Núi lửa Sinabung thức giấc: 6.200 người mất nhà cửa

Ngọn núi lửa cao 2.600m ở tỉnh Bắc Sumatra bùng nổ vào sáng ngày chủ nhật 15/9/2013 sau ba năm ngừng hoạt động, phun một cột tro dày lên bầu trời kèm theo những hòn đá nhỏ ném ra xung quanh các khu vực lân cận. Phát ngôn viên cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết, tổng cộng 6.259 người đã được sơ tán vào chiều thứ hai...

Núi lửa Sinabung thức giấc: 6.200 người mất nhà cửa

Hơn 6.200 người đã được sơ tán khỏi các ngôi làng của họ sau sự phun trào của núi lửa Sinabung ở miền tây Indonesia, một quan chức địa phương nước này cho biết.

Ngọn núi lửa cao 2.600m ở tỉnh Bắc Sumatra bùng nổ vào sáng ngày chủ nhật 15/9/2013 sau ba năm ngừng hoạt động, phun một cột tro dày lên bầu trời kèm theo những hòn đá nhỏ ném ra xung quanh các khu vực lân cận.

Phát ngôn viên cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết, tổng cộng 6.259 người đã được sơ tán vào chiều thứ hai. Tuy nhiên, chưa có báo cáo về thiệt hại.

Hãng thông tấn Antara cho biết 5 người đã nhập viện tại Kabanjahe, thủ phủ của huyện Karo. Jhonson Tarigan, người phát ngôn của cơ quan giảm nhẹ thiên tai địa phương, cho biết những người này đã bị khó thở sau khi hít phải tro bụi núi lửa.

Hầu hết dân chúng trong vòng bán kính 3 km của ngọn núi ở huyện Karo đã được di dời, ông Nugroho cho biết.

 - 1

Núi lửa Sinabung phun trào sau ba năm ngủ yên. Ảnh: AP

Chính quyền địa phương cũng đã chuẩn bị 2.000 chăn và mặt nạ để phân phối cho người dân. Một trung tâm điều hành đã được thiết lập để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về thực phẩm, đồ ăn cho trẻ sơ sinh và chăm sóc y tế, theo ông Nugroho.

Vào ngày thứ hai, cột khói màu xám vẫn bốc lên từ đỉnh của ngọn núi lửa cao nhất Bắc Sumatra, thổi tro về hướng đông. Chính quyền yêu cầu người dân phải cảnh giác trước những vụ phun trào khác có thể xảy ra.

Vụ phun trào cuối cùng của núi Sinabung vào tháng 8.2010 đã giết chết hai người và làm 30.000 người khác phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều nhà khoa học hiện rất cảnh giác, bởi họ đã từng thất bại trong việc theo dõi ngọn núi lửa này, vốn đã nằm yên trong bốn thế kỷ.

Hiện có hơn 129 núi lửa đang hoạt động ở Indonesia, quần đảo lớn nhất thế giới. Đây là khu vực dễ bị biến động địa chấn do nằm trên cái gọi là "vành đai lửa" - một loạt các đường đứt gãy trải dài từ Tây bán cầu qua Nhật Bản và Đông Nam Á.

Theo người đứng đầu cơ quan thảm họa của Bắc Sumatra Asren Nasution thì những người dân sơ tán hiện trú ẩn tại các nhà thờ, đền thờ Hồi giáo hay trong các trụ sở cơ quan nhà nước. AFP dẫn lời Hendra Gunawan, một nhà nghiên cứu núi lửa cho biết vào hôm 16/9, ngọn núi lửa Sinabung vẫn còn phun ra những cột tro bụi nhưng cường độ thấp hơn vài ngày trước.

Được biết, núi lửa Sinabung ngủ yên trong gần 100 năm trước khi thức giấc phun trào mạnh mẽ vào tháng 8 và 9/2010 khiến 12.000 người phải sơ tán. Theo AFP, đất nước vạn đảo Indonesia nằm trên "vành đai lửa" giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nơi các hoạt động địa chất diễn ra dữ dội với động đất và núi lửa phun trào liên tục xảy ra. Hiện nước này có hàng chục núi lửa đang hoạt động.

