Tin Trong Nước

Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 cho biết, 4 ngư dân còn lại dự kiến sẽ được đưa vào bờ vào trưa 17/9. Việc tìm kiếm số người mất tích vẫn đang được triển khai khẩn trương. "Có thể họ bị mắc kẹt trong lưới cá, không thoát ra được khỏi tàu", ông Nhiệm nhận định...

'Tàu bị đâm gãy đôi, nhiều người mắc vào lưới cá'

"Đang ngủ, tôi choàng tỉnh bởi âm thanh 'ầm, ầm' bên phải tàu. Rồi chiếc tàu gãy đôi, tôi lọt tõm xuống biển, ngoi lên mặt nước được thì lưới cá bủa vây và bị một thanh gỗ đâm vào đầu", nạn nhân sống sót vụ tàu cá bị đâm chìm trên biển Vũng Tàu kể.

Anh Nguyễn Văn Hồng và bé Nguyễn Văn Bé được dìu lên bờ. Ảnh: An Nhơn
Anh Nguyễn Văn Hồng và bé Nguyễn Văn Bé được dìu lên bờ. Ảnh: An Nhơn

0h30 ngày 17/9, 4 trong số 8 ngư dân được cứu sống trên tàu cá Tiền Giang bị tàu hàng Sima Saphire (quốc tịch Singapore) đâm chìm ở ngoài khơi biển Vũng Tàu được tàu SAR 272 đưa về đến Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vũng Tàu).

Cả 4 người gồm Nguyễn Văn Hồng (38 tuổi), Võ Văn Nhiệm (61 tuổi, ngụ Tiền Giang) và hai bố con anh Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Bé (13 tuổi, ngụ Cà Mau) được đưa lên bờ trong bộ dạng tả tơi, sốt cao. Trong đó, anh Hồng và Bé bị thương ở chân, anh Thanh bị thương ở tay phải. Tất cả được chuyển đến Bệnh viện Lê Lợi (Thành phố Vũng Tàu).

*Ảnh 4 nạn nhân tàu cá được đưa vào bờ

Là người tỏ ra còn khỏe nhất nhưng vẻ mặt vẫn chưa hết thất thần, anh Nguyễn Văn Thanh cho biết, trên tàu có 16 người đi đánh cá cách nay gần 2 tháng. Rạng sáng 16/9, tàu trên đường vào bờ thì gặp nạn. "Tôi nằm ngủ ở giường tầng trên, con trai nằm tầng dưới trong phòng tài công. Bất ngờ tôi nghe âm thanh 'ầm, ầm' vang lên bên phải tàu. Rồi chiếc tàu bị gãy đôi, tôi lọt tõm xuống biển, ngoi lên mặt nước thì bị lưới cá bủa vây và bị một thanh gỗ đâm vào đầu. Tôi cố vùng vẫy thoát khỏi đám lưới và tìm kiếm con trai”, anh Thanh kể.

Xung quanh tối om, sóng biển ập tới dồn dập, anh Thanh túm được chiếc phao và dáo dác bơi tìm con. "Tôi gọi thật to 'Bé ơi', nhưng đến tiếng thứ hai mới nghe nó trả lời. Nhìn mãi tôi mới nhận ra nó đang đu bám bên cạnh anh Hồng, cách đó vài mét", anh Thanh quay sang nhìn con trai.

Thanh-7091-1379371397.jpg
Anh Thanh bị thương ở tay khi tàu bị chìm. Ảnh: An Nhơn

Trong vẻ mặt hốc hác và chưa hết sợ hãi, bé trai 13 tuổi con anh Thanh cho biết đã đi biển cùng với bố hơn 2 năm nay "nhưng chưa bao giờ con thấy sợ như lần này". "Lúc rơi xuống biển, con chới với gọi cha nhưng không thấy. Con sợ chết và nghĩ đến mẹ với anh trai ở nhà. Lúc ngoi được lên mặt nước, con bám vào sợi dây cùng với chú Hồng. Một lúc lâu sau con mới nghe tiếng cha gọi", Bé kể.

Sau khi gặp nhau, cha con anh Thanh và anh Hồng đu bám trên chiếc phao và bình nhựa đựng nhớt rơi ra từ tàu cá. Lềnh bềnh trên sóng, họ gặp 5 người khác cũng bám được vào lưới cá và một số vật dụng trôi nổi xung quanh. Sau đó, các ngư dân thấy đồng nghiệp Ba Chiến (người duy nhất cho đến thời điểm này được xác định đã tử vong) mặt úp xuống nước, nổi lềnh bềnh cách đó vài mét. "Chúng tôi gọi to nhưng anh ấy không trả lời, chắc anh ấy đã chết", anh Thanh kể.

