Tuổi già của người thầy không tay huyền thoại
Khuya muộn, kết thúc cuộc tư vấn kéo dài 4 tiếng rưỡi, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký thừ người suy nghĩ. Gác điện thoại nhưng cảm xúc trong ông vẫn chưa dứt khỏi câu chuyện với người phụ nữ trẻ.
Cô có chồng làm giám đốc. Anh ta mải mê công việc nên ít dành thời gian quan tâm vợ con. Không tìm thấy sự quan tâm, đồng cảm từ chồng, cô ngoại tình với nam nhân viên trẻ đẹp, là cấp dưới của chồng. Khi ly hôn, chồng giữ trách nhiệm nuôi con và nhường lại ngôi nhà cho vợ ở cùng nhân tình. Sau thời gian ngọt ngào, cô phát hiện người tình ong bướm, trăng hoa. Cuộc đời bỗng chốc mất hết tất cả, cô đuổi tình nhân khỏi nhà và gọi đến chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Ký trước khi quyết định tìm đến cái chết.
Sau 270 phút chia sẻ được ông Ký lắng nghe, khuyên nhủ, cô vượt qua cú sốc tâm lý, dần tìm thấy những khía cạnh lạc quan, tươi sáng nhất trong hoàn cảnh tưởng chừng bế tắc hoàn toàn.
Hơn 10 năm nối máy tại nhà trong con hẻm yên tĩnh quận Gò Vấp, TP HCM, để làm tư vấn cho tổng đài 1080, thầy giáo về hưu Nguyễn Ngọc Ký đã tiếp xúc với khoảng 5.000 cuộc gọi, có những cảnh đời khiến ông cứ day dứt mãi. Trong đó, có không ít cuộc tư vấn mà người gọi điện “khóc như mưa gió lúc đêm muộn”.
“Hầu hết người cần đến tư vấn tâm lý đều đang mang những vướng mắc, éo le, bế tắc cực độ. Mỗi lần tháo gỡ được vướng mắc ấy, mình thấy hân hoan, giống như giúp được cho chính những người thân yêu. Không ít trường hợp đến với mình bằng nước mắt nhưng tạm biệt mình bằng tiếng cười. Đó là điều hạnh phúc nhất”, ông Ký chia sẻ.
Nhà giáo, nhà văn, nhà tư vấn tâm lý Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: Lê Phương. |
Cái tên Nguyễn Ngọc Ký hàng chục năm nay đã đi vào văn học và lịch sử Việt Nam, như tấm gương sáng về cuộc sống và học tập. Bằng nghị lực phi thường để đương đầu với số phận, không cam lòng với tật nguyền của chính mình, cái tên Nguyễn Ngọc Ký đã vực dậy niềm tin cho nhiều người.
Bị liệt hai tay sau trận ốm năm 4 tuổi, cậu bé Ký kiên trì tập luyện bằng chân, trở thành thầy giáo, nhà viết sách rồi nhà tâm lý... Về hưu, nhiều năm qua, cùng với công việc viết sách, ông trở thành nhà tư vấn tâm lý qua điện thoại. Với ông, làm tư vấn không chỉ hòa mình vào câu chuyện, chạm đến chiều sâu tâm hồn người chia sẻ để lắng nghe, đồng cảm mà còn phải thật tỉnh táo để giải quyết tình huống, tháo gỡ từng khúc mắc, đưa ra định hướng đúng đắn.
Gần nửa đời người gắn bó với bục giảng, là tác giả của hơn 30 đầu sách, diễn giả khoảng 1.500 buổi giao lưu, truyền nghị lực sống cho hàng triệu người, giờ đây ông Ký lại miệt mài với những cuộc tư vấn qua tổng đài điện thoại. Những công việc tưởng chừng không liên quan nhau nhưng lại bổ trợ nhau rất nhiều. “Nhà văn cần phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo, phải sống nhiều cuộc đời; nhà giáo phải uyên bác, đứng trên bục giảng phải cân bằng cảm xúc, nhiệt huyết với học trò. Những điều này rất cần cho công việc của nhà tâm lý”, ông Ký chia sẻ.Có những trường hợp hóc búa, ông gợi mở nhiều giải pháp để người ta chọn. Khi chọn lựa, người ta sẽ đưa ra lý lẽ để giải thích quyết định của mình. Trong những tình huống đó, người tư vấn phải ngay lập tức bừng lên ý tưởng xử trí, phải linh hoạt đặt vào từng hoàn cảnh cụ thể chứ không máy móc, khuôn khổ.
