Tin tức Tổng hợp

Trong bản diễn biến phiên tòa đã được công bố, công tố viên cho rằng Bạc đã gặp Từ Minh khi ông giữ chức bộ trưởng Thương mại năm 2004, và yêu cầu Từ giữ bí mật về ngôi biệt thự ở Pháp. Công tố viên dẫn lời bà Cốc khai tháng 1 năm nay rằng ông Bạc đã xem ảnh biệt thự từ năm 2002 và khen là bà đã cải tạo nhà rất đẹp...

Bạc Hy Lai nói vợ 'bị điên'

"Bà ấy đã thay đổi, bà ấy điên rồi, thường xuyên nói dối. Trong trạng thái đầu óc không bình thường", Bạc Hy Lai phản đối lời chứng được phát trước tòa của vợ, và thêm rằng bà Cốc từng tự ví mình với tráng sĩ Kinh Kha trong sử sách.

Untitled-2-1377243956.jpg
Bạc Hy Lai trong phiên tòa sáng 23/8. Ảnh: CCTV

Bản tin buổi trưa của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin sáng nay tòa án Trung cấp Tế Nam đưa ra lời khai của Cốc Khai Lai, kiến trúc sư người Pháp, và ảnh ngôi nhà tại Pháp. Bạc Hy Lai bác bỏ lời khai của các nhân chứng, "nhưng lại đưa ra những lời biện hộ đầy mâu thuẫn về các tình tiết", CCTV bình luận.

Bạc Hy Lai bị cáo buộc nhận hối lộ từ một tỷ phú tên là Từ Minh, bằng một ngôi biệt thự trị giá 3,5 triệu USD ở thành phố Cannes miền nam nước Pháp.

Trong bản diễn biến phiên tòa đã được công bố, công tố viên cho rằng Bạc đã gặp Từ Minh khi ông giữ chức bộ trưởng Thương mại năm 2004, và yêu cầu Từ giữ bí mật về ngôi biệt thự ở Pháp. Công tố viên dẫn lời bà Cốc khai tháng 1 năm nay rằng ông Bạc đã xem ảnh biệt thự từ năm 2002 và khen là bà đã cải tạo nhà rất đẹp.

Bà Cốc khai với điều tra viên rằng đã kể với ông về ngôi nhà, và nói rằng tiền thu được từ ngôi nhà đó sẽ dùng để trang trải cho phí sinh hoạt của Bạc Qua Qua ở nước ngoài.

Khi được hỏi Bạc Hy Lai có biết Neil Heywood hay không, Cốc Khai Lai nói Bạc chưa bao giờ nói chuyện với Heywood nhưng đã từng gặp người Anh này, khi ông ta cùng Bạc Qua Qua về Trùng Khánh một lần.

Bà Cốc khai rằng khi Bạc Qua Qua bị đe dọa vào năm 2011, bà nghĩ đến một số người khả nghi, trong đó có Heywood. Bà nói đã chia sẻ những lo ngại với Bạc Hy Lai.

Bà Cốc khai rằng Vương Lập Quân "biết rất rõ việc Neil Heywood muốn đi Mỹ để ám hại Qua Qua". Nửa cuối năm 2011, Qua Qua nói với mẹ mình rằng Heywood đang đe dọa. Khi đó, Vương cũng có mặt. Việc này dẫn đến "vụ 15/11", bà Cốc nói về việc sát hại doanh nhân người Anh.

Bạc Hy Lai nói những lời khai của bà Cốc là không đáng tin cậy. "Bà ấy đã thay đổi, bà ấy điên rồi, thường xuyên nói dối. Trong trạng thái đầu óc không bình thường, người điều tra lại gây sức ép cực lớn buộc cô ấy chống lại tôi", văn bản tòa án dẫn lời ông Bạc nói.

Để chứng minh quan điểm của mình, ông Bạc kể thêm rằng "bà ấy nói việc bà ấy giết Neil đích thị là giống như Kinh Kha ám sát vua Tần, điều đó chứng tỏ bà ấy điên". Kinh Kha là một tráng sĩ cách đây 2000 năm đã mưu sát bất thành Tần Thủy Hoàng, người sau này trở thành hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa cổ đại.

Trước sự phản kháng của ông Bạc, trong những phút đầu của ngày xử thứ hai, chủ tọa Wang phải yêu cầu ông này chú ý trong những lời nói và thái độ của mình. Chiều nay, tòa công bố bản lời khai của cựu giám đốc công an Vương Lập Quân.

