GS Ngô Bảo Châu: 'Kết quả khoa học không tính bằng doanh số'
GS Ngô Bảo Châu khẳng định, khoa học chưa bao giờ phát triển qua những hợp đồng cụ thể, giao việc và trả tiền. Khoa học nói chung và Toán học nói riêng phát triển từ nội lực, từ sự tò mò muốn được khám phá.
Trong Hội thảo sơ kết 2 năm hoạt động của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, các giáo sư đầu ngành đã cùng thảo luận vấn đề phát triển toán ứng dụng song hành với toán lý thuyết. Viện trưởng Viện đào tạo Quốc tế FPT Nguyễn Thành Nam bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lãnh đạo Viện Toán cao cấp và đánh giá cao những kết quả mà Viện đã đạt được. Tuy nhiên, theo ông Nam, Toán học Việt Nam hiện rất xa rời thực tế, nếu các nhà Toán học ngồi chờ ứng dụng đến thì nó sẽ đi qua.
"Chúng tôi sẵn sàng chào đón các nhà Toán học đến doanh nghiệp, muốn ở bao lâu, cần cung cấp thông tin gì chúng tôi đều sẵn sàng đáp ứng", ông Nam nói và góp ý, Viện Toán cao cấp cần nói rõ hiệu quả kinh tế đã làm được trong thời gian hoạt động để người dân hiểu rõ.
GS Ngô Bảo Châu chủ trì hội thảo, lắng nghe ý kiến đóng góp của những nhà khoa học hàng đầu về vấn đề phát triển toán học ứng dụng. Ảnh: H.T. |
Vai trò của Toán học ứng dụng cũng được GS Phạm Kỳ Anh (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá cao. Ông lấy ví dụ về cơn bão Chanchu năm 2006, các nhà khí tượng dự báo bão đổ vào đất liền và khuyên người có thuyền bè chạy ra ngoài biển để tránh. Nhưng cuối cùng dự báo sai và hơn 200 người thiệt mạng. Đến năm 2008, các đài cũng dự báo sai khi cho rằng mưa to gây ngập lụt ở Nam Định, còn lượng mưa ở Hà Nội thấp. Song thực tế, mưa to ròng rã khiến Hà Nội rơi vào trận lụt lịch sử.
Ông chia sẻ, mô hình mà các trung tâm dự báo khí tượng đang sử dụng là từ nước ngoài nhưng khi ứng dụng ở điều kiện của Việt Nam, dữ liệu không được đồng hóa. Mặt khác, mô hình nước ngoài nhưng lại chạy trên một chiếc máy có chất lượng kém nên sai sót là đương nhiên.
"Trong trường hợp này, toán học có vai trò rất quan trọng là đặt phương trình nhiệt động lực học phức tạp để tính toán, đồng hóa số liệu", GS Kỳ Anh nói và đề xuất, toán học Việt Nam cần tập trung ứng dụng vào việc thiết thực như dự báo những hiện tượng liên quan đến thời tiết, điều hành các hồ chứa nước…
Đồng quan điểm, GS Đàm Thanh Sơn (Viện Lý thuyết hạt nhân, ĐH Chicago, Mỹ) cho rằng, bên cạnh phát triển toán học thì Viện toán cần mở rộng và liên kết với nhiều ngành khác để các ứng dụng đi vào thực tiễn, giúp ích cho cuộc sống như nghiên cứu về Khí tượng thủy văn hay Công nghệ thông tin.
GS Đàm Thanh Sơn cũng về Viện Toán cao cấp làm việc trong thời gian hè. Ông đồng tình với ý kiến cần ứng dụng toán vào nghiên cứu các hiện tượng thời tiết. Ảnh: H.T. |
Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia Hà Nội) tâm sự, làm toán ứng dụng ở Việt Nam khác với ở nước ngoài. Ở Việt Nam, người làm khoa học phải biết làm cả kế toán, quản lý tài chính công thì mới có thể làm được dự án. Nguyên nhân là do không có sự đồng bộ, không có ai hỗ trợ.
