Tin Thế Giới Tổng Hợp

"Hiện tại tôi có rất nhiều khoản phải chi tiêu, học phí, tiền nuôi con, các hóa đơn", Smith, 23 tuổi, nhân viên của Công viên Lịch sử Di sản Hàng không Quốc gia Dayton ở bang Ohio nói. "Tôi chỉ biết lo lắng và chờ đợi giống như bao người khác"...

Người Mỹ hoang mang vì chính phủ đóng cửa

Những người làm công ăn lương cho chính phủ Mỹ hết sức bực bội, thậm chí "sợ đến chết' khi bị cho nghỉ không lương; sinh viên ra trường càng gian truân hơn khi tìm việc, trong khi khách du lịch vừa thất vọng vừa kinh ngạc. 

 

my.jpg
Các khách du lịch tần ngần trước bảng thông báo Tượng Nữ thần Tự do ở New York đóng cửa. Ảnh: AP

Darquez Smith, một nhân viên kiểm lâm sắp làm cha, lo lắng không biết mình sẽ phải sống ra sao. Chính phủ có nguy cơ đóng cửa trong một thời gian dài, còn anh thì đã dành dụm hết số tiền có được để trang trải cho việc học đại học.

"Hiện tại tôi có rất nhiều khoản phải chi tiêu, học phí, tiền nuôi con, các hóa đơn", Smith, 23 tuổi, nhân viên của Công viên Lịch sử Di sản Hàng không Quốc gia Dayton ở bang Ohio nói. "Tôi chỉ biết lo lắng và chờ đợi giống như bao người khác". 

Thời hạn để thống nhất ngân sách hoạt động cho chính phủ Mỹ đã qua đi, giữa những tranh cãi và chỉ trích lẫn nhau của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Việc chính phủ đóng cửa đã ngay lập tức gây nên những tác động đối với mọi mặt đời sống của người dân Mỹ.

Từ Tượng Nữ thần Tự do ở New York đến Công viên Quốc gia Denali ở Alaska đều được lệnh đóng cửa, trong khi hàng nghìn nhân viên liên bang phải nghỉ việc không lương và các dịch vụ chính phủ không cần thiết đều bị ngừng hoạt động. Người dân Mỹ cũng đã không còn được nhận các khoản hỗ trợ cho vay liên bang hay hỗ trợ thực phẩm cho trẻ em và phụ nữ có thai.

Gần 3.000 giám sát viên an toàn của Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã được cho nghỉ không lương cùng hầu hết các nhân viên của Ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong đó có cả các điều tra viên về các vụ tai nạn.

Hầu hết các bộ phận của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA đều ngừng hoạt động, ngoại trừ Ban Điều khiển ở Houston.

Tuy nhiên, tại Colorado, nơi lụt lội đã giết chết 8 người hồi đầu tháng, các quỹ khẩn cấp để hỗ trợ tái thiết nhà cửa và các doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng việc các nhân viên liên bang phải nghỉ phép có thể sẽ khiến nguồn tiền này chậm giải ngân.

Các binh sĩ đang xây dựng lại những con đường sạt lở có thể vẫn được trả lương đúng thời hạn, như số quân nhân đang hoạt động còn lại của Mỹ, theo một dự thảo được thông qua vài giờ trước khi chính phủ đóng cửa. Các dịch vụ An ninh Xã hội và Y tế cho cựu chiến binh và thư tín cũng sẽ không bị ảnh hưởng.

Nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa, tất cả các nhân viên dự kiến vẫn sẽ được trả lương vào đúng thời hạn là ngày 15/12.

Tuy nhiên, Marc Cevasco, làm việc tại Bộ Cựu chiến binh, cho hay dù chính phủ chỉ đóng cửa một tuần đi chăng nữa, thì một phần tư tháng lương của anh cũng bị ảnh hưởng. 