Hồi tháng trước, có sáu người tử vong và hàng ngàn người sơ tán khi ngọn núi lửa Rokatenda trên hòn đảo nhỏ Palue thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara phun trào.

Núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia là Merapi nằm trên đảo Java đã có đợt phun trào lớn khiến hơn 350 người thiệt mạng vào cuối tháng 10/2010.

Theo N.TH (Sài Gòn tiếp thị/CBCNews)
 

Nhật Bản: Hơn 1000 tấn nước nhiễm xạ đổ ra biển

Công ty điện lực Tokyo Nhật Bản (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ngày 17/9 cho biết đã đổ ra Thái Bình Dương tổng cộng 1.130 tấn nước mưa đọng lại tại nhà máy này trong ngày 16/9 sau một cơn bão.

Theo TEPCO, lượng nước mưa trên đã tích lại bên trong khu vực rào chắn được dựng lên xung quanh các bể chứa nước bị nhiễm phóng xạ của nhà máy, tuy nhiên nồng độ phóng xạ trong nguồn nước mưa này dưới ngưỡng cho phép, có thể thải vào biển.

TEPCO cho biết các tường rào dựng lên nhằm ngăn chặn khả năng nước nhiễm phóng xạ bị rò rỉ từ các bể chứa thoát ra ngoài. Tuy nhiên, khi cơn bão tràn đến, lượng nước mưa ở bên trong các rào chắn có nguy cơ tràn ngược trở vào các bể chứa nước nhiễm phóng xạ.

Nhật Bản: Hơn 1.000 tấn nước nhiễm xạ đổ ra biển
Đo được chỉ số phóng xạ cao tại nhà máy điện Fukushima. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Để giải quyết tình trạng trên, TEPCO đã cho xả lượng nước mưa ra ngoài bằng cách cho mở một số van được gắn trên tường chắn.

TEPCO khẳng định lượng nước được thải ra có nồng độ phóng xạ̣ cao nhất chỉ là 24 becquerel/l, thấp hơn mức cho phép 30 becquerel/l.

TEPCO cũng cam kết khi phát hiện lượng nước có nồng độ phóng xạ sát hoặc vượt quá ngưỡng cho phép, công ty sẽ lưu lại trong các bể chứa thay vì xả ra ngoài.

Kể từ khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại trong thảm họa kép động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011, đến nay một lượng lớn các bể chứa nước nhiễm phóng xạ đã được dựng lên và con số này tiếp tục tăng lên khi hàng ngày vẫn cần phải sử dụng nước để làm mát các lò phản ứng hạt nhân đã bị tan chảy.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 19/9 sẽ thăm nhà máy này nhằm kiểm tra công tác xử lý nguồn nước bị nhiễm phóng xạ.

Theo Khoahoc.com

Sao chổi mang sự sống đến Trái đất?

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Ken và phòng thí nghiệm Lawrence Livermore (Anh) tin rằng khi sao chổi băng giá va vào các hành tinh, chúng sẽ tạo ra các axit amin-chất hình thành nên sự sống.

Các nhà khoa học Anh vừa cho biết, họ đã thành công trong việc mô phỏng một vụ va chạm trong vũ trụ để tạo ra các axit amin, những chất cực kỳ thiết yếu cho việc hình thành sự sống.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Ken và phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore của Anh tin rằng khi sao chổi băng giá va vào các hành tinh, chúng sẽ tạo ra các axit amin.

Từ giả thuyết đó, họ tiến hành mô phỏng một vụ va chạm trong vũ trụ. Họ đưa một số chất vốn là thành phần cơ bản thường xuyên được tìm thấy của sao chổi gồm ammonia, carbon dioxide và methanol vào thử nghiệm. Sau đó, họ tiến hành một cuộc mô phỏng vụ va chạm với vận tốc 15.000 dặm/h (khoảng 24.140 km/h).

