Tin Trong Nước

Chăm sóc, giáo dục trẻ phải tuân theo quy luật phát triển của mỗi lứa tuổi. Đối với trẻ mẫu giáo, vui chơi là hoạt động chủ đạo. Vui chơi sẽ tạo ra sự biến đổi về chất trong đời sống tâm lý của trẻ

'Dạy trước chương trình lớp một là phản khoa học'

Trao đổi với VnExpress, Vụ trưởng Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh cho rằng ép tập tô, tập viết chữ khi cơ xương tay còn yếu, khả năng chịu đựng của thị giác chưa bền... sẽ làm trẻ căng thẳng, mệt mỏi.

- Lý do gì Vụ Giáo dục Mầm non cấm dạy trước chương trình lớp một, dạy  tập tô, viết chữ cho trẻ trước khi vào lớp một, thưa ông?

Vu-truong-mam-non-1377565798.jpg
Vụ trưởng Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh. Ảnh: Hoàng Thùy

- Chỉ thị số 2325 ngày 28/6/2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu: "Tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp một cho trẻ, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ" chứ không phải là cấm dạy chữ. Trong chương trình giáo dục mầm non hiện nay có nội dung giúp trẻ hình thành những thành tố cơ sở cho viết chữ và đọc, đó là: nhận dạng chữ cái, làm quen với hướng đọc, hướng viết, các hoạt động để phát triển của các cơ tạo sự vận động khéo léo của bàn tay…

Chăm sóc, giáo dục trẻ phải tuân theo quy luật phát triển của mỗi lứa tuổi. Đối với trẻ mẫu giáo, vui chơi là hoạt động chủ đạo. Vui chơi sẽ tạo ra sự biến đổi về chất trong đời sống tâm lý của trẻ. Dạy học trước chương trình lớp một là phản khoa học, điều này đã được Bộ nghiên cứu và quán triệt nhiều lần. Nếu ép trẻ luyện tập quá sớm khi các bộ phận chức năng của cơ thể chưa hoàn thiện (cơ quan thần kinh phát triển chưa toàn diện, cơ xương tay còn yếu, khả năng chịu đựng của thị giác khi phải tập trung nhìn không bền, thời gian tập trung vào thực hiện một nhiệm vụ cụ thể ngắn, chú ý không chủ định vẫn chiếm ưu thế...) sẽ làm trẻ căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý (cơ, xương, thần kinh...) về sau của trẻ. Hơn nữa ở độ tuổi này cần dành thời gian cho trẻ khám phá thế giới thay cho việc tập viết chữ.

Việc dạy tập tô, tập viết chữ ở lứa tuổi mẫu giáo, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt, sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học ở lớp một. Những ảnh hưởng do dạy không đúng sẽ khắc sâu đối với trẻ, rất khó sửa khi vào lớp một và sau này (như cách cầm bút sai, ngồi viết không đúng tư thế…).

- Nhiều nghiên cứu cho rằng tuổi vàng phát triển của trẻ là từ 0 đến 6, cấm dạy tập tô, viết chữ liệu có kìm hãm sự phát triển của trẻ?

- 0-6 là lứa tuổi vàng cho sự phát triển của trẻ về thể chất, thế giới biểu tượng, cảm xúc, tình cảm xã hội…và đặc biệt là phát triển nhận thức và ngôn ngữ. Bởi vậy cần tạo môi trường thân thiện cho trẻ vui chơi, hoạt động, khám phá để phát triển đúng quy luật phát triển của trẻ… và không nên gò trẻ vào việc tập viết.

- Nhiều phụ huynh cho rằng hiện tại nếu không cho trẻ học chữ từ mầm non là không ổn vì khi vào lớp một cô thường chê nếu các cháu chưa biết viết, thậm chí một số trường còn tổ chức thi đầu vào không chỉ tiếng Việt mà còn tiếng Anh. Ông nghĩ sao về việc này?

- Vấn đề phụ huynh phản ánh chỉ là hiện tượng xảy ra ở bộ phận giáo viên tiểu học, một số trường tiểu học chủ yếu là ở các thành phố lớn, do chưa nắm vững chỉ đạo của Bộ. Chỉ thị số 2325 của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nêu rõ giáo viên không được có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào. Các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc việc tuyển sinh đầu cấp theo quy định, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp một.

Bên cạnh đó, thanh tra Bộ cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, hiệu trưởng và giáo viên liên quan đến việc dạy học trước chương trình lớp một. Chỉ thị này đang được ngành giáo dục triển khai thực hiện nghiêm túc và được xã hội đồng tình ủng hộ.

- Nhưng cấm dạy chữ ở trường mầm non có thể làm tăng gánh nặng cho phụ huynh khi nhu cầu vẫn có mà học trong trường lại bị cấm, các lớp học thêm sẽ mọc lên?

- Các bậc cha mẹ đều mong con mình chăm ngoan, học giỏi, tự tin, chủ động, sáng tạo và luôn kỳ vọng, đặt niềm tin vào con cái. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng nhận thức đúng đắn về việc dạy học cho con mình. Một số phụ huynh có nhu cầu dạy tập viết cho con trong trường mầm non xuất phát từ việc chưa hiểu biết tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp một, tâm lý chạy theo số đông.

