Tin Thế Giới

Việc xác định một con số chính xác cho cuộc tấn công là khá khó, đặc biệt khi danh sách mục tiêu của chính phủ Mỹ vẫn đang mở rộng. Các chuyên gia phân tích đã đưa ra vài dự trù chi phí tiềm năng cho cuộc tấn công của Tổng thống Obama nhằm vào Syria.

Chi phí bao nhiêu cho cuộc tấn công vào Syria

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố chi phí cho cuộc tấn công Syria vào khoảng hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia phân tích ngân sách quốc phòng, con số này là "thấp không tưởng".

h353-w628-m6-otrue-lfalse-1-1378550182.j
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ - Chuck Hagel phát biểu tại Lầu Năm Góc hôm 4/9. Ảnh: MSN.

Việc xác định một con số chính xác cho cuộc tấn công là khá khó, đặc biệt khi danh sách mục tiêu của chính phủ Mỹ vẫn đang mở rộng. Các chuyên gia phân tích đã đưa ra vài dự trù chi phí tiềm năng cho cuộc tấn công của Tổng thống Obama nhằm vào Syria. 

Dự đoán của các chuyên gia

Số tiền tiêu tốn có thể lên tới 12 tỷ USD/năm, Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ trích lời Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey cho hay. Theo Tướng Dempsey, riêng việc phá hủy kho dự trữ vũ khí của Syria sẽ mất hơn 1 tỷ USD/tháng bởi "hàng trăm máy bay, tàu chiến, tàu ngầm và các thiết bị khác" cùng với "hàng ngàn binh sĩ của lực lượng đặc nhiệm và các lực lượng mặt đất" cần được huy động để bảo vệ các phòng tuyến quan trọng. Kể cả trước khi cuộc tấn công diễn ra, việc tổ chức mọi thứ sẵn sàng cũng rất đắt đỏ.

"Tôi ngạc nhiên khi nghe ông ấy nói chi phí khoảng hàng chục triệu USD. Đó là một ước tính thấp không tưởng", Todd Harrison, nhà phân tích ngân sách quốc phòng tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, nhận định về con số mà ông Hagel đưa ra. Tuy nhiên, Harrison cho rằng có lẽ Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ nhắc tới khoản ngân sách sẽ chi trong thời gian còn lại của năm tài khóa 2013, sẽ kết thúc vào ngày 30/9.

Hầu hết chi phí cho cuộc chiến tại Syria dùng để tái trang bị vũ khí đã được sử dụng. "Nếu tính luôn cả chi phí để tái trang bị vũ khí chiến đấu, thì cuộc chiến ở Syria sẽ tốn khoảng nửa tỷ USD hoặc 1 tỷ USD tùy theo số lượng mục tiêu mà quân đội Mỹ ngắm bắn", ông Harrison cho hay.

Harrison phân tích rằng Lầu Năm Góc có thể sẽ chi trả cho vũ khí nếu xin được một khoản bổ sung ngân sách cho chiến tranh từ Quốc hội. Hiện nội dung này không thuộc nhóm đối tượng bị cấm cấp ngân sách của Mỹ. 

Chi phí cụ thể 

Theo Reuters, một chiếc tên lửa hành trình Tomahawk (T-LAMs) có giá từ 1,2 tới 1,5 triệu USD. Đây dự kiến là loại vũ khí chính sẽ được sử dụng, nếu Tổng thống Obama ra lệnh tấn công trừng phạt Syria. Tên lửa có khả năng đi xa 1.600 km, có thể thay đổi hành trình ngay khi đã được phóng.

Hải quân Mỹ đã sử dụng 221 tên lửa Tomahawks khi chống lại chính quyền Muammar Gadhafi, Lybia. Trong đó 110 chiếc dùng trong việc tấn công 22 mục tiêu quân sự bao gồm hệ thống phòng không, thông tên liên lạc và sở chỉ huy. Giả sử Mỹ chỉ sử dụng lượng tên lửa tương tự ở Syria, số tiền phải bỏ ra vào khoảng 100 triệu USD. 

Riêng việc thả một quả bom từ máy bay tàng hình B-2 có khả năng bay 18 giờ từ căn cứ, đã tốn 60.000 USD/giờ. 

