Nồi cháo miễn phí của nhóm giang hồ hoàn lương
17h chiều, bệnh nhân ở Bệnh viện K (cơ sở Tam Hiệp, Hà Nội) xách cặp lồng xuống sân đợi cháo của một nhóm thanh niên xăm trổ đầy mình. Hôm nay cháo đến muộn nhưng họ vẫn cố đợi vì 'cháo của các chú ấy là ngon nhất'.
17h thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, nhóm "Hòa nhập" của anh Tuấn lại chở thùng cháo nóng hổi tới viện phát cho bệnh nhân. Ảnh: Bình Minh. |
Chiếc ôtô màu đen bóng loáng đỗ xịch trước nhà ăn. Hai người đàn ông đầy vết xăm trên cánh tay nhanh chóng mở cốp, khênh thùng cháo màu xanh đặt lên bàn.
Nắp thùng cháo vừa mở, mùi thơm ngậy của nước xương và thịt tỏa ra khiến bệnh nhân đang đứng xung quanh tấm tắc: "Thơm quá". Người đàn ông có dáng "anh chị" không ngơi tay múc từng ca cháo nóng hổi vào những chiếc bát nhựa, cặp lồng đang đưa ra chờ đợi. Đáp lại những tiếng giục giã, người này chỉ tếu táo mong mọi người bình tĩnh. Chưa đầy 15 phút sau, cháo hết veo, người múc phải nghiêng thùng để lấy cho bệnh nhân cuối cùng.
Hai bố con người Thanh Hóa nằm viện đã được 2 tháng, chiều thứ ba và thứ bảy nào cũng rủ nhau xuống sân đợi cháo. Dắt đứa con gái 4 tuổi tay vẫn cắm dây truyền, người cha cẩn thận xách cặp lồng cháo nóng lách người qua đám đông xuýt xoa: "Có được bát cháo như này, đỡ bao nhiêu tiền".
Chiều thứ ba và thứ bảy hàng tuần, nhóm "Hướng thiện" gồm những thanh niên từng một thời lầm lỡ, giờ "gác kiếm", mang cháo vào chia sẻ với bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K, cơ sở Tam Hiệp, Hà Nội (còn gọi là K2). Đã gần 2 năm nay, họ thoắt đến với người bệnh rồi lặng lẽ ra về khi thùng cháo hết sạch. Nhắc tới họ, bệnh nhân ở đây quen gọi đó là "cháo của các chú có hình xăm".
Cháo ninh xương thịt của các thành viên từng có quá khứ lầm lỗii được người bệnh đánh giá là 'ngon nhất'.. Ảnh: Bình Minh. |
Theo anh Phạm Anh Tuấn, thành viên của nhóm "Hướng thiện", nhóm được thành lập từ năm 2011 do anh Đỗ Minh Hòa, một người từng lĩnh án tù, làm trưởng nhóm. Hơn 20 thành viên từng có quá khứ tù tội được anh Hòa, giờ đã là doanh nhân thành đạt, tạo công ăn việc làm tại nhà hàng, hồ câu và cửa hàng cho thuê xe của gia đình anh.
Không muốn nhắc lại quãng thời gian lạc lối, người đàn ông đó gói ghém câu chuyện cuộc đời mình bằng giọng nói hân hoan về công việc thiện nguyện hiện tại. Mọi lần đi phát cháo sẽ có vợ chồng anh Hòa, anh Tuấn và một tài xế nhưng hôm nay, trưởng nhóm có việc bận nên vắng mặt. Bởi thế, công việc của anh Tuấn cũng bận rộn hơn.
Chưa đầy 15 phút, thùng cháo hết veo. Anh Tuấn (áo kẻ) phải nghiêng thùng múc cho người cuối cùng. Ảnh: Bình Minh. |
Người nấu chính là chị Hương, vợ trưởng nhóm. Chị cùng một vài nhân viên nữa chuẩn bị từ sáng, đi chợ, nhóm lò rồi ninh cháo. Mỗi nồi cháo được nấu từ 4,5 kg gạo tám thơm, 2 kg xương và 1,5 kg thịt nạc. Gạo không được lẫn nếp vì bệnh nhân mổ không ăn được đồ nếp.
Nấu xong, cháo được cho vào thùng cách nhiệt rồi chở bằng ôtô tới viện. Anh Tuấn khoe, anh không biết nấu nhưng là người nhóm lò, đun nước và trực tiếp đi phát cháo. Khi cháo được mang tới viện, một người sẽ chịu trách nhiệm đi tới từng phòng để mời bệnh nhân ra nhận đồ ăn.
