Lớp học ôm
20 sinh viên, cả nam và nữ... được giảng viên trấn an, thả lỏng cơ thể, gạt bỏ mọi bối rối và dành cho nhau những cái ôm. Lớp học nghệ thuật ứng dụng như vậy đã thu hút hàng trăm bạn trẻ muốn học cách kết nối xúc cảm để sống cân bằng.
Sáng ngày 12/8 trên nền nhạc du dương, các bạn sinh viên của Đại học FPT được giảng viên hướng dẫn tham gia một bài tập nhỏ: tĩnh tâm, di chuyển vòng tròn, nhìn sâu vào mắt nhau để nắm bắt cảm xúc. Qua vài phút tò mò ban đầu, các chàng trai, cô gái dường như bị cuốn vào một bầu không khí lạ, nơi mỗi ánh mắt, nụ cười đều không còn xa cách, ngượng ngùng mà tràn đầy sự cảm thông, chia sẻ, họ bắt đầu trao nhau những cái ôm siết chặt và ấm áp.
"Nối" - Lớp học khuyến khích học viên "ôm" để trải nghiệm cảm xúc của chính mình. |
Đó là những hình ảnh tại "Nối" - một lớp học đặc biệt của Đại học FPT, giúp học viên khám phá bản thân, kết nối xúc cảm của chính mình với thế giới xung quanh, học cách chấp nhận cuộc sống một cách đơn giản như nó vốn có. Không ồn ào bằng lời nói hay hành động, việc kết nối trong lớp học này chỉ thông qua ánh mắt, bàn tay, lắng nghe nhịp thở của người đối diện để hiểu xúc cảm. Chính điều đó đã làm sống dậy khả năng cảm nhận tinh tế đang "ngủ quên" trong cuộc sống vội vã của nhiều người trẻ.
"Dường như không cần lời nói em vẫn có thể cảm nhận được phần nào suy nghĩ và tình cảm của những người bạn mới. Có những bàn tay lạnh, có những bàn tay ấm nóng, có những ánh mắt chan chứa, có những ánh mắt dè dặt, có những nhịp đập kỳ lạ khi chúng em trao nhau vòng ôm, chúng em bỏ qua sự e dè và mở lòng mình hơn, dường như mỗi người đều có những điều cần chia sẻ, chỉ là đôi khi ta không để ý", Lê Quang Dũng, sinh viên năm 2 chia sẻ.
Dùng nghệ thuật ứng dụng để giáo dục và phát triển cá nhân không phải là điều mới ở ngôi trường công nghệ này. Những lớp học lạ như "Nối", "Nghịch", "Buông" hay Kịch câm vẫn đang thu hút hàng trăm bạn trẻ muốn khám phá những nét sâu kín trong tâm hồn mình, cảm nhận rõ về cơ thể và cảm xúc để làm chủ nó, hoặc đơn giản học cách chấp nhận để cuộc sống cân bằng hơn. Những lớp học này đã thu hút hơn 500 người tham gia, sinh viên không phải đóng lệ phí khi đến đây.
Khóa học giúp các bạn trẻ khám phá cảm xúc của chính mình, học cách bày tỏ và khẳng định cái tôi khác biệt và qua đó, học cách chấp nhận sự khác biệt của người xung quanh. |
Một trong những lớp nghệ thuật ứng dụng vào học đường đầu tiên tại Đại học FPT là Kịch câm. Đến nay, 6 khóa kịch câm đã được trường tổ chức đều đặn mỗi năm, với khoảng 200 sinh viên đã theo học (3 khóa cơ bản kèm theo 3 khóa nâng cao). Tại những lớp học này, sinh viên hoàn toàn không dùng lời nói mà tập trung biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc qua những động tác hình thể đặc trưng của kịch câm cùng khuôn mặt biểu cảm.