Kết quả, những nhà khoa học phát hiện các axit amin, những thành phần thiết yếu cho sự sống đã được tạo ra từ vụ va chạm này.

 - 1

Sao chổi mang sự sống đến Trái đất khoảng 3,8-4,5 tỷ năm trước?

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh, cũng như con người có thể tác động để tạo ra nơi ở mới trong vũ trụ trong tương lai. Chẳng hạn như lớp băng giá bao phủ bề mặt Enceladus và Europa-hai mặt trăng của sao Thổ và sao Mộc, có thể cũng cấp những điều kiện hoàn hảo để “sản xuất” những axit amin từ những vụ va chạm với thiên thạch.

Tiến sĩ Zita Martins, người lãnh đạo dự án nghiên cứu, cho biết: “Khoảnh khắc khi chúng tôi nhận được kết quả thử nghiệm thật tuyệt vời. Đây là một trong những giây phút hạnh phúc nhất đời tôi.

Phát hiện này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với ngành khoa học vũ trụ. Bước tiếp theo của chúng tôi là tiếp tục nghiên cứu để có thể phần nào đó giải đáp cho câu hỏi vĩ đại: Nguồn gốc sự sống trên Trái đất?”.

Quả vậy, từ lâu các nhà khoa học luôn đau đầu trong việc tìm ra lời giải cho việc hình thành sự sống trên Trái đất. Giờ đây giả thiết Trái đất va chạm với sao chổi trong khoảng thời gian từ 3,8-4,5 tỷ năm trước để rồi gieo mầm sự sống trở nên hợp lý hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, nhiều nghiên cứu đã đi đến cùng một kết luận rằng hành tinh xanh bắt đầu có sự sống từ khoảng 3,5 tỷ năm trước.

Theo Mai Thủy (Dân Việt/Independent)

Nông dân Anh ứng dụng Internet vào việc chăn bò

Một trang trại ở Essex, Anh đã bắt đầu kết nối những con bò của họ với Internet để theo dõi những thay đổi trong hành vi của những con bò, từ đó người nông dân có thể sớm phát hiện bệnh trên chúng.

Nhóm nghiên cứu dự án "chăn bò thời @" có tên Cow Tracking Project này đã gắn một thiết bị GPS cho mỗi con bò và đặt những cảm biến xung quanh khu trại của chúng để theo dõi hoạt động và thói quen, thời gian ngủ của chúng. Những thông tin này sau đó sẽ được gửi tới máy tính của người chăn nuôi.


Ảnh: munchkinfood.blogspot.com

Sự gián đoạn trong những hoạt động thường xuyên của bò (ví dụ như ngủ nhiều hơn hoặc ít di chuyển xung quanh hơn bình thường) có thể là một dấu hiệu cho thấy bò bị bệnh, vì vậy những thông tin được cập nhật hàng ngày sẽ giúp người chăn nuôi có thể nhanh chóng nắm bắt những thay đổi để kịp thời điều trị bệnh cho những chú bò.

Hơn nữa, dự án có thể giúp người dân tiết kiệm chi phí nhân công và chi phí thuốc kháng sinh do bệnh sẽ được điều trị kịp thời ngay khi chưa quá nặng. "Chúng tôi nghĩ dự án này sẽ giúp người dân tiết kiệm được 300 bảng Anh trên mỗi con bò", John Torrance, một nông dân ở Essex chia sẻ với BBC.

Sắp tới, dự án cập nhật theo thời gian thực bằng cách gửi những thông tin liên quan tới cho người chăn nuôi qua tin nhắn và email. Hiện tại những con bò ở trang trại được theo dõi 24/7.

Những điều cần biết về ngọn Lửa - Điều khác biệt giữa người và vật

Bạn đã từng bao giờ thắc mắc xem lửa sinh ra như thế nào chưa? Lửa có hình dạng như thế nào? Bản chất ngọn lửa ra sao?...