Hải quân Mỹ hiện có 4 tàu khu trục tên lửa dẫn đường ở phía đông biển Địa Trung Hải và tàu sân bay USS Nimitz cùng các tàu hỗ trợ trên Biển Đỏ với chi phí hoạt động bình thường trong một tuần của các tàu vào khoảng 25 triệu USD. Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, cho biết chi phí hoạt động bình thường của các tàu vào khoảng 25 triệu USD/tuần. Nếu một tàu sân bay tiến hành các chiến dịch quân sự, chi phí sẽ tăng lên khoảng 40 triệu USD/tuần.

Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cung ứng chi phí phù hợp với ngân sách hiện có và các chi phí phát sinh qua từng hoạt động, đặc biệt ở bối cảnh bị cô lập hiện giờ khi chưa có đồng minh nào chính thức xác nhận sẽ hỗ trợ việc tấn công.

Sau khoản chi hàng nghìn tỷ USD cho ba cuộc chiến ở Iraq, Afganistan và Pakistan, nhiều người cho rằng đây là thời điểm thích hợp để cắt "cơn nghiện" phiêu lưu quân sự của Mỹ. Chi phí cho mỗi cuộc chiến quá lớn. 

Hàn Hạnh

 

Vũ khí của thần biển

Tên lửa được phóng từ tàu ngầm D5 Trident II của hải quân Mỹ là sản phẩm mới nhất của chuỗi các tên lửa loại này và được đánh giá có sức mạnh như cây đinh ba của thần biển cả Poseidon.

Trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, lực lượng tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân chiến lược đóng vai trò như lực lượng tấn công phủ đầu trong cuộc chiến hạt nhân toàn diện. Chính vì sự quan trọng này, quân đội Mỹ đã rất quan tâm và đầu từ phát triển các dòng tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm (SLBM). Tính tới thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tức là khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã cho ra mắt tới 6 thế hệ SLBM với “sản phẩm” mới nhất là SLBM D5 Trident II kế thừa công nghệ từ dòng SLBM trước đó với một số cách tân.

Điểm nhấn của Trident II là khả năng mang đa đầu đạn và sai số trượt mục tiêu (CEP) thấp để đảm bảo tấn công phủ đầu chính xác các mục tiêu thông thường, cũng như kiên cố (được thiết kế để chống lại các vụ nổ hạt nhân). Dòng SLBM này cũng được biết đến với độ tin cậy cao (kể từ năm 1989, đã có 143 vụ phóng thử Trident II được ghi nhận là thành công). Với nhiều ưu điểm, Trident II không chỉ nằm trong biên chế lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược Mỹ, mà còn cả trong lực lượng tên lửa chiến lược Anh.

[Caption]
Tên lửa phóng từ tàu ngầm mang tên Trident II. Ảnh: US Navy

Phiên bản phóng to của SLBM C4 với nhiều cải tiến

Xuất phát từ yêu cầu răn đe hạt nhân hải quân với Liên Xô, ngay từ năm 1956, Mỹ đã bắt tay vào phát triển vũ khí tiến công chiến lược hải quân (FBM) với sự ra mắt của các dòng SLBM Polaris (A1), Polaris (A2), Polaris (A3), Poseidon (C3) và Trident I (C4). Từ yêu cầu đáp ứng chiến lược với SLBM Sineva, hải quân Mỹ từ đầu những năm 1990 đã bắt đầu tái trang bị bằng SLBM thế hệ 6 D5 Trident II hay UGM-133 với nhiều yêu cầu kỹ-chiến thuật tiên tiến.

Trong thực tế, SLBM Trident II là phiên bản nâng cấp mang tính cách mạng của Trident I với việc nâng tầm bắn lên tới 7.360 km, nhưng lại có sức mạnh vượt trội (tương đương với SLBM Poseidon). Ngoài ra, những cải tiến mạnh về kết cấu động cơ phóng, trong đó có việc trang bị hệ thống thay đổi véc-tơ lực đẩy cho phép cải thiện đáng kể hiệu suất động cơ và cải thiện CEP khi tận dụng khả năng hồi đáp với hệ thống dẫn đường quán tính trang bị trên tên lửa.

Điểm khác biệt nữa là Trident II áp dụng sâu công nghệ vật liệu composite (graphite/epoxy) trong chế tạo. Việc này tuy làm đội giá thành, nhưng  lại giúp giảm trọng lượng tên lửa. Ngoài ra, việc tăng kích thước tên lửa của D5 cũng giúp dòng SLBM này có thể mang theo các dòng đầu đạn tự dẫn thế hệ mới (MRV) MK5 có khả năng sống sót cao hơn trước lá chắn tên lửa của đối phương.

