Tin Trong Nước Tổng Hợp

Đến trưa mai, tâm bão trên vùng biển khu vực các tỉnh Quảng Bình – Thừa Thiên Huế với sức gió tương đương. Tiếp đó, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, vận tốc 15-20 km/h và đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Sau đó bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới...

 

Chiều mai siêu bão Wutip đổ bộ vào miền Trung

 

Cơn bão được xem mạnh không thua gì bão Xangsane năm 2006 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế chiều 30/9. Dân ở các vùng nguy hiểm được yêu cầu sơ tán khẩn cấp trước 10h sáng mai.

 
Dự báo đường đi của bão. Ảnh: .nchmf
Dự báo đường đi của bão. Ảnh: nchmf.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sớm nhất khoảng 15-16h, muộn thì 22-23h ngày mai bão sẽ đi vào đất liền.

"Trước khi đổ bộ, bão mạnh trên cấp 13. Bão Wutip mạnh không thua gì bão Xangsane đổ bộ vào miền Trung ngày 1/10/2006. Trọng tâm bão đổ bộ nhiều khả năng là Quảng Bình, Quảng Trị, nhưng Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế cũng phải hết sức đề phòng", ông Tăng nói và cho biết khi vào bờ, bão suy giảm nhưng vẫn còn rất mạnh, vì vậy việc phòng chống phải hoàn thành trước 10h sáng mai. 

Trưa nay, tâm bão ở trên khu vực quần đảo Hoàng Sa với sức gió tối đa 149 km/h (cấp 13). Đến trưa mai, tâm bão trên vùng biển khu vực các tỉnh Quảng Bình – Thừa Thiên Huế với sức gió tương đương. Tiếp đó, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, vận tốc 15-20 km/h và đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Sau đó bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. 

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ chiều 29/9 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 cấp 7, rồi tăng lên cấp 10, cấp 11. Đến sáng mai, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 7 cấp 8, riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm nay có mưa. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét. 

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, 24 giờ tới bão chưa có khả năng ảnh hưởng đến khu vực này.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương trưa 29/9, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động các lực lượng cần thiết để chủ động đối phó với cơn bão, thực hiện việc neo đậu, chằng chống kỹ tàu thuyền, lồng bè, nhà cửa; không để người ở lại tàu thuyền khi bão đổ bộ.

Phó thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng chú ý đến các trường hợp chủ quan, cố tình di chuyển, không thực hiện các lệnh cấm giao thông ở các vùng nguy hiểm, khe suối, đập tràn, đồng thời, kiểm tra an toàn đập, công trình thi công, đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả cắt lũ.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương kêu gọi các tàu đang hoạt động vào bờ trú bão an toàn.

"Với cường độ bão ở cấp 10, nếu ngư dân bám trụ lại trên biển thì chắc chắn tàu sẽ bị vỡ hoặc đắm, chìm. Vì vậy đề nghị các địa phương cần phối hợp không để tàu ở ngoài biển mà cần vào bờ ngay để trú bão an toàn", ông Phát nói.

Trưởng ban chỉ đạo cũng yêu cầu các tỉnh sơ tán dân ở vùng nguy hiểm trước 10h sáng mai, thực hiện công tác neo đậu lồng bè. Nơi nào có bão đi qua, địa phương cần bố trí lực lượng dân quân kiên quyết ngăn chặn người qua lại. Bên cạnh đó, các địa phương cần theo dõi sát cơn bão và có biện pháp bảo vệ cây trồng vụ đông.

Theo báo cáo hôm nay của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, đến 6h sáng nay, Biên phòng các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.877 phương tiện, với 254.660 người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.

Hương Thu (Theo Vnexpress)

 

'Cả 4 bé trai đều chết trong tư thế quỳ gối'

 

“Sau tiếng 'uỳnh' khô khốc, mọi người chạy đến đào bới những mảng tường vỡ nhưng 4 đứa trẻ đều bất động, gục chết hoặc thoi thóp trong tư thế quỳ gối, đầu cắm xuống đất", nhân chứng kể lại vụ sập tường làm 4 cháu bé tử vong.

1-9224-1380437497.jpg
Hiện trường nơi 4 bé trai bị vùi lấp. Ảnh: Lê Hoàng

Sáng 29/9, một ngày sau vụ tai nạn sập tường khiến 4 trẻ nhỏ thiệt mạng, cả xóm nghèo ở thôn Làng Ràm, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) chìm trong tang tóc. Thỉnh thoảng tiếng gào khóc của những người mẹ trẻ mất con lại vang lên nghe ai oán cả một góc rừng.