Ông Ký hạnh phúc bên người vợ sau, vốn là em gái ruột của người vợ đầu. Câu chuyện cổ tích "tình chị, tình em" với người đàn ông có nghĩa đã làm lay động nhiều người. Ảnh: Lê Phương. |
9h30 thứ sáu ngày 27/9, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký sẽ trò chuyện trực tuyến với độc giả trên VnExpress.netvề những quan niệm sống, hoài bão, cuộc đời đầy gian khó và thành công của mình. Mời gửi câu hỏi cho thầy Ký về địa chỉdoisong@vnexpress.net. |
Ông tâm niệm, nếu không có ước mơ, hoài bão thì cuộc sống sẽ thật vô nghĩa. Phải luôn giữ vững tinh thần lạc quan, kiên định khi đối mặt với những thất bại. Đặc biệt, cần mạnh dạn “cắt đi những cái thừa”, nhất là cái thừa thời gian, không để lãng phí một giây phút nào.
Hơn 2 năm nay, mỗi tuần ông Ký phải chạy thận nhân tạo 3 lần. Giữa những đau đớn của bệnh tật, ông hoàn thành những trang cuối của cuốn tự truyện đong đầy cảm xúc “Tôi học đại học”. Có những lúc ông đang ngồi viết (bằng chân) thì máu từ hai mũi kim truyền trào ra, phải vội vàng rời bàn phím nằm nghỉ ngơi, xoa bóp rồi mới từ từ viết lại được. Có những lúc chân bị đau, ông ấn nhầm nút xóa cùng lúc mấy trang bản thảo mà không hay biết. Cũng có khi ngồi cả buổi chỉ viết mấy dòng.
Nhìn lại quá trình gian nan đã qua, người đàn ông tuổi 67 thở phào nhẹ nhõm. Cũng có lúc ông định bỏ dở trang viết vì những cơn đau hành hạ. Nhưng cũng chính lúc mệt mỏi, bi quan như vậy, khi đã say sưa vào bàn viết thì ông như quên hết đau đớn, như được sống lại cái thời đã qua, cảm xúc lại được dịp tuôn chảy tự nhiên, ào ạt với những hoài niệm sống động.
"Bé thơ vừa khóc đã cười/ Mắt còn như suối miệng thời như hoa. Đang mưa trời bỗng nắng òa/ Mới hay trời cũng muốn là bé thơ". Lớn lên trong vòng tay yêu thương của mọi người, may mắn gặp được những người thầy, người bạn, người đồng nghiệp biết sẻ chia, tuổi về già, cậu bé tật nguyền ngày nào vẫn nuôi dưỡng cho mình được những cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo với cuộc đời như thế.
Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Năm 4 tuổi, ông gặp cơn bạo bệnh và bị liệt cả hai tay. Bằng nghị lực phi thường, ông đã kiên trì tập viết chữ và làm mọi thứ bằng chân. Năm 1962, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu. Năm 1963, khi đang học lớp 7, ông tham dự kỳ thi sinh giỏi Toán toàn quốc và đứng thứ 5, được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu lần thứ hai. Ông xuất sắc tốt nghiệp ngành Ngữ văn của ĐH Tổng hợp Hà Nội, rồi trở về quê nhà làm thầy giáo. Năm 1994, ông chuyển từ Nam Định vào làm việc tại Phòng giáo dục quận Gò Vấp (TP HCM) để vừa công tác vừa chữa bệnh. Ông được mời làm diễn giả gần 1.500 cuộc giao lưu, giáo dục lẽ sống cho hàng triệu người. Nguyễn Ngọc Ký còn là tác giả của hơn 30 đầu sách, truyện ký và nhiều câu thơ đố, bài thơ đố dí dỏm, dễ thương cho tuổi học trò. |
Lê Phương
Lại tranh cãi về ly thân, mang thai hộ
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, có nhiều vấn đề như hôn nhân đồng tính, ly thân... Nhà nước chưa công nhận nhưng thực tế phát sinh thì vẫn phải giải quyết.
Đề xuất không cần tới tòa án để giải quyết thuận tình ly hôn
Sáng 24/9, Ủy ban các vấn đề xã hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hôn nhân gia đình. Dự án luật này có một số điều chỉnh như cho phép người đồng tính sống chung; cho phép mang thai hộ; ly thân cũng phải thông qua tòa án; giảm độ tuổi kết hôn cho nam xuống còn 18...
