'Sách vở ướt hết sạch rồi, đi học răng đây'
Sau khi bê chiếc thúng có đàn gà và con chó nhỏ đi sơ tán, Lê Thị Thương lại cùng em trai lật giở từng trang sách đẫm nước, giọng đầy lo lắng: “Sách vở của chị em cháu bị ướt hết sạch rồi, đi học răng đây?”.
Sáng nay, nước lũ ở xã Quỳnh Trang (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã rút. Khắp các đường làng, ngõ xóm trong xã, người dân hối hả đi ra đi vào dọn dẹp nhà cửa, vẻ mặt thất thần sau hai đêm sống trong lũ.
Bị chìm trong lũ nên người dân xóm 5 (xã Quỳnh Trang) chịu thiệt hại nặng nề nhất. Chiếc cầu phao duy nhất được kết bằng tre nứa nối với xóm 6 qua sông Mai đã bị lũ cuốn trôi. Anh Lê Công Đức (45 tuổi), vẻ mặt thẫn thờ tâm sự: "Thế là hết rồi. Cầu trôi, nhà tui cũng có còn chi nữa mô".
Người dân thẫn thờ nhìn dòng nước lũ đang rút dần. Ảnh: Duy Ngợi. |
Nói rồi anh vào nhà chỉ về nơi hơn 400 con gà con mới ấp cùng hơn trăm con gà thịt (2,5-3 kg), hai con hươu bị chết, ước thiệt hại 50 triệu đồng. "Nước lũ dâng lên quá nhanh, may mà vợ chồng tui cùng hai người hàng xóm có cái gác xép để trú ẩn, không thì cũng trôi rồi. 10h tối qua, xã chèo xuồng tới phát cho vợ chồng tui 10 gói mỳ tôm ăn sống cho đỡ đói", anh Đức kể.
Cảnh ngộ nhà ông Lê Văn Công và bà Nguyễn Thị Đàn còn bi đát hơn. Nhà ông bà có 4 người con, 3 người học đại học. Con gái út ra trường được hơn một năm, chưa có việc nên ông vay ngân hàng và anh em sắm hai lò ấp trứng cùng 200 con gà mái đẻ những mong làm ăn được sẽ trả hết nợ.
Nhưng trận lũ vừa qua đã nhấn chìm tất cả gia tài, vốn liếng của gia đình ông bà. "Hai lò ấp trứng của vợ chồng tui sắp đến ngày nở, ước tính khoảng 20.000 con mà ngập nước, giờ hỏng hết rồi. Ai giúp vợ chồng tui đây hả trời?", ông Công lắc đầu ngao ngán khi đứng trước khu ấp trứng tan hoang, cả trăm con gà nằm la liệt.
Vừa phụ chồng lau dọn nhà cửa, bà Đàn vừa mếu máo: "Giờ lũ lấy đi rồi còn gì nữa mô. Vợ chồng tui nợ lại chồng thêm nợ. Đúng là trời không thương mà còn cướp hết. Tình hình ni chắc làm cả đời cũng không trả hết. Lũ lên nhanh quá".
Dù đã được kê lên cao nhưng những bao thóc vẫn ngập trong nước. Ảnh: Duy Ngợi. |
Cách đó không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Kiệm (65 tuổi) cũng đang tất bật dọn dẹp nhà cửa. Bao lần đối mặt mưa ngập nhưng chưa bao giờ người lính Trường Sơn năm xưa lại thấy cảnh lũ khủng khiếp như vừa qua. Cầm tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhì ngấm đầy nước, bà thở than: "Giấy tờ ướt mất rồi, không nắng lên thì mục nát mất".
Không chỉ các giấy tờ quan trọng bị ngâm nước, chồng sách vở của hai đứa cháu nội bà Kiệm cũng chịu chung tình trạng. Em Lê Công Hội (lớp 7A, THCS Quỳnh Trang) chưa hết sợ hãi vì cơn lũ dâng trong đêm tối. Vừa lật giở những trang vở ướt sũng, Hội nhớ lại: "Khi lũ lên, chị em cháu và bà ở trong nhà nên không biết gì. Lúc nước đến chân giường, nghe tiếng bố và bác hàng xóm đưa thuyền tới, 3 bà cháu mới biết".