Nhớ lại ngày đầu tới đây, người đàn ông này không quên được ánh mắt ngại ngùng, tò mò xen lẫn sợ hãi của người bệnh khi trông thấy các thành viên trong nhóm đầu trọc, mình đầy hình xăm vào tận phòng mời họ ra lấy cháo. "Anh em trong nhóm ai cũng có hình xăm cả. Dần dần, bệnh nhân mới dám ra và khi không sợ nữa, họ hào hứng chờ đợi cháo của chúng tôi mỗi tuần", anh Tuấn nói.
Lý giải cho việc nhóm chọn Bệnh viện K2, dân "anh chị" một thời chia sẻ, hầu hết những bệnh nhân vào viện này dường như đã chắc "án tử", hoàn cảnh nghèo khổ lại ở tỉnh xa về. Quá trình điều trị dai dẳng, tốn kém khiến họ kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong hoàn cảnh đó, một bát cháo thịt miễn phí vào hai buổi hàng tuần giữa đất Hà Nội khiến họ ấm lòng. Bản thân những người lầm lỡ giờ đã "quay đầu" như anh cũng thấy lòng mình thanh thản.
Mẹ anh Tuấn từng mắc bệnh ung thư nên anh hiểu phần nào nỗi đau đớn, vất vả của cả người thân và bệnh nhân. Bởi vậy, khi hoàn lương, được ông chủ hướng đến hoạt động thiện nguyện, anh đã tham gia cho tới giờ. Mỗi lần đến, thấy bệnh nhân cầm cặp lồng đứng vây quanh với ánh mắt vui sướng, cả những giọt nước mắt xúc động khi bưng bát cháo, anh Tuấn cùng các thành viên trong nhóm cũng vui lây.
Ngoài cháo của nhóm anh Tuấn, bệnh nhân ở K2 cũng thường nhận được những suất cơm, cháo miễn phí của các nhóm thiện nguyện khác. Một trong những nhóm thâm niên nhất ở đây này là tổ nấu, phát cháo miễn phí của chùa Linh Sơn, Thanh Nhàn, Hà Nội, do các cụ hưu trí xã Tam Hiệp phụ trách. Suốt 9 năm qua, nhóm nấu cháo từ thiện do bà Cao Thị Nghít (66 tuổi) làm trưởng nhóm vẫn đều đặn dậy từ 4h sáng mỗi ngày chuẩn bị cháo cho bệnh nhân.
Theo bà Nghít, 13 thành viên của nhóm đều là công nhân của một công ty xây dựng đã nghỉ hưu, nhiều cụ đã hơn 70 tuổi. Không ít cụ đã qua đời, nay con cháu họ lại tiếp tục công việc. Trong số 13 người có 4 người nấu chính, số còn lại luân phiên nhau đi phát cơm, cháo hàng sáng. Thông thường, cháo được phát lúc 6h sáng, 9h trưa sẽ có cơm đưa từ chùa xuống.
Bí đỏ và su su cất tại nhà bà Nghít. Công việc mua rau, củ nấu cháo được giao cho một thành viên nhà gần chợ đầu mối. Ảnh: Bình Minh. |
Để có nồi cháo sánh đặc, thơm ngon, các thành viên trong nhóm bà Nghít sẽ sơ chế su su, bí đỏ, nhóm hai bếp lò 12 viên từ chiều hôm trước rồi ninh cháo qua đêm bằng nồi gang đặc dụng. Sáng sớm hôm sau, họ đi lấy thịt lợn ở cửa hàng đặt sẵn rồi mang về chế biến trước khi nấu cùng cháo. Su su và bí đỏ được giao cho một cụ nhà ở gần chợ đầu mối Văn Điển mua.
Trưởng nhóm cho hay, mỗi ngày các bà nấu 13 kg gạo, tính ra mỗi lạng gạo có kèm thịt, rau, củ, quả sẽ cho 3 bát cháo.
Gần 10 năm qua, dù mưa, bão, bà cùng các đồng nghiệp cũ sống gần khu tập thể ở thị trấn Văn Điển vẫn không từ bỏ công việc của mình.
