Làng chài miền Trung tái hiện dưới lòng đất
Muốn lưu giữ ký ức tuổi thơ gắn với vùng biển, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng (Đà Nẵng) cất công sưu tầm những vật dụng gắn với đời sống ngư dân miền Trung đem về tạo hình dưới tầng nhà mình.
|
Ý tưởng xây dựng một căn phòng nhỏ trưng bày vật dụng làng chài miền Trung được nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Mỹ (nghệ danh Mỹ Dũng) thực hiện từ 10 năm qua, tại căn nhà của mình ở Sơn Trà, Đà Nẵng. Lối dẫn xuống hầm rộng hơn 1m. |
|
Căn phòng rộng chừng 40m2, cao 2,2m. Nền trải cát trắng lấy từ biển, tường đắp bằng những nắm xi măng, cả hai giúp cách âm khi nghe nhạc. |
|
Ngư cụ được sưu tầm ở nhiều vùng biển Đà Nẵng, tạo hình một cách nghệ thuật. Theo nghệ sĩ Mỹ Dũng, khi xây căn hầm này, ông phải đào đi lớp đất sâu chừng 1,5m. |
|
Chiếc thuyền thúng choán diện tích lớn trong hầm, ông mua tre về và thuê thợ đan tại chỗ. Ngoài việc trưng bày, chiếc thuyền còn có nhiều công dụng khác như bàn uống cà phê, chỗ ngủ... |
|
"Xây dựng căn hầm này, tôi muốn giữ lại những nét văn hóa của làng biển, nơi gắn với tuổi thơ và nghề nghiệp của ông cha. Đây cũng là phòng nghe nhạc, giúp tôi có thêm cảm hứng sáng tác", nghệ sĩ Mỹ Dũng nói. Ông sinh ra, lớn lên ở vùng biển Thọ Quang (quận Sơn Trà). |
|
Vật dụng giá trị nhất được ông trưng bày là những chiếc bầu đựng mắm cái của ngư dân. Thời xưa, ngư dân miền biển dùng bầu đưa cá, mắm lên miền núi, rồi đựng thóc, khoai sắn đổi được để về xuôi. Bầu cũng được ngư dân ghi những cái tên rất đời thường như Mực nhằm phân biệt và khỏi bị lấy cắp. |
|
|
Không ít khách thăm tỏ ra tò mò trước căn hầm này. |
|
Ở những góc căn hầm, nghệ sĩ Dũng dành trưng bày những tác phầm ảnh nghệ thuật của mình. |
|
Ông cũng dành riêng một khu trưng bày thu nhỏ của triển lãm Nhìn ông từng triển lãm tại Hà Nội vào tháng 3/2009, với 10 bức ảnh nói về phạm trù về đời sống con người như sinh – tử, ơn – nghĩa, Phật – pháp. |
|
Vào mỗi buổi tối, căn hầm làng chài của nghệ sĩ Mỹ Dũng đón tiếp những người đam mê nhiếp ảnh. Ông dự định sẽ tiếp tục sưu tầm những ngư cụ gắn với đời sống người dân vùng biển để làm phong phú thêm cho căn phòng đặc biệt này. |
Nguyễn Đông
'Chương trình lớp 1 không nặng'
Vụ phó Vụ Giáo dục Mầm non Trần Thị Thắm nhận định như vậy bởi theo bà, chương trình hiện nay học sinh dân tộc thiểu số vẫn tiếp thu tốt mà không cần học trước.
Chiều 28/8, tại buổi họp báo trước thềm năm học mới, trước câu hỏi về chỗ học cho "heo vàng", Vụ phó Giáo dục tiểu học Trần Thị Thắm cho hay, trẻ sinh năm 2007 tăng đột biến không phải là thông tin các trường mới được biết. Trước đó, thông qua điều tra số lượng trẻ 0-6 tuổi, các trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất để đón trẻ sinh năm heo vàng vào lớp 1. Vì vậy, hiện tại trên cả nước không cháu nào sinh năm 2007 không có chỗ học, dù sĩ số mỗi lớp có thể đông hơn bình thường.