Cevasco, 30 tuổi, được biết rằng văn phòng của anh vẫn có đủ tiền để trả lương cho nhân viên trong ngày 1/10, vì thế anh tiếp tục lịch làm việc của mình. Tuy nhiên, anh có thể phải gác lại mọi thứ vào cuối ngày và trở về nhà chờ đợi, cho đến khi chính phủ tái mở cửa.

shut-down-2-3256-1380671693.jpg
Thông báo được dán sáng 1/10 giờ địa phương ở Thư viện Quốc hội Mỹ, cho biết thư viện đóng cửa trong thời gian chính phủ không có ngân sách hoạt động. Ảnh: AP

'Tôi sợ đến chết'

Victoria Friedensen, 57 tuổi nói, là giám đốc điều hành chương trình của NASA. Nhưng cũng như nhiều nhân viên khác, Friedensen sẽ phải ở nhà khi chính phủ đóng cửa.

Một số nhân viên đã nghỉ phép năm nay, khi NASA cắt giảm chi tiêu. "Thật bực bội khi phải chứng kiến sự bế tắc này", bà nói. "Bạn đã mất 6 ngày lương và bây giờ lại thế sao?"

Elerky Crosby, 66 tuổi, một nhân viên lâu năm ở Viện Sức khỏe Quốc gia, nhớ lại lần chính phủ đóng cửa năm 1996. Lúc đó, bà được xếp vào danh sách những nhân viên chủ chốt. Còn bây giờ, là một nhân viên hỗ trợ hành chính, bà nằm trong số 40.512 người bị cho nghỉ phép không lương.

"Tôi sợ đến chết", bà nói.

Matthew Denicola, 22 tuổi, một nhân viên tư vấn kinh tế ở New York, cho biết anh sẽ không bị ảnh hưởng gì bởi sự cố trên vì đang làm việc trong lĩnh vực tư nhân. Tuy nhiên, Denicola vẫn chứng kiến những tác động của việc chính phủ đóng cửa đối với cuộc sống của bạn bè mình.

Họ mới tốt nghiệp đại học Georgetown nhưng không thể tìm được công việc trong lĩnh vực công đúng nguyện vọng, ở Thượng viện, Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng, chỉ vì cắt giảm ngân sách. Việc chính phủ đóng cửa làm cho những nỗ lực tìm việc của họ càng gian truân hơn.

Denicola cho hay anh đã ngừng theo dõi các tin tức về biến cố này. "Tôi không xem nữa. Tất cả cũng chỉ là mọi người đang đẩy đất nước vào nguy cơ tranh chấp đảng phái. Thật nực cười", anh nói. 

Trong khi đó, thị trưởng Washington Vincent C. Gray tuyên bố chính quyền thành phố sẽ không đóng cửa, nghĩa là rác vẫn sẽ được thu dọn, các loại giấy phép vẫn sẽ được cấp ra và các văn phòng vẫn mở cửa.

"Trừ khi có ai còng tay tôi giải đi, còn không, tôi sẽ không đóng cửa bất cứ thứ gì", ông nói, cho biết các luật sư thành phố đã chấp thuận việc sử dụng nguồn ngân sách dự trữ đặc biệt, có tổng trị giá 144 triệu USD, để duy trì hoạt động của chính quyền.

'Kỳ lạ và hấp dẫn'

Emily Enfinger, một khách tham quan Tượng Nữ thần Tự do, cho rằng các nhà chính trị cần tìm ra cách thức làm việc cùng nhau. "Họ nên sẵn sàng thỏa hiệp, cả hai phía, và tôi thấy thất vọng khi dường như họ không thể làm được điều đó", cô nói. 

Joe Wentz, một nhân viên liên bang đã nghỉ hưu ở Virginia, đang du lịch San Francisco cùng vợ, đã mua vé đến thăm đảo Alcatraz vào ngày 3/10, tất nhiên là nếu nó mở cửa.

Wentz cũng cho hay anh rất thất vọng khi một số chính trị gia đang dùng ngân sách để thúc đẩy những thay đổi trong Bộ luật Chăm sóc Sức khỏe. "Đã từ lâu chúng tôi cảm thấy chán ghét khi họ không thể làm việc với nhau", anh nhắc đến hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Marlena Knight, một người Australia đang thăm Philadelphia, thì bày tỏ sự kinh ngạc khi biết rằng bế tắc của chính phủ Mỹ nằm ở hệ thống chăm sóc sức khỏe, một dịch vụ không thể thiếu ở đất nước của cô.

