Tin Trong Nước

Tối 2/10, anh Nhân lại say, về tới nhà lăn ra ngủ. Hơn 19h, chị Trúc đau bụng nhưng cố bảo các con ngủ sớm rồi tắt đèn, xuống nhà bếp ngồi bệt xuống sàn gạch sinh con...

Cha bé gái bị 'chôn sống' tha thiết nhận lại con

Hay tin vợ chôn con mới đẻ, anh Nhân nhận trách nhiệm thiếu quan tâm gia đình và tha thiết muốn nhận lại con.

 

Trao đổi với VnExpress sáng 5/10, trung tá Phan Thanh Hồng, Trưởng công an phường An Bình, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết, chiều 4/10 đã triệu tập cha của bé gái bị mẹ "chôn sống" là anh Trương Văn Nhân ở khu vực 8, phường An Bình. Người đàn ông 43 tuổi này khẳng định, đến rạng sáng 4/10 anh mới nghe vợ kể lại vụ "chôn sống" con gái sau khi tự vượt cạn.

Theo anh Nhân, hàng ngày anh rời nhà rất sớm để đi làm phụ hồ. Chiều nhậu với bạn bè, tối về thường say rượu nên không biết vợ mang bầu. Một tháng trước trong lần gần gũi nhau, người chồng giật mình khi thấy bụng vợ căng tròn. Chị Cẩm Trúc dặn chồng đừng cho mẹ hay, sợ bị mắng vì nhà nghèo mà sinh nhiều con.

Tối 2/10, anh Nhân lại say, về tới nhà lăn ra ngủ. Hơn 19h, chị Trúc đau bụng nhưng cố bảo các con ngủ sớm rồi tắt đèn, xuống nhà bếp ngồi bệt xuống sàn gạch sinh con.

"Vợ tôi bảo vừa đau lại vừa sợ, nghĩ đến con lớn lên trong cảnh nghèo khiến vợ tôi quẫn trí. Sau khi cho bé vào bọc ni lông, vợ tôi quấn thêm cái bao đựng gạo rồi xách dao ra ngoài hè đào đất trong lùm cây để bỏ con. May mắn là con tôi sau đó được mọi người cứu", anh Nhân cho biết.

Còn chị Trúc, khi làm việc với công an ràn rụa nước mắt cho biết, gia đình không đất đai, chồng làm phụ hồ, hàng ngày chị Trúc mò cua bắt ốc hoặc ai thuê gì làm nấy. Cuộc sống thiếu trước hụt sau, chị vay mượn khắp nơi để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và cho con trai đầu 15 tuổi nghỉ học, phụ bán cà phê kiếm tiền giúp cha mẹ.

"Lãi nóng đến 50-60% khiến nợ ban đầu chỉ vài triệu đồng đã tăng lên đến gần 200 triệu. Có bầu 5 tháng tôi mới biết, không dám hé môi với ai, cố giấu đến đâu hay đến đó", chị Trúc kể khổ.

Rạng sáng 4/10, chị Trúc gọi chồng thức sớm để kể lại việc vứt con. Người chồng không tiếc lời mắng vợ thậm tệ. Tuy nhiên, anh Nhân nhận trách nhiệm vì thiếu quan tâm vợ, chậm biết chị Trúc có bầu và thường say xỉn nên để vợ tự vượt cạn.

"Có thể không truy cứu trách nhiệm hình sự chị Trúc vì bé gái được cứu sống và không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Anh Nhân tha thiết mong được nhận lại con", trung tá Hồng cho biết thêm.

Trước đó, tối 2/10, ông Trương Văn Duyên ở phường An Bình đi mua thuốc lá thì nghe sau hàng rào cây cảnh có tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Ông Duyên về nhà gọi mẹ và báo động hàng xóm mang bé gái bị cho là "chôn sống" vào trạm y tế cấp cứu sau đó được bà Đỗ Thị Công đem về chăm sóc.

Qua điều tra, nhà chức trách tình nghi chị Trúc sinh con rồi đem bỏ nhưng chị này không thừa nhận. Đến khi cảnh sát yêu cầu đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe thai nhi, người mẹ mới “nhận tội”.