Lửa có thể phá huỷ ngôi nhà của bạn và tất cả những gì bạn có chỉ trong vòng chưa đến một giờ đồng hồ, biến một khu rừng rộng lớn chỉ còn lại than và tro tàn. Lửa cũng là một loại vũ khí đáng sợ, với sức tàn phá gần như vô hạn, mỗi năm lửa lấy đi nhiều mạng sống hơn bất kì một sức mạnh thiên nhiên nào khác.

Nhưng ngược lại, lửa lại có rất nhiều công dụng trong cuộc sống. Lửa cho chúng ta ánh sáng và hơi ấm. Lửa còn giúp nấu chín thức ăn, rèn kim loại, làm đồ gốm, nung gạch, và vận hành nhà máy nhiệt điện... Tóm lại, lửa là một thứ nguy hiểm, nhưng cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nó thực sự là một trong những yếu tố quan trọng nhất của lịch sử loài người.

Những điều cần biết về ngọn Lửa - Điều khác biệt giữa người và vật

Vậy, chính xác, lửa là gì?

Người Hy Lạp cổ cho rằng lửa là một trong những nguyên tố chính của vũ trụ, bên cạnh nước, đất và khí. Bạn có thể cảm nhận được lửa, giống như bạn có thể cảm nhận được đất, nước và khí vậy. Bạn cũng có thể nhìn, ngửi thấy lửa, và bạn có thể mang lửa đi bất cứ đâu.

Nhưng thực tế, lửa là một cái gì đó rất khác. Đất, nước và khí được cấu tạo bởi hàng tỉ nguyên tử, và luôn giữ nguyên dạng như vậy. Lửa thì không như vậy: lửa có thể chuyển sang những dạng khác – nó là một phần của các phản ứng hoá học.

Những điều cần biết về ngọn Lửa - Điều khác biệt giữa người và vật

Lửa là gì?

Thông thường, lửa sinh ra từ một phản ứng hoá học giữa oxy trong không khí và một loại chất đốt nào đó (gỗ, dầu hoả,...). Tất nhiên, gỗ và dầu hoả để trong không khí sẽ không thể tự cháy được. Để phản ứng cháy xảy ra, chúng ta cần phải làm nóng nhiên liệu đến nhiệt độ cháy của chúng – ignition temperature.

Những điều cần biết về ngọn Lửa - Điều khác biệt giữa người và vật

Trước tiên, chúng ta sẽ nói qua về quá trình khi đốt cháy một chất nào đó. Ví dụ, khi đốt một khúc gỗ, quá trình xảy ra như sau:

- Khúc gỗ nóng dần lên. Nguồn làm nóng có thể là bất cứ gì: que diêm, tập trung ánh sáng mặt trời, sự chà xát, một thứ gì đó đang cháy...

- Khi khúc gỗ đạt đến nhiệt độ khoảng 300 độ F (150 độ C), nhiệt sẽ làm phân huỷ một vài thành phần cellulose của khúc gỗ đó.

Những điều cần biết về ngọn Lửa - Điều khác biệt giữa người và vật

- Các thành phần bị tách ra của khúc gỗ đó, sẽ tạo thành khí bay hơi, đó chính là khói. Khói này bao gồm hidro, carbon và oxy. Khi ấy, khúc gỗ chỉ còn lại than củi – gần như là carbon tinh khiết, và tro tàn – chứa các khoáng chất không thể đốt cháy được (như canxi, kali...). Than củi chính là gỗ đã được làm nóng đến mức nó mất hết các loại khí bên trong và chỉ còn lại carbon. Và vì thế, sẽ không có khói sinh ra khi bạn đốt than củi.

Thực tế, khi đốt một khúc gỗ sẽ xảy ra hai quá trình riêng biệt.

- Khi khí sinh ra đủ nóng (tầm 500 độ F tức 260 độ C), các liên kết trong phân tử bị vỡ ra thành các nguyên tử nhỏ hơn, và chúng kết hợp với oxy trong không khí để sinh ra nước, CO2 và các sản phẩm khác.

- Carbon trong than củi cũng sẽ phản ứng với oxy, nhưng phản ứng này diễn ra chậm hơn. Chính vì vậy, khi bạn nướng một thứ gì đó bằng than củi, bạn sẽ thấy chúng nóng rất lâu.