Trước việc dự án luật cho phép người đồng tính sống chung nhưng lại chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới, đại biểu Đặng Ngọc Tùng cho rằng, không công nhận hôn nhân đồng tính cũng khó vì đây là thực tế. Sửa đổi luật là cần thiết nhưng cần thêm định chế để đảm bảo quyền cho những người có hôn nhân đồng tính.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho rằng không quy định nhưng cũng không cấm tức là Luật còn bỏ ngỏ vấn đề hôn nhân đồng tính. Không được công nhận song hiện các cặp đôi vẫn tổ chức cưới không đăng ký kết hôn.
Dự án luật hôn nhân gia đình sửa đổi chấp nhận người đồng tính sống chung nhưng không công nhận hôn nhân đồng giới. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khi đó, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM nhận định, đồng giới hiện nay ở các thành phố rất lộn xộn, thậm chí có cả đồng giới giả. Hơn nữa, trên thế giới cũng chỉ có 16 quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới nên ban soạn thảo cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa vào luật.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Phạm Đức Châu nhấn mạnh, không thể có hôn nhân đồng tính, càng không thể có khái niệm kết hôn đối với những người này. Người đồng tính có quan hệ với nhau, một là về mặt tình cảm, hai là về về tài sản (nếu chung sống). Vì vậy, giải quyết vấn đề của họ chỉ đơn giản về tình cảm, không phân biệt đối xử, còn pháp luật không cần thiết phải đề cập.
"Hãy coi quan hệ giữa những người đồng tính là quan hệ xã hội. Khi họ tranh chấp tài sản thì đưa ra tòa dân sự", ông Châu bày tỏ.
Việc xác định ranh giới giữa mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay thương mại cũng được các đại biểu tranh luận. Theo Bộ Tư pháp, dự thảo Luật cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Quy định như vậy mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh. Hiện, Việt Nam có khoảng 700.000 - 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn.
Theo đại biểu Đặng Ngọc Tùng, mang thai hộ là nhu cầu nhưng cần có quy định chung nhằm đảm bảo quyền lợi của phụ nữ mang thai hộ. "Trong trường hợp con sinh ra bị khuyết tật, người nhờ mang thai không nhận thì mang thai hộ phải làm gì? Cơ quan soạn thảo đã bàn tiêu chí thế nào với người mang thai hộ?”, ông Tùng đặt câu hỏi.
Đại biểu Kim Chi cũng lưu ý ban soạn thảo quan tâm đến trường hợp mang thai hộ, khi người mẹ không muốn nuôi con, mà người nhờ không đủ điều kiện chi trả. Quy định mỗi người chỉ được một lần mang thai hộ nhưng cơ sở nào để xác định điều này và nếu phát hiện mang thai lần 2 thì xử lý ra sao?
Lấy dẫn chứng câu chuyện mới đây cậu bé một tuổi đã được thừa kế gia sản hàng chục nghìn tỷ đồng, đại biểu Hồng Hà cho rằng cần phải làm rõ mối quan hệ giữa đứa trẻ với người mang thai hộ và người nhờ mang thai. Hiện dự luật sửa đổi chưa quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ như bố mẹ của hai bên. “Nếu trong quá trình đó phát sinh tranh chấp tài sản của đứa trẻ thì làm thế nào”, bà Hà thắc mắc.
Vấn đề ly thân quy định trong dự án sửa đổi cũng bị nhiều đại biểu phản đối. Đại biểu Châu (Quảng Trị) đề nghị ban soạn thảo suy nghĩ kỹ về bản chất của ly thân bởi đó là vợ chồng không sống chung với nhau dù trong một mái nhà, nhưng không làm chấm dứt các quan hệ khác như nghĩa vụ với con cái, gia đình.
"Có cần thiết phải quy định tòa án quyết định ly thân không? Bản chất ly thân không đánh đồng với ly hôn vì họ có thể quay trở lại với nhau. Quy định là gượng ép và không cần thiết", ông Châu nói.
Giải trình những thắc mắc nêu trên, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, khi soạn thảo luật năm 2000, vấn đề ly thân, mang thai hộ, người đồng giới... đã được thảo luận sôi nổi. Sau hơn 10 năm, những điều này vẫn diễn ra và nhiều người đồng giới đã gửi thư lên các cơ quan chức năng bày tỏ nguyện vọng được bình đẳng. Còn phân biệt mang thai hộ vì mục đích thương mại và nhân đạo cũng không khó. Nếu lấy tiền công, lặp đi lặp lại là thương mại, còn chỉ mang thai hộ một lần giữa người thân thiết là nhân đạo.