Sau khi bê chiếc thúng có đàn gà và con chó nhỏ đi "sơ tán", Lê Thị Thương (chị gái của Hội, học lớp 10A13, THPT Hoàng Mai) lại cùng em trai lật giở từng trang sách đẫm nước. Giọng Thương đầy lo lắng: “Sách vở của chị em cháu bị ướt hết sạch rồi, đi học răng đây?”.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam cho biết, tối 1/10, do nước lũ vẫn cao nên xã đã cử người và thuyền cứu hộ đi phát mỳ tôm, nước ngọt cho 170 hộ ở xóm 5. Hiện, nước lũ đã rút, cả xã chỉ còn một số hộ ở xóm 3, xóm 10 vẫn đang bị ngập.
Trước mắt, xã đang phối hợp với trung tâm y tế huyện xử lý nước bể, nước giếng để các hộ dân có nước sạch dùng, sau đó mới xử lý môi trường. Còn thiệt hại do mưa lũ vẫn chưa được thống kê.
Duy Ngợi
Thi thể Phó giám đốc Sở Công thương kẹt trong xe bị lũ cuốn
Đêm 1/10, ôtô chở ông Nguyễn Tài Dũng - Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An trên đường đi cứu trợ lũ bị nước cuốn mất tích. 9h30 sáng nay, thi thể ông Dũng được tìm thấy trong xe cách hiện trường tai nạn 300 m.
Ông Nguyễn Tài Dũng cùng lái xe riêng đi xe 7 chỗ đến khu vực tập kết hàng cứu trợ (gồm 10 tấn mì tôm và 100 thùng nước uống) để ứng cứu khẩn cấp cho người dân bị ngập lũ ở thị xã Hoàng Mai. Hơn 22h khi cách sông Hoàng Mai khoảng 70 m vì trời tối, nước chảy xiết, xe bất ngờ chết máy và bị lũ cuốn trôi.
Tài xế đã cố gắng vật lộn và thoát được qua khe cửa kính còn ông Dũng kẹt lại và bị trôi cùng chiếc xe. Sau khi rời khỏi xe gặp nạn, tài xế được các chiến sĩ quân đội đưa vào bờ.
Chiếc xe Fortuner chở Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An được trục vớt sáng 2/10. Ảnh: Hải Bìn |
Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ của Quân khu 4 và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cùng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có mặt tại hiện trường, thực hiện các phương án ứng cứu khẩn cấp nhưng nước quá sâu, trời tối nên việc tìm kiếm không có kết quả.
Khoảng 9h sáng nay, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện ôtô chở ông Nguyễn Tài Dũng ở sông Hoàng Mai (phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai). Xe mắc vào con tàu nằm cách vị trí bị trôi chừng 300 mét.
Lúc 9h30, chiếc xe lâm nạn được lực lượng công binh kéo lên bờ, các cửa xe vẫn đóng chặt. Thi thể ông Dũng được phát hiện nằm trong ghế trước của chiếc xe.
Video, ảnh: Trục vớt xe cứu trợ bị lũ cuốn
Thi thể ông Dũng kẹt trong xe cùng số hàng cứu trợ. Ảnh: Hải Bình |
Trước đó ngay trong đêm 1/10, ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng có mặt tại thị xã Hoàng Mai, trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn người dân đang mắc kẹt trong nước lũ. Đến 1h sáng 2/10, vẫn còn 600 hộ dân trong vùng ngập sâu cần di dời khẩn cấp và 20.000 nhà dân bị ngập nước hoàn toàn. Hồ Vực Mấu đang xả lũ, trong khi đó, khu vực Hoàng Mai tiếp tục mưa, vì vậy nước chưa thể rút xuống trong thời gian ngắn.
Hải Bình
Chủ khu vườn 'ma quái' đập bỏ tượng máu me
Trong khi chủ nhân khu vườn "đau lòng" vì phải đập bỏ những bức tượng được cho là "kích động bạo lực" cơ quan chức năng khẳng định "hoàn toàn có cơ sở pháp lý" buộc ông này không trưng bày tượng đầu người máu me, kinh dị.