Cơ chế dẫn hướng tên lửa và giải phóng MRV khác biệt giúp SLBM D5 khắc phục được nhiều thiếu sót trên tên lửa C4 thế hệ trước.

trident-2-1378520066.gif
Các thành phần của một tên lửa Trident II. Đồ họa: FAS

Sức mạnh của “vũ khí trong tay thần Poseidon”

Chính thức được phát triển từ năm 1983 và bắt đầu phóng thử nghiệm từ tháng 1-1987, SLBM D5 đã vượt qua 15 vụ phóng thử (tới tháng 9-1988) với 12 lần phóng được ghi nhận là thành công. Sau khi được thiết kế để sửa đổi các thiếu sót, D5 chính thức được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân USS Tennessee (SSBN 734) lớp Ohio từ năm 1990.

Tương tự như SLBM C4, D5 cũng có kết cấu 3 tầng sử dụng nhiên liệu rắn và hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp đạo hàng hình sao có hiệu chỉnh FBM. Có thông tin về việc D5 còn có thể được trang bị hệ thống định vị vệ tinh GPS, nhưng không được kiểm chứng. Sai số CEP công khai của D5 được xác định là 90-120 m rất phù hợp để tấn công phủ đầu “phẫu thuật” vào các mục tiêu kiên cố.

Tầm bắn của D5 cũng được cải thiện nhờ kết cấu ống phụt động cơ mới đem lại hiệu năng hoạt động tăng 50% so với SLBM C4. Tầm bắn của D5 vào khoảng 4.600 hải lý, tương đương hơn 7.000 km. Đây cũng là con số hợp lý đối với các SLBM do thực tế hoạt động của tàu ngầm cơ động hơn nhiều so với bệ phóng cố định hay di động. Tàu ngầm chiến lược hoàn toàn có thể chọn vị trí phóng hợp lý nhất trên các đại dương nên không cần các dòng SLBM có tầm bắn quá lớn làm hạn chế về kích thước và trọng lượng tên lửa triển khai trên tàu.

USN-SSBNOhio-3-1378521197.jpg
Giếng phóng tên lửa SLMB D5 trên tàu ngầm hạt nhân Ohio. Ảnh: Jeffhead

Những cải tiến về vật liệu và thiết kế cho SLBM D5 nhẹ hơn, cấu trúc bền vững hơn để có thể mang nhiều đầu đạn hơn. Ở thiết kế cơ bản, D5 có thể mang được tới 12 đầu đạn W88 có sức công phá 475 Kiloton hoặc W76 (100 Kiloton), nhưng do yêu cầu của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START-1) với Nga, số lượng đầu đạn của D5 được giới hạn là 8. Theo Hiệp ước START Mới, số lượng này tiếp tục cắt xuống còn 4-5 đầu đạn.

Ở điều kiện tác chiến, D5 dài 13,41m, đường kính thân là 1,85m và trọng lượng khoảng 58,5 tấn. Tuy nhiên, hạn chế của D5 so với đối thủ cùng lớp SLBM Bulava của Nga là việc vẫn sử dụng ống phóng dạng thẳng đứng nên khi phóng, tàu ngầm vận chuyển phải đứng im ở độ sâu phù hợp (thường là 50m). Khi phóng, hệ thống đẩy thủy lực trong ống phóng giúp đẩy tên lửa lên mặt nước rồi mới kích hoạt động cơ chính. Nguyên tắc hoạt động của D5 cũng tương tự như các dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), SBLM nhiên liệu rắn, nhưng có cải tiến ở việc điều chỉnh được mức độ cháy của thỏi nhiên liệu giúp tên lửa hiệu chỉnh hướng tốt hơn.

Hiện tại, D5 đang được trang bị trên 14 tàu ngầm nguyên tử lớp Ohio của hải quân Mỹ và 4 tàu ngầm lớp Vanguard của hải quân Anh. Do chưa có kế hoạch thay thế, Mỹ và Anh đang hợp tác kéo dài niên hạn sử dụng D5 tới năm 2042 với chương trình D5LE.

Đầu đạn hạt nhân nhiệt hạch là gì?

Phản ứng nhiệt hạch lợi dụng đặc tính ở nhiệt độ cao ở các hạt nhân của đồng vị deuterium cũng như tritium có thể dễ dàng hợp nhất thành đồng vị hydrogen và giải phóng một lượng lớn năng lượng trong quá trình này. Loại vũ khí sử dụng nguyên lý này được gọi là bom nhiệt hạch hay bom H.