Suốt từ chiều tối qua, không ai bảo ai, bà con lối xóm đều lũ lượt kéo đến chia sẻ mất mát, động viên gia đình các nạn nhân. Do 4 bé trai thiệt mạng đều sống gần nhau nên dân làng phải phân chia lần lượt tiễn đưa các bé về đất mẹ. Những đám tang vội vã, không tang trắng, không trống kèn... Nhìn 4 ngôi mộ nhỏ nằm cạnh bên nhau, không ai có thể cầm được nước mắt.

Làm chủ ngôi quán nhỏ ngay sát địa điểm xảy ra tai nạn, anh Phạm Vương Thắng (38 tuổi, ở thôn Quỳ Hợp) là người đầu tiên phát hiện và tiếp cận hiện trường. 

Vẻ mặt chưa hết bàng hoàng, anh Thắng kể, khoảng 8h30 ngày 28/9, một thanh niên ngoài 30 tuổi lái chiếc máy xúc đến san lấp mảnh vườn cho gia đình bà Bùi Thị Lan (ở thôn Làng Ràm, xã Quang Trung). Vùng quê miền núi hẻo lánh vốn ít khi tiếp xúc với máy móc cơ giới nên lũ trẻ trong làng lạ lẫm, kéo đến xem anh thợ máy làm việc.

2-7802-1380437497.jpg
Nguyên nhân khiến bức tường đổ sập được cho là do người thợ máy đào sâu khiến chân tường bị hỗng, không còn điểm tựa. Ảnh: Lê Hoàng

Khi anh Thắng đang ngồi trong quán nói chuyện cùng vài người dân thì lũ trẻ xuất hiện. 5 bé trai đứng bên mảnh vườn chăm chú theo dõi chiếc máy hoạt động, vẻ mặt thích thú. “Thấy mấy đứa đứng gần bức tường bị khoét sâu, tôi có linh tính không lành nên đã ra cảnh báo, song lũ trẻ vẫn ngồi phía dưới chân tường. Duy chỉ có cháu Triệu (bé trai thoát nạn) là đứng ở xa”, anh Thắng nhớ lại.

Đến khoảng 9h10, một tiếng "uỳnh" vang lên. "Tôi quay ngoắt ra thì thấy bức tường cao gần 3m, rộng 5m ở  bên phải quán hàng nhà chị Lan đã đổ sập. Tôi vội lao ra nhưng tất cả lũ trẻ đều đã bị bức tường gạch vùi lấp, mất dấu”, anh Thắng nói.

Những người có mặt vội hô hoán, đào bới bằng tay không, lật những mảnh vỡ của bức tường tìm kiếm các cháu bé. Hơn chục phút sau, bé trai đầu tiên là cháu Phạm Văn Đăng (12 tuổi) được tìm thấy, tiếp theo là cháu Trương Văn Thành (10 tuổi), Bùi Phạm Ngọc Bảo và Bùi Văn Nam (cùng 9 tuổi).

“Thật kinh khủng, mấy đứa trẻ đều bất động, gục chết hoặc thoi thóp trong hơi thở yếu ớt. 4 cháu đều chung một tư thế quỳ gối, đầu cắm xuống đất. Đưa tụi nhỏ ra ngoài, tôi gọi điện báo tin cho các gia đình mà mãi không nói thành lời", anh Thắng kể bằng giọng nghèn nghẹn. 

Khi được đưa ra khỏi đống đổ nát, cháu Đăng và Thành đã chết. Cháu Bảo và Nam chỉ còn thở thoi thóp được đưa tới bệnh viện nhưng cũng qua đời sau đó khoảng 30 phút.

4-1378-1380437497.jpg
Bà Trương Thị Khoảnh ám ảnh giây phút moi đống đổ nát lần tìm xác cháu nội. Ảnh: Lê Hoàng

Trong căn nhà lụp xụp ở đầu thôn Quang Hợp, chị Phạm Thị Diện liên tục vật vã, giọng khản đặc gào khóc gọi tên con trai duy nhất, cháu Trương Văn Thành. Cũng có mặt tại hiện trường ngay thời điểm xảy ra tai nạn, bà Trương Thị Khoảnh (66 tuổi, bà nội cháu Thành) vẫn ám ảnh khi chính tay bà lật tìm thi thể đứa cháu xấu số.

Run run đưa bàn tay gầy guộc gạt dòng nước mắt, bà kể, khoảng gần 9h, trên đường đi gặt lúa về nhà bà ghé vào quán nước nhà anh Thắng ngồi nghỉ chân. Ít phút sau thì tai họa ập đến. Nghe tiếng động lớn, bà cùng mọi người lao tới cất tiếng gọi cháu nhưng không nghe trả lời. Bà vừa gào khóc vừa lật từng viên gạch tìm xác cháu.

