổi sáng. Có người không kịp lấy tiền ra khỏi hộc tủ trong vựa và tổng tài sản thiệt hại chưa thống kê được", vị Trưởng công an TP Mỹ Tho nói.
Duy Khang
Kết luận nghi vấn tráo thủy tinh thể tại BV Mắt: 'Sơ suất'
Sáng 7/10, Sở Y tế Hà Nội tổ chức họp báo xung quanh những nghi vấn về việc tráo thủy tinh thể, dịch nhầy trong quá trình mổ phaco tại Bệnh viện Mắt Hà Nội được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Buổi họp báo xoay quanh đơn thư tố cáo của bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, bác sĩ phụ mổ, khoa Đáy mắt, Bệnh viện Mắt Hà Nội.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở hai lần nhận được đơn thư tố cáo sự việc tại Bệnh viện Mắt Hà Nội và đã thành lập tổ công tác tiến hành xác minh vụ việc. Kết quả, tại thời điểm kiểm tra chỉ phát hiện một số sai sót trong việc ghi biên lai, tem sử dụng vật tư y tế lưu tại bệnh án…
“Chúng tôi đã đề nghị bệnh viện chấn chỉnh như: bác sĩ sử dụng thủy tinh thể loại nào cần ghi rõ cho bệnh nhân, phòng hành chính cũng ghi rõ ràng giấy tờ, hồ sơ tránh hiểu lầm. Trong quá trình phẫu thuật nếu bác sĩ thay đổi thủy tinh thể cũng cần thông báo cho bệnh nhân biết. Bên cạnh đó, giá thành 6,5 triệu đồng mỗi ca, bệnh viện cần kê khai bao gồm những khâu nào để người bệnh được rõ”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội (người đứng) và bà Nguyễn Thu Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội (ngồi bên phải) tại buổi họp báo sáng 7/10. Ảnh: N.P. |
Không thỏa mãn với kết luận của thanh tra, nhiều câu hỏi được đặt ra cho lãnh đạo Bệnh viện về giá của thủy tinh thể được thay và nếu chênh lệch về giá người bệnh có được hoàn lại tiền.
Trả lời nội dung này, bà Nguyễn Thu Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho rằng, không có việc đánh tráo thủy tinh thể. Việc thực hiện ca phẫu thuật thay thủy tinh thể được tiến hành theo đúng các bước từ khám, tư vấn lựa chọn thủy tinh thể đến phẫu thuật. Giá trúng thầu của các loại nhân Bệnh viện đang sử dụng tương đương nhau, chỉ chênh nhau 20.000 đồng mỗi loại.
“Tuy nhiên, đúng là bộ phận hành chính của bệnh viện có sơ xuất trong thủ tục. Cụ thể, con dấu đóng vào sổ của bệnh nhân đều là sử dụng nhân IQ trong khi thực tế không phải vậy. Sau khi phát hiện sai sót trên bệnh viện đã khắc phục. Một sai sót nữa mà chúng tôi nhận thấy đó là bác sĩ phẫu thuật đã không yêu cầu bệnh nhân ký xác nhận loại thủy tinh thể được dùng”, bà Hương nói.
Về những câu hỏi liên quan đến nghi vấn tráo dịch nhầy, bà Hương phủ nhận việc này. Theo bà, dịch nhầy là loại vật tư tiêu hao, sử dụng trong từng ca mổ khác nhau, có bệnh nhân dùng nửa hoặc 1/3 lọ, nhưng có người dùng 3-4 lọ; không có quy định mỗi bệnh nhân dùng bao nhiêu dịch nhầy. Các bệnh nhân bù trừ cho nhau trong gói phẫu thuật đó chứ không phải bệnh nhân nào cũng dùng ít lượng dịch nhầy như thế để dư ra.
"Khi xây dựng thu trọn gói 6,5 triệu đồng thì dịch nhầy là một trong những vật tư tiêu hao sử dụng trong phẫu thuật chứ chưa xây dựng định mức với dịch nhầy nhưng làm sao với lượng dịch nhầy đó đạt kết quả tốt nhất cho bệnh nhân", bà Hương lý giải.
Câu trả lời không nhận được sự đồng thuận của các cơ quan báo chí. Lý do vì theo như đơn của người tố cáo, người bệnh đáng nhẽ được sử dụng loại dịch nhầy của Mỹ giá 490.000 đồng thì lại chỉ được dùng loại của Ấn Độ, giá rẻ hơn một nửa, lại được dùng cho 4-5 bệnh nhân. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B rất cao vì người bệnh trước mổ không được sàng lọc.
Trả lời vấn đề này bà Hương cho biết ngắn gọn: "Chúng tôi dùng lại mũi kim đã qua vô trùng".
