Tổng thống Syria thách thức Mỹ và phương Tây
Tổng thống Assad đã thách Mỹ và phương Tây đưa ra bất cứ bằng chứng nào về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.
Ông Assad cũng tuyên bố rằng bất cứ cuộc can thiệp quân sự nào vào Syria cũng sẽ châm ngòi cho một “cuộc chiến tranh khu vực” vì “Trung Đông là một thùng thuốc súng, và hiện nay dây cháy chậm ngày càng ngắn hơn”.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad
Trong khi chính phủ Pháp công bố những tài liệu giải mật nhằm buộc chế độ của ông Assad vào tội sử dụng vũ khí hóa học chống lại nhân dân thì Tổng thống Syria vẫn mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc này.
Ông Assad nói: “Bất cứ ai lên tiếng cáo buộc đều phải đưa ra bằng chứng. Chúng tôi thách Mỹ và Pháp đưa ra được một mẩu chứng cứ. Ngài Obama và Hollander đã không làm được như thế, ngay cả với người dân của họ.”
Ông tuyên bố rằng việc cáo buộc quân đội của ông sử dụng hơi độc thần kinh sarin trong vụ tấn công ở ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 là “phi logic”.
“Giả sử quân đội chúng tôi muốn sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, liệu họ có làm vậy trong một khu vực đông dân cư, nơi những người lính của chúng tôi cũng bị thương bởi các loại vũ khí này như các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đã chỉ ra khi họ tới thăm một bệnh xá thương binh. Logic ở đâu?”
Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu các thế lực bên ngoài phát động cuộc tấn công quân sự chống lại Syria, ông Assad trả lời: “Chúng ta không thể nói suông về sự đáp trả của người Syria, mà phải đợi xem điều gì có thể xảy sau trận không kích đầu tiên.”
“Bởi không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Mọi người sẽ không thể kiểm soát được tình hình khi thùng thuốc súng nổ tung, tình hình hỗn loạn và chủ nghĩa cực đoan sẽ lan tràn. Điều đó có nguy cơ đẩy cả khu vực vào một cuộc chiến tranh,” ông Assad nói.
Thùng thuốc súng Trung Đông sẽ nổ tung nếu Syria bị tấn công
Những tuyên bố này của ông Assad được đưa ra chỉ 2 ngày trước khi quốc hội Pháp thảo luận về tình hình Syria và khả năng phát động cuộc tấn công quân sự chống lại Damascus.
Tổng thống Syria cảnh báo: “Bất cứ ai tiếp tay hà hơi tiếp sức cho bọn khủng bố cả về tài chính và quân sự đều là kẻ thù của nhân dân Syria. Bất cứ ai đi ngược lại lợi ích của Syria và công dân nước này đều là kẻ thù của chúng tôi.”
Ông Assad cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới nước Pháp: “Nhân dân Pháp không phải là kẻ thù của chúng tôi, nhưng các chính trị gia Pháp đang tỏ thái độ thù địch với nhân dân Syria. Sự thù địch đó chỉ chấm dứt khi nước Pháp thay đổi chính sách của mình.”
Hôm qua, chính phủ Syria cũng đã kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon “gánh vác trách nhiệm ngăn chặn hành động xâm lược chống lại Syria” và Hội đồng Bảo an “duy trì vai trò ngăn chặn việc sử dụng vũ lực phi lý ngoài khuôn khổ pháp luật quốc tế.”
Mặc dù Syria cho biết chính phủ sẽ tìm cách đạt được “giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng hiện nay, song ông Assad cho rằng hiện đã quá muộn để đàm phán với lực lượng đối lập vì “chúng tôi đang chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố. Chúng không quan tâm tới cải cách hay chính trị.”
Siêu tàu ngầm hạt nhân Mỹ đã tiềm nhập ngoài khơi Syria
Ngày 31-8, tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia của Mỹ đã rời cảng Portsmouth của Anh, lên đường sang Địa Trung Hải tăng cường lực lượng cho cụm tàu sân bay và tàu khu trục ở đây, nhằm nâng cao sức mạnh tấn công tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria.