Duy Khang

ch nước sản xuất góp phần gây lũ lụt miền trung

"Theo quy định từ ngày 1/10, phải giữ mực nước hồ là 21 m, nếu xả cạn không đủ nước để dân sản xuất thì công ty phải chịu trách nhiệm", Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Nghệ An giải thích về việc không xả nước hồ thủy điện trước bão Wutip.

Trận lụt vừa qua ở Hoàng Mai đã khiến hàng chục nghìn ngôi nhà chìm trong nước. Ảnh: HB-VH.

Trận lụt vừa qua ở Hoàng Mai khiến hàng chục nghìn ngôi nhà chìm trong nước. Ảnh: HB-VH.

Sáng 4/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An họp báo liên quan đến việc xả lũ hồ Vực Mấu làm nhấn chìm cả thị xã Hoàng Mai. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An và UBND thị xã Hoàng Mai. Nội dung buổi hợp tập trung vào quy trình xả lũ. 

Báo cáo về quy trình vận hành hồ chứa Vực Mấu, ông Hồ Ngọc Mai, Giám đốc Công ty Thủy lợi Bắc Nghệ An cho biết, từ ngày 13 đến 28/9 đã nhiều lần xả lũ, nhưng tối đa mới chỉ xả 2 cửa nên công ty không thông báo. Khi nhận tin bão Wutip có thể ảnh hưởng tới Nghệ An, lượng mưa hạ lưu 100 - 200 mm nên công ty đã xin ý kiến của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ông Mai cho biết, 7h ngày 30/9 công ty thông báo bằng điện thoại và 8h đã thông báo bằng văn bản về việc xả lũ tràn Vực Mấu. 19h cùng bắt đầu mở cửa xả thứ nhất và cửa thứ 5 được mở lúc 4h30 ngày 1/10.

"Việc vận hành tràn xả lũ hồ Vực Mấu được thực hiện đúng quy trình", ông Mai khẳng định và cho rằng, lượng mưa quá lớn và tập trung trong thời gian ngắn, cộng với thủy triều dâng cao và đạt đỉnh đúng thời điểm xả lũ khiến việc thoát lũ chậm", ông Mai nói.

Trước câu hỏi của báo giới về việc vì sao địa phương không xả lũ trước khi bão Wutip ập vào, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, cho biết, theo quy định từ ngày 1/10 hằng năm, quy trình xả lũ được áp dụng khi mực nước trong hồ đạt 21 m. Nhưng trong đêm 30/9, hồ đã được xả khi mực nước còn thấp hơn cao trình này.

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Nghệ An nói thêm, nếu xả cạn không đủ nước để dân sản xuất thì công ty phải chịu trách nhiệm. "Đây cũng là một áp lực lớn đối với anh em”, ông Lập cho hay.

Cũng theo ông Lập việc xả cùng lúc 5 cửa tràn là phương án bất khả kháng và tối ưu nhất. "Nếu không mở tối đa 5 cửa mà chỉ mở 1-2 hay 4 cửa thì nguy cơ vỡ đập là chắc chắn. Lúc đó thì cả thị xã Hoàng Mai sẽ bị cuốn ra biển, gây ra thảm họa", ông Lập nhấn mạnh. 

Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, ông Nguyễn Hữu Tuy cho hay, về mặt pháp lý, đơn vị quản lý hồ Vực Mấu xả lũ theo đúng quy trình. Tuy nhiên, thông báo xả lũ đưa ra quá sơ sài khi không thông báo cụ thể thời gian xả, xả trong bao lâu, xả bao nhiêu cửa, tương ứng với mức nước dân bao nhiêu.