Cuối buổi chiều tòa án tuyên bố chuyển sang đánh giá các cáo buộc ông Bạc Hy Lai tham ô 5 triệu nhân dân tệ (hơn 800.000 USD). Các công tố viên yêu cầu tòa án gọi ra một nhân chứng cung cấp lời khai về cáo buộc biển thủ công quỹ.

Ngày thứ hai của phiên xử, các công tố viên đề cập đến hai vụ việc: cái chết của doanh nhân người Anh Heywood và cuộc đào thoát bất thành của cựu giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân. Cuối giờ chiều, tòa thông báo sẽ tiếp tục xử vào sáng mai. 

Vũ Hà - Anh Ngọc

Tây cưỡi trâu, cày ruộng ở Việt Nam

Lắc lư trong những cỗ xe trâu trên đường làng giữa đồng lúa xanh ngắt, cưỡi lên lưng trâu hay đứng sau trâu để cày bừa là những trải nghiệm mà một công ty du lịch ở Hội An mới tung ra.

* Clip: Khách Tây thích thú ngồi trên lưng trâu

IMG-5207-1377179954.jpg

Ngày 22/8, một công ty lữ hành ở TP Hội An, Quảng Nam chính thức đưa xe trâu vào phục vụ du khách. Tour du lịch sinh thái này được mở tại xã Cẩm Thanh. Khá mới mẻ, tour xe trâu như thế này được nhiều khách Tây lựa chọn.

IMG-5080-1377179953.jpg
Du khách rất thích chụp hình khi ngồi trên phương tiện không động cơ này. "Ban đầu có cảm giác hơi run, nhưng sau đó tôi thích nghi dần và rất vui khi được ngắm cảnh thôn quê của Hội An mà không có tiếng ồn của động cơ", một du khách cho biết.
IMG-5099-1377179954.jpg
Khi ngồi trên xe thì lắc lư theo nhịp, còn ở những khúc cua hay xuống dốc, khách lại được trải nghiệm cảm giác nhảy xuống khỏi xe và dùng tay níu chiếc xe, giúp trâu lái đúng đường.
IMG-5121-1377179954.jpg
Quãng đường trên xe trâu dài hơn 3km. Du khách thỏa thích trò chuyện trong không gian yên tĩnh.
IMG-5170-1377179954.jpg
Xe trâu thong dong giữa cánh đồng. Mỗi khi gặp người đi đường, người quản trâu lại ghì chặt cho xe dừng lại. Nhiều vị khách nước ngoài đi ngang qua vừa tò mò, vừa thân thiện chào nhau bằng nụ cười.
IMG-5185-1377179954.jpg
Quãng đường dài, trâu được nghỉ lấy sức. Và chính những vị khách trên xe lấy cỏ cho trâu ăn.
IMG-5231-1377179955.jpg

Du khách cười vang khi được ngồi trên lưng trâu và lội giữa đồng ruộng, trong bộ trang phục nhà nông Việt Nam.

Khi sang du lịch Việt Nam năm 2011, nhà sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg cũng từng cưỡi trâu ngắm phong cảnh núi rừng Sa Pa.

IMG-5277-1377179955.jpg
Du khách cùng thử sức đứng trên chiếc bừa do trâu kéo.
IMG-5292-1377179955.jpg
Ngoài bừa đất, những vị khách Tây còn thử tài tát nước bằng chiếc gàu nhỏ với hai người kéo. Những động tác ban đầu còn hơi gượng, nhưng chỉ vài lần tát thử, họ đã có thể làm việc như một nông dân thứ thiệt.
IMG-5362-1377179955.jpg
Sau khi cắt lúa từ đồng về, khách Tây chân đạp máy tuốt, tay rê nhẹ từng bó lúa để lấy ra những hạt thóc trong sự thích thú.
h-1377179955.jpg
"Làm được rồi!", du khách người Anh reo lên. Đôi mắt không rời khỏi những hạt thóc nhảy múa trên chiếc nia nhỏ để loại bỏ những hạt thóc lép. Du khách cũng được những hướng dẫn viên du lịch dạy cách xay, giã gạo, làm cơm lam từ những hạt thóc trên đồng ruộng Việt Nam.

Nguyễn Đông

Phích nước Trung Quốc chèn cát dưới đáy

Từ mẫu do VnExpress cung cấp, các chuyên gia Viện Hóa học kết luận: Chất được bọc trong nilon chèn dưới đáy phích nước Trung Quốc chỉ là cát pha nhằm giữ cho phích đứng vững, không có tác dụng giữ nhiệt.

