Diễn biến vụ xả súng và bắt con tin ở Kenya
Các phiến quân Hồi giáo Somalia xông vào một trung tâm mua sắm ở thủ đô của Kenya, quăng lựu đạn và xả súng làm hơn 60 người chết, bắt giữ nhiều con tin, rồi đọ súng với quân đội suốt vài ngày qua.
Cuộc tấn công bắt đầu vào khoảng sau 12 giờ trưa ngày 21/9 tại trung tâm thương mại Westgate ở thủ đô Nairobi, Kenya. Nhiều tay súng đi vào tòa nhà 4 tầng từ bãi đỗ xe và cửa chính, xả đạn vào người mua sắm và quăng lựu đạn. Chúng cố thủ ở đây và bắt giữ các con tin. Trong ảnh, một nữ con tin bị sốc được đội cứu hộ đưa ra ngoài. |
Phụ nữ và trẻ nhỏ ẩn nấp khỏi những tay súng. Một nhân chứng cho biết các tay súng mặc đồ đen, đeo mặt nạ đen, nói tiếng nước ngoài, có thể là tiếng Somalia hoặc Arab. Hơn 1.000 người, trong đó có nhiều người nước ngoài, trẻ em, người lớn Kenya đang mua sắm tại Westgate khi vụ tấn công xảy ra. |
Một cô gái thoát thân an toàn nhờ một ống thông gió. Ngay trong ngày 21/9, phiến quân Al-Shebab, vốn có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Chúng nói trên Twitter rằng hành động này là nhằm trả đũa cho việc Kenya can thiệp quân sự vào Somalia. |
Nhiều giờ sau vụ tấn công, nhiều người được sơ tán khỏi khu mua sắm khi cảnh sát bắt đầu tiến vào. Các nạn nhân bị thương được đưa lên xe cấp cứu. Một bệnh viện địa phương đã bị quá tải vì số người bị thương được chuyển tới quá đông. Nhiều người sau đó phải tới cơ sở khác của bệnh viện. |
Một nạn nhân châu Á được đưa khỏi Westgate. Rất nhiều người nước ngoài nằm trong số các nạn nhân của vụ tấn công. |
Thi thể một người bị bắn nằm bên ngoài trung tâm mua sắm, phía sau là các cảnh sát đang tiến vào tòa nhà. |
Tối 21/9, hai đội đặc nhiệm của quân đội vào tòa nhà. Cảnh sát và quân đội vây quanh khu phức hợp mua sắm khổng lồ, trong khi trực thăng quần thảo phía trên. |
Đêm 21/9, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta phát biểu trên truyền hình, cho biết số người thiệt mạng lúc đó là 39, trong khi 150 người bị thương. Ông Kenyatta cũng cho hay một người cháu và vợ chưa cưới của ông cũng thiệt mạng. Mỹ chỉ trích mạnh mẽ cuộc tấn công khủng bố vào dân thường. |
Cựu binh Mỹ và những đứa con rơi ở Việt Nam
Ngay sau khi rời Việt Nam vào năm 1970, James Copeland nhận được một lá thư từ người bạn gái Việt Nam. Cô thông báo đã có thai và ông là cha của đứa trẻ.
Cựu binh Mỹ James Copeland. Ảnh: NY Times |
Nhận được tin, Copeland lại đăng ký tuyển quân, hy vọng sẽ được điều động trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đang rút dần khỏi Việt Nam nên ông không có cách nào quay lại. Khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất vào năm 1975, Copland mất liên lạc với bạn gái.
Một thời gian sau, ông được nhận vào làm việc ở một nhà máy nhựa tại phía bắc của bang Mississippi và lập gia đình. Tuy nhiên, trong đầu ông vẫn luôn canh cánh một câu hỏi: liệu người bạn gái năm xưa có thực sự đã mang trong mình giọt máu của ông?
"Tôi có thể quên nhiều điều mà chúng tôi đã làm ở Việt Nam. Nhưng riêng điều đó, tôi không thể nào quên được", người đàn ông 67 tuổi nói, nhắc đến nỗi dày vò về bạn gái cũ và đứa con.
Năm 2011, Copeland quyết định đi tìm câu trả lời cho điều mà nhiều cựu binh Mỹ khác hoặc chối bỏ, hoặc tìm cách cố quên đi sự thật, đó là, họ đã để lại những đứa con của mình trên mảnh đất Việt Nam.
Di sản chiến tranh
Câu chuyện của họ là một di sản bị lãng quên khi chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm. Tuy nhiên, đối với một số cựu binh, nhu cầu tìm lại con ruột trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Những binh sĩ Mỹ ngày nào giờ đã ngấp nghé tuổi 70. Nhiều người trong số đó đã nghỉ hưu hoặc tàn tật và khao khát hàn gắn vết sẹo của chiến tranh.
Với những đứa con mang hai dòng máu Việt Nam và Mỹ, tìm lại được cội nguồn cũng là một nguyện vọng tha thiết.