“Nhiều người nghĩ làm ứng dụng là giống như các công ty. Tôi hy vọng Viện toán sẽ có những kế hoạch để có những ảnh hưởng chung về mặt bằng toán trong xã hội, sao cho toán ứng dụng không phải là tầm thường”, ông Việt bày tỏ.
Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin cũng kiến nghị, nhân lúc Nhà nước và xã hội đang ủng hộ, Viện nên chạm đến vấn đề cải cách trong dạy toán ở nhà trường bởi cách dạy hiện nay khiến người học về sau khó có thể làm toán ứng dụng. Ngay cả toán lý thuyết, trình độ của nhiều sinh viên khoa Toán kém xa ngày xưa. Vì vậy, ông đề xuất, bên cạnh bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên dạy toán, Viện toán cao cấp nên thành lập câu lạc bộ để các giáo sư tiếp xúc với những sinh viên quan tâm.
“Tôi nhớ hồi 4 tuổi, mẹ tôi cho gặp GS Hoàng Hữu Tường, GS Nguyễn Hoàng Phương sau đó cả đời tôi chỉ đi học hình, tích phân nên việc truyền lửa rất quan trọng. Viện cũng cần xây dựng, thiết kế một vài ứng dụng cụ thể để bắt đầu những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực toán ứng dụng”, TS Việt kiến nghị.
Phản hồi những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, GS Ngô Bảo Châu cho biết, giữa toán thuần túy và toán ứng dụng, không có cái nào tầm thường hay quý tộc hơn. Làm toán ứng dụng thực sự rất khó, đó là điều mọi người đều nhìn thấy.
GS Châu cho rằng, quan niệm làm khoa học của người quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học rất khác nhau và không thể áp đặt lên nhau. Lãnh đạo Nhà nước cần đưa ra những nghị quyết, mục tiêu và tiêu chí đánh giá số hóa để xem có hiệu quả hay không, doanh nghiệp muốn ‘tôi trả tiền cho anh, anh làm việc đó cho tôi’…
TS Giáp Văn Dương đang thực hiện dự án giáo dục mở trực tuyến ghi lại các buổi giảng ở Viện toán cao cấp và đưa lên mạng để những người quan tâm có thể vào xem. Ảnh: H.T. |
“Tôi rất tiếc đó không phải là cách các nhà khoa học hoạt động, cũng không phải là cách khoa học phát triển từ lúc nhân loại hình thành đến bây giờ. Khoa học chưa bao giờ phát triển qua những hợp đồng cụ thể, giao việc và trả tiền. Khoa học phát triển chủ yếu từ nội lực của nó, như GS Nobel Vật lý Sheldon Glashow đưa ra một định nghĩa rất đơn giản về khoa học thuần túy, đó là nó phát triển từ nội lực, từ sự tò mò muốn được khám phá”, GS Châu nói.
Ông bày tỏ, vai trò của Viện là làm khoa học, phục vụ đất nước bằng cách nâng cao trình độ Toán học về mặt khoa học. Kết quả của khoa học không tính bằng số bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài, không bằng doanh số. Điều quan trọng là các nhà khoa học trẻ khi làm việc ở Viện thu hoạch được những gì và các nhà khoa học nổi tiếng thế giới đánh giá hoạt động của Viện ra sao. “Những con số thuần túy không thể nói hết được”, GS Châu nói và khẳng định, đối với một cơ quan nghiên cứu, xét việc gì mình có thể làm tốt thì làm, không ôm đồm, không bao sân.
“Tôi hy vọng trong thời gian tới, những người làm toán ứng dụng và những ngành khác sẽ cùng với Viện triển khai một số nghiên cứu ứng dụng toán học trong phạm vi của viện, hoặc chương trình của quốc gia. Viện luôn mở cửa chào đón các nhà khoa học đến làm việc và giáo viên, học sinh đến học tập”, GS Châu kêu gọi.
Hoàng Thùy
Ký ức về nơi thâm sâu của cha con 'người rừng'
Nhắc về cuộc sống ở rừng sâu, anh Lang cầm bút vẽ nguệch ngoạc một số loài thú mà mình từng gặp. Chế cung tên bắn chim, lấy thân lồ ô kẹp bắt rắn, bẫy đá gài bắt chuột... là cách họ mưu sinh suốt 40 năm qua.