Về bản chất, deuterium và tritium là hai loại khí và rất khó lưu giữ ở dạng tinh chất. Ngoài ra, chúng còn rất hiếm và không ổn định. Để phản ứng nhiệt hạch xảy ra cần cung cấp một lượng nhiệt rất lớn.

Trong thực tế, nhiên liệu của bom H là hợp chất lithium deuteride (thể rắn, trơ ở nhiệt độ thường). Bên trong một quả bom nhiệt hạch gồm một lõi phân hạch nhỏ dùng U-238 để tạo nhiệt lượng mồi phản ứng cho các khối nhiên liệu lithium deuteride . Khi được kích hoạt, khối lõi sẽ phản ứng phân hạch cung cấp nhiệt lượng để lithium phân hạch thành tritium và đồng thời phản ứng phân hạch này cũng tạo điều kiện cần thiết cho sự kết hợp giữa deuterium và tritium giải phóng nhiệt lượng tương đương với bề mặt của mặt trời.

Với nguyên lý này, con người có thể chế tạo ra những qua bom có sức công phá hơn lớn hàng trăm nghìn Kiloton, thậm chí là tới cả trăm Megaton (triệu tấn thuốc nổ TNT). Trong thực thế, Nga đã từng cho nổ thử bom nhiệt hạch Tsas với sức công phá dự kiến là 100 Megaton, nhưng sau giảm xuống còn 50 Megaton đã tạo ra sóng chấn động chạy xung quanh trái đất 14 vòng, tạo ra nhiệt độ nung chảy mọi vật trong tầm ảnh hưởng.

Hầu hết các dòng vũ khí hạt nhân chiến lược hiện nay trên thế giới đều sử dụng cơ cấu đầu đạn nhiệt hạch.

Theo QĐND

 

Putin - Obama khắc sâu bất đồng về Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận với người đồng cấp Mỹ Back Obama về Syria bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng không thể dung hòa quan điểm của nhau.

putin-obama-afp-1378484172.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón người đồng cấp Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở St Petersburg, Nga. Ảnh: AFP

"Chúng tôi đã ngồi nói chuyện. Đó là cuộc trò chuyện mang tính xây dựng, có ý nghĩa, chân thành. Mỗi người trong chúng tôi giữ quan điểm riêng", AFP dẫn lời ông Putin hôm nay nói và cho biết cuộc họp kéo dài khoảng 20-30 phút. 

"Đã có một cuộc đối thoại, chúng tôi lắng nghe lẫn nhau và hiểu về những lý lẽ", Putin nói. "Ông ấy bất đồng với lý lẽ của tôi, tôi bất đồng với các lý lẽ của ông ấy, nhưng chúng tôi có nghe, và chúng tôi cố gắng phân tích". 

Yury Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Putin, cũng xác nhận "sự mâu thuẫn vẫn tồn tại" sau cuộc thảo luận. 

Putin thề sát cánh cùng Syria

Theo Los Angeles Times, Obama  xác nhận về cuộc gặp tại một buổi họp báo của riêng ông. "Sự tương tác của tôi với ông ấy dường như rất thẳng thắn", ông nói. 

Tổng thống Nga cho rằng đa số các nước tại G20 dường như ủng hộ quan điểm của ông. "Anh nói rằng các quan điểm phân chia theo tỷ lệ 50-50, điều đó không thực sự đúng", Putin trả lời một câu hỏi của nhà báo. Tổng thống Nga cho rằng chỉ có Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Saudi Arabia và Pháp là những nước ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria. 

Putin đánh giá Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn "thận trọng" và dù Thủ tướng Anh David Cameron ủng hộ cuộc tấn công, ông không đại diện cho "ý chí của nhân dân", khi quốc hội nước này bác bỏ việc can thiệp. 

Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Argentina, Brazil, Nam Phi, Italy đều "phản đối hành động quân sự", ông nói. Kể cả tại những nước mà chính phủ ủng hộ các cuộc tấn công, "đa số nhân dân ở về phía chúng tôi", phản đối chiến tranh, ông nói thêm. 

Tổng thống Nga cho rằng việc dùng vũ lực chống một nước có chủ quyền chỉ có thể được tiến hành khi phải tự vệ, trong khi Syria đang không tấn công Mỹ, đồng thời hành động đó phải được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua. 

Trọng Giáp

Theo Vnexpress