Bên cạnh đó, thông báo chính thức đến UBND thị xã là vào 15h ngày 30/9, chỉ 4 tiếng đồng hồ trước khi xả và trong hoàn cảnh mưa bão khiến công tác ứng phó của địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Chính vì thế, ông Tuy cho biết, sắp tới địa phương có đề nghị xem lại quy trình để trong những trường hợp tương tự xả sớm, thông báo cụ thể hơn. “Nói đi cũng phải nói lại, đây là đợt mưa lũ tần suất 200 năm mới có một lần nhưng sắp tới chúng tôi thà chấp nhận hạn, thiếu nước chứ dứt khoát không để xảy ra lũ nữa”, ông Tuy nói.

Ông Lê Sỹ Chiến, Phó chủ tịch thị xã Hoàng Mai cho hay, ngay khi nhận được thông báo về việc xả lũ hồ Vực Mấu, đã họp khẩn và thành lập 6 tiểu ban để ứng cứu, di dời dân. Vị Phó chủ tịch cũng khẳng định, đã nỗ lực hết sức và ứng phó kịp thời trong công tác tuyên truyền, di dời dân, nếu không thì thiệt hại sẽ lớn hơn nữa.

Đồng quan điểm, giáo sư Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cũng cho rằng, về nguyên tắc quy trình xả lũ ở Nghệ An là đúng.

Theo ông Hồng đây là khu dân cư đông đúc, từ năm 1982 đến nay địa phương này mới có vụ xả lũ như thế, vì vậy, giới chức cần thực hiện việc cắm mốc vạch thể hiện mực an toàn để dân biết, ngăn cấm dân nếu họ đi vào nơi nguy hiểm.

Bão Wutip đã làm hàng chục người chết, 10 nhà sập, hơn 120 nhà tốc mái và hơn 22.000 nhà bị ngập, trong đó riêng thị xã Hoàng Mai có 20.000 nhà ngập. Nước đã rút và ước tính thiệt hại ban đầu của toàn tỉnh là hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó thị xã Hoàng Mai là 800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vụ nước lũ còn khiến khiến hai người chết, một người mất tích.

Về biện pháp khắc phục, ông Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phó chủ tịch thị xã cho biết, trước mắt sẽ cùng các ban nghành cứu trợ người dân ổn định cuộc sống. Tiếp đó, sẽ tham mưu cho công ty vận hành hồ chứa đánh giá lại quy trình xả lũ; đánh giá chính xác mức độ ngập lụt vùng hạ lưu khi mở tối đa 5 cửa tràn, vì đây là lần đầu tiên mở cùng lúc 5 cửa; xây dựng các kịch bản di dời dân nếu tiếp tục phải xả lũ.

Hồ Vực Mấu là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Nghệ An. Hồ được xây dựng năm 1978 -1979, được đưa vào vận hành năm 1982. Dung tích sử dụng là 75 triệu mét khối nước (tương đường với 20,5 mét so với mực nước biển). Theo quyết định số 93/2009/QDDUBND ngày 07/10/2009 của UBND tỉnh Nghệ An về việc Ban hành quy trình hồ chứa nước Vực Mấu thì khi mực nước trong hồ cao cao 20,5 mét tương đương với 75 triệu mét khối nước thì bắt đầu xả lũ 1 cửa. Và khi mực nước vẫn tiếp tục lên thì tiếp tục xả các cửa lần lượt theo quy định. Hồ Vực Mấu là hồ duy nhất ở Nghệ An đã được lắp đặt hệ thống điện tử có tên (SCADA). Với hệ thống này thì quy trình vận hành, theo dõi hồ Vực Mấu đều được Tổng Cục Thủy lợi ở Hà Nội quan sát được 24/24.

Nhóm phóng viên

 

Ba tôi đã ra đi một cách nhẹ nhàng’

“Bên cạnh ông những giây phút cuối trước khi ông ra đi một cách nhẹ nhàng có đầy đủ con, cháu và những người thân cận nhất”, anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ. 