"Nhấc được mấy tảng xi măng lên, tôi sững sờ khi thấy cháu nội mình 2 tay còn lồng đôi dép. Nhưng khi được đưa lên khỏi mặt đất thì Thành đã tắt thở, toàn thân tím tái”, bà Khoảnh nói trong hơi thở đứt đoạn.

Anh Trương Văn Dũng, cha cháu Thành cho biết, vợ chồng anh hiếm muộn nhiều năm. Cầu tự khắp nơi, mãi đến năm 2003, chị Diện mới sinh được Thành. Khi bé trai chào đời, anh chị vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc. Kinh tế khó khăn nên anh chị gửi bé Thành ở nhà cho ông bà nội trông nom rồi ra Hà Nội làm phụ hồ mưu sinh, thi thoảng mới về thăm con.

“Vợ chồng tôi chỉ có mình nó nên mọi tình thương đều dành cho con. Sáng qua, nó còn đòi mẹ mua sữa cho uống nhưng khi vợ tôi mang sữa về thì con trai đã mãi mãi ra đi”, anh Dũng bật khóc. 

Bên chiếc bàn thờ làm vội đặt ở giữa nhà, ngoài di ảnh và bát hương nghi ngút còn có một số đồ chơi trung thu và mấy hộp sữa mà Thành chưa kịp uống nên người thân mang ra thắp hương cho cậu.

Khi bức tường đổ sập, chỉ duy nhất cháu Trần Phú Triệu may mắn thoát nạn. Các nhân chứng cho biết, Triệu kịp rời khỏi hiện trường là do lúc đó em đang đứng nên vùng chạy thoát. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh 4 đứa bạn bất ngờ lâm nạn nên Triệu vẫn đang rất hoảng loạn.

3-4301-1380437497.jpg
Chị Phạm Thị Diện đau đớn khi đứa con trai duy nhất của gia đình mất mạng. Ảnh: Lê Hoàng 

Đại diện chính quyền xã Quang Trung cho hay, gia cảnh 4 nạn nhân thiệt mạng đều rất khó khăn. Trong số 4 bé trai thiệt mạng, có hai em là con trai độc.

Trong đó, thương tâm nhất là cậu bé mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi, cháu Bùi Phạm Lương Bảo. Gương mặt dúm dó, anh Việt (36 tuổi) ngồi bất thần bên di ảnh con trai. Anh kể, năm 2003, gia cảnh khó khăn nên anh phải vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp rồi cưới được một cô giáo hiền lành. Một năm sau thì cháu Bảo chào đời. Tháng 7/2008, trong một cơn bạo bệnh, mẹ Bảo qua đời. Lo xong 49 ngày cho vợ, anh Việt đưa con trai về quê sống với bà nội.

Ở lại miền nam làm công nhân cao su thêm ít năm nhưng vì thương nhớ con nên anh Việt quyết định hồi hương về chung sống cùng mẹ già cũng là để tiện chăm sóc con nhỏ. Hôm Bảo gặp nạn, anh Việt đang đi làm thì nhận được hung tin. Nghe người thân thông báo, anh tất tả chạy về nhưng không kịp cứu con trai. “Số phận thật trớ trêu, vợ con đều bỏ tôi mà đi, làm sao tôi có thể sống tiếp được đây”, người đàn ông ngửa mặt lên trời, ánh mắt đầy đau khổ.

Ngày 29/9, trao đổi với VnExpress.net, ông Trương Công Mạnh, Trưởng công an xã Quang Trung cho biết, Công an tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất thủ tục khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Bà Bùi Thị Lan và người lái máy xúc đã được triệu tập về trụ sở công an để lấy lời khai, xác minh vụ việc. Chiếc máy xúc, tang vật vụ án cũng đã bị cơ quan điều tra tạm giữ.

“Theo quan sát hiện trường và qua lời khai của các nhân chứng, nguyên nhân bức tường đổ sập đè chết 4 đứa trẻ là do trong quá trình thi công, người thợ máy đã múc quá sâu vào chân tường khiến bức tường hổng chân, không còn điểm tựa nên đổ sập”, ông Mạnh nhận định.

 

 

Lê Hoàng (Theo Vnexpress)

 

 

Ngôi nhà kỳ dị gắn 8.000 bát đĩa cổ xưa

 

Hơn 20 năm nay ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có một người nông dân đi dọc sông Hồng sưu tầm đồ xưa. Không có tiền mua tủ kính trưng bày, ông đem gắn tất cả đồ vào tường, biến ngôi nhà thành tuyệt tác có một không hai.