Hai tuần trở về từ rừng sâu, ông Hồ Văn Thanh vẫn quay quắt nhớ cuộc sống hoang dã. Ảnh: Trí Tín. |
Ông Hồ Văn Tri (con trai ông Thanh) cho biết, tối 23/8, cha đang ngủ bỗng ngồi bật dậy nói thật to bảo anh Lang bằng tiếng Cor "Bit dop ka zá, Ka di hơi" (ngủ làm gì, thức dậy đi vào rừng thôi). Lang giật mình thức dậy, ngơ ngác đáp "Le é sac" (không biết đường nào vào rừng).
Sau hai tuần trở về từ rừng sâu, Lang bắt đầu trò chuyện nhiều hơn về cuộc sống hoang dã của hai cha con suốt 40 năm qua, trong đó hấp dẫn nhất vẫn là những vũ khí, bẫy thô sơ dùng để săn bắt thú.
Lang kể, cha con họ vào rừng tìm nứa, lồ ô, dây mây rừng làm dụng cụ bờ nen (cung tên) săn bắt chim. Họ dùng chà rả, có nghĩa là thân lồ ô chẻ đôi để kẹp đầu bắt con trăn, con rắn; dùng lúp (bẫy đá) treo lủng lẳng trên cao, mồi nhử là củ mì dưới vực, khi con nhím hay chuột vào ăn động đậy là bị đá trên cao rơi xuống đè. Ngoài ra, cha con anh Lang còn dùng vũ khí Sroc (giáo, mác) được làm từ những mảnh bom mài trên đá núi sắc nhọn gắn trên đầu các cây nứa dài hơn 1 m để săn loài heo rừng hung dữ.
"Muốn bắt được heo rừng, phải đào hố sâu, che lá rừng lên trên, bên trong cài bẫy chông bằng nứa vót nhọn. Khi heo rừng sa trúng chông, hai cha con tôi dùng giáo mác phóng nó rồi khiêng về", anh Lang hồ hởi kể.
Thú rừng sau khi săn bắt được mang về bên con suối dưới căn chòi lá để làm thịt, quả mật để riêng phơi khô rồi gói lá dong để giành làm thuốc uống. Trên rẫy gần căn chòi có các loại củ xả, riềng, nghệ dùng làm gia vị ướp thịt thú rừng trước khi cho vào nồi nhôm nấu. Lang cầm hai viên đá đập mạnh vào nhau, tia lửa xẹt ra bén vào bùi nhùi (cạo từ vỏ cây đủng đỉnh trong rừng) thành mồi lửa sáng rực giữa rừng sâu.
Vào mùa đông, bếp lửa của hai cha con "người rừng" âm ỉ cháy mãi không bao giờ tắt. Lang lý giải, nhờ cây ơ pau got (cây đá rừng) cháy suốt 3 ngày. Đoạn này cháy hết lại đưa khúc cây đá khác vào bếp để giữ lửa sưởi ấm cho căn chòi lá trên cao. Ngoài ra, hai cha con ông Thanh còn đập thân cây rừng (loại cây gỗ xơ) to bằng cổ tay người lớn vào tảng đá núi rã ra thành sợi, sau đó mang đem ngâm dưới suối vài ngày rồi phơi khô, bện làm áo, khố mặc giữ ấm cho cơ thể vào lúc giá rét.
Suốt mấy chục năm, hai cha con anh sống trên cây cao là để tránh thú dữ tấn công, nhưng chủ yếu là để tránh Kamot "con ma rừng".
Tái hiện ký ức cuộc sống ở rừng sâu, Hồ Văn Lang vẽ nguệch ngoạc hình các loài chim, thú mình đã từng gặp trong 40 năm sống hoang dã. Ảnh: Trí Tín. |
Thông qua "người phiên dịch" ngôn ngữ Cor là anh Tri, Lang còn tiết lộ nhiều bí mật như ông Thanh đã truyền nghề rèn làm vũ khí săn bắn thú, dụng cụ sản xuất cho anh. Lang liệt kê, dùng "măm"(mảnh bom) nhặt trên rẫy tự mài làm rìu, giáo, mác để đốn củi, săn bắt, bảo vệ tính mạng khi bị thú dữ tấn công.