Gần một tiếng sau mọi người được tàu Sima Saphire vớt lên. Lúc này không ai nhìn thấy thi thể anh Chiến đâu, "chắc đã bị sóng cuốn đi mất". Mọi người ai cũng lạnh cóng, kiệt sức. Được thuỷ thủ tàu hàng cho thay đồ, ăn uống họ mới thấy khoẻ trở lại.

Hơn 25 năm làm nghề đi đánh cá ngoài khơi, với ông Võ Văn Nhiệm (61 tuổi, ngụ Tiền Giang), đây là chuyến đi mà ông "không thể nào quên". Sau khi được đưa vào đất liền, ông Nhiệm vẫn thấy lạnh dù được mặc hai chiếc áo. Ngay lập tức ông nhờ mọi người gọi điện về cho gia đình để thông báo mình đã được cứu sống. "Từ lúc bị nạn đến giờ tôi không thể nào liên lạc với gia đình, không biết họ đã hay tin chưa", ông Nhiệm lo lắng.

4 trong số 8 ngư dân được cứu sống được đưa vào bờ rạng sáng 17/9. Ảnh: An Nhơn
4 trong số 8 ngư dân được cứu sống được đưa vào bờ rạng sáng 17/9. Ảnh: An Nhơn

Theo ông Nhiệm, khoảng 2h sáng hôm qua, ông từ phòng tài công xuống cabin giăng võng để chuẩn bị ngủ. "Vừa ngả lưng tôi nghe tiếng 'ầm' rất lớn, bật được dậy thì tàu chìm mất rồi. Tôi la lên và nhìn xung quanh nhưng chỉ thấy anh Chiến cũng đang tìm cách thoát ra ngoài. Định chui ra từ cửa hông nhưng tôi làm không nổi vì nước tràn vào ào ào. Mãi đến khi cabin đầy nước tôi mới thoát ra ngoài được", ông Nhiệm kể.

Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 cho biết, 4 ngư dân còn lại dự kiến sẽ được đưa vào bờ vào trưa 17/9. Việc tìm kiếm số người mất tích vẫn đang được triển khai khẩn trương. "Có thể họ bị mắc kẹt trong lưới cá, không thoát ra được khỏi tàu", ông Nhiệm nhận định.

An Nhơn

 

Món quà bất ngờ 50 triệu đồng cho chàng mù tài hoa

Khiếm thị, bị suy thận, Nguyễn Văn Linh vẫn phấn đấu học tại Học viện Âm nhạc quốc gia. Cảm phục bạn, Đoàn Lê Phan Anh tham gia cuộc thi "Vì bạn xứng đáng", giành được 48,65 triệu đồng tặng Linh.

Biết Linh qua một cuộc giao lưu từ thiện, Phan Anh (20 tuổi) học piano cùng trường, quyết định phải giúp đỡ người anh đầy tài năng và nghị lực. Linh lớn hơn Phan Anh 3 tuổi. Cuối tháng 6, Phan Anh đăng ký tham gia chương trình "Vì bạn xứng đáng" và giành được 48,65 triệu đồng. Theo kịch bản chương trình, người chơi sẽ tặng lại tất cả phần thưởng cho một người không may mắn nhưng vẫn lạc quan, yêu đời. Phan Anh khi quyết định tham gia thi đã chọn Linh để tặng thưởng.

Hơn 19h tối, ở ký túc xá Học Viện Âm nhạc Quốc gia, người đàn ông ngoài 50 tuổi mặc chiếc áo phông đen bạc thếch, trông khắc khổ, đi mua cơm. Một chàng trai trẻ bảnh bao chạy lại gần nở nụ cười rạng ngời chào hỏi. Hai người đi về phía cầu thang, leo lên tầng 5 khu ký túc. "Ở tầng cao thế này chỉ khổ thân Linh mỗi khi đi chạy thận", người đàn ông nói. Ông là bố của Linh, còn chàng trai trẻ chính là Phan Anh. 

Trong phòng cuối hành lang, Linh đang ngồi trên giường đọc báo bằng phần mềm cho người khiếm thị. Khi nghe tiếng chào hỏi, cậu dừng thao tác, tươi cười: "Phan Anh đến chơi à". Mới gặp nhau vài ba lần nhưng Linh nhớ rất rõ giọng nói của người em đã giúp mình nhận gần 50 triệu đồng. "Với gia đình em, đây là một phần thưởng bất ngờ. Cả nhà em đã ôm nhau khóc vì tình cảm lớn lao mà Phan Anh mang lại", Linh chia sẻ.

