Tin Thế Giới Tổng Hợp

Các nguồn tin thân cận với gia đình Bạc Hy Lai cho biết bà Cốc Khai Lai có thể sẽ đồng ý làm chứng chống lại ông Bạc trong phiên tòa ngày 22/8, để bảo vệ con trai.

Vợ Bạc Hy Lai có thể làm chứng chống lại chồng

Các nguồn tin thân cận với gia đình Bạc Hy Lai cho biết bà Cốc Khai Lai có thể sẽ đồng ý làm chứng chống lại ông Bạc trong phiên tòa ngày 22/8, để bảo vệ con trai.

20130819T075142Z-1-CBRE97I0LUB00-RTROPTP
Bà Cốc Khai Lai trong phiên tòa xét xử bà hồi tháng 8 năm ngoái. Ảnh: CCTV

Ông Bạc Hy Lai, cựu chính trị gia nổi tiếng của Trung Quốc một thời, sẽ được xét xử tại tòa án thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Ông Bạc phải đối mặt với các tội danh tham nhũng, nhận hối lộ và lạm quyền. 

Ông không làm chứng chống lại vợ trong phiên tòa xét xử bà năm ngoái và được cho là khá giận dữ khi có tin bà sẽ làm chứng chống lại. Cựu chính trị gia đe dọa làm gián đoạn quá trình tố tụng và yêu cầu ly hôn.

Bà Cốc Khai Lai có thể sẽ làm chứng tại tòa hoặc qua video, thay vì dưới dạng viết.Việc này có thể đã được sự thống nhất giữa các luật sư và công tố viên, Wall Street Journal dẫn lời các thành viên thân cận với gia đình ông Bạc cho hay.

Từ thời điểm diễn ra phiên tòa xét xử bà Cốc, đã có thông tin cho rằng bà sẽ đưa ra những lời khai chống lại ông Bạc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ cho biết bà Cốc đã hỗ trợ tòa án bằng việc cung cấp các thông tin để xử lý các tội phạm khác. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ rằng những lời khai chống lại ông Bạc có vai trò như thế nào và tầm ảnh hưởng đến đâu.

"Bà ấy sẽ cung cấp các bằng chứng, đó là điều không thể khác được, nhưng vấn đề là như thế nào", một nguồn tin thân cận với gia đình ông Bạc nói. "Nếu bà ấy xuất hiện trước tòa, không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra".

Các luật sư Trung Quốc cho biết theo luật nước này, bà Cốc không bắt buộc phải làm chứng chống lại chồng, nhưng bà có thể chọn cách này, có thể trực tiếp hoặc qua bản lời khai, để đổi lấy việc bảo vệ cho con trai của họ, Bạc Qua Qua, và một số nhượng bộ khác. Tuy nhiên, việc này cũng có thể bộc lộ thêm nhiều tội của bà nếu bà thừa nhận đồng lõa trong việc tham nhũng của ông Bạc.

Nguồn tin thân cận với gia đình bà Cốc cho biết toàn bộ mối quan tâm của bà dồn vào việc bảo vệ con trai khỏi những điều tra mang mục đích chính trị. Bạc Qua Qua hiện ở Mỹ và không bị nhà chức trách buộc tội gì.

gu-kailai-1376972125.jpg
Vợ chồng ông Bạc Hy Lai. Ảnh: AP

Ông Bạc bị buộc tội tham nhũng hơn 20 triệu nhân dân tệ (3,2 triệu USD) thông qua vợ, trong đó có một ngôi nhà ở Cannes, Pháp, và biển thủ 5 triệu nhân dân tệ từ thời còn giữ chức chủ tịch thành phố Đại Liên. Một phần số tiền tham nhũng được cho là được chi cho các chi phí học hành và nhà ở của Bạc Qua Qua ở nước ngoài nhiều năm qua.

Theo hai nguồn tin trong gia đình ông Bạc, ông khá bất ngờ vì cho đến tháng trước, tòa án nói với họ rằng ông Bạc sẽ chỉ bị buộc tội nhận hối lộ 6,85 triệu tệ. "Bạc Hy Lai nghĩ rằng những lời buộc tội sẽ nhẹ nhàng thôi. Thật ra, ông ấy tin rằng mình không có tội", nguồn tin nói.

Theo lời các luật sư của ông Bạc thì những người trong gia đình gồm 6 anh chị em của ông Bạc và các anh chị em của bà Cốc có quan điểm khác nhau trong việc xử lý vụ việc. Họ thuê các luật sư khác nhau để bào chữa cho ông Bạc, tuy nhiên chỉ hai trong số đó được tòa án chấp thuận.