Từ thực tế này, Bộ trưởng đã yêu cầu giám đốc các Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp một. Bộ nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp một, chỉ đạo các trường tiểu học công bố các giải pháp đảm bảo chất lượng của nhà trường để cha mẹ học sinh yên tâm.

Để thực hiện được mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục, thân thiện phù hợp với sự phát triển của trẻ, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Không chỉ "cấm" mà cần tư vấn, giúp đỡ, tạo điều kiện trong đó "cấm" là tình thế, còn tư vấn, giúp đỡ tạo điều kiện là giải pháp lâu dài, không chỉ ở các trường mầm non mà cả ở các trường tiểu học, không chỉ trong nhà trường mà cả ở phụ huynh và toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần giải quyết tốt các vấn đề ở các trường tiểu học thì mới ngăn chặn được việc dạy trước chương trình lớp một ở mầm non. 

Hoàng Thùy thực hiện

'Cấm trường mầm non dạy chữ' gây tranh cãi

“Trẻ em bây giờ rất thông minh và hiếu động, nhiều em ba bốn tuổi đã biết con chữ thậm chí biết cộng trừ, vậy tại sao lại cấm  năng lực phát triển đó?”

Sáng 22/8, Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức tổng kết năm học 2012-2013 và phương hướng nhiệm vụ giáo dục mầm non  năm học 2013 - 2014. Tại đây, ông Nguyễn Bá Minh, vụ trưởng Giáo dục mầm non phát biểu: "Các cơ sở giáo dục mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ, không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ". Phát biểu này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của độc giả về cho báo VnExpress.net.

"Việc cấm dạy chữ cho trẻ học mầm non nên làm triệt để"

Một số độc giả tán thành với quyết định cấm dạy trước chương trình lớp 1 của Vụ trưởng Giáo dục mầm non. Độc giả Lữ Khách chia sẻ: “Việc cấm dạy chữ cho trẻ học mầm non nên làm triệt để, tôi tán thành ý kiến này. Trẻ em cần phải dạy dỗ theo từng lứa tuổi phù hợp, không thể cư xử nóng vội theo ý muốn chủ quan của người lớn. Chưa kể việc dạy học chữ quá sớm khi thể chất các bé chưa đủ đáp ứng cũng là nguy hiểm đối với sự phát triển trí não và tinh thần của trẻ”.

Mam-non-1377254077.jpg

Vụ trưởng giáo dục mầm non nhắc nhở các trường không được dạy cho trẻ trước chương trình lớp 1, tập tô hay viết chữ. Ảnh: S.A.

Đồng tình với ý kiến trên, độc giả Phan Vinh nói: " Chỉ đạo của vụ trưởng là đúng, ở lớp mầm non không cần dạy chữ. Tuy nhiên thực tế thì không phải vậy. Theo tôi không nên  trách các trường mầm non mà quan trọng là việc dạy ở lớp 1 của bậc tiểu học phải  như thế nào". 

“Cấm dạy chữ thì cũng chưa hẳn đã tốt”

Nhưng nhiều độc giả thiên về ý kiến không nên cấm mà cần thay đổi lại phương pháp dạy. Bạn đọc Thanh Nguyễn chia sẻ: “Cấm dạy chữ thì cũng chưa hẳn đã tốt mà quan trọng là tránh gây áp lực cho bé và phụ huynh. Vì vậy tôi nghĩ tốt nhất là nên cho trẻ "vừa học vừa chơi" sẽ không gây áp lực cho "ai" mà vẫn đảm bảo bé biết chữ”.

“Dạy chữ cho trẻ càng sớm càng tốt vì trẻ con học sẽ rất nhanh. Còn nếu để vào lớp 1 mới dạy thì hơi phí. Trẻ mầm non vừa học vừa chơi, không bị áp lực sẽ tiếp thu nhanh hơn trẻ lớp 1. Còn chờ đến khi trẻ vào lớp 1 mới dạy thì lại phải mất một khoảng thời gian làm quen với trường mới, lớp mới, các bạn mới và cách học mới. Hơn nữa nếu trẻ biết chữ sớm sẽ thuận lợi cho việc hướng các cháu vào việc đọc sách. Đọc sách càng nhiều càng tốt, vừa luyện cách hành văn, vừa cho trẻ cảm nhận được những điều mới lạ, và sẽ kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo cho trẻ".

“Cấm trường mầm non dạy chữ cho trẻ khác nào cấm con em mình biết chữ trước khi vào lớp 1, sao thấy bất cập quá. Trẻ em bây giờ rất thông minh và hiếu động, nhiều em ba bốn tuổi đã biết con chữ thậm chí biết cộng trừ, vậy tại sao lại cấm cái năng lực phát triển đó?”, độc giả Hoang Hung Yen cho biết.

