Tin Trong Nước

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa chỉ đạo dừng may đồng phục "giá 1 tạ thóc" ở Trường tiểu học Văn Bình vì không phù hợp với kinh tế người dân, đồng thời việc đăng ký theo nhu cầu sẽ làm tăng phân hóa giàu nghèo trong trường học.

Làm việc 18 tiếng, ăn uống khổ cực nên nhảy xuống biển' 

Lao động vất vả, ăn uống kham khổ với thực phẩm chủ yếu là cá mồi đã thối, xin về nhà không được, thuyền viên Việt Nam lên kế hoạch nhảy xuống biển để trốn.

Sáng nay, 4 thuyền viên Đào Ngọc Trung (27 tuổi), Trần Văn Dương (31 tuổi), Hồ Thanh Tùng (30), Lê Văn Chính (20 tuổi, cùng ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã có mặt quê sau những tháng ngày mệt mỏi nơi xứ người.

Anh Trung kể, ngày 16/6/2012 cùng với anh Dương lên tàu Cheng Cheng Shipping của ông chủ người Đài Loan. 7 tháng sau, anh Chính và Tùng tiếp tục lên con tàu này cùng một số thuyền viên nước khác. Trên tàu có tất cả 25 người, trong đó 16 người Philippines, 4 người Trung Quốc, 4 người Việt Nam, một người Indonesia.

Tàu bắt đầu ra khơi đánh cá ngừ. Anh Trung làm đầu bếp còn 3 thuyền viên người Việt khác làm mồi, kéo câu trên tàu. Theo 4 thuyền viên, công việc của họ bị quá tải, chủ tàu quản lý rất chặt chẽ. "Hầu như ngày nào cũng làm việc 18 giờ một ngày. Nếu không làm việc đúng giờ thì chủ tàu dọa không chấm công", anh Trung kể.

Các thuyền viên kể lại hành trình trở về (Ảnh Hải Bình)
Các thuyền viên kể lại hành trình trở về. Ảnh: Hải Bình.

Làm việc quá sức, nhiều thuyền viên sút cân, chán nản nhưng vẫn phải cố gắng. "Nhiều hôm em làm việc đến kiệt sức, xin nghỉ nhưng chủ tàu không đồng ý nên vẫn phải cố gắng hoàn thành", anh Dương kể.

Không chỉ làm việc nhiều giờ, các thuyền viên cho hay, còn phải ăn uống kham khổ. Buổi sáng chủ yếu là ăn cháo, buổi trưa và tối hầu như ăn cơm với cá mồi câu đã bị tanh ươn. Nhiều con cá làm mồi câu đã hôi thối nhưng chủ tàu vẫn ra lệnh nấu lên để ăn. Lâu lâu họ mới được ăn vài cọng rau, miếng thịt gà. Hoặc hôm nào câu được nhiều cá thì chủ tàu cho đổi bữa.

Làm việc mệt nhọc, ăn uống khổ cực khiến nhiều thuyền viên chán nản. Các thuyền viên nước ngoài xin nghỉ việc để về nước thì được tàu đồng ý, riêng đề nghị của các thuyền viên Việt Nam lại không được chủ chấp thuận. Bốn người tâm sự với nhau rằng, nếu duy trì tình trạng này thì "đến khi hết hợp đồng không biết có còn xác để trở về nữa hay không". Và họ lên kế hoạch chạy trốn.

Anh Trung cho biết, ý tưởng nhảy xuống biển trốn đã được cả 4 người bàn bạc từ trước lúc tàu vào kênh Panama. Họ ngồi chú ý tới các tàu thuyền qua lại quanh con tàu mình ở để căn khoảng thời gian nhảy xuống sẽ được cứu. 0h đêm 14/8, khi thấy con tàu tiến đến gần cột báo hiệu trên biển, 4 người mặc áo phao, cầm can nhựa nhảy xuống biển.

thuyền viên Đào Ngọc Trung bên vợ con (ảnh Việt Hùng)
Anh Đào Ngọc Trung hạnh phúc bên vợ con. Ảnh: Việt Hùng.

"6 giờ lênh đênh trên biển, có lúc chân tay lạnh cóng, tôi nghĩ mình sẽ chết. Nhưng nghĩ đến con nhỏ chưa đầy 1 tuổi và vợ ở quê nên tôi gắng hết sức. Khi được tàu cảnh sát Panama cứu tôi mới biết mình sẽ có cơ hội gặp vợ con", anh Trung ôm con trai vào lòng và kể lại.

