Trứng nhân tạo
Được sự tài trợ của Bill Gates và người sáng lập trang mạng kinh doanh điện tử Paypal - tỉ phú Peter Thiel, lần đầu tiên loại trứng nhân tạo làm từ thực vật đã được bày bán ở các siêu thị tại Mỹ.
Có nguồn gốc từ thực vật nhưng loại trứng nhân tạo này hoàn toàn có thể thay thế cho trứng gia cầm để làm các loại bánh hoặc mayonnase mà không làm thay đổi mùi vị truyền thống. Hiện trứng nhân tạo thực vật (có tên gọi Beyond Eggs) đã được hãng Whole Foods cung ứng ở bang
California và cũng sẽ sớm có mặt ở các siêu thị khác trên toàn thế giới. Báo Daily Mail dẫn lời Josh Tetrick người sáng lập hãng thực phẩm Hampton Creek cho biết đây là bước đột phá trong công nghiệp thực phẩm, giúp cân bằng giữa thực phẩm từ thực vật và động vật.
Ý tưởng của Josh Tetrick là tìm công thức pha trộn giữa các loại thực vật dễ trồng để chế tạo sản phẩm như quả trứng gà mà hương vị và chất lượng dinh dưỡng không đổi. Kết quả đến nay là sản phẩm đã ra đời và có thể sản xuất trên quy mô công nghiệp để cung cấp đại trà cho thế giới. Trứng được làm từ 12 loại thực vật, trong đó có một loại đậu đang trồng phổ biến ở Canada và một loại đậu khác từ Nam Á. Trứng nhân tạo đã được Bill Gates và cựu Thủ tướng Tony Blair nếm thử, cả hai đều cho biết không thấy sự khác biệt với trứng gia cầm thông thường.
Công ty thực phẩm Hampton Creek cho báo Daily Mail biết, không chỉ trứng nhân tạo mà họ còn nghiên cứu sản xuất thịt nhân tạo từ thực vật. Công thức chế tạo sẽ ưu tiên chọn những loại thực vật dễ trồng ở các nước đang phát triển giúp chống lại nạn suy dinh dưỡng ở các nước này trong khuôn khổ chương trình lương thực thế giới.
Song Mai
Thịt băm nhân tạo
Món thịt băm nhồi hamburger được làm từ tế bào cơ sống trên đĩa thí nghiệm đã nhận những phản ứng trái chiều của người may mắn được nếm thử.
“Ngay cả khi nhắm mắt lại, tôi cũng nhận ra sự khác biệt - nó cứng và giòn, giống như miếng bánh, và thớ thịt thật… đáng ngạc nhiên”, theo nhà nghiên cứu ẩm thực người Áo Hanni Ruetzler. Nhà phê bình ẩm thực Josh Schonwald tiếp lời: “Ông đã đề cập đến từ bánh, vâng nó giống như vậy… một miếng bánh chứa protein động vật”.
|
Nhìn bề ngoài, miếng thịt băm được đề cập khá giống loại thường thấy trong các tiệm thức ăn nhanh, nhờ nhuộm bằng màu đỏ củ cải đường. Khi được chiên trên chảo, nó kêu xèo xèo giống thịt bò thật, dù sau đó chuyển màu khá giả tạo, giống như một miếng thịt băm đông lạnh mua từ siêu thị. Nó cũng chẳng có mùi vị gì của bò. Đó chính là món thịt băm đầu tiên được làm từ thịt nuôi trong phòng thí nghiệm.
Đầu bếp người Anh Richard McGowan đã chế biến món ăn độc nhất vô nhị, ít nhất là tính đến thời điểm này, trước một nhóm khán giả ở khu vực Tây London. Trong số này gồm có các nhóm làm phim từ Nhật Bản, cũng như các nhà khoa học thuộc những công ty đang có ý định bước vào ngành thịt nhân tạo. Món thịt băm đó đã “sống” trên đĩa thí nghiệm trong 3 tháng, tức mất ít thời gian hơn so với chuyện nuôi bò thật, theo Reuters dẫn lời cha đẻ của món thịt trên là tiến sĩ Mark Post của Hà Lan. Các tế bào thịt tăng trưởng trong dung dịch sóng sánh đầy chất dinh dưỡng, được châm thường xuyên huyết thanh và chất kháng sinh.