Trao đổi với VnExpress.net chiều 22/8, tiến sĩ Vũ Đức Lợi, Phó viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết sau khi thực hiện phân tích mẫu được cho là "chất lạ" trong phích nước Trung Quốc, phía Viện xác định đó là cát pha, với hàm lượng silic trên 77%, hàm lượng nhôm trên 14,5%, hàm lượng sắt trên 2,5%.

Mẫu này lấy từ phích nước xuất xứ Trung Quốc, mua tại một cửa hàng ở Hà Nội.

"Do vật liệu bên ngoài mỏng và nhẹ, nên mục đích của nhà sản xuất đưa cát vào bên dưới là để tăng trọng lượng của phích và giữ cân bằng cho phích nước. Đầu phích rất nặng, nếu không có cát, phích sẽ rất dễ đổ", ông Lợi nói.

"Cát không có tác dụng giữ nhiệt", ông Lợi nhấn mạnh. Ông cũng đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu các vật liệu tạo nên phích nước theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng kim loại tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

phic-1376905243.jpg

Người dự hội nghị được tặng phích nước có chữ Trung Quốc chứa chất 'lạ'. Ảnh: T.B

Việc phân tích của Viện Hóa học được tiến hành sau khi có nhiều lo ngại về "chất lạ" tìm thấy trong phích nước Trung Quốc. Những lo ngại này xuất phát từ Quảng Nam một tuần trước, đến nay các cơ quan chức năng ở địa phương chưa đưa ra được kết luận.

Tối 16/8, anh Nguyễn Ngọc Dũng (22 tuổi, trú xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) tham dự hội nghị giới thiệu một loại hình bảo hiểm, tổ chức tại Trà Tiên, huyện Tiên Phước. Sau khi đăng ký mua bảo hiểm, anh Dũng và bố được tặng hai phích nước loại 0,5 lít, vỏ bóng loáng, cao 25cm, trên bình in chữ Trung Quốc, dưới đáy có dòng chữ "Made in China".

Anh Dũng đem về nhà, vô tình để bình rơi xuống đất, đáy bình văng ra gói giấy màu vàng, bên trong có một túi nilông chứa bột dạng hạt mịn, màu nâu sẫm. Anh tiếp tục khui luôn chiếc bình còn lại, đáy bình xì ra luồng hơi rất mạnh, mùi khét, hít vào khó thở, cổ họng khô.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong cho hay, có hơn 20 người tham gia hội nghị cùng anh Dũng, 13 người đăng ký mua bảo hiểm được tặng phích nước, những người không mua cũng được tặng một chiếc kéo. "Chúng tôi đã tiến hành niêm phong toàn bộ bình chứa nước này để nhờ cơ quan cấp thẩm quyền điều tra làm rõ", ông Phú nói.

Ông Nguyễn Hồng Khoa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện Tiên Phước, cho biết đã đến kiểm tra, lấy mẫu gửi Chi cục Quản lý thị trưởng tỉnh Quảng Nam. "Đơn vị chủ quản khai chỉ tổ chức hội nghị khách hàng, còn quà tặng do công ty bảo hiểm tặng, đơn vị này không rõ. Hiện tại, vẫn chưa xác định được đó là chất gì, nguồn gốc ở đâu", ông Khoa nói.

phci2-1376905243.jpg
Cơ quan chức năng Quảng Nam chưa xác định được "chất lạ" bên trong phích nước. Ảnh:T.B

Lực lượng quản lý thị trường và Công an đang điều tra nguồn gốc số phích nói trên, còn mẫu "chất lạ" được gửi đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (đóng tại Đà Nẵng).

Ngày 22/8, ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, khuyến cáo: "Trong khi chờ kết quả, người dân nếu ai được  tặng phích nước này thì không nên dùng khi chưa có kết quả cụ thể. Nếu phát hiện người dân hãy báo với các ngành chức năng để điều tra làm rõ".

Cũng trong ngày 22/8, Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo các Đội quản lý thị trường trực thuộc tổ chức kiểm tra, kiểm soát đối với sản phẩm "Phích nước Trung Quốc" từ nay đến hết ngày 29/8, nhằm đảo bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Trong ngày đầu tiên, đơn vị chưa phát hiện ra loại phích nước tương tự như ở Quảng Nam.

T. Bồn - N. Đông - H. TTheo vn