Virginia là một trong những tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ mới nhất của hải quân Hoa Kỳ, dùng để thay thế cho loại tàu ngầm hạt nhân có giá đắt đỏ là Seawolf. Nó có chiều dài 114,91m, rộng 10,36m, cao 10,1m, lượng giãn nước 7925 tấn, tốc độ lặn 28 hải lý/h, tầm lặn sâu thiết kế tới 500m, nhưng trên thực tế nó chưa bao giờ lặn quá 250m.
Tàu được biên chế số lượng thủy thủ đoàn là 132 người, được trang bị một lò phản ứng hạt nhân S9G công suất 29,8 MW (tương đương 40.000 mã lực) và sẽ không cần phải thay các thanh nhiên liệu trong toàn bộ thời gian tồn tại của tàu, dự kiến là 33 năm.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia của Mỹ
Virginia được lắp đặt 12 ống phóng thẳng đứng tên lửa hành trình Tomahawk và 4 ống phóng ngư lôi 533mm. Hệ thống ống phóng ngư lôi này có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm UGM-84 Harpoon và ngư lôi hạng nặng Mk48 ADCAP.
Các tàu lớp Virginia được trang bị hệ thống sóng âm gồm: radar quét mạng pha chủ động và thụ động, thiết bị dò sóng âm TB 16, TB-29A của Lockheed Martin và hệ thống xử lý AN/BQQ-10(V4); hệ thống radar dẫn đường loại Sperry Marine AN/BPS-16(V)4.
Hệ thống ống phóng tên lửa hành trình Tomahawk trên tàu ngầm hạt nhân Mỹ
Tàu cũng được trang bị hai tàu ngầm không người lái loại có chiều dài 6m do hãng Boeing sản xuất để dò tìm thủy lôi tầm xa, robot hỗ trợ điện tử và trinh sát. Hệ thống kiểm soát vũ khí do tập đoàn Raytheon thiết kế và chế tạo bao gồm một hệ thống tác chiến CCS MK-2, hệ thống kiểm soát tác chiến AN/BYG-1. Ngoài ra, tàu được trang bị các hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh đa băng tần, cho phép cùng lúc liên lạc có thể liên lạc ở các tần số siêu cao SHF và EHF.
Tàu ngầm USS Minnesota có khả năng thực hiện một loạt nhiệm vụ ở các vùng biển nước sâu cũng như ven bờ trên thế giới, đảm nhân các nhiệm vụ tấn công mặt đất, tác chiến chống ngầm và tác chiến đối hạm cùng các hoạt động tác chiến đặc biệt; tình báo, giám sát, trinh sát và tác chiến không thông thường.
Đức Thắng
Người tị nạn Syria vượt mốc 2 triệu
Người Syria đi tị nạn tại các nước láng giềng. Ảnh: Internet |
Theo ông Guterres, trung bình mỗi ngày có khoảng 5.000 người Syria rời bỏ đất nước. Tính trong 12 tháng qua, đã có 1,8 triệu người Syria lâm vào cảnh tị nạn. Ông cho biết thêm, một số nước láng giềng Syria đang quá giới hạn chịu đựng trước dòng người này.
Giám đốc UNHCR mô tả, cuộc xung đột tại Syria là một thảm họa lớn của thế kỉ này, một bi kịch nhân đạo với số người bị ảnh hưởng và buộc phải rời khỏi đất nước ở mức chưa từng có trong nhiều thập kỉ gần đây.
Nữ diễn viên Angelina Jolie, Đại sứ đặc biệt của UNHCR cảnh báo, nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu như hiện nay, số người tị nạn sẽ còn tiếp tục gia tăng, các nước láng giềng giáp Syria sẽ không thể chịu đựng nổi.
Các quan chức của LHQ và 4 nước có số người Syria đến tị nạn nhiều, gồm Iraq, Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ có cuộc gặp vào ngày mai, 4/9, tại Geneva, Thụy Sĩ, để thảo luận về các biện pháp huy động trợ giúp quốc tế đối với người tị nạn Syria.
Kể từ khi cuộc xung đột tại Syria nổ ra hồi tháng 3/2011, đã có khoảng 100.000 người dân nước này thiệt mạng.
HT (Foxnews)