Ảnh: Bát cháo nghĩa tình ở Bệnh viện K2
Clip: Một ngày phát cháo từ thiện của nhóm giang hồ giải nghệ
Theo phòng Hành chính, Bệnh viện K, cơ sở Tam Hiệp, Hà Nội, mỗi năm có khoảng 100 đoàn thiện nguyện tới đây làm từ thiện, chủ yếu vào những dịp đặc biệt như Trung thu, Tết, 1/6. Trong số các khoa hay nhận được giúp đỡ, 85% dành cho khoa Nhi. Từ đầu năm 2013, các đoàn từ thiện sẽ phải làm đơn đăng ký với cán bộ phụ trách trước khi tới viện. Chị Phạm Thị Hường, Y tá trưởng khoa Nhi, Bệnh viện K2 cho biết thêm, Hướng thiện và nhóm của bà Nghít là một trong số các nhóm thiện nguyện đến với bệnh nhân của viện hàng tuần. Những bệnh nhân điều trị ở đây đều có khó khăn về kinh tế nên những phần cơm, cháo từ thiện của các nhóm tình nguyện giúp đỡ họ rất nhiều. Các y, bác sĩ ở viện cũng thường xuyên chủ động tìm hiểu, chia sẻ hoàn cảnh của người bệnh để có hướng giúp đỡ hoặc giới thiệu cho tổ chức từ thiện. "Hiện tại, ở khoa Nhi có 50 cháu đang điều trị. Nhìn các cháu trọc đầu thương lắm. Ngoài những lúc truyền hóa chất mệt mỏi, các cháu vui chơi, đá bóng suốt ngày. Hầu như các bệnh nhi không tỏ ra bi quan. Có cháu ở đây từ năm 10 tuổi, giờ đã học đại học rồi", chị Hường chia sẻ. |
Bình Minh
Đăk Lăk xả đập, hàng chục người mắc kẹt trong lũ
Mưa lớn nhiều ngày khiến nước ở các đập dâng cao kết hợp với việc xả lũ lưu lượng lớn đã khiến nhiều nhà bị cuốn trôi, hàng chục người dân mắc kẹt.
Do ảnh hưởng bão số 8 kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây nam cường độ mạnh, tại Đăk Lăk, mưa diễn ra trên diện rộng kéo dài nhiều ngày qua. Đến ngày 18/9, lượng mưa phổ biến đạt 150-250 mm, cá biệt tại huyện Ea H'leo có khi lên đến 516 mm. Mực nước các sông trong tỉnh đang dao động theo xu thế tăng và xuất hiện lũ tại một số địa phương. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh hiện nay mực nước đã tràn qua.
Lũ cuốn trôi nhiều ngôi nhà chiều 17/9. Ảnh: Việt Linh |
Trên địa bàn huyện Ea H'leo mưa lớn đã gây lũ trên các sông, suối và nhiều địa bàn khu dân cư. Sáng 17/9, hồ chứa nước Ea Drăng (thuộc địa bàn thị trấn) có dung tích 1,2 triệu m3 nước hồ tràn qua đập gây xói mái hạ lưu đập. Để đảm bảo an toàn công trình, UBND huyện đã cho xả lũ qua tràn với lưu lượng lớn nhất để hạ thấp mực nước hồ, do đó gây lũ lớn cho vùng hạ du.
Thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện đã có 11 nhà dân bị cuốn trôi, 3 nhà sập và 71 nhà ngập úng. Lũ quét cũng cuốn hết tài sản những ngôi nhà này. Ngoài ra, nhiều công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn hư hỏng nặng; hàng trăm héc ta hoa màu của người dân bị ngập chìm trong nước lũ
Trên địa bàn huyện Ea Súp, do mưa lớn vùng đầu nguồn, hiện lượng nước đổ về hồ EaSúp đang rất lớn, lượng nước xả qua tràn là 200 m3/s, đã gây ngập úng nhiều điểm trên địa bàn huyện.
Vào chiều tối 17/9, 38 người xã Cư Kbang và 12 người ở xã Ea Rốc đi làm rẫy do nước suối lên nhanh không kịp về đã bị cô lập. Ban chỉ huy PCLB huyện này đã tổ chức lực lượng ứng cứu và đưa về nơi an toàn 37 người, hiện còn kẹt lại 13 người chưa tiếp cận được. Trên địa bàn xã Ea H’leo cũng có 43 người dân bị mắc kẹt trong rẫy vì nước suối lên nhanh...
