Chuyện tình của chàng trai khuyết tật nhờ em ruột làm chú rể
Cả gia đình hạnh phúc bên nhau. Ảnh: T.G. |
Lúc mới sinh ra, Đặng Văn Tĩnh (sinh năm 1986, ở xã Đồng Than, Yên Mỹ, Hưng Yên) cũng như bao đứa trẻ khác, hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng đến năm Tĩnh lên bảy tuổi, bi kịch bất ngờ ập đến, cậu bé đột nhiên bị tê buốt chân tay rồi ngất đi.
Sau lần đó, hai khớp tay của Tĩnh dần trở nên lỏng lẻo, mềm oặt, hai chân cứng lại không thể di chuyển. Hoảng hốt, gia đình đưa Tĩnh đi khắp các bệnh viện điều trị nhưng kết quả không như mong đợi. Từ một đứa trẻ khỏe mạnh, Tĩnh không cử động được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ bàn tay của người thân.
Đón nhận bi kịch, Tĩnh không buông xuôi mà cố gắng đấu tranh để vượt lên. Không chỉ động viên bản thân, anh còn thành lập câu lạc bộ Tỏa sáng ước mơ để giúp những người khuyết tật có được cuộc sống tốt đẹp. Khâm phục trước nghị lực ấy, nhiều cô gái trong làng đã đem lòng yêu thương anh. Tuy nhiên, trải qua hai mối tình, Tĩnh đều thất bại bởi: “Gia đình nhà gái kiên quyết không chấp nhận con gái yêu và lấy một người tàn tật”.
Tủi thân sau những đổ vỡ trong tình yêu, Tĩnh sống khép mình hơn. Có giai đoạn, chiếc radio trở thành người bạn thân thiết nhất của anh. Hàng đêm, chàng trai lại bật đài, theo dõi chuyên mục “Cửa sổ tình yêu” của Đài tiếng nói Việt Nam để lắng nghe những tâm sự, trải nghiệm về cuộc sống của giới trẻ.
Trong một lần chia sẻ về cuộc đời mình trên chương trình đó, anh đã nhận được rất nhiều lời động viên, khích lệ tinh thần. Trong đó, có cuộc điện thoại làm anh nhớ nhất từ miền Nam gọi ra của Nguyễn Thị Thùy Trang (sinh năm 1988, quê ở Đồng Nai). Khâm phục trước ý chí vươn lên của Tĩnh, Trang đã tìm cách nhắn tin, gọi điện hỏi thăm anh với tư cách là một người đồng cảm.
“Khi nghe được những dòng tâm sự của anh Tĩnh trên sóng, tôi rất khâm phục ý chí, nghị lực vươn lên của anh. Thời gian đầu, tôi coi anh Tĩnh như người bạn bình thường, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với anh những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng lâu rồi thành quen, hàng đêm, chúng tôi đều nhắn tin qua lại với nhau”, chị Trang kể lại.
Tiếp lời chị Trang, anh Tĩnh cho biết: “Cũng chính từ đây, chúng tôi thư đi thư lại nhiều hơn, nói chuyện với nhau rất hợp. Thậm chí thấy chưa đủ, tôi còn nhờ em trai viết thư cho Trang để được nói chuyện dài hơn. Suốt cả năm trời, hai đứa thư từ, nhắn tin không ngừng nghỉ. Và từ lúc nào, tôi đã đem lòng thương thầm, nhớ trộm cô gái ấy”, Tĩnh chia sẻ.
Thế nhưng, đúng vào lúc tình cảm phát triển sâu nặng, Tĩnh vỡ mộng khi biết Trang là cô gái hoàn toàn bình thường. Sự tự ti về khiếm khuyết bản thân khiến chàng trai trở nên e dè, thậm chí chủ động cắt đứt liên lạc. Song cuối cùng, lý trí không thắng nổi trái tim. Những xúc cảm nhớ nhung, những yêu thương dồn nén bấy lâu dội về cồn cào, sau một thời gian, anh quyết định bỏ qua mọi định kiến ngỏ lời với cô gái.
“Hôm đó, tôi còn nhớ rõ như in vào lúc 22h20, ngày 30 Tết năm 2011. Tôi đã nói với Trang rằng 'Anh yêu em, cho anh một cơ hội bên em nhé'. Nói xong, tim tôi như ngừng đập, như nổ tung khi nhận được câu trả lời của Trang 'Em chờ đợi câu nói này của anh lâu lắm rồi anh có biết không?'", giọng anh Tĩnh tràn đầy hạnh phúc kể lại.
Những cánh thư, tin nhắn điện thoại đã nuôi dưỡng tình yêu của Trang và Tĩnh lớn dần theo năm tháng. Đến một ngày, Trang quyết định xin nghỉ công việc ở thẩm mỹ viện để ra thăm Tĩnh, cũng như gặp mặt gia đình người yêu. Trang cho biết vừa bước xuống sân bay, chị rất xúc động khi người ra đón là cha anh Tĩnh.
