Kenya 'từng được cảnh báo về khủng bố ở Nairobi'
Chính phủ và quân đội Kenya đã được cảnh báo về các kế hoạch tấn công lớn vào nước này, nhiều ngày trước vụ tấn công đẫm máu tại một trung tâm thương mại ở thủ đô Nairobi.
Một phụ nữ ôm em bé chạy trốn những tên khủng bố tại Westgate. Ảnh: AFP. |
AFP dẫn lời các nguồn tin an ninh cho biết các bộ trưởng và người đứng đầu quân đội Kenya, thậm chí cả chính phủ Israel, đã được cảnh báo về nguy cơ của một cuộc tấn công, trước vụ đột kích đẫm máu của những tay súng Hồi giáo vào trung tâm thương mại Westgate ở Nairobi. Các quan chức này nói nhằm xác nhận một báo cáo tình báo bị rò rỉ trên báo chí Kenya.
"Israel đã cảnh báo về các cuộc tấn công vào lợi ích kinh tế của họ, nhưng ngoài việc đưa tin từ văn phòng này tới văn phòng khác, chẳng có gì được quyết định từ báo cáo tình báo", một quan chức giấu tên nói.
Những chỉ dẫn được gửi tới các bộ trưởng Kenya nhằm "thông báo với họ về mối đe dọa đang gia tăng của chủ nghĩa khủng bố và về các kế hoạch tấn công đồng thời vào Nairobi và Mombasa trong khoảng ngày 13/9 và 20/9", báo Daily Nation dẫn báo cáo chống khủng bố cho biết. Cảnh báo đầu tiên được phát đi hồi tháng 1, và được đưa ra một lần nữa hồi đầu tháng 9.
Các quan chức an ninh cho biết, những cơ quan an ninh của Kenya cẩu thả trong cách phản ứng. "Không thể nói rằng không có thông tin tình báo về vụ tấn công này, bởi những báo cáo bắt đầu xuất hiện từ cuối năm ngoái. Và có thông tin cụ thể về các mục tiêu, trong đó có cả Westgate", một trong số họ nói.
"Dù những báo cáo này có xuất hiện khi nào đi nữa, thì chúng cũng đã được chia sẻ trong khắp chính phủ, giữa các cơ quan cấp cao liên quan, nhưng họ vẫn xem xét chúng một cách cẩu thả. Họ phải học một bài học từ vụ này và bắt đầu nhìn nhận các vấn đề nghiêm túc", một quan chức nói.
Ngày 21/9, những kẻ tấn công mang theo súng máy và lựu đạn xông vào khu mua sắm sang trọng Westgate, dẫn tới một vụ khủng bố kéo dài 4 ngày và làm ít nhất 67 người chết. Westgate do người Israel nắm giữ một phần và từ lâu đã được coi là một mục tiêu tiềm năng hàng đầu. Nhóm al-Shabab của Somalia nhận trách nhiệm đứng đằng sau vụ việc, nhằm trả đũa cho sự hiện diện của quân đội Kenya tại Somalia.
Trọng Giáp
Tàu vỡ đôi trên sông, 42 người chết
Một con tàu chở quá tải hành khách và hàng hóa bị vỡ đôi trên sông Niger, miền trung Nigeria, làm ít nhất 42 người chết và 100 người mất tích.
Vị trí bang Niger ở Nigeria. Đồ họa: Aljazeera |
Chiếc tàu chở khoảng 150 người tối 27/9 "vỡ làm đôi" sau khi khởi hành từ làng Malilli ở bang Niger, AFP dẫn lời Mohammed Shaba, người đứng đầu cơ quan cứu hộ quốc gia Nigeria hôm qua cho biết.
"Đến nay, 42 người đã thiệt mạng và 100 người đang mất tích", ông nói về thảm họa trên sông Niger. Đội cứu hộ vẫn đang tìm kiếm các thi thể sau vụ việc mà Shaba gọi là tai nạn tồi tệ nhất bang trong những năm gần đây.
Theo Shaba, con tàu chở quá nhiều người cũng như hàng hóa mà họ mua được từ chợ ở Malilli. Giới chức địa phương cho rằng tàu chỉ có thể chứa được khoảng 60 người.
Cảnh sát trưởng bang Niger cho hay, báo cáo ban đầu cho thấy con tàu đâm vào một vật lớn, có thể là một thân cây, thứ mà hoa tiêu trên tàu không nhìn thấy được. Bà cũng cho biết có cả động vật nặng ở trên tàu, như vài con bò.
Trong khi Shaba cho rằng "quá tải" là nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn, ông cũng cho biết nước dâng cao trên sông sau mùa mưa lớn ở khu vực này có thể là nhân tố phụ.
Trọng Giáp
Tổng thống Iran bị ném giày sau điện đàm với Obama
Một chiếc giày được ném về phía xe của tổng thống Iran, sau khi ông có cuộc điện đàm lịch sử với người đồng cấp Mỹ Barack Obama.
Thành viên đội an ninh che chắn cho Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước những người biểu tình có lập trường cứng rắn. Ảnh: AFP |
Hôm nay, khoảng 75 người Hồi giáo có lập trường cứng rắn hô to "Cái chết đến với Mỹ" và "Cái chết đến với Israel" khi đoàn xe của Tổng thống Iran Hassan Rouhani ra khỏi sân bay Mehrabad ở Tehran. Theo Telegraph, họ ném trứng vào Tổng thống khi các thành viên đội an ninh cố gắng che cho ông bằng ô. Một chiếc giày bị ném trượt khỏi xe trong khi Rouhani đứng lên để vẫy chào đám đông.
Tuy nhiên, số người phản đối bị 200 đến 300 người ủng hộ ông áp đảo. Họ hô vang "Cám ơn Rouhani".
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh lập trường của Iran rõ ràng đang mềm mỏng hơn với phương Tây, trong đó có Mỹ, dưới thời tân tổng thống Rouhani. Điều này gây tức giận cho một số người có lập trường cứng rắn ở Iran.
Trước khi rời New York, nơi diễn ra cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Rouhani hôm qua có cuộc trò chuyện qua điện thoại lịch sử dài 15 phút với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trong hơn ba thập kỷ.
Cuộc điện đàm được thực hiện sau thảo luận quan trọng tại Liên Hợp Quốc tối trước đó, khi ngoại trưởng Iran ngồi cùng đại diện của các cường quốc, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, để bàn về chương trình hạt nhân Iran.
Ném giày vào một người được coi là một sự lăng mạ nghiêm trọng tại Trung Đông. Một phóng viên Iraq từng ném giày vào Tổng thống George W. Bush hồi tháng 12/2008, một vụ việc mang tính biểu tượng cho sự giận dữ của Iraq đối với "kẻ xâm lược". Tổng thống Iran tiền nhiệm là Mahmoud Ahmadinejad cũng từng bị ném giày trong chuyến thăm Ai Cập đầu năm nay.
Trọng Giáp
Theo Vnexpress