Khi Vụ giáo dục mầm non công bố nhiệm vụ năm học 2013-2014, cấm các trường dạy trẻ tập tô, tập viết, nhiều phụ huynh cho rằng nếu không cho con học thì không thể theo kịp chương trình lớp 1 quá nặng. Bà Thắm nhấn mạnh, chương trình giảng dạy ở các bậc học đã được Bộ nghiên cứu kỹ và có chỉ thị rõ ràng.
Việc dạy trước chương trình lớp 1 sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển, tâm sinh lý, sự chủ quan của trẻ. Tâm lý của phụ huynh không yên tâm là do không hiểu rõ quy định cũng như nội dung giáo dục phù hợp độ tuổi. Nếu các trường mầm non và tiểu học thực hiện đúng chỉ thị của Bộ thì mặt bằng trẻ vào lớp 1 là như nhau.
"Cần tuyên truyền để cha mẹ học sinh hiểu rõ chủ trương, đồng thời, ngành giáo dục cũng cần tăng cường kiểm tra và xử lý những cơ sở vi phạm", bà Thắm nói.
Chương trình lớp 1 được thiết kế phù hợp với độ tuổi của trẻ, không hề nặng vì học sinh dân tộc thiểu số vẫn tiếp thu tốt. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Bà Vụ phó cũng khẳng định, nói chương trình lớp 1 nặng là không đúng vì kể cả học sinh dân tộc thiểu số cũng tiếp thu tốt chương trình. Khi vào lớp 1, trẻ sẽ được dạy những việc đầu tiên như tư thế ngồi, cách cầm bút, học từng chữ cái, vần, âm... Để trẻ vùng dân tộc có thể học được, Vụ mầm non cũng đã thiết kế chương trình tăng cường tiếng Việt cho các em.
"Bộ đã chỉ đạo không được tổ chức thi vào lớp 1 trên cả nước. Một số trường ở Hà Nội tổ chức tuyển chọn đầu vào, nhưng không kiểm tra kiến thức, không thi chữ, chỉ kiểm tra các chỉ số cần thiết nên không gọi là thi", bà Thắm khẳng định.
Bà này cho hay, từ năm 2008, Bộ đã dạy tiếng Việt bằng công nghệ giáo dục ở 19 tỉnh và đạt kết quả tốt. Từ đó, Bộ trưởng chủ trương áp dụng toàn quốc trên cơ sở địa phương tự nguyện. Hiện có 36 tỉnh tham gia với 200.000 học sinh, trong đó Lào Cai áp dụng cho 100% học sinh lớp 1. Với phương pháp này, học sinh nắm chắc chính tả, cấu tạo tiếng, qua một mùa hè vẫn không bị quên chữ.
Liên quan đến vấn đề lạm thu ở các trường học, ông Lê Khánh Tuấn, vụ phó Kế hoạch Tài chính cho biết, mặc dù 20% ngân sách nhà nước đang dùng để chi cho giáo dục nhưng số tiền này vẫn không đủ để đảm bảo đầy đủ điều kiện học tập. Theo thống kê của Vụ, chỉ khoảng 17/63 tỉnh thành đảm bảo đủ chi tiêu bằng tiền ngân sách, còn lại rất khó khăn, phải rất tiết kiệm.
Ngoài học phí, các trường còn thu các khoản ngoài học phí. Để quản lý được hoạt động này, Bộ đã xây dựng nhiều văn bản pháp lý tương đối đầy đủ, bảo đảm 3 công khai để xã hội có thể kiểm soát việc thu trong trường học. Sở GD&ĐT, UBND các cấp phải có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời và xử lý lạm thu. Bộ cũng tăng cường giám sát, thanh tra để hành lang pháp lý ban hành được thực hiện đúng.
