Obama chưa quyết việc tấn công Syria
Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định chính quyền Syria đứng sau vụ tấn công hóa học làm chết hàng trăm dân thường, nhưng ông vẫn chưa ra quyết định về việc có tấn công Syria hay không.
“Tôi vẫn chưa quyết định”, ông Obama nói trong chương trình PBS NewsHourhôm qua, khi được hỏi ông đã chuẩn bị ký quyết định hành động quân sự đối với Syria hay chưa.
Obama cho hay chính phủ Mỹ nhận thức rằng “việc tham chiến trực tiếp vào cuộc nội chiến ở Syria sẽ không giúp giải quyết gì cho tình hình”. Washington cũng đưa ra kết luận về việc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học làm hơn 300 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương hôm 21/8.
Tuy nhiên, ông chỉ rõ rằng các cuộc không kích trừng phạt của Mỹ vào Syria sẽ được giới hạn trong một phạm vi nhất định và không nhằm gây ảnh hưởng đến cán cân giữa lực lượng của ông Assad và phe đối lập, hai bên tham chiến trong cuộc nội chiến đẫm máu hơn hai năm qua.
Tổng thống Mỹ cho rằng sau cuộc không kích của phương Tây do Mỹ dẫn đầu, chính quyền Syria “sẽ nhận ra thông điệp mạnh mẽ rằng tốt hơn hết là không nên lặp lại điều đó (sử dụng vũ khí hóa học) một lần nữa”.
Trong khi đó, Anh cũng cho biết sẽ không tiến hành can thiệp quân sự vào Syria trước khi các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố báo cáo về nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học.
Các nghị sĩ Anh hôm nay dự kiến sẽ bỏ phiếu về biện pháp đối phó của Anh trong vấn đề Syria, nhưng bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ đòi hỏi thêm một vòng bỏ phiếu của hạ viện, sau khi các chuyên gia của LHQ công bố kết quả điều tra vào những ngày tới.
Cùng với Mỹ và Pháp, Anh tuyên bố quân đội của ông Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công hóa học kinh hoàng trên. Tuy nhiên, chính quyền Syria phản đối mạnh mẽ cáo buộc này và đổ lỗi cho phe đối lập về vụ tấn công.
Những lo ngại về một cuộc tấn công quân sự của phương Tây đang gia tăng khi Mỹ loại trừ khả năng đạt được một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về không kích Syria. Ngoại trưởng Anh William Hague cho hay, cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm hành động dù Hội đồng Bảo an không đồng tình đi nữa.
Hàng trăm người phản đối chiến tranh đã tập trung bên ngoài văn phòng của Thủ tướng David Cameron hôm qua, hô vang các khẩu hiệu, trong đó có “Buông tha Syria”.
“Dù người dân Syria đang chịu đựng nhiều nỗi đau dưới chế độ của ông al-Assad và chính quyền tàn bạo của ông ta, tôi nghĩ sự can thiệp của phương Tây sẽ chỉ là đổ thêm dầu vào lửa mà thôi”, một người biểu tình nói. “Chúng tôi đã chứng kiến trong thập kỷ qua, sự can thiệp của phương Tây vào các nước bất ổn chỉ giết chết thêm nhiều người hơn”.
Anh Ngọc
'Phát hiện hóa chất trong vụ tấn công ở Syria'
Đặc phái viên về Syria của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab (AL), hôm qua khẳng định có bằng chứng cho thấy một số "chất hóa học" đã được sử dụng trong một vụ tấn công làm hàng trăm người thiệt mạng ở Syria.
Phe đối lập tháp tùng một đoàn thanh sát viên của LHQ đến vùng ngoại ô Damascus để điều tra về nghi án vũ khí hóa học. Ảnh: AP |
Thông tin trên được ông Lakhdar Brahimi cho hay khi phát biểu trước báo giới tại Geneva, Thụy Sĩ, trong bối cảnh nhóm thanh sát viên LHQ đang điều tra vụ tấn công bị cáo buộc sử dụng khí độc ở gần thủ đô Damascus hôm 21/8.