Các phản ứng này khi xảy ra sẽ toả rất nhiều nhiệt. Chuỗi các phản ứng xảy ra liên tục, lượng nhiệt sinh ra đủ để duy trì ngọn lửa. Quá trình phản ứng trên đúng với khi ta đốt một khúc gỗ, nhưng với nhiều loại nhiên liệu khác thì quá trình chỉ xảy ra có một bước. Xăng là một ví dụ. Nhiệt năng sẽ hoá hơi xăng và rồi đốt cháy chúng, than không được sinh ra như khi đốt gỗ. Loài người đã học được cách điều chỉnh nhiên liệu cần dùng và điều chỉnh ngọn lửa cho phù hợp với mục đích sử dụng. Ngọn nến chính là một dạng cho thấy sự bay hơi chậm và bốc cháy của sáp.

Những điều cần biết về ngọn Lửa - Điều khác biệt giữa người và vật

Khi được làm nóng, các nguyên tử carbon (và cũng như các nguyên tố khác) phát ra ánh sáng. Hiện tượng “nhiệt sinh ra ánh sáng” này có tên gọi incandescence, về cơ bản cũng tương tự như việc bóng đèn dây tóc có thể phát sáng vậy. Và chính hiện tượng này sẽ cho ta nhìn thấy được ngọn lửa. Màu sắc của ngọn lửa rất đa dạng, phụ thuộc vào cái gì đang cháy và nó nóng đến mức nào. Khi bạn thấy một ngọn lửa có nhiều màu sắc, ví dụ như nhìn vào ngọn lửa bếp ga, bạn sẽ thấy nó có nhiều màu sắc khác nhau, đấy chính là do sự khác nhau về nhiệt độ. Thông thường, nơi nóng nhất của ngọn lửa - ở dưới cùng – có màu xanh lam, trong khi đó, nơi có nhiệt độ thấp nhất có màu vàng và màu cam.

Thêm nữa, các nguyên tử carbon có thể để lại những vệt đen xung quanh khi cháy sáng, đó chính là muội than hay bồ hóng, mà chúng ta thường thấy ở đáy các loại nồi khi nấu nướng bằng bếp than.

Thứ nguy hiểm nhất ở đây là, các phản ứng hoá học mà có xảy ra sự cháy, chúng có tính tự tồn tại lâu dài – self-perpetuating. Sức nóng từ ngọn lửa có thể giữ cho nhiên liệu luôn ở nhiệt độ cháy, và chúng sẽ cháy mãi cho đến khi hết nhiên liệu hoặc hết oxy xung quanh. Ngọn lửa cháy làm nhiên liệu xung quanh bốc hơi, khi hơi ga bắt lửa chúng sẽ cháy tiếp, và ngọn lửa lan ra khắp nơi.

Những điều cần biết về ngọn Lửa - Điều khác biệt giữa người và vật

Trên Trái Đất, trọng lực quyết định tính chất của ngọn lửa. Những dòng khí nóng hơn sẽ có trọng lượng riêng nhỏ hơn, và chúng sẽ trôi lên trên về phía áp lực thấp hơn. Đó là lý do bạn quan sát thấy ngọn lửa thường “nhọn” ở đầu. Nếu bạn nhóm một ngọn lửa ở một môi trường không trọng lực, ví dụ như trong tàu vũ trụ, thì bạn sẽ thấy ngọn lửa có hình cầu!

Tính đa dạng của ngọn lửa

Trong phần trước, chúng ta đã được thấy, lửa là kết quả của phản ứng hoá học giữa hai chất khí, điển hình là oxy và khí ga. Khí ga được tạo nên bởi nhiệt. Nói cách khác, khi được cung cấp nhiệt năng ban đầu, các liên kết trong phân tử khí ga bị bẻ gãy, các nguyên tử được giải phóng sẽ phản ứng với oxy trong không khí và từ đó sinh ra hợp chất khác cùng với lượng nhiệt lớn hơn.