"Đầu năm học, Bộ sẽ tăng trường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường vi phạm. Cha mẹ học sinh nếu phát hiện có lạm thu thì kịp thời báo cáo cơ quan quản lý, cùng ngành giáo dục quản lý, giám sát thu chi trong trường học", ông Tuấn đề nghị.
Ông Nguyễn Minh Khang, Phó giám đốc NXB Giáo dục cho biết NXB đã điều chỉnh độ trắng của giấy in để tránh ảnh hưởng đến mắt học sinh. Theo đó, nhóm nghiên cứu thuộc NXB Giáo dục Việt Nam và các bác sĩ Học viện Quân y mới đây đưa ra kết luận giấy sách, vở có độ trắng cao như 80% ISO, 82% ISO, 84% ISO sẽ ảnh hưởng không tốt đến mắt của học sinh, dễ gây cận thị.
Trước kia NXB sử dụng giấy định lượng 56g/m2, độ trắng 80-82 ISO in cho sách 2 màu và giấy định lượng 60, độ trắng 80-82 ISO để in cho sách 4 màu. Tuy nhiên ngay sau khi nghiên cứu, các chỉ số đã được thay đổi. Độ trắng của giấy chuyển thành 73-75 ISO, định lượng 56g/m2 khi in sách 2 màu và định lượng 60, độ trắng 73-75 ISO cho sách 4 màu.
"Hiện sách đã đáp ứng yêu cầu chống lóa, không ảnh hưởng đến thị giác của học sinh, tăng độ xốp, in không bị hằn sang phía sau", ông Khang nói.
Hoàng Thùy
'Chủ tịch doanh nghiệp công ích lương tiền tỷ là không đúng'
Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Vũ Đức Đam, việc lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích tại TP HCM nhận lương tiền tỷ không đúng quy định hiện hành và cần được xử lý.
Người phát ngôn của Chính phủ khẳng định như vậy tại phiên họp báo thường kỳ chiều 28/8. Theo kết luận trước đó của Phó chủ tịch UBND TP HCM, năm ngoái, lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích là Công ty Chiếu sáng công cộng, Công ty Thoát nước đô thị, Công ty Công trình giao thông và Công ty Công viên cây xanh thành phố đã nhận lương từ 584 triệu đến 2,6 tỷ đồng một năm.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam tại phiên họp báo thường kỳ. Ảnh: Nhật Minh. |
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, với quy định hiện hành tại Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, mức lương cao nhất được quy định cho Chủ tịch Hội đồng thành viên một doanh nghiệp Nhà nước là 36 triệu đồng một tháng, tương đương 432 triệu đồng một năm. Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn tốt, lãnh đạo có thể được thưởng thêm song tối đa không quá 1,5 lần mức lương nêu trên.
“Như vậy, nếu những điều báo chí phản ánh là chính xác thì việc chi trả lương nêu trên là sai. Và sai thì sẽ được xử lý”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định. Đại diện Chính phủ cũng cho biết thêm rằng thẩm quyền xử lý hiện được giao cho UBND TP cũng như các bộ ngành liên quan.
“Ngay sau khi nhận được thông tin của báo chí về vấn đề này, Phó thủ tướng phụ trách cũng đã có văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương có báo cáo về tình hình chi trả lương tại các cơ quan, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý để chấn chỉnh vấn đề này”, Bộ trưởng Đam thông tin.
Trước thắc mắc của báo chí khi so sánh mức lương của lãnh đạo các doanh nghiệp nêu trên với người đứng đầu Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng hiện hưởng lương theo chế độ của công chức. Theo đó, lương cơ bản được tính là 1,15 triệu đồng, nhân với hệ số, tối đa là 14. Cộng tất cả các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm, lương chính thức của người đứng đầu Chính phủ là hơn 17 triệu đồng.
Nhật Minh
Theo Vnexpress