"Tôi cần phải biết mình từ đâu đến", Trinh Tran, 46 tuổi, một nhân viên bất động sản ở Houston, đang tìm cha trong vô vọng, nói. "Tôi luôn nghĩ rằng nếu không có ông ấy thì tôi cũng không tồn tại".
Ước tính hàng chục nghìn quân nhân Mỹ đã có con với phụ nữ Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Một số đứa trẻ là kết quả của những mối tình dài, một số khác là kết quả những cuộc tình qua đêm chóng vánh. Chỉ có rất ít trong số những người cha Mỹ này từng thấy mặt con họ, và số người đưa con theo về Mỹ càng ít hơn.
Sau chiến tranh, những đứa trẻ được gọi là con lai Mỹ phải chịu đựng sự kỳ thị và cuộc sống khó khăn ở Việt Nam. Trước những báo cáo về điều kiện sống thiếu thốn của thế hệ này, Quốc hội Mỹ đã thông qua điều luật cho những đứa con lai một tình trạng di trú đặc biệt vào năm 1987. Kể từ đó, hơn 21.000 người, kèm theo 55.000 người thân, đã di cư sang Mỹ theo chương trình này và thêm hàng nghìn người được hưởng các chính sách di trú khác.
Nhiều người sang Mỹ với hy vọng được đoàn tụ với cha, nhưng họ đã không được chính phủ Mỹ hỗ trợ trong vấn đề này. Không tới 5% trong số họ tìm lại được cha đẻ.
Những cuộc tìm kiếm
Những đứa con lai Mỹ vẫn tiếp tục tìm cha, dù chỉ có trong tay những cái tên bị dịch sai, những ký ức nửa hư nửa thực và những bức ảnh đã phai nhòe theo năm tháng. Ở chiều ngược lại, một số cựu binh Mỹ cũng tiếp tục nỗ lực tìm con, trong tâm trạng bị chi phối bởi nỗi đau hoặc cảm giác tội lỗi.
"Giống như việc một người mẹ cho đứa con ruột đi làm con nuôi của người khác. Bà mẹ sẽ không bao giờ ngừng suy nghĩ về điều đó", George Pettitt, ở trung tâm Wales, New York nói.
Ông Pettitt, 63 tuổi, nhập ngũ sau khi bỏ học cấp ba và đến Việt Nam khi mới 19 tuổi. Năm đó, ông có cảm tình với một thiếu nữ người Việt làm ở tiệm giặt là cho các binh sĩ. Chẳng bao lâu sau thì cô gái có bầu.
"Tôi chỉ định vui chơi với cô ấy", ông nói. "Tôi không bao giờ có ý định làm cho cô ấy có thai".
Khi quay về New York, ông mất liên lạc với bạn gái, sau đó làm nghề lái xe tải và lập gia đình. Nhưng khi nghỉ hưu vì lý do sức khỏe năm 2000, những ký ức về đứa con bị bỏ lại, mà ông tin là một đứa con trai, cứ ám ảnh tâm can Pettitt. Ông đã trả tiền để thuê một người đàn ông tìm giúp nhưng vô ích.
Năm nay, một người phụ nữ ở bang Virginia gọi điện cho ông báo rằng, cô nghĩ chồng cô có thể là người con trai mà ông tìm kiếm. Thế nhưng, kết quả xét nghiệm DNA cho thấy điều ngược lại.
May mắn hơn Pettitt, có những cặp cha con Mỹ-Việt đã tìm thấy nhau.
Anh Ngọc (theo NY Times)
Ba phi cơ lạc vào vùng cấm bay ở New York
Ba chiếc máy bay nhỏ hôm qua bị các chiến đấu cơ F-16 ngăn chặn và áp giải, sau khi đi vào vùng cấm bay trên bầu trời thành phố New York, Mỹ.
Các chiến đấu cơ F-16 hôm qua được triển khai để áp giải các máy bay đi lạc vào vùng cấm bay trên bầu trời New York, khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang nhóm họp. Ảnh minh họa:Wikipedia |
NBC New York dẫn lời John Cornelio, phát ngôn viên Bộ chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ cho biết có ít nhất ba vụ chặn máy bay trong vòng 90 phút của buổi chiều hôm qua.
Cornelio nói các chiến đấu cơ F-16 đã chặn cả ba máy bay nhỏ và áp giải chúng đến các sân bay trong khu vực. Tại đó, các phi công và hành khách đã bị kiểm tra, nhưng dường như không có mối quan ngại nào về khủng bố.
Theo New York Daily, cả ba phi công của những máy bay này rõ ràng không biết cảnh báo về khu vực cấm bay tạm thời do Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang phát đi.
Một vùng không phận ở thành phố New York đang bị phong tỏa để đảm bảo an ninh cho cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhiều lãnh đạo của các quốc gia khác.
Trọng Giáp
Theo Vnexpress