Một ngày sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, khuôn viên số 30 Hoàng Diệu (quận Ba Đình), nơi Đại tướng sống cùng gia đình vẫn tĩnh lặng như 4 năm qua, kể từ khi Đại tướng nằm điều trị ở Viện quân y 108. Phía sau khoảng sân rộng với hàng cổ thụ, căn biệt thự cổ hai tầng và dãy nhà văn phòng đầy ắp những đồ lưu niệm. Từ những bức trướng chúc thọ 80 tuổi, tức là cách đây hơn 20 năm, đến những bài thơ, câu đối dịp sinh nhật vừa qua đều được trưng bày lớp lang khắp phòng tiếp khách, hành lang nơi Đại tướng từng làm việc.

nha-8700-1380975802.jpg

Những bức trướng mừng thọ qua nhiều năm, những kỷ vật của người yêu mến, kính trọng Đại tướng từ khắp nơi gửi đến trưng bày khắp Văn phòng. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Thay nhau tiếp những đoàn khách tới chia buồn, văn phòng và người thân của Đại tướng cũng tranh thủ sắp xếp lại đồ đạc, kỷ vật. Nhiều cán bộ, cận vệ của Đại tướng dù đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng không ai bảo ai cùng về góp một tay dọn dẹp.

Chủ động cùng gia đình chuẩn bị hậu sự, anh Võ Hồng Nam cho hay, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Trung ương Đảng đều đã cử người tới để phối hợp. Dù tỏ vẻ rắn rỏi, người con út của Đại tướng không thể ngăn cho đôi mắt khỏi hoe đỏ khi nói về những giây phút cuối cùng của cha.

Theo anh, tính đến lúc trút hơi thở cuối cùng, Đại tướng đã nằm ở Viện 108 liền 1.559 ngày - một kỳ tích mà "chỉ có những y bác sĩ chăm sóc Đại tướng bằng tất cả sự thương yêu, kính trọng mới có thể làm được".

"Mấy hôm vừa rồi ông yếu đi nhanh. Ba tôi như người đã đi hết quãng đường, như ngọn đèn đã cạn dầu để rồi ra đi một cách nhẹ nhàng. Bên cạnh ông những giây phút cuối có đầy đủ con, cháu và những người thân cận nhất", con trai Đại tướng chia sẻ.

anh-Nam-7468-1380975802.jpg

Anh Võ Hồng Nam (bìa trái, đeo máy ảnh) và đại tá Nguyễn Văn Huyên (ngồi) trong buổi gặp mặt cán bộ Văn phòng dịp sinh nhật 103 của Đại tướng cuối tháng 8 vừa qua. Ảnh:Nguyễn Hưng.

Với người thư ký thân cận nhất của Đại tướng, đại tá Nguyễn Văn Huyên, dù luôn kiệm lời khi được hỏi về "anh Văn" nhưng ông vẫn run giọng khi nhớ lại buổi chiều muộn 4/10.

"Tôi nghe tin cấp báo tình hình nguy kịch của anh Văn lúc 17h30, khi đang ở nhà. Mặc dù đến thăm anh hàng ngày, ở với anh mấy chục năm nhưng lúc đó tôi đã òa khóc", đại tá Huyên nói. Giọt nước mắt ẩn sau cặp kính dày khi nhắc tới phút giây định mệnh của Đại tướng khiến người đối diện không dám nhìn thẳng vào người thư ký đã ngoài 80.

Được hỏi chia sẻ về Đại tướng sau gần 40 năm cùng làm việc, đại tá Huyên cho rằng, có lẽ chẳng cần phải bày tỏ thêm điều gì bởi con người và sự nghiệp của Đại tướng đã nói lên tất cả.

"Đại tướng là người hạnh phúc. Ông gần như được toàn dân yêu mến, kính trọng, đó là điều tôi thấy rất rõ", người thư ký lâu năm đúc kết.

Chiều 5/10, Văn phòng Ban chấp hành trung ương Đảng có thông cáo đặc biệt về lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đó, tang lễ Đại tướng được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 12 và 13/10. Lễ an táng được tổ chức tại Quảng Bình vào ngày 13/10 theo nguyện vọng của gia đình.

Trước đó vào hồi 18h09 ngày 4/10 tại Viện quân y 108, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - "người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam", "vị tướng của nhân dân" - đã trút hơi thở cuối cùng khi vừa bước sang tuổi 103.

Nguyễn Hưng

Theo Vnexpress