Thực tế, chỉ có một số hợp chất bị bẻ gãy và phản ứng theo cách trên, các nguyên tử phải bị hút lẫn nhau theo một cách nào đó. Nếu ta thử với nước chẳng hạn, khi bạn đun sôi nước, nước nóng sẽ hoá thành hơi, bay lên gặp khí oxy nhưng sẽ không có phản ứng xảy ra. Đó là do các nguyên tử hidro và oxy trong nước và nguyên tử oxy của không khí không đủ sức hút để tạo nên phản ứng, do vậy phân tử nước không bị bẻ gãy và phản ứng không xảy ra.

Những điều cần biết về ngọn Lửa - Điều khác biệt giữa người và vật

Những hợp chất dễ cháy nhất, đó chính là hợp chất có chứa carbon và hidro, chúng dễ dàng kết hợp với oxy trong không khí để tạo CO2, nước và các chất khí khác.

Những chất cháy khác nhau sẽ bắt lửa và cháy ở những nhiệt độ khác nhau. Chúng cần một lượng nhiệt nhất định để có thể chuyển các chất từ dạng ban đầu thành dạng hơi, và thêm lượng nhiệt nữa để có thể bắt đầu phản ứng với oxy. Lượng nhiệt cần thiết phụ thuộc vào bản chất của phân tử tạo nên loại nhiên liệu đó. Người ta thường chia thành 2 ngưỡng nhiệt độ:một là piloted ignition temperature, là mức nhiệt độ cần thiết để biến nhiên liệu thành dạng khí có khả năng cháy khi gặp tia lửa điện. Và mức thứ hai, unpiloted ignition temperature, cao hơn rất nhiều so với mức một, ở nhiệt độ này, nhiên liệu sẽ lập tức cháy mà không cần đến tia lửa điện.

Kích cỡ của chất đốt cũng ảnh hưởng nhiều đến việc chúng cháy nhanh hay không. Một thân cây to sẽ có khả năng hấp thụ nhiều nhiệt hơn, sẽ cần lượng nhiệt lớn hơn để đốt cháy chúng. Ngược lại, một mẩu gỗ cỡ que diêm sẽ cháy dễ dàng vì chúng được làm nóng lên rất nhanh.

Những điều cần biết về ngọn Lửa - Điều khác biệt giữa người và vật

Lượng nhiệt sinh ra khi đốt cháy các loại nhiên liệu cũng phụ thuộc nhiều vào lượng năng lượng chúng toả ra và tốc độ cháy của chúng. Cả hai yếu tố này, đều phụ thuộc nhiều vào cấu tạo của loại chất đốt. Một vài hợp chất phản ứng với oxy rất nhanh và mạnh, chúng toả ra một lượng nhiệt lớn. Với một vài loại khác, thì lại chỉ toả ra lượng nhiệt nhỏ. Tương tự, tốc độ phản ứng của chất đốt với oxy có thể nhanh hoặc chậm, như trong ví dụ về than củi ở trên.

Hình dạng của loại chất đốt cũng làm ảnh hưởng đến tốc độ cháy. Những mảnh mỏng sẽ cháy nhanh hơn những mảnh lớn do diện tích tiếp xúc của chúng với oxy lớn hơn. Ví dụ, một mảnh gỗ dẹt, hoặc một tờ giấy sẽ cháy nhanh hơn một khối gỗ có cùng khối lượng, do mảnh gỗ và tờ giấy có diện tích tiếp xúc với không khí lớn hơn.

Và từ đó, bạn có thể thấy, lửa từ những loại nhiên liệu khác nhau, giống như những loài vật khác nhau vậy, chúng có những đặc điểm khác nhau. Dựa vào đó, các chuyên gia có thể xác định được ngọn lửa bắt nguồn như thế nào khi quan sát chúng và xem chúng ảnh hưởng sang môi trường xung quanh như thế nào. Ngọn lửa từ những loại nhiên liệu dễ cháy sẽ gây tác hại nhiều hơn so với loại nhiên liệu cháy chậm và toả ít nhiệt năng.

Theo Trí Thức Trẻ/Vietnamnet