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Yên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết: "Việc dùng loại nhân thủy tinh thể nào là có sự chỉ định của bác sĩ cho phù hợp nhất với bệnh nhân chứ không phải tráo. Còn dịch nhầy thuộc nhóm vật tư tiêu hao, tùy từng bệnh nhân mà dùng ít hay nhiều, không liên quan đến chất lượng điều trị. Bệnh viện thanh toán trọn gói là để đảm bảo thuận tiện cho công tác điều trị, giảm thiểu những chi phí, thao tác nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân".
Dù rất nhiều phóng viên còn tiếp tục đặt câu hỏi nhưng ông Phan Đăng Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã đề nghị kết thúc buổi họp báo và xin được trả lời bằng văn bản sau.
"Kết luận thanh tra và qua trao đổi đến giờ phút này, tôi khẳng định không có tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng trong đơn tố cáo có những nội dung là phản ánh đúng. Thanh tra đã làm việc và khẳng định tố cáo có cơ sở, trong công tác quản lý, điều trị có những cái không đúng cần khắc phục. Trong việc thu trọn gói ca 6,5 triệu rưỡi, tất cả là khoán. Tôi được biết hiện nay tại Bệnh viện Mắt đã khắc phục", ông Long nói.
Lọ dịch nhầy bên trái của Ấn Độ, giá bằng một nửa loại của Mỹ. Ảnh: N.P. |
Có mặt tại Sở Y tế Hà Nội từ lúc cuộc họp báo bắt đầu nhưng bác sĩ Thủy, người đứng đơn tố cáo không được tham dự. Dù vậy, bà vẫn kiên nhẫn đợi đến cùng để được nghe phản hồi từ các cơ quan báo chí.
Chia sẻ về phần trả lời của phía Bệnh viện cho rằng việc dùng nhân, dịch nhầy nào là do chỉ định của bác sĩ, bác sĩ Thủy cho rằng: "Không có bác sĩ nào chỉ định việc này cả, trên hồ sơ bệnh án cũng không hề có chữ ký của bác sĩ nào. Như tôi được biết tại các bệnh viện mắt khác, khi đi mổ phaco bệnh nhân được tư vấn dùng loại nhân hay dịch nhầy nào là tùy thuộc vào túi tiền của họ".
Có mặt tại buổi họp báo, tiến sĩ Cung Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, về nguyên tắc việc sử dụng dịch nhầy của Mỹ hay Ấn Độ không ảnh hưởng đến chất lượng mổ mắt, vì đây chỉ là vật tư tiêu hao giúp bác sĩ xé bao nhân thủy tinh thể. Có bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm nhiều về phẫu thuật phaco không cần dịch nhầy chỉ cần nước lọc cũng xé bao thủy tinh thể an toàn. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh nhân sử dụng loại thủy tinh thể và dịch nhầy nào sẽ được thông báo và thanh toán đúng thư thế. Nếu dùng ít bệnh nhân sẽ được trả lại số tiền thu ban đầu, dùng nhiều hơn bệnh nhân sẽ đóng thêm tiền.
Đơn tố cáo của bác sĩ Thủy gồm 7 nội dung, trong đó đáng chú ý là việc tráo đổi nhân thủy tinh thể và nhân dịch nhầy trong phẫu thuật mổ phaco mắt.
Theo bác sĩ Thủy, mỗi ca mổ phaco tại Bệnh viện Mắt Hà Nội trọn gói là 6,5 triệu đồng; gồm nhiều mục khác nhau. Trong đó, cơ bản người bệnh phải được dùng nhân mã IQ của Mỹ và dịch nhầy Douvis của Mỹ, một hộp có 2 tuýp vừa đủ dùng cho một người. Tuy nhiên đã có hiện tượng đấu thầu chất liệu rẻ tiền để tráo đổi (loại của Ấn Độ thay cho loại của Mỹ).
"Chúng tôi ước tính có khoảng 3.000 ca mổ đã bị tráo dịch nhầy của Ấn Độ với giá 245 nghìn đồng mỗi lọ. Nghiêm trọng ở chỗ một lọ này được chia ra dùng chung cho 4-5 bệnh nhân. Tính ra số tiền chi cho mỗi bệnh nhân chỉ khoảng 40.000-50.000 đồng. Trong khi giá tiền của một hộp Douvis là 490.000 đồng. Như thế mỗi một ca rút được 450.000 đồng", bác sĩ Thủy nói.