Cần đồng bộ trong vấn đề quản lý

Phát biểu này của Vụ trưởng Giáo dục mầm non cũng làm nhiều bậc phụ huynh thắc mắc. Độc giả Xuân Hoa chia sẻ: “Ở lớp mầm non, tôi cũng chỉ cho cháu làm quen với những nét cơ bản, tôi nghĩ vào lớp 1, thể nào cô cũng rèn lại từ đầu, nhưng lại không phải thế...Mà con tôi cũng "xui xẻo", vừa vào học tuần đầu tiên đã có những lời phê như "chữ viết xấu"...Vẫn biết là cô giáo lớp 1 làm việc rất cực khổ, nhưng chuyện không dạy cách viết chữ cho học trò ngay từ lớp mầm là không thể chấp nhận'.

Độc giả Nguyễn Sơn bày tỏ: “Năm ngoái, con tôi vào lớp 1, nhập học được vài tuần thì họp phụ huynh học sinh và cô giáo bảo tôi rằng con anh đọc và viết chậm quá, mẫu giáo không cho nó học trước sao? Thế là từ đó đến nay tôi luôn cháu nó đi học thêm (vì gần như trẻ con giờ đều thế)”.

Còn độc giả Như Hồng thì lo lắng: “Con tôi học ở trường công thì không dạy chữ, nhưng tôi thấy bé hàng xóm học trường tư thục thì dạy chữ cấp tốc. Ngày nào bé đó về cũng phải tập viết rất nhiều vì vậy tôi thấy cháu bé đó không có thời gian vui chơi cùng bạn bè nữa. Tôi cũng rất lo với tình trạng này. Vì quy định không nhất quán như vậy sẽ dẫn đến sự chênh lệch giữa học sinh trường công và trường tư...".

Theo Vnexpress

Công nhân vây tòa nhà Sông Hồng Parkview đòi lương

Tòa nhà Sông Hồng Parkview ở 165 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) hoàn thành từ cuối 2012 nhưng đến nay chưa thanh toán hết tiền thi công, khiến hàng chục công nhân sáng nay vây kín để đòi nợ.

Số công nhân này đại diện cho 61 công nhân đã tham gia thi công tòa nhà Sông Hồng Parkview. Họ đến từ các tỉnh xa như Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Dương... bị nợ lương 2-3 năm nay, người ít khoảng 5 triệu đồng, người nhiều lên tới 30 triệu đồng.

Chị Lê Thị Bảy, một công nhân quê Đông Hưng, Thái Bình, cho biết chị bị nợ hơn 30 triệu tiền lương suốt hơn 3 năm nay. Cực chẳng đã, sáng nay chị đã cùng các công nhân khác kéo đến trước cửa tòa nhà Sông Hồng Parkview để gây áp lực.

n1-1377499341.jpg
Công nhân mang yêu cầu được trả tiền. Ảnh: Đoàn Quý

Có mặt cùng công nhân gây áp lực với Công ty Địa ốc Sông Hồng (chủ đầu tư) sáng nay, ông Hồ Văn Thía tự nhận mình là người đã ký hợp đồng thi công với chủ đầu tư và đưa nhóm thợ đến công trình.

"Phía Sông Hồng nợ tiền tôi suốt hơn một năm nay không trả, nên tôi không có tiền thanh toán lương cho công nhân", ông Thía cho biết.

Tuy nhiên, ông Thía khẳng định chỉ nợ lương công nhân 2 - 5 triệu đồng mỗi người, tổng cộng 300 triệu đồng. Trong khi đó, phía Sông Hồng nợ ông hơn 70 triệu. Công nhân làm việc cho ông Thía theo dạng lao động tự do, không ký kết hợp đồng, dù ông là chủ một doanh nghiệp thi công xây dựng.

"Gần 230 triệu đồng nợ còn lại thuộc trách nhiệm của tôi. Tôi đã có kế hoạch vay để trả lương cho công nhân", ông Thía nói.

Trái với thông tin ông Thía cung cấp, Giám đốc công ty Địa ốc Sông Hồng Nguyễn Xuân Bình lại khẳng định công ty không ký hợp đồng với ông Thía, mà khoán việc cho một người trong công ty tên Hải.  

"Lẽ ra ông Thía và các công nhân phải làm việc với ông Hải, chứ chúng tôi không có trách nhiệm trong việc công nhân bị nợ lương. Vì tình cảm chúng tôi mới gặp ông Thía để xem xét hỗ trợ, nhưng còn phải đợi ý kiến của hội đồng quản trị công ty", ông Bình cho biết.

Đến 11h30, phía công ty Địa ốc Sông Hồng đã cử đại diện ra làm việc với ông Thía và các công nhân. Ông Thía cho biết, tại cuộc gặp này, đại diện Địa ốc Sông Hồng đã ký biên bản trong đó cam kết công ty sẽ trả số nợ hơn 70 triệu đồng cho ông Thía vào ngày 15/9. Công nhân sau đó đã rời khỏi khu vực tòa nhà Sông Hồng Parkview.

Đoàn Quý

Theo Vnexpress