"Anh Linh không nhìn thấy, lại bị suy thận nhưng tiếng sáo của anh trong trẻo vô ngần, nhiều cảm xúc, rất dễ đi vào lòng người. Em cảm phục nghị lực của anh, yêu tiếng sáo ấy và rất muốn làm gì đó giúp anh", Phan Anh tâm sự.

Nguyễn Văn Linh bị mù từ nhỏ nhưng cậu bé ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) này rất ham học. Từ khi 5, 6 tuổi, Linh đã xin bố mẹ xuống thành phố Thanh Hóa học chữ nổi. Nơi đây chỉ dạy hết lớp 2. Vậy là năm 11 tuổi, Linh một thân một mình ra Hà Nội theo học trường Nguyễn Đình Chiểu.

anh1_1379301420.jpg
Cảm mến tài năng và nghị lực của người đồng môn cùng quê, Đoàn Lê Phan Anh (áo sọc) đã bí mật tham gia một cuộc thi truyền hình, giành giải thưởng gần 50 triệu đồng tặng Linh. Ảnh: Phan Dương.

Linh ngồi trên giường, lướt web thành thạo. Nhờ đó mà Linh có thể giao tiếp với bạn bè trong nước, quốc tế cũng như tìm được nhiều tài liệu bổ ích cho việc học.

Kể về những ngày đầu tiên ở Thủ đô, Linh nói: "Bố mẹ đưa em ra Hà Nội, ở lại vài ngày rồi về. Tự em phải làm quen hết mọi việc. Những dịp được nghỉ về quê, em ra cổng trường bắt xe ôm. Đến Giáp Bát, em nhờ người tìm hộ nhà xe và cứ thế về nhà. Chưa bao giờ em đi lạc cả". Lúc ở trường Nguyễn Đình Chiểu, ngoài học chữ nổi, các môn văn hóa, Linh cũng học một số môn nghệ thuật, trong đó có sáo trúc. Nhờ thế, Linh đã được vào đội nhạc của trường, đi biểu diễn ở nước ngoài.

Năm 19 tuổi, Linh thi vào Học Viện âm nhạc quốc gia, đỗ khoa Nhạc cụ dân tộc và chọn sáo trúc làm chuyên ngành. Thời gian đầu Linh phải nỗ lực rất nhiều mới có thể theo kịp các bạn. Khi học các môn văn hóa, các bạn ngồi cạnh nói lại cho cậu lời cô giảng. Lúc làm bài thi, Linh viết bằng chữ nổi, sau đó diễn đạt lại cho các bạn, nhờ viết lại nộp thầy cô.

Đối với các môn chuyên ngành, vì không đọc được sách vở nên Linh mất nhiều thời gian luyện tập. Cậu thường mang bên mình một máy thu âm và nhờ thầy cô thổi lại về nhà học theo. Khi có máy tính, cậu có thể lên mạng tìm thêm các tài liệu học. Nhờ sự nỗ lực hết mình, Linh luôn đạt thành tích xuất sắc tất cả các năm học. Cậu được chọn vào đội nhạc của trường, thường xuyên đi biểu diễn ở các đại sứ quán.

anh2_1379302989.jpg
Khiếm thị, Linh nỗ lực học tập và bắt đầu gặt hái được những công trong âm nhạc. Đột nhiên tin dữ lại đến, cậu bị suy thận giai đoạn cuối. Ảnh: Phan Dương.

Tưởng chừng như tương lai đang rộng mở, bù đắp lại phần nào cho chàng trai khiếm thị thì tin dữ một lần nữa ập xuống. "Mùa hè trước, em đột nhiên đau bụng, đau đầu, sốt, chán ăn. Vào viện, các bác sĩ bảo em đã bị suy thận giai đoạn cuối", Linh cho biết.

Một năm một tháng qua, Linh phải đi lọc máu 3 lần mỗi tuần, mỗi lần kéo dài 4 tiếng. Nhiều hôm đi học về, cậu không kịp ăn cơm đã phải đi chữa bệnh. "Ngày nhỏ, Linh đã tự lập, giờ lớn rồi lại cần bố mẹ ở bên vì mỗi khi đi lọc thận phải có người đưa đón, trông chừng lỡ có vấn đề gì cần còn báo bác sĩ. Linh không muốn đâu nhưng không thể làm gì khác", ông Hạnh, bố Linh, tâm sự.