Đất Vĩnh Phúc xưa nay nổi tiếng vì có nhiều người chơi và buôn đồ cổ. Trong số này có ông Nguyễn Văn Trường ở làng Kiệu Sơn (Chấn Hưng, Vĩnh Tường) có một niềm đam mê vô hạn với những món đồ sành sứ từ xa xưa. Lẽ thường thú chơi đồ cổ chỉ dành cho kẻ có tiền. Có gã nông dân Trường "Khùng" nghèo rớt nhưng vì đồ cổ mà sẵn sàng bán thóc, cắm sổ đỏ, ứng tiền làm thuê hay vất vả ngược sông Hồng gom nhặt. Ông thì khác, mua hoặc nhặt về, rồi tuyệt nhiên không bán bao giờ. 

anh7_1380244127.jpg

Ông Nguyễn Văn Trường, người nông dân xây nhà bằng đồ cổ. Ảnh: Phan Dương.

Con đường dẫn vào nhà ông Trường là một ngõ nhỏ lát bê tông, hai bên nhà cửa san sát. Ngôi nhà nhìn từ xa thoáng một nét kiến trúc như cung đình xưa. Trên tường rào có vô vàn bát đĩa cũ, những mảnh gốm vỡ. Vài chục chiếc cối đá xếp thành hàng. Cánh cổng mái vòm gắn những chiếc bình, chiếc đĩa đủ loại hoa văn từ hoa điểu (chim hoa), thạch trúc (tre trúc và đá), tam hữu (hoa mai, cúc, trúc), tùng hạc (chim hạc và cây tùng), lý ngư (cá chép), phượng vũ (chim phượng), phúc lộc thọ...

Bước qua cổng, bên phải là hòn non bộ lớn đắp hàng nghìn mảnh gốm cổ. Cây si ẩn hiện phía sau, cây trúc la đà trước mặt. Bên trái là ngôi nhà cấp bốn không trát vôi vữa như lệ thường, thay vào đó trên tường gắn những chiếc đĩa thành từng hàng ngay ngắn. Ba cây cột trước nhà gắn chi chít những đồng tiền xu, đồng xèng, khuy áo cũ kỹ...

Lấy vạt áo lau vết bụi nhỏ trên chiếc đĩa trước mặt, ông Trường nhìn toàn căn phòng, rồi âu yếm gọi nó là "bức tranh". Ông gắn đồ xưa lên tường vì không có tiền mua tủ trưng bày và sợ mất trộm hay những lúc mang ra ngắm lỡ tay làm vỡ. 

anh5.jpg

Vì không có tiền nên ông quyết định gắn cố định những đồ xưa vào tường để không mang đi đâu được. Ảnh: Phan Dương.

Ông Nguyễn Văn Trường, năm nay đã 52 tuổi, có mái tóc dài, nước da ngăm đen, đôi má hóp dãi nắng dầm sương kể, năm 1982, ông tham gia chiến đấu ở Campuchia. Đến năm 1986, ông về quê mưu sinh bằng nghề sơn rong bàn ghế thuê kiếm sống. Công việc này tạo điều kiện cho ông tiếp xúc với nhiều nhà, biết được các đồ cổ đẹp và niềm đam mê tột độ dấy lên trong ông từ đó. 

"Tôi đi sơn bàn ghế cho một ông trùm buôn đồ cổ trong vùng. Nhà ông ấy có vô vàn đồ cổ đẹp, ngắm không biết chán. Ông ấy bảo tôi có cơ hội đi nhiều thì để ý xem nhà ai có đồ cổ thì mua lại bán cho ông ấy. Lúc đó tôi đã say mê đồ cổ rồi, bán nó chẳng khác nào bán đi những giá trị văn hóa của dân tộc".

Năm 1989, ông Trường lấy vợ, sinh con. Cuộc sống khó khăn, ruộng nương chỉ có vài sào. Là lao động chính trong nhà nhưng phần lớn số tiền kiếm được ông đều đổ vào đồ cổ. "Vợ con ngày ngày nhiếc móc, giận dỗi, phản đối tôi kịch liệt. Hàng xóm cũng cho tôi là khùng, gàn dở. Nhà tranh vách đất, miếng cơm không có mà ăn còn học đòi chơi đồ cổ", giọng ông buồn bã.

Ngày đó, nhà ông Trường vẫn là gian nhà đất cũ kỹ. Hầu hết những đêm trời mưa ông đều phải thức trắng, vừa lấy tơi che cho con, vừa lấy tơi che cho những món đồ cổ. 