"Thấy hình ảnh của bác, tôi cảm nhận như là những người thân thiết trong gia đình. Lúc đó, tôi đã suy nghĩ nhất định phải trở thành con dâu của bác", Trang nhớ lại. Giây phút bước chân vào nhà, thấy anh Tĩnh nằm liệt trên giường mà trái tim chị thắt lại. Chị chạy ào lại ôm chầm lấy anh rồi cả hai cùng khóc như những đứa trẻ, trước sự ngạc nhiên của cả gia đình.
Sau đó, anh Tĩnh quay lại hỏi Trang “Gặp anh rồi, em có còn yêu anh nữa không?". Chị bảo: “Nếu như không yêu anh thì em đã không có mặt ở đây rồi, em mong anh hãy tin vào tình yêu của em, tin vào trái tim em".
Ảnh cưới của anh Tĩnh và chị Trang. Ảnh: T.G |
Cảm phục trước tình yêu của Trang dành cho Tĩnh, nhưng ông Đặng Văn Hải (bố đẻ Tĩnh) vẫn lo sợ. Muốn “giữ chân” con dâu tương lai, ông đề nghị hai người đi chụp ảnh cưới trước. Nhưng trái với dự liệu của ông, Trang không không từ chối mà còn vồn vã nhận lời ngay. Nhớ lại chuyện cũ, ông Hải kể: “Vì thấy con dâu tôi là người rất tốt, lại yêu thằng Tĩnh chân thành nên tôi muốn hai đứa nó tổ chức đám cưới luôn. Không phải tôi muốn đẩy trách nhiệm chăm sóc Tĩnh cho Trang, mà tôi lo sợ sẽ mất đi một người con dâu tốt như vậy”.
Đến khi bàn chuyện cưới xin, anh Tĩnh lại băn khoăn: “Lúc đó, tôi cũng muốn trực tiếp vào ra mắt bố mẹ Trang. Nhưng bản thân như vậy, việc đi lại không thuận tiện. Cân nhắc mãi, tôi đành gọi điện xin cưới qua điện thoại. Lần đầu tiên, tôi rất khổ tâm. Bởi mặc dù Trang đã trình bày trước, song bên kia đầu dây, bố mẹ cô ấy vẫn một mực phản đối. Một phần, các cụ chưa biết tôi là người thế nào, phần khác vì e ngại chuyện con rể bị khuyết tật sẽ khiến Trang vất vả".
Để thuyết phục, anh đã nói đi nói lại với bố mẹ chị Trang rằng: “Con tuy là người khuyết tật, nhưng trái tim con không khuyết tật. Mặc dù con nằm một chỗ không đi được nhưng con sẽ là một người chồng, một người cha đúng mực. Xin bố mẹ hãy tin con một lần, con sẽ không làm gánh nặng cho vợ con và sẽ chăm sóc được gia đình con bằng chính khả năng và nghị lực của mình”. Cảm phục nghị lực ấy, bố mẹ Trang cuối cùng cũng xiêu lòng chấp thuận.
Phải rất vất vả mới thuyết phục được gia đình bên vợ cho cưới, song trong ngày hôn lễ chính thức, Tĩnh phải nhờ em trai thay thế mình làm chú rể. Không được con gái báo trước sự việc, ngay trong lễ thành hôn, bố mẹ Trang đã nổi giận. Lời ra tiếng vào, gia đình nhà gái thậm chí còn đòi hủy bỏ hôn lễ.
Anh Tĩnh nhớ lại: “Khi gia đình tôi vào đón dâu mà chú rể lại không phải là tôi, gia đình vợ cho rằng tôi đã phản bội lòng tin của mọi người, bởi vậy mẹ vợ tôi nhất quyết không đồng ý, bất chấp gia đình tôi giải thích mọi điều hơn lẽ thiệt”. Cỗ thì nấu rồi, hàng xóm cũng đã đến chung vui, nhưng cô dâu chú rể lại không được xuất hiện. Mặc cho những cuộc điện thoại giải thích, bố mẹ Trang nhất quyết từ chối.
"Lúc đó, bầu trời như sụp đổ, tôi thất vọng tràn trề. Mãi sau đó, nhờ hàng xóm láng giềng biết chuyện hết lời khuyên nhủ, động viên, bố mẹ vợ tôi mới chịu cho nhà trai rước dâu. Đến giờ phút này, khi con tôi chào đời đã được gần một năm, chúng tôi như vẫn còn đang trên mây vậy. Chúng tôi tự hứa với bản thân rằng, cách cảm ơn mọi người và gia đình tốt nhất đó là phải sống sao cho hạnh phúc, cho trọn đạo vợ chồng, con cái”, ông bố trẻ bộc bạch.