Tại xã Ya Tmốt, nước lũ gây ngập hơn 10 thôn và buôn M’tha ở xã Ea Rốc. Tại xã Cư Kbang, một số tuyến đường bị ngập gây chia cắt các vùng như: tỉnh lộ 1 đoạn từ xã Ea Lê sang Ea Rốc, đường liên xã Ea Bung – Ya Tmốt, đường liên huyện EaSúp – CưM’gar ngập sâu trên 0,5m ách tắc giao thông. Tại công trình thủy lợi đập Ia Jlơi đã xuất hiện sự cố rò rỉ.
Nhiều tuyến đường tại Đăk Lăk bị chia cắt. Ảnh: Việt Linh |
Tại huyện Krông Búk, theo dự báo của Ban chỉ huy PCLB tỉnh, nếu mưa lớn kéo dài thì nhiều công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn gồm: Đập Ea Gin xã Cư Né mực nước dâng lên nhanh, tràn xả lũ thoát nước không kịp, hiện tại mực nước đã dâng lên khá cao; Đập Buôn Thia, xã Cư Né hiện tại nước đã tràn qua thân đập; Đập Thủy điện, xã Chứ Kbô, do công trình đang thi công tràn xả lũ dở dang, nên việc thoát nước chậm, có nguy cơ mất an toàn nếu mưa lớn kéo dài
Việt Linh
Cô giáo trong nghi án lừa nữ sinh vào tiệm massage bị cảnh cáo
Bà Lê Thị Huệ (40 tuổi, giáo viên trường THCS Hà Bình, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) vừa phải nhận hình thức kỉ luật cảnh cáo do vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây dư luận xấu... Trước đó, giáo viên này bị 2 nữ sinh tố lừa đưa vào tiệm massage.
Ngày 18/9, Công an huyện Hà Trung (Thanh Hóa) cho biết đã hoàn tất báo cáo điều tra nghi án cô giáo Lê Thị Huệ bị tố đưa học sinh đi tìm việc nhưng lại dẫn ra Quảng Ninh làm gái massage.
Cô giáo Lê Thị Huệ bị kỷ luật cảnh cáo vì vi phạm đạo đức ngành giáo dục. Ảnh: Lê Hoàng |
Theo báo cáo của Cơ quan điều tra gửi UBND huyện Hà Trung, sau khi nhận được tố cáo của 2 nữ sinh Nguyễn Thị Anh và Nguyễn Thị Hoa (đều 14 tuổi, trú xã Hà Bình), công an huyện đã mời các bên liên quan đến làm việc, lấy lời khai. Đồng thời cử cán bộ đi TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), phối hợp với công an phường Cẩm Thạch, Cẩm Bình triệu tập một số đương sự.
Qua tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra kết luận, việc 2 nữ sinh nhờ cô Huệ xin việc làm, đưa đi Quảng Ninh là tự nguyện, không có biểu hiện ép buộc, hay lôi kéo dụ dỗ. Tuy nhiên, bản thân là một giáo viên, thấy học sinh bỏ học lẽ ra phải động viên các em đến trường nhưng cô Huệ lại giới thiệu học trò đi làm dù các em còn nhỏ, chưa đến tuổi lao động.
“Việc làm của cô Huệ gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục cần có biện pháp xử lý theo quy định”, cơ quan điều tra kiến nghị.
Bí thư Huyện ủy huyện Hà Trung Đào Xuân Yên cho biết, sau khi có kết luận từ phía cơ quan công an, Trường THCS Hà Bình đã họp kiểm điểm, kỷ luật cô Huệ với hình thức cảnh cáo.
Trước đó, gia đình hai nữ học trò Nguyễn Thị Anh và Nguyễn Thị Hoa gửi đơn đến cơ quan công an tố cáo, con gái họ bị cô Huệ lừa mang lên thành phố tìm việc nhưng lại dẫn ra TP Cẩm Phả, Quảng Ninh đưa vào phục vụ khách trong cơ sở karaoke, massage.
Gia đình Anh cho biết, sau khi về quê, phần vì xấu hổ, phần vì sợ hãi, cháu Anh đã bỏ học. Anh tâm sự, bây giờ em không dám tiếp tục đến trường nữa vì sợ gặp cô Huệ, phần ngại bạn bè cười chê. Gia đình cũng đã gửi Anh đến trú ngụ nhờ nhà người thân ở một tỉnh phía Bắc.
Lê Hoàng
Theo Vnexpress