Theo cô Nguyễn Hồng Nga, trưởng phòng Phát triển cá nhân PDP của Đại học FPT, những bài tập này đặc biệt hữu ích với việc rèn luyện kỹ năng thuyết trình của sinh viên. Bởi yêu cầu công việc hiện nay đòi hỏi các bạn trẻ có khả năng thuyết trình trước đám đông nhưng điều đó không chỉ cần thể hiện bằng ngôn từ. Sức hút xuất phát từ chính sự biểu cảm, từ gương mặt, cử chỉ bàn tay đến dáng đứng... của người nói. "Chỉ khi hiểu rõ ngôn ngữ cơ thể, các bạn mới có thể tự tin, dùng hành động sao cho đúng để bài thuyết trình hiệu quả và hấp dẫn hơn", cô nói.
Không chỉ giúp sinh viên khám phá bản thân và phát triển kỹ năng mềm, tại các lớp học của Chương trình Phát triển cá nhân PDP, các bạn trẻ còn được học cách cân bằng tâm hồn để sống vui vẻ, lạc quan hơn - điều rất quan trọng trong cuộc sống căng thẳng hiện nay. Như trong một lớp học về nghệ thuật ứng dụng có tên "Buông", sinh viên được hướng dẫn cách thả lỏng, thư giãn cơ thể, truyền đạt và cảm nhận suy nghĩ bằng chuyển động cơ thể.
Tại lớp học kịch câm, sinh viên hoàn toàn không dùng lời nói mà tập trung biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc qua những động tác hình thể đặc trưng của kịch câm cùng khuôn mặt biểu cảm. |
"Vứt bỏ những thứ buồn bã, nếu không thể vứt bỏ đi được, hãy tìm một điều gì đó vui vẻ để giúp mình quên đi nó, em đã nghĩ đó là những điều mình sẽ học được ở 'Buông'. Nhưng không hẳn vậy, điều lớp học này dạy em không phải là gạt đi nỗi buồn trong cuộc sống mà là đối mặt với nỗi buồn và khó khăn bằng tâm thế điềm đạm, tĩnh lặng và lạc quan. Những điều đó, thầy không nói ra, tất cả được truyền tải bằng thông điệp qua những bài tập trên lớp. Nước mắt đã rơi, và chúng em ngẫm ra nhiều điều...", Trịnh Quốc Thăng, sinh viên K8, nói.
Giảng viên của lớp học, thầy Hồ Ngọc Bảo Khiêm, chuyên gia Nghệ thuật ứng dụng và kịch ứng tác, phân tích các bạn trẻ hiện nay thường có nhu cầu được chia sẻ, được kết nối với nhau, cũng như có những khát khao, mơ ước rất mạnh mẽ được thể hiện bản thân. Họ thích được ôm, được yêu, được quan tâm, được bày tỏ những cảm xúc, cá tính của họ. Nhưng ngoài đời thực, họ lại bị nhiều rào cản, định kiến ngăn lại. "Những bài học nghệ thuật này giúp các bạn trẻ tôn trọng bản thân, khám phá cảm xúc của chính mình, học cách bày tỏ và khẳng định cái tôi khác biệt và qua đó, học cách chấp nhận sự khác biệt của người xung quanh", thầy nhấn mạnh.
Thừa nhận học những bộ môn này không đơn giản, nhất là khi sinh viên phải theo nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật như học cách im lặng, nhập tâm..., song thầy Bảo Khiêm cho rằng khi đã theo học, các bạn trẻ sẽ bị cuốn hút. Bởi nó không chỉ mang đến sinh viên thêm kiến thức về nghệ thuật mà còn giúp giới trẻ tự tin trong giao tiếp, khám phá sâu con người mình và sáng tạo hơn. Đó cũng là mục tiêu quan trọng mà Chương trình phát triển cá nhân của ngôi trường này hướng đến.
Xuân Ngọc
Thêm tàu chứa 'kho cổ vật' ở vùng biển Quảng Ngãi
Suốt từ tối qua đến rạng sáng 16/8, người dân ùn ùn trục vớt đồ cổ trên con tàu mới được tìm thấy ở vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi), cách con tàu 700 tuổi đã khai quật trước đó khoảng 150m về hướng Tây Bắc.
Sau khi nhận thông tin, cơ quan chức năng đã điều động lực lượng công an, biên phòng đến vùng biển Bình Châu, huyện Bình Sơn bảo vệ khu vực tàu chìm chứa cổ vật. Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương, đơn vị