Lang còn tự làm dụng cụ "SDáy" để bảo vệ khu rẫy. Một khúc tre lồ ô gồm hai lóng to được xỏ ngang bằng một khúc cây để nghiêng bên suối. Một đầu ống tre hứng vào vòi nước, đầu kia đặt vào một tảng đá. Khi nước đổ đầy ống tre phía trên, sức nặng của nước khiến ống tre mất cân bằng, chúc xuống để trút nước. Sau khi trút cạn, quán tính làm đầu kia của thanh tre đập vào tảng đá phát ra tiếng kêu như ai đập mạnh ống tre vào khối đá phát ra tiếng "lách cách".
Ngoài ra, hai cha con anh còn trồng nhiều loại cây mai gan quí dùng chữa bệnh hay chữa lành vết thương mỗi khi gặp nạn. Lang liệt kê, có ba loại cây magan trồng trên rẫy để chữa bệnh, đó là Pogocdot, Tà Rầy, Shớt dùng để bó, đắp mau chữa lành vết thương. "Trong một lần đi rừng, ông già (ông Thanh) vướng phải cây rừng bị thương. Nhờ củ ma gan giã nát đắp cầm máu cho vết thương bớt đau, sau đó con mắt ông già bị mù", Lang nhớ lại.
Vừa kể chuyện, Lang vừa cầm bút vẽ nguệch ngoạc trên mảnh giấy một số hình loài thú mà mình từng gặp, săn bắt trước đó. Lang chỉ vào từng hình vẽ nói từng chữ, cụm từ bằng ngôn ngữ đồng bào Cor gồm Ship (chim), Ốcane (chuột), Póló (rắn), Ó đót (con khỉ), Ố so Cà ê (con heo rừng). Lang bảo chưa từng gặp hổ, báo đi qua khu rừng mình đã sinh sống.
Hiện sức khỏe của anh Lang đang dần hồi phục, có thể xuất viện, riêng ông Thanh còn tiếp tục theo dõi, điều trị ở Trung tâm y tế huyện Tây Trà trong tâm trạng vẫn bồn chồn nhớ rừng sâu quay quắt.
Giáo, mác được làm từ mảnh bom nhặt trên rẫy, vũ khí dùng đi săn heo rừng của hai cha con "người rừng". Ảnh: Trí Tín. |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trương Ngọc Đông, Chủ tịch UBND xã Trà Phong cho biết, từ các nguồn hỗ trợ của Quân khu 5, tỉnh, huyện (gần 100 triệu đồng), chính quyền địa phương quyết định xây nhà ở cho hai cha con ông Thanh theo mô hình nhà gạch xây ba phòng và một gian bếp. Xã cũng đo đạc, xem xét cấp khoảng 1 ha đất rẫy, sau khi hồi phục sức khỏe, hai cha con ông Thanh vừa có chỗ ở ổn định vừa có đất đai để sản xuất, làm ăn sinh sống.
"Cha con ông Thanh đã nhập hộ khẩu vào chung gia đình anh Tri ở thôn Trà Nga. Họ cũng được cấp chứng minh và thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh người nghèo", ông Đông cho biết thêm.
Liên quan đến chuyện ông Hồ Minh Lâm (cháu ruột ông Thanh) khẳng định đã đốt căn chòi lá của hai cha con "người rừng", huyện Tây Trà đã cử đoàn công tác xã Trà Phong vào tận rừng sâu xác minh, sự thật là hai căn chòi lá của cha con ông Thanh vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Đông nói, ông Lâm thừa nhận đã tung tin đốt hai căn chòi lá của cha con ông Thanh do bực tức nhất thời; đồng thời cam kết với chính quyền địa phương không lặp lại hành vi này. Về việc "vòi tiền" nhà báo, ông Lâm cho rằng mình đòi "tiền công" dẫn đi vào rừng là đúng, sở dĩ nâng giá cao vài triệu là do bực tức việc một số người bảo mình lấy người nhà ra kinh doanh trước đó.