Vỡ òa trong hạnh phúc, cuối cùng cả hai đã có được một gia đình nhỏ, ấm áp và một bé trai kháu khỉnh. Chị Trang bảo: “Tôi không ân hận khi cưới anh Tĩnh làm chồng. Từ cuộc sống của chúng tôi, tôi mong muốn xã hội hãy cởi mở hơn với người khuyết tật, thậm chí người khuyết tật có nhiều điểm mà người bình thường cần phải học tập. Cuộc sống của chúng tôi đã khẳng định điều đó”.
Tàn nhưng không phế
Với ước mong giúp đỡ người khuyết tật, năm 2011, câu lạc bộ “Tỏa sáng ước mơ” do Đặng Văn Tĩnh làm chủ nhiệm ra đời. Hơn 40 thành viên với những số phận khác nhau, nhưng họ có một điểm chung là nghị lực và mục đích sống vì cộng đồng. Đều đặn hàng tháng, các bạn dạo quanh các con phố từ Hưng Yên tới Hà Nội bán đĩa nhạc, bông tăm, và tổ chức chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện, do chính các thành viên trong nhóm sáng tác và biểu diễn. Câu lạc bộ cũng là chiếc cầu nối giữa những nhà hảo tâm với người khuyết tật, giúp nhiều người khiếm thị tìm được công việc thích hợp tại các cơ sở tẩm quất người mù. |
Giáo viên người nước ngoài chết thảm dưới bánh xe tải
Sáng 9/9, người đàn ông quốc tịch Mỹ chạy xe đạp, đang bo cua từ Huỳnh Tấn Phát vào cảng Bến Nghé (quận 7, TP HCM) thì bị xe tải cán chết tại chỗ. Hay tin, người vợ chạy ngay đến hiện trường, gào khóc thảm thiết.
Chiếc xe đạp của nạn nhân và chiếc cặp buộc chặt phía sau xe. Ảnh: An Nhơn |
10h sáng, ông Wayne Madison (55 tuổi, quốc tịch Mỹ ), chạy xe đạp trên đường Huỳnh Tấn Phát. Khi đến ngã 3 Lưu Trọng Lư, người đàn ông này va chạm với xe tải 15 tấn do Võ Thành Tâm (23 tuổi) đang chạy vào cảng Bến Nghé.
Cú va chạm khiến ông Tây ngã xuống đường và bị bánh xe tải chèn chết tại chỗ. Xe đạp của nạn nhân cũng bị cán biến dạng, chỉ có chiếc cặp được buộc chặt sau yên còn nguyên vẹn.
Hay tin chồng bị nạn, bà vợ người Việt Nam có mặt tại hiện trường ngay sau đó, gào khóc thảm thiết. Bà cho hay, chồng là giáo viên dạy tiếng Anh cho một trường ở quận 7. Sáng nay, ông trên đường đi làm thì bị nạn.
Chiếc xe tải cán chết người đàn ông nước ngoài đang bo cua vào cảng Bến Nghé. Ảnh: An Nhơn |
Tai nạn nằm ngay giao lộ vào cảng Bến Nghé khiến giao thông ùn tắc. Gần 3 tiếng sau, lực lượng chức năng mới khám nghiệm xong hiện trường, thi thể người đàn ông xấu số được đưa đi.
An Nhơn
Hơn 270 triệu USD xây cầu nối Cần Thơ và Đồng Tháp
Sáng 10/9, Bộ Giao thông Vận tải khởi công xây dựng cầu Vàm Cống dài gần 3km dẫn qua sông Hậu, góp phần cải thiện giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án xây dựng cầu Vàm Cống dài gần 3km, bao gồm cả phần cầu chính và cầu dẫn qua sông Hậu thuộc địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, nối với quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Trong đó, phần cầu chính vượt sông là cầu dây văng dài 870m và cầu dẫn bằng bê tông cốt thép dự ứng lực 2 phía Đồng Tháp và Cần Thơ dài gần 2km.
Cầu Vàm Cống được xây dựng với quy mô mặt cắt ngang 24 m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, có dải phân cách cứng ở giữa, vận tốc thiết kế cho xe qua cầu là 80km/h. Cầu Vàm Cống cách bến phà Vàm Cống hiện nay khoảng 2,5km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48km về phía thượng lưu.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 271 triệu USD, tương đương gần 5.700 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước. Dự kiến thi công khoảng 48 tháng.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, dự án cầu Vàm Cống cùng các dự án thành phần vào khai thác, sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa giữa các tỉnh Tây Nam bộ với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực Nam bộ và cả nước. Công trình còn là dấu ấn quan trọng, khẳng định sự hợp tác toàn diện, thể hiện mối quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Đây là cây cầu thứ 2 bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ nối Vĩnh Long và TP Cần Thơ.
Đoàn Loan
Theo Vnexpress