Được cứu lên bờ, cả 4 người bày tỏ nguyện vọng được trở về nước. Ngày 17/8, 4 người lên máy bay và chiều 19/8 đã về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Trước thông tin các lao động này nhảy khỏi tàu để đi làm việc nơi khác, cả 4 người đều cho rằng, nhảy xuống biển rất nguy hiểm nên không thể đánh liều với tính mạng của mình. Hơn nữa, họ đang bị công ty nợ lương.

Cụ thể, anh Trung bị nợ 2 tháng cùng 5 triệu tiền cọc phá vỡ hợp đồng. Lương thực của anh Trung là 500 USD nhưng gia đình nhận được 400 USD. Anh Trần Văn Dương bị nợ 4 tháng lương (mỗi tháng gia đình nhận 6 triệu đồng). Anh Tùng còn 3 tháng lương (mỗi tháng 7 triệu đồng). Số tiền họ nộp cho công ty xuất khẩu lao động là 11-17 triệu đồng mỗi người.

Ít tuổi nhất trong số 4 thuyền viên, Trần Văn Dương giọng buồn rầu: "Đây là lần đầu em mang mộng làm giàu để đi xuất khẩu. Nhưng có lẽ đây cũng là lần cuối vì không ngờ lại cực như thế. Bây giờ trước mắt có lẽ em chỉ ở nhà đi biển với anh em người thân ở quê, được con tép thì ăn tép, được tôm thì ăn tôm chứ không dám nghĩ tới xuất khẩu lần nữa đâu", Dương nói và mong muốn được công ty thanh toán hết tiền lương để anh trả nợ và trang trải cuộc sống.

Hải Bình - Việt Hùng

Dừng may đồng phục 'giá một tạ thóc'

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa chỉ đạo dừng may đồng phục "giá 1 tạ thóc" ở Trường tiểu học Văn Bình vì không phù hợp với kinh tế người dân, đồng thời việc đăng ký theo nhu cầu sẽ làm tăng phân hóa giàu nghèo trong trường học.

Trao đổi với VnExpress.net, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, sau khi nhận được thông tin về việc may đồng phục ở Trường tiểu học Văn Bình (huyện Thường Tín), Sở đã yêu cầu phòng Giáo dục báo cáo vụ việc. Quan điểm của Sở là không làm những việc bất bình thường.

Ông Thống cho hay, theo Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT, đồng phục là trang phục được sử dụng cho toàn bộ học sinh nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường và thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hoá. 

dong-phuc2-1376913980-1376992338.gif
Bộ đồng phục giá 1 tạ thóc của trường tiểu học Văn Bình.

Đồng phục bao gồm quần đồng màu, áo đồng màu (áo sơ mi, áo khoác hoặc áo dài), phù hiệu, giày hoặc dép - bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác. Bên cạnh đó phải đảm bảo phải tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương.

"Nếu như đồng phục mà cho đăng ký, ai thích may áo, may quần đều được thì không còn gọi là đồng phục nữa. Điều này cũng làm tăng thêm sự phân biệt giàu nghèo, trái với quy định đảm bảo tính bình đẳng và tiết kiệm của Bộ", ông Thống nói. 

Phó giám đốc Sở khẳng định, cho học sinh mặc đồng phục là cần thiết vì sẽ giúp giáo dục truyền thống cho các em, khi ra đường với phù hiệu trên tay thì không nói tục, chửi bậy, đánh nhau. Tuy nhiên, trường Tiểu học Văn Bình quyết định may đồng phục mới mà chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh toàn trường là sai, chưa tính giá thành của sản phẩm không phù hợp với một địa phương thuần nông, còn nghèo như huyện Thường Tín.

"Ngành giáo dục đang chăm lo 3 đủ cho học sinh, đó là đủ ăn, đủ mặc, đủ sách. Ở thành phố, phụ huynh đa số là công chức thì có thể lo cho con mặc đẹp, còn ở nông thôn, cuộc sống người dân còn khó khăn thì không nên để xảy ra những chuyện không đáng có", ông Thống nói và cho hay, Sở đã chỉ đạo Phòng giáo dục dừng ngay việc may đồng phục giá cao

Trước đó, nhiều người dân ba thôn Bình Vọng, Văn Giáp, Văn Hội (huyện Thường Tín, Hà Nội) bức xúc khi hội phụ huynh gồm 3 người, đại diện cho ba thôn cùng với nhà trường quyết định thay đồng phục cho học sinh. Mức giá cho bộ quần áo mùa hè (váy áo với nữ) và áo vest cho mùa đông được nâng lên gần gấp đôi so với năm trước: lớp 1-2 giá 629.000 đồng, lớp 3 giá 661.000 đồng và lớp 4-5 giá 693.000 đồng. Nhiều người đã đến trường gặp hiệu trưởng để hỏi rõ nhưng không gặp. Vụ việc được thông báo cho Phòng Giáo dục huyện Thường Tín và cuộc họp phụ huynh đột xuất được triệu tập.