Brahimi cho biết "dường như một số chất (hóa học) đã được sử dụng". Tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng "luật pháp quốc tế quy định rằng bất kỳ hành động quân sự nào do Mỹ cầm đầu phải được Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên nhất trí mới được tiến hành.
"Theo tôi được biết, Tổng thống Barack Obama và chính quyền Mỹ không phải là những người hiếu chiến. Điều mà họ sẽ quyết định làm thì tôi không biết, song luật pháp quốc tế quy định rất rõ ràng", ông nói.
Washington hôm qua tuyên bố việc chính quyền Syria đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học là không còn gì phải nghi ngờ và Damascus phải chịu trách nhiệm về việc sát hại thường dân.
Trong khi tình báo Mỹ vẫn đang khẩn trương điều tra về cáo buộc đối với chính quyền Syria và sẽ công bố bản đánh giá trong tuần này, Washington và các đồng minh đã bàn thảo về một kế hoạch không kích nhằm răn đe quốc gia Trung Đông.
Theo Vietnam
Phóng viên Ấn Độ bị cưỡng hiếp tập thể xuất viện
Nữ phóng viên trẻ bị cưỡng hiếp tập thể ở thành phố Mumbai tuần trước vừa được ra viện, với tình trạng sức khỏe đang hồi phục dần.
Người dân Ấn Độ biểu tình chống nạn cưỡng hiếp. Ảnh: AP |
“Bệnh nhân hồi phục tốt và đội ngũ bác sĩ của chúng tôi cho hay cô có thể xuất viện”, AFP dẫn lời quyền giám đốc bệnh viện cho biết trong một thông báo hôm nay.
Cô gái 22 tuổi bị 5 kẻ tấn công tình dục khi đang đi chụp ảnh một nhà xưởng bỏ hoang trong thành phố cùng đồng nghiệp nam chiều 21/8. Chúng trói anh này lại và cùng nhau cưỡng hiếp cô. Nữ phóng viên được chuyển vào bệnh viện Jaslok sau đó với các vết thương nội và ngoại.
Cũng trong hôm nay, cảnh sát đã áp giải 5 nghi phạm bị bắt giữ trở lại hiện trường để tái hiện vụ việc. Những hình ảnh video cho thấy các nghi phạm diện áo phông, quần jeans và đội mũ trùm đầu.
Cảnh sát cho hay những nghi phạm này ở vào độ tuổi từ 18 đến 27, nhưng truyền thông địa phương đưa tin rằng có một nghi phạm đang ở tuổi vị thành niên.
“Chúng tôi sẽ xét nghiệm xương để xác định y có phải trẻ vị thành niên hay không. Nếu đúng như thế, y sẽ bị truy tố ở một tòa án dành cho trẻ vị thành niên”, một cảnh sát cho hay. Hiện vẫn chưa có cáo buộc chính thức nào đối với các nghi phạm.
Cảnh sát bắt được 5 nghi phạm chỉ trong vòng 3 ngày sau vụ việc gây sốc cho người dân Mumbai, nơi từ lâu được xem là một trong những thành phố an toàn cho phụ nữ Ấn Độ.
Trong một thông báo vào cuối tuần qua, gia đình của nữ phóng viên trên cho biết họ tin tưởng rằng vụ án của con gái sẽ được xét xử nhanh và những kẻ phạm tội sẽ bị trừng phạt đích đáng.
Gia đình nạn nhân cũng yêu cầu giới truyền thông cho họ được giữ lại không gian riêng tư khi họ đang cố gắng tĩnh tâm sau “giai đoạn ác mộng”. Chính nữ phóng viên trước đó cũng chia sẻ rằng “bị cưỡng hiếp không có nghĩa là kết thúc cuộc đời” và cô rất nóng lòng được quay lại làm việc.
Anh Ngọc
Theo Vnexpress