Vết tích bị đập bỏ của những bức tượng được cho là "kích động bạo lực". Ảnh: Nguyên Vũ. |
Ngày 1/10, Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Tây Ninh, UBND huyện Hòa Thành tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế tại khu vườn nhà ông Phạm Chứng, ấp Long Hải, xã Trường Tây. Trước đó, cơ quan chức năng đã có buổi trao đổi, thuyết phục ông Chứng ngưng tạc, tháo dỡ những tượng người chết chóc. Bước đầu, ông Chứng đã bỏ đi một số tượng hình thù kinh dị, máu me tại khu vườn.
Một vấn đề nữa mà ngành chức năng của tỉnh Tây Ninh lo lắng là tình hình bệnh sốt rét có khả năng bùng phát do khu vườn nhà ông Chứng cỏ dại mọc um tìm, nhiều muỗi phát sinh từ các bồn chứa nước bỏ hoang. Mới đây, Trung tâm y tế huyện Hòa Thành phối hợp Trạm y tế xã Trường Tây đã khảo sát tình hình khu vườn này để có biện pháp phòng bệnh kịp thời.
Chiều cùng ngày, hay tin ông Phạm Chứng về thăm khu vườn “ma quái" cùng các ban ngành chức năng địa phương, nhiều người dân ấp Long Hải đã tìm đến để nghe ông lão 74 tuổi giãi bày về sở thích được cho là "khác người" của mình.
Mái tóc bạc trắng, làn da rắn rỏi, trông ông Chứng trẻ hơn tuổi đời. Giọng điềm tĩnh, ông bảo đã lập ra khu vườn vì 3 nguyên nhân. Thứ nhất là để chống trộm, vì nhà thờ họ Vũ (mẹ ông Chứng) từng 2 lần bị bẻ khóa vào lấy đồ đạc. Thứ hai là để có nơi thờ cha mẹ, ông bà và cuối cùng là vì ông "có sở thích tạc tượng người chết".
“Mỗi người một sở thích. Có người thích chơi chim, cây cảnh, cờ tướng, còn tôi thì đam mê tạc tượng mặt người chết. Đó là quyền tự do cá nhân, sao lại phê phán?", chủ khu vườn nói và cho biết do mọi người không hiểu nên mới bảo ông lập dị về tín ngưỡng. Tuy nhiên, khi được cơ quan chức năng khuyên sơn trắng các bức tượng cho đỡ kinh dị, hoặc tháo xuống đập bỏ những bức tượng chết chóc, ông đã làm theo dù "trong lòng không muốn".
Ông Chứng bên ngôi mộ giả thờ mẹ. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thanh Phong - Công an viên phụ trách ấp Long Hải cho biết công an xã đã làm việc với ông Phạm Chứng và ông này cam kết là 2 tháng sẽ phá dỡ hết những tượng đầu người máu me, bị tạt axit rùng rợn...
"Trước mắt, ông Chứng phải dỡ mấy tượng kỳ quái xuống hoặc làm cách nào đừng để người dân đi ngang thấy. Về phía công an, quản lý an ninh trật tự tại địa phương, thì việc làm của ông Chứng đang gây hoang mang, ảnh hưởng tâm lý người dân, mất trật tự, mỹ quan khu dân cư", ông Phong nói.
Theo Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Tây Ninh, cơ quan chức năng huyện Hoà Thành đã làm việc với ông Chứng, yêu cầu bỏ ngay những tượng có tính chất "kích động bạo lực" miêu tả cảnh đầu rơi máu chảy, tạt axit... Đề nghị này được căn cứ vào các quy định tại khoản 1, Điều 3 của Nghị định 103, Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; khoản 1, Điều 3 của Thông tư 04 của Văn hoá - Thể thao - Du lịch về "Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng". Sau khi được giải thích, ông Chứng cam kết tháo dỡ những tượng "kinh dị" trong thời hạn 2 tháng (đến đầu tháng 11).
Riêng với những tượng, hình ảnh khác, nếu ông Chứng muốn được cấp phép vì cho rằng đó là những "tác phẩm nghệ thuật" thì phải được thông qua hội đồng nghệ thuật thẩm định.
Nguyên Vũ
Theo Vnexpress