Hoàng Thùy

4 cán bộ y tế bị kỷ luật vì mẹ con sản phụ tử vong

Gần 2 tuần mẹ con sản phụ tử vong sau ca sinh non tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, 2 bác sĩ và 2 nữ hộ sinh bị kỷ luật vì vi phạm quy định, quy chế của bệnh viện.

Trao đổi với VnExpress chiều 20/8, bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, người phát ngôn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, lãnh đạo đơn vị đã ký quyết định kỷ luật cảnh cáo bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Minh Nguyệt và thạc sĩ Lê Thị Thu Vân. 2 nữ hộ sinh Đặng Thị Hạnh và Phan Thị Tố Mai cùng nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Cả 4 cán bộ y tế này là thành viên kíp trực liên quan đến sản phụ Trần Thị Phượng (ngụ Hậu Giang) tử vong sau ca sinh non ngày 7/8. Theo bác sĩ Vũ, những người này đã vi phạm một số quy định, quy chế của đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể là giải thích với thân nhân người bệnh chưa kịp thời, tiên lượng diễn biến bệnh chưa chính xác và ghi chép hồ sơ bệnh án không đầy đủ theo quy định.

Benh-vien-TW-Can-Tho-1377003473.jpg
Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, nơi mẹ con chị Phượng thiệt mạng sau ca sinh non. Ảnh: Trà Giang

Hơn nửa tháng trước, chị Phượng (mang thai 29 tuần) bị xuất huyết âm đạo, gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Thai phụ được chẩn đoán "nhau tiền đạo", chích thuốc xong vẫn tiếp tục xuất huyết. Ngày 4/8, siêu âm tiếp, bác sĩ chẩn đoán "không phải nhau tiền đạo", có dấu hiệu hư, thai quay đầu, khô nước ối. Bác sĩ cảnh báo khó giữ được thai, bỏ con để cứu mẹ. Người nhà đề nghị cho sinh thường vì không có tiền mổ đẻ. Sau khi đặt thuốc, sản phụ bắt đầu đau bụng, tối 6/8 sốt cao. Gần nửa đêm chị sinh bé gái nặng 1,7 kg.

Theo Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, lúc mới sinh bé còn thở thoi thóp rồi qua đời ngay sau đó. Khoảng 2h sáng 7/8 sản phụ bắt đầu khó thở, nhịp tim đập nhanh đến 180 lần/phút, sốt cao, huyết áp thấp, chảy máu âm đạo. Các bác sĩ đã ép ngực, hồi sức cho bệnh nhân nhưng đến rạng sáng cùng ngày chị mất vì gặp cơn bão giáp trạng, băng huyết sau sinh và rối loạn đông máu, không loại trừ thuyên tắc ối. Qua kiểm tra, bác sĩ cũng phát hiện chị Phượng có tiền sử bệnh bướu cổ, cường giáp.

Cường giáp là tuyến giáp trạng hoạt động mạnh, tiết ra nhiều hoóc môn thyroxin gây rối loạn chuyển hóa, đồng thời làm cho tuyến giáp to lên tạo thành bướu (bướu cổ). Khi bị cường giáp, nồng độ hoóc môn thyroxin trong máu mẹ rất cao, gây ra các triệu chứng điển hình như tay run, nhịp tim nhanh, mạch nhanh, mắt lồi, nặng hơn là suy tim.

"Thyroxin đi vào thai nhi, tạo ra nồng độ cao trong máu thai. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tăng nhịp tim thai, thai nhỏ hơn so với tuổi, có thể sảy thai, sinh non, thai chết lưu hoặc gây dị tật, dị dạng thai", bác sĩ chuyên khoa cho biết.

Với cảnh báo trên, bác sĩ khuyên phụ nữ bị bệnh cường  giáp không nên có thai. Nếu mang thai mà bệnh tiến triển nặng thì có nguy cơ bị các cơn cường giáp cấp (bão giáp) gây tử vong mẹ với tỷ lệ khá cao.

Duy Khang

Theo Vnexpress