Một số người thân của ông Bạc đổ lỗi cho bà Cốc trong sự sụp đổ của ông. "Rất nhiều vấn đề mà Bạc Hy Lai đang phải đối mặt là do Cốc Khai Lai gây ra", một người nói. Chị cả của ông Bạc, người có thái độ thù hận với bà Cốc trong nhiều năm, nói rằng bà không muốn em trai phải nhận bất cứ tội danh gì. Bà đã thuê luật sư nhưng không được chấp nhận.

Các anh chị em khác của ông Bạc thì thân thiện hơn với gia đình Cốc và tin rằng ông Bạc phải chịu một phần trách nhiệm nhất định. Họ thuê hai luật sư và được tòa án chấp thuận. Bạc Qua Qua và Lý Vọng Tri (Bạc Vọng Tri), con trai riêng của ông Bạc, cũng thuê các luật sư nhưng cũng không được chấp thuận.

Hai người thân cận với gia đình Bạc cho biết các luật sư của ông Bạc được tòa án chấp thuận dự đoán bà Cốc sẽ đưa ra ít nhất hai bằng chứng chống lại ông. Luật sư và nguồn tin thân cận với bà Cốc không bình luận gì về thông tin này.

Các tranh cãi trong hai gia đình Bạc và Cốc, hai gia đình ưu tú trong giới lãnh đạo Trung Quốc, cho thấy sự phức tạp trong giới và sự khó khăn của các lãnh đạo nước này trong việc giải quyết vụ bê bối chính trị lớn nhất trong hơn hai thập kỷ qua.

Các nguồn tin trong đảng và các nhà phân tích cho rằng các lãnh đạo Trung Quốc phải chịu áp lực trong việc cân bằng giữa những người ủng hộ và phản đối ông Bạc, trong khi phải chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng và lạm quyền trước nhân dân.

Vũ Hà

Chuyện đau lòng trong nhà xác Ai Cập

Gần một tuần đã trôi qua nhưng hậu quả từ vụ đàn áp của cảnh sát Ai Cập nhằm vào lực lượng biểu tình ở thủ đô Cairo vẫn còn rất rõ ràng, đặc biệt là ở bên trong những nhà xác ở thành phố này. 

ai-cap-epa-1376984801.jpg
Quang cảnh bên trong một nhà xác ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: EPA

"Có chuyện gì vậy? Tại sao không ai xác nhận thi thể này?", một người đàn ông, miệng bịt khẩu trang, lớn tiếng hỏi.

"Gia đình này không chắc anh ta là người thân của họ", một người khác trả lời. 

"Ông bố thì bảo anh ta là con trai ông, còn bà mẹ lại nhất mực phản đối."

Giữa lúc các thành viên của ban quản lý nhà xác đang mải mê tranh luận, một phụ nữ trẻ, với gương mặt tái nhợt, miễn cưỡng nhìn vào cái xác đang nằm trước mặt cô và yếu ớt nói: "Tôi là con gái họ. Anh trai tôi có một vết bớt gần mắt, người đàn ông này có dấu hiệu đó không?". 

Họ vẫn không ngừng bàn tán, một số đáp có, số khác nói không. Và để chắc chắn, họ lật nhẹ tấm khăn trùm, để lộ một gương mặt tái xám, nhưng vẫn đủ để cô gái nhận ra anh trai mình. 

Quá hoảng hốt trước những gì vừa được chứng kiến, cô gái trẻ sợ hãi, chạy vội về phía đám đông đang tụ tập bên ngoài nhà xác Zeinhom, nơi hàng chục thi thể vẫn chưa được đưa về cho người thân. 

Rác rưởi, bùn đất và máu xuất hiện ở mọi nơi, đủ để tạo ra một khung cảnh u ám và đen tối đáng sợ. Tất cả đều là hậu quả của vụ đàn áp hôm thứ tư tuần trước, khi cảnh sát và lực lượng quân đội Ai Cập tiến vào những khu trại của người biểu tình ở thủ đô Cairo và tấn công bất cứ ai chống trả. Hàng trăm dân thường đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ này. 

Cho tới hôm qua, thi thể của các nạn nhân vẫn bị chất trong xe đông lạnh và chờ người thân tới nhận dạng. Nhiều thân nhân đến từ những khu vực ở rất xa Cairo. 

Để ngăn cản ruồi muỗi và hạn chế thứ mùi khó chịu từ cơ thể của những người chết, ban quản lý nhà xác đã sử dụng rất nhiều nến thơm và tinh dầu thơm. Nhưng cố gắng này gần như không thể phát huy tác dụng. 