Người đàn ông này thành thật "yêu đồ cổ hơn vợ rất nhiều lần". Vì yêu quá mà ông đem cắm sổ đỏ, vay được 8 triệu đồng với lãi 3 phân. Qua 7 năm, số tiền tăng lên hơn 30 triệu đồng. Con trai ông vừa mới giúp cha trả nợ dịp vừa rồi.

Càng dấn thân vào những thứ đồ của cha ông xưa, ông càng say mê. Rồi đến một ngày ông Trường "Khùng" bỏ luôn nghề sơn, ngày ngày rong ruổi chiếc xe máy tàu đi dọc sông Hồng lên Việt Trì, Lào Cai, Yên Bái... săn đồ.

"Hành trình đi nhặt đồ cổ của tôi vất vả lắm. Những trưa nắng chang chang mà mình tôi lăn lộn trên những bãi cát sỏi, nhặt từng mảnh gốm xưa, một chiếc khuy, đồng xu, xèng cũ tôi cũng xem là giá trị lắm. Ngoài nhặt nhạnh, tôi cũng lân la hỏi chuyện bà con và mua lại những đồ có giá trị", ông chia sẻ.

Người đàn ông kể, kỷ niệm sâu sắc nhất đó là lần đi qua mạn trại giam Vĩnh Quang (Tam Đảo) thì bị thủng xăm xe. Buổi trưa nắng gắt hơn 40 độ, xung quanh đường vắng teo không một hàng quán, bụng đói meo. Trên xe lại chở vài chục cân đồ gốm. Ông đẩy xe qua dốc hơn 2 km mà tưởng như chết đi, sống lại mất lần. Kỷ niệm này ăn sâu vào tâm trí đến mức giờ mỗi lần đi đâu ông đều có thói quen nắn lốp xe.

Lại có lần khác, hôm đó hơn 21h, ông đi mua được hơn 2 triệu đồng tiền đồ xưa. Gần về đến nhà thì ông đâm vào đống rơm. Tất cả đồ mua được đều bị vỡ tan tành. Xót đứt ruột nhưng ông vẫn cố gắng lượm tất những mảnh vỡ về.

anh13_1380244703.jpg
Cả gian nhà cấp bốn 2 gian của ông cũng được gắn vô vàn chiếc đĩa đẹp mắt. Ông Trường cho biết, bắt đầu đập tường gắn đĩa từ năm 2005 và mới hoàn tất "bức tranh" trong tháng này. Chỉ riêng căn nhà đã gắn mất 3.000 chiếc đĩa.

"Nhưng khó khăn nhất với tôi vẫn là không có tiền. Mỗi chuyến đi tôi chưa bao giờ có quá 1 triệu đồng. Phần lớn số tiền này, tôi đều phải bán lúa, vay mượn hay đi ứng trước tiền công. Chuyến đi nào tôi cũng phải nhịn đói lấy tiền mua đồ cổ. Có những bận, tôi còn chấp nhận làm thuê cho người ta vài ngày đổi lấy những món đồ", ông tâm sự.

Năm 1988, ngôi nhà nhỏ đã không còn đủ sức chứa đồ. Mỗi lần ngắm ông mất nhiều giờ lục ra, sắp xếp lại. Rồi ông nảy ra ý định gắn đồ cổ vào tường rào, sau đó làm vào hon non bộ, cuối cùng mới có ý định đập tường nhà, gắn đồ xưa. "Ban ngày tôi đi làm đồng giúp vợ, còn lại đi săn đồ cổ. Ban đêm mới làm công việc này. Tôi đập tường nhà, trộn 2 cát, một xi măng làm vữa. Cơm tối xong là tôi làm đến khuya. Mỗi tối gắn được từ 15 đến 17 chiếc đĩa lên tường".

Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ nên chỉ có mình ông làm. Mất 15 năm thì ông hoàn thành "bức tranh" của mình với tổng cộng hơn 8.000 chiếc đĩa, 90 kg xèng, 20 kg tiền xu, hơn 20 kg các loại khuy áo bằng đồng, bằng đá, và còn vô vàn những mảnh gốm vỡ khác.

"Bây giờ các con tôi đã trưởng thành. Gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn lớn nhưng không đè nặng như xưa. Ban ngày tôi vẫn tiếp tục săn tìm đồ cổ. Ban đêm tôi lại tiếp tục công việc gắn đồ cổ. Để làm hết mọi ngóc ngách trong nhà sẽ phải mất khoảng 7 năm nữa", người nông dân chơi đồ cổ xưa ước tính.

Phan Dương (Theo Vnexpress)