Về việc tráo đổi nhân, bác sĩ Thủy cho biết, trên hóa đơn thu tiền người bệnh đều ghi rõ thể tủy tinh nhân tạo IQ của Mỹ nhưng trên thực tế trong lúc mổ đã bị tráo sang nhân Hoya và Focus của hãng khác. Ước tính con số này khoảng 800 ca.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, người kiên trì tố cáo những sai phạm tại Bệnh viện Mắt Hà Nội từ năm 2011 đến nay. Ảnh: N.P. |
"Các kết luận thanh kiểm tra trước đó đều kết luận có việc thay đổi nhân, dịch nhầy nhưng lại coi đây là sai sót trong chuyên môn, tôi không đồng ý với điều này. Vì thế, tôi tiếp tục cố cáo lên trên", bác sĩ Thủy nói.
Nam Phương
Đại tướng chọn nơi an nghỉ từ nhiều năm trước
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đích thân chọn nơi an nghỉ cho mình tại quê hương Quảng Bình từ năm 2006. Vị trí an táng có cao độ 110 m, trên núi Vũng Chùa, trước mặt là Đảo Yến nằm cách bờ khoảng 500 mét.
Linh cữu Đại tướng sẽ được đưa về Quảng Bình bằng máy bay
Từ giữa những năm cuối thập niên 90, Đại tướng và gia đình bắt đầu có ý định tìm địa điểm để an nghỉ khi trăm tuổi. Ban đầu, Đại tướng có ý định đi về căn cứ địa Việt Bắc (ở Thái Nguyên), có lúc lại nghĩ đâu đó gần Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vùng Sơn Tây (Hà Nội). Liên quan tới quyết định này, Đại tướng đã để lại di bút. Bộ Chính trị cũng đồng thuận với tâm nguyện của Đại tướng.
Vũng Chùa là vũng biển nhỏ, có bờ cát trắng và bằng phẳng, sóng êm dịu, được hình thành bởi một triền núi đá đâm ra biển, người dân địa phương gọi là mũi Rồng. |
Chia sẻ tại cuộc giao lưu trực tuyến trên Tiền Phong Online chiều 8/10, bà Võ Hạnh Phúc (con gái Đại tướng) cho hay, cuối những năm 1990, Đại tướng nhiều lần về thăm quê hương Quảng Bình và nghĩ mình sẽ về với quê hương. Gia đình cũng đã đi xem xét nhiều nơi trong tỉnh và cuối cùng địa điểm được Đại tướng quyết định lựa chọn là Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc huyện Quảng Trạch.
Bà Phúc cho biết thêm, khi trả lời Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về vấn đề tổ chức tang lễ, đại diện gia đình bày tỏ rằng, suốt đời Đại tướng không có yêu cầu gì và đây là yêu cầu duy nhất. "Ông muốn về với miền Trung, miền đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống anh hùng. Về Quảng Bình nhưng không nhất thiết là ở quê nhà làng An Xá. Quyết định về Vũng Chùa - Đảo Yến có từ năm 2006", bà Võ Hạnh Phúc chia sẻ.
Bản đồ vị trí an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: QĐND. |
Sáng 8/10, sau khi gia đình và Ban tổ chức lễ tang thống nhất vị trí an táng thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Võ Điện Biên (con trai Đại tướng) cùng gia đình và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã đến Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) chuẩn bị cho Lễ an táng.
Khu vực Vũng Chùa được bao bọc bởi đảo Hòn La, Hòn Gió và Hòn Nồm. Vị trí an táng có cao độ 110 m, trên núi Vũng Chùa; trước mặt là Đảo Yến nằm cách bờ khoảng 500 mét; phía tây là điểm cao 136 (núi Sú); phía bắc là dãy núi cao chắn giữ những cơn gió mùa Đông Bắc; phía đông là Mũi Rồng nhô ra biển.
Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình đang điều động lực lượng, phương tiện khẩn trương sửa chữa và mở tuyến đường cơ động dài khoảng 1 km vào vị trí an táng; dự kiến hoàn thành trong hai ngày. Hiện, toàn bộ khu vực đã bị phong tỏa để phục vụ việc thi công.
Ôtô, máy móc được huy động để hoàn thành 1 km đường trong vòng 2 ngày. Ảnh: Quang Hà. |
Theo kế hoạch tổ chức quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lễ viếng tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) từ 7h30 ngày 12/10. Sau lễ truy điệu tổ chức vào 7h ngày 13/10, linh cữu của Đại tướng được chuyển ra sân bay Nội Bài để đưa lên máy bay về Quảng Bình.
Tang lễ tại Quảng Bình và TP.HCM được tiến hành cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng tại Hà Nội.
Báo Quân đội Nhân dân dẫn lời Đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, theo kế hoạch, đội tiêu binh danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Hà Nội sẽ cơ động vào đảm nhiệm thực hiện các nghi thức lễ an táng trọng thể, trang nghiêm.
"25 xe tiêu binh và xe chở thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp được điều động từ Quân khu 7 (TP HCM) ra Quảng Bình bằng đường sắt", ông Hiếu chia sẻ.
Nguyễn Hưng
Theo Vnexpess