Tiến sĩ Post theo đuổi mục tiêu tìm kiếm một phương pháp thay thế cách nuôi gia súc hiện tại, nhằm loại bỏ chi phí và tổn thất đối với môi trường sống khi nuôi bò thật. Do vậy, dưới mắt các chuyên gia, đây là một công nghệ hết sức thú vị và họ rất muốn được nếm loại thịt bò hoàn toàn nhân tạo này, như chuyên gia Ruetzler đã bày tỏ. Tất nhiên, nếu đi mời những người bình thường ăn món này, họ sẽ từ chối ngay tắp lự, do cảm giác “ghê ghê”. Cách tiếp cận của tiến sĩ Post được cho là có thể tạo ra bất cứ loại thịt gì đang bày bán trên thị trường, từ thịt heo đến thịt gà. Và dù không ít người trong phòng ghi hình rất muốn ăn thử, người may mắn nếm được chỉ gồm 2 nhà phê bình và người có công tạo ra miếng thịt.
Chuyên gia Post cho hay hơn 1 nghìn tỉ tế bào có thể được nuôi từ một tế bào duy nhất của bò, đủ để cung cấp 10 tấn thịt. “Chúng tôi lấy mô bò bằng một quy trình không gây hại đến con vật. Từ 1 tế bào ban đầu có thể nuôi thành 40 tỉ tế bào, đủ cho một suất thịt băm. Chúng tôi để chúng tạo thành các mô dưới dạng sợi cơ. Có khoảng 20.000 sợi cơ trong món bánh mì kẹp thịt băm đó”. Nhà phê bình Schonwald cho hay thớ thịt của món này tốt hơn protein thực vật thường dùng để giả thịt, nhưng không bằng thịt băm được phục vụ trong các tiệm thức ăn nhanh. Món ăn trên mất đến 250.000 bảng Anh mới có được, nhưng công nghệ chế biến hiện nay có thể giúp tạo ra thịt nhân tạo với giá khoảng 70 USD/kg. Chuyên gia Post hy vọng giá thành sẽ giảm dần trong tương lai nếu tiếp tục hướng nghiên cứu trên.
Tuy nhiên, một trong những thách thức ông Post phải đối mặt chính là chẳng ai biết được điều gì khiến thịt bò tự nhiên lại tỏa mùi thơm ngon như vậy. Có lẽ vì thế mà nhai thịt nhân tạo cũng giống như nhai rơm chăng?
Phi Yến
Mặt trời nhân tạo ở Na Uy
Bộ ba gương mặt trời hứa hẹn sẽ mang lại ánh sáng trong những tháng mùa đông cho thị trấn Rjukan ở vùng núi thung lũng.
Mỗi năm, thị trấn Rjukan của Na Uy lại bị nhấn chìm trong bóng tối của những dãy núi xung quanh đến hơn 5 tháng, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 3.
Tuy nhiên, tình trạng này sẽ sớm được đẩy lùi, với dự án mới hứa hẹn sẽ cung cấp ánh sáng cho thị trấn nhỏ bé nơi thung lũng trong những tháng mùa đông tối tăm.
|
Là một phần của Dự án Gương, các kỹ sư đang bắt đầu lắp 3 chiếc gương khổng lồ hình chữ nhật đối diện các ngọn núi vây quanh Rjukan, theo Inhabitat.
Các tấm gương này sẽ phản xạ ánh sáng mặt trời xuống quảng trường của thị trấn, và nơi đây sẽ trở thành điểm hội ngộ của người dân trong vùng.
Những tấm gương diện tích 30 m2 là gương phản sáng, thường dùng trong các trạm thu hoạch điện mặt trời, và được điều khiển bởi máy tính trung tâm.
Cảm biến chạy năng lượng mặt trời sẽ dõi theo ngôi sao trung tâm của chúng ta và cho phép các tấm gương nghiêng theo để đảm bảo rằng luôn phản xạ được nhiều ánh sáng nhất.
Giới chức sở tại đã chi 835.000 USD cho dự án này. Các trực thăng đã bắt đầu chở gương đến và lắp đặt tại đúng địa điểm. Dự kiến những cuộc thử nghiệm đầu tiên sẽ được triển khai vào tháng 9.
Phi Yến