Trí Tín
Vụ chìm tàu ở Cần Giờ có dấu hiệu che giấu thông tin tai nạn
Bộ Giao thông vừa hoàn tất điều tra nguyên nhân tai nạn và cho thấy hàng loạt sai phạm dẫn đến vụ tai nạn chìm tàu ở Cần Giờ (TP HCM) làm 9 người chết.
Theo kết luận của Bộ GTVT, ngày 2/8, ông Hà Ngọc Phước, Giám đốc nhà máy sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (trụ sở tại Tiền Giang) tổ chức cho 72 người (gồm 66 cán bộ, công nhân Nhà máy ống thép, 6 người điều khiển phương tiện và người đi theo) đi tham quan tại Vũng Tàu trên 3 ca nô.
Khoảng 18h, ca nô do ông Phạm Duy Phúc điều khiển và ông Nguyễn Văn Dương thợ máy, xuất bến chở theo 28 người rời Tiền Giang đi Vũng tàu. Khi qua vùng biển khu vực xã Long Hòa, huyện Cần Giờ thì bị mắc cạn. Sau khi thoát cạn, ca nô đổi hướng sang phải. Do ảnh hưởng của sóng Tây Nam, ca nô bị lật vào khoảng 19h.
Tàu cứu nạn ca nô bị chìm. Ảnh: PV |
Từ khi xảy ra tai nạn đến trước 21h cùng ngày, chứng cứ cho thấy, có dấu hiệu một số cá nhân đã sớm nhận được thông tin ca nô bị nạn nhưng không thông báo ngay cho cơ quan chức năng tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành.
Đến 21h, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III mới nhận được thông tin về vụ tai nạn. Do thông tin được cung cấp chưa rõ ràng và ca nô bị nạn không có thiết bị phát tín hiệu nên đơn vị tiếp nhận thông tin cần phải có thời gian xác minh, đặc biệt là xác định vị trí ca nô gặp nạn. Ngay sau khi xác định được vị trí tương đối của ca nô bị nạn, tàu SAR 272 đã lập tức khởi hành triển khai tìm kiếm cứu nạn và cung cấp thông tin về vị trí của ca nô cho các cơ quan có liên quan để phối hợp tìm kiếm cứu nạn.
Đoàn công tác của Bộ Giao thông kết luận, vụ tai nạn xảy ra do những nguyên nhân như phương tiện sử dụng sai mục đích do ca nô bị nạn là phương tiện của Bộ đội biên phòng sử dụng tuần tra, không được dùng để chở khách. Và ca nô này đã chở số người gấp 2,5 lần cho phép, chưa kể các hành lý cá nhân kèm theo.
Ngoài ra, ca nô chỉ được phép hoạt động trong vùng sông - vịnh kín. Thực tế ca nô đi từ Tiền Giang sang Vũng Tàu và bị chìm tại khu vực biển Cần Giờ là vùng không được phép hoạt động.
Người lái ca nô cũng được xác định "điều khiển không phù hợp dẫn đến ca nô bị lật". Cụ thể sau khi ra khỏi cạn ở khu vực Cồn Ngựa, ông Phúc điều khiển ca nô đã bẻ lái sang phải, làm tăng tác động của sóng lên mạn phải. Ngoài ra, trong điều kiện ca nô chở người vượt quá khả năng cho phép, sóng lớn đã làm ca nô nghiêng trái đột ngột, gây lệch trọng tâm, nước tràn vào ca nô dẫn đến mất khả năng hồi phục về vị trí cân bằng khiến ca nô bị lật. Ông này cũng không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy tốc độ cao.
Bộ Giao thông cho rằng, một số cá nhân đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là "có dấu hiệu che giấu thông tin liên quan đến vụ tai nạn", không thông báo kịp thời cho cơ quan chuyên ngành về tìm kiếm cứu nạn dẫn đến hậu quả vụ tai nạn trở nên nghiêm trọng hơn.
Trước những vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ điều tra tai nạn đã chuyển hồ sơ liên quan đến vụ tai nạn cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM thụ lý.
Đoàn Loan
Theo Vnexpress