"Chúng tôi không tưởng tượng được sẽ thế nào nếu không có hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia", cô nói. "Tôi không thể tin được nước Mỹ lại đóng cửa vì một chuyện như thế. Với một người Australia, điều này thật kỳ lạ, nhưng rất hấp dẫn". 

Hôm nay, nhiều nhân viên liên bang vẫn được phép đến văn phòng làm việc. Nhưng ngay sau đó, họ được lệnh ngừng toàn bộ mọi thứ, kể cả kiểm tra email. Trong tình cảnh không rõ chính phủ sẽ bị ngưng trệ đến bao giờ, các chương trình không bị ảnh hưởng bởi sự cố này thậm chí cũng có thể hết tiền để hoạt động.

Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong vòng 17 năm. Trong lần gần đây nhất dưới thời chính quyền cựu tổng thống Bill Clinton, tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài 21 ngày.

Anh Ngọc (theo AP)

Obama hủy thăm hai nước vì chính phủ Mỹ đóng cửa

Chuyến công du đã được lên kế hoạch từ lâu của tổng thống Obama tới Đông Nam Á bị cắt bớt hai chặng Malaysia và Philippines, do chính phủ Mỹ đóng cửa vì không có ngân sách.

obama-afp-1660-1380700780.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Y tế Kathleen Sebelius. Ảnh: AFP 

Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm nay cho biết tổng thống Mỹ gọi điện thông báo rằng Ngoại trưởng John Kerry sẽ thay ông phát biểu tại một hội thảo doanh nghiệp ở Kuala Lumpur vào ngày 11/10 tới. 

Thông báo của Nhà Trắng hôm nay, được AP dẫn lại, cho biết Obama sẽ vẫn đến Indonesia và Brunei, nhưng hoãn tới hai điểm dừng chân cuối cùng ở Malaysia và Philippines.

Thep AP, Obama ban đầu dự kiến rời Mỹ vào đêm 5/10 để công du 4 nước Đông Nam Á, trong đó có cả Indonesia, Brunei và Philippines. Chuyến thăm là một phần trong trọng tâm của tổng thống nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Mỹ và châu Á. Nếu theo đúng kế hoạch ban đầu, Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Malaysia kể từ thời Lyndon B. Johnson năm 1966.

Giữa tháng 9, Nhà Trắng công bố tổng thống Obama có kết hoạch thăm 4 nước Đông Nam Á là Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines vào tháng 10. Ông cũng có kế hoạch tham dự hội nghị cấp cao APEC ở Indonesia, Hội nghị cấp cao Đông Á ở Brunei và diễn đàn kinh doanh quốc tế nói trên ở Kuala Lumpur.

Hãng tin Reuters hôm nay cho hay ông Obama sẽ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng của khu vực. Chặng dừng chân ở Philippines có thực hiện được hay không đang là vấn đề cân nhắc.

Obama sẽ rời Washington tới châu Á vào thứ bảy này, và trở về chỉ vài ngày trước một cuộc chiến cũng về ngân sách còn lớn hơn, sẽ diễn ra trước 17/10, khi quốc hội Mỹ bàn về trần nợ công.

Obama đã hai lần hủy chuyến thăm châu Á năm 2010, trong đó một lần là để ở lại Washington vì những lá phiếu đối với luật chăm sóc y tế của ông, và một lần vì vụ rò rỉ dầu ở Vịnh Mexico. 

Vụ đóng cửa chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ hôm qua, sau khi Quốc hội lỡ hạn chót về khoản ngân sách chính phủ. 