Năm 2005, người dân có nhu cầu giải quyết ly thân nhưng tòa án trả lời pháp luật không quy định nên không giải quyết. "Việc cơ quan nhà nước không thụ lý vấn đề của người dân là không ổn. Nhà nước chưa công nhận nhưng thực tế phát sinh thì vẫn cần được giải quyết", Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói và cho hay, những quy định bổ sung này nhằm mục đích lấp khoảng trống của pháp luật.
Còn Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai khẳng định, hôn nhân là số phận của từng người nhưng ảnh hưởng lớn đến xã hội. Hiện nay gia đình hiện đại một thế hệ đã nhiều hơn, sự thay đổi trong hôn nhân cũng nhiều. Dự án sửa đổi bổ sung luật hôn nhân gia đình đã thể hiện quyền con người, quyền công dân tốt hơn, tạo cơ hội lựa chọn cho người dân. Tuy nhiên, ban soạn thảo phải có chế tài xử lý ly thân, ly hôn bởi bản chất của hai vấn đề này không giống nhau.
"Nên khuyến khích họ lựa chọn khuôn khổ pháp lý vì như vậy sẽ được bảo vệ tốt hơn. Có những cái đạo đức truyền thống sẽ bảo vệ được như cha mẹ nói con cái phải nghe. Chúng ta không yêu cầu người dân phải theo cái này cái kia mà được quyền lựa chọn phương án phù hợp hơn, đảm bảo quyền lợi của cho mình”, bà Mai nói.
Hoàng Thùy
Năm 2020, Việt Nam có 41 khu bảo tồn đa dạng sinh học
Để bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gene quý hiếm, Việt Nam có kế hoạch đến năm 2020 sẽ thành lập 41 khu bảo tồn mới.
Việt Nam, Nam Phi cùng bảo vệ đa dạng sinh học
Động vật móng guốc Đông Nam Á bên bờ tuyệt chủng
Vườn quốc gia Cát Tiên được xem như là "báu vật" thiên nhiên của Việt Nam với rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm. |
Sáng nay, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã giới thiệu Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Cụ thể, năm 2020, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 9% diện tích lãnh thổ; diện tích khu bảo tồn biển đạt 0,24% diện tích vùng biển; độ che phủ rừng đạt 45%; có 10 khu Ramsar, 10 khu dự trữ sinh quyển, 10 vườn di sản ASEAN.
Tổng cục Môi trường cũng công bố Dự thảo quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. Theo đó, Việt Nam sẽ thành lập 41 khu bảo tồn với tổng diện tích 775.000 ha. Năm 2030, Việt Nam lập thêm 23 khu bảo tồn nữa. Hiện Việt Nam có 148 khu bảo tồn.
Theo ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam là nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều kiểu sinh thái, sinh cảnh. Việt Nam nằm trong 238 vùng sinh thái ưu tiên toàn cầu được Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) ghi nhận, trong đó nhiều loài đặc hữu, nguy cấp được ghi nhận trong sách dó của ICUN và của Việt Nam.
Theo Sách Đỏ Việt Nam 2007, tổng số các loài động, thực vật hoang dã trong thiên nhiên đang bị đe dọa hiện nay là 882 loài (418 loài động vật, 464 loài thực vật), tăng 161 loài so với thời điểm 1992; hiện có tới 9 loài động vật được xem là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Việt Nam như tê giác hai sừng, heo vòi, cầy rái cá, bò xám, hươu sao; cá chép gốc, cá chình Nhật, lan hài Việt Nam. |
Tuy nhiên, theo ông Cường, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong bảo tồn đa dạng sinh học, nhiều văn bản chính sách được ban hành, nhưng thực tế, đa dạng sinh học trên đà suy giảm và suy thoái. Nguyên nhân do việc khai thác quá mức, trái phép và buôn bán tiêu thụ trái phép động thực vật hoang dã. Ngoài ra còn do sự xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lại, sinh cảnh bị chia cắt do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển hạ tầng, thủy điện.
Đa dạng sinh học là nền tảng của nền kinh tế xanh, bảo tồn đa dạng sinh học là một trong các giải pháp then chốt nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với sử dụng bền vững đa dạng học góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Hương Thu
Theo Vnexpress