Đám đông những người tuyệt vọng xếp hàng bên ngoài nhà xác vẫn không ngừng tăng lên. Một số đã tìm được người thân, trong khi số khác gần như tuyệt vọng vì không thể tìm được thân nhân, AFP cho hay. 

Một người đàn ông đứng tuổi, vừa lau nước mắt vừa nói, một người bạn của con trai ông đang nằm giữa những thi thể đó. 

"Cha nó bị liệt, còn mẹ nó đang ở Rabaa (nơi tập trung những người biểu tình trong vụ đàn áp hôm 14/8)", ông nói về cậu bé 15 tuổi xấu số.

"Thằng bé tới đó để tìm mẹ, rồi bị người ta bắn và bỏ mạng", ông khóc. 

Một người đàn ông khác, vừa chỉ vào thi thể của em họ mình, vừa nói, "thằng bé bị giết ở Rabaa rồi được đưa tới đây". 

Tất cả các thi thể đang nằm ở nhà xác này đều được phủ khăn trắng, nhưng những tấm khăn đã chuyển sang màu đỏ vì bị nhuốm máu của các nạn nhân. 

Ban quản lý nhà xác cho biết, nơi này vừa được bổ sung thêm xác của 37 tù nhân Hồi giáo trong hôm qua. Cảnh sát nói họ qua đời vì bị ngộ độc khí gas, nhưng theo những người ủng hộ cựu tổng thống Mohamed Morsi, các tù nhân đã bị giết.

"Có người bảo họ bị ngạt thở. Số khác thì chỉ nói 'có Trời mới biết'", cha của một trong những nạn nhân đang nằm trong nhà xác trầm ngâm nói. 

Quỳnh Hoa

Quốc phòng Mỹ - Trung bàn về hợp tác trong nghi ngờ

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục củng cố quan hệ quân sự với Mỹ, nhưng bày tỏ quan ngại về chiến lược tái cân bằng của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương, trong cuộc hội đàm lần đầu tại Lầu Năm Góc.

132646485-11n-1376986595.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp của Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong cuộc gặp hôm qua. Ảnh: Xinhua

Theo AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn hôm qua có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Lầu Năm góc, nhân chuyến công du Mỹ.

Trong cuộc họp báo chung sau ba giờ hội đàm, ông Thường cho hay, chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ gây lo ngại cho Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Hagel tái khẳng định lập trường của Mỹ, cho hay Washington duy trì quan điểm trung lập trong cuộc tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, ông khẳng định những bất đồng phải được giải quyết một cách hòa bình, không cưỡng ép.

Cuộc hội đàm giữa hai bộ trưởng cũng bao gồm nội dung về an ninh mạng, một vấn đề gây mâu thuẫn giữa hai quốc gia bấy lâu nay. Mỹ cáo buộc quân đội và chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các vụ thâm nhập vào mạng máy tính của nhiều công ty, tổ chức của Mỹ. 

Tuy nhiên, ông Thường khẳng định Bắc Kinh phản đối "chạy đua vũ trang" trong an ninh mạng và việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự hợp tác giữa hai nước hơn là những cáo buộc hay nghi ngờ. 

Giới chức quốc phòng Mỹ đã hoan nghênh những tiến triển trong quan hệ quốc phòng với Bắc Kinh sau nhiều năm trầm lắng, dẫn một phần nguyên nhân là nhờ có lãnh đạo mới của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình. "Một mối quan hệ quân sự bền vững và thực chất là trụ cột quan trọng cho mối quan hệ song phương mạnh mẽ này", Hagel nói.

Trước cuộc hội đàm hôm qua, ông Thường cũng đã có cuộc gặp với chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương tại Hawaii và chỉ huy Bộ tư lệnh Phía bắc. 

Chuyến thăm của ông Thường diễn ra sau một loạt các cuộc gặp, trao đổi cấp cao và các sáng kiến chung, trong đó có kế hoạch triển khai lực lượng hải quân Trung Quốc tham gia vào một cuộc tập trận lớn nhất thế giới, Pacific Rim. Cuối tuần này, hải quân Trung Quốc cũng sẽ góp mặt trong cuộc diễn tập chống cướp biển với các tàu Mỹ tại vịnh Aden.

Ông Hagel cho biết đã nhận lời mời sang thăm Trung Quốc vào năm sau. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên đến quốc gia châu Á của ông Hagel, trên cương vị bộ trưởng Quốc phòng.

Ông cũng sẽ gặp lại ông Thường vào tuần tới ở Brunei, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng của ASEAN. Trong chuyến đi đến Đông Nam Á này, ông sẽ ghé thăm Indonesia, Malaysia và Philippines. 

Anh Ngọc

Theo Vnexpress