Trọng Giáp

 

Lời kể của thủy thủ thoát chết ở tâm bão Wutip

"Sóng đánh dữ dội, chúng tôi phải bỏ thuyền. Tôi chỉ kịp mặc áo phao, ôm chặt phao cứu sinh rồi lao mình vào biển, suýt chết vì sặc nước", một ngư dân Trung Quốc sống sót qua siêu bão Wutip trên Biển Đông kể.

linjinhe-9820-1380599036.jpg
Ông Lâm Tiến Hòa khi được cứu. Ảnh: Chinamil

"Sóng đánh mạnh dồn dập lắm. Nhiều người trong chúng tôi bị sóng cuốn xuống biển, chìm nghỉm không thấy đâu nữa", ông Lâm Tiến Hòa, thuyền viên may mắn sống sót của thuyền cá Trung Quốc mang số hiệu 62116, nghẹn ngào kể lại cơn ác mộng giữa Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa chiều 29/9 khi bão Wutip ập đến.

"Ban đầu chúng tôi tưởng sức gió chỉ có cấp 12, ngờ đâu gió mạnh tăng dần lên cấp 14, rồi cấp 17", Lâm kể lại trong cơn sợ hãi chưa dứt. Bão Wutip ập đến bất ngờ khiến toàn bộ thủy thủ đoàn 30 người không kịp ứng phó, đành phải bỏ thuyền với hy vọng sinh tồn mong manh.

"Lúc ấy tôi chỉ kịp mặc áo phao, ôm chặt phao cứu sinh rồi lao mình vào biển. Sóng vẫn đánh mạnh dữ dội, làm tôi suýt chết vì sặc nước", ông Lâm kể.

Lâm Tiến Hòa đã rất may mắn khi vớ được thùng dầu có đủ sức nặng để giúp ông nổi trên mặt biển đang bị bão hoành hành.

"Lúc ấy tôi đã đói và mệt quá rồi, vậy mà sóng cứ đánh hoài, tưởng chừng không còn trụ được nữa", ông kể lại. May mắn cho ông, sau đó bắt được mấy chai Coca và nước khoáng văng ra từ tàu.

Lúc ấy khoảng ba giờ chiều, ông nhìn thấy cậu thanh niên con thuyền trưởng, cũng đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. "Mặt thằng bé xám ngoét, chắc là bị ngâm nước lâu quá. Tôi bơi lại gần để hai chú cháu cùng bám vào thùng dầu", ông nhớ lại. Thế nhưng cậu thanh niên đã không trụ được lâu, trượt dần rồi chìm sâu xuống biển. 

Ông Lâm khóc nấc khi hồi tưởng lại hình ảnh kinh hoàng đó. Đây là đồng nghiệp duy nhất mà ông bắt gặp trong suốt cơn bão.

Lúc 5 giờ chiều, ông Lâm gặp được tàu cứu hộ của Trung Quốc, sau 3 giờ lênh đênh trên biển. Con tàu thực ra lúc đó cũng đang tránh báo, không có cách nào đưa thuyền ra cứu người bị nạn được.

"Cuối cùng, chúng tôi cũng đã nghĩ ra cách, buộc dây thừng vào phao cứu sinh, rồi ném ra chỗ nạn nhân, sau đó dùng máy kéo để trục vớt", thuyền trưởng tàu Trung Quốc nhớ lại. Trước đó, tàu này cũng đã cứu vớt được hai bạn đồng nghiệp của ông Lâm.

Trên ba con tàu cá Trung Quốc bị bão đánh chìm chiều 29/9 ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông, có 88 ngư dân và thủy thủ. Số người may mắn thoát chết là 14, còn lại hơn 70 người khác đang mất tích. Công tác tìm kiếm cứu nạn gặp khó khăn do sóng to và mưa lớn.

Bão Wutip là một trong những cơn bão mạnh năm nay ở Tây Thái bình dương. Sau khi hoành hành trên biển Đông, bão đổ bộ vào miền trung Việt Nam chiều tối qua, khiến hàng chục nghìn dân phải đi sơ tán. Hôm nay, Wutip suy yếu và đi sang Lào và đông bắc Thái Lan.

Đức Dương (theo Sina)

Theo Vnexpress