Cũng ngần ấy thời gian, người cha này phải ở Hà Nội chăm con trai. Lúc con đi học, ông chạy xe ôm, cố kiếm thêm vài ba đồng lấy tiền ăn cho hai cha con. Ở quê, người mẹ đã ngoài 50 tuổi bị đủ thứ bệnh cùng người anh mới ra trường chưa xin được việc, lo đồng áng.

"Linh bệnh nhưng kiên cường lắm, không bao giờ than. Tôi có kể với ai cũng bị cháu gạt đi, không cho nói. Ngày lên lớp, chiều đi lọc thận. Nhiều hôm mệt không ăn được, ăn vào nôn ra nhưng cháu vẫn cố gắng ăn, uống thuốc. Nó bảo sống được ngày nào sẽ còn cố ngày ấy. Ước mơ, hoài bão của Linh lớn lắm nhưng vì bệnh mà giờ chệch hướng tất cả", người cha nhìn con xót xa.

Căn bệnh suy thận của Linh đã chuyển biến nặng, có bảo hiểm nhưng vẫn mất 6-7 triệu đồng tiền thuốc thang mỗi tháng. Chàng trai nghị lực cho hay: "Em vẫn cố đi học, chữa bệnh, thỉnh thoảng đi diễn; sống được ngày nào phải quyết tâm ngày ấy".

Phan Dương

2 bé gái thiệt mạng trong nhà phát hoả lúc rạng sáng

Căn nhà bất ngờ phát hoả sau khi vợ chồng ông Y khoá trái cửa, ra chợ bỏ mối thịt heo. Lúc hàng xóm phá cửa vào đến nơi thì 2 bé gái con chủ nhà đã tử vong.

4h ngày 17/9, nhiều người dân khu phố 1 phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM nháo nhào khi phát hiện lửa bùng phát tại căn nhà hai tầng ở số 15/12 đường số 7. Mọi người kéo đến hỗ trợ, song nhà đã bị khoá trái bên ngoài. Nhiều người kêu gọi, đập cửa nhưng không có tiếng trả lời.

chay-nha-1-9892-1379392263.jpg
Căn nhà bám đầy muội khói đen. Ảnh: Quốc Thắng

Anh Phạm Văn Tường (44 tuổi) sống cạnh bên nhận định, ngoài vợ chồng ông Nguyễn Văn Y (44 tuổi) và chị Lê Thị Chung (39 tuổi, quê Thanh Hóa), trong nhà còn có 2 bé gái, khả năng đang kẹt bên trong. Trong khi lửa vẫn bùng cháy dữ dội dưới tầng trệt, mọi người hò nhau phá cửa bên hông của căn nhà. “Tôi chạy lên phòng ngủ trên lầu thì thấy 2 bé nằm bất động, người ám đầy khói”, anh Tường kể.

Dù được nhanh chóng đưa đến bệnh viện, song em Nguyễn Thị Kim Huyển (14 tuổi, học sinh lớp 9 trường Trương Định Của) và Nguyễn Thị Thanh Hương (10 tuổi, lớp 5 trường Nguyễn văn Trỗi) đã tử vong do ngộp khói. Công an địa phương và người dân đã phối hợp dập tắt hoả hoạn sau đó. Ngoài chiếc xe SH, nhiều vật dụng ở tầng dưới cũng bị cháy rụi, cả căn nhà bám đầy muội khói đen.

chay-nha-2-1540-1379392263.jpg
Chiếc xe SH chỉ còn trơ khung sắt. Ảnh: Quốc Thắng

Chạy về nhà ngay sau hay tin, vợ chồng ông Y ngã gục khi biết hai con gái tử vong. Ông này cho hay, như mọi ngày, khoảng 3h vợ chồng ông khoá trái cửa để đi bỏ mối thịt heo tại chợ Bình Khánh. Hơn một giờ sau nhận được điện thoại của người hàng xóm báo tin nhà cháy, họ hoảng hốt chạy về nhà nhưng đã quá muộn. “Trước khi đi tôi có ngửi thấy mùi khét nhưng lại không nghĩ gì đến chuyện này", ông Y ôm đầu dằn vặt.

Khám nghiệm hiện trường, bước đầu, cơ quan điều tra cho rằng nguyên nhân cháy có thể do chập điện từ chiếc quạt dưới tầng trệt hoặc từ chiếc xe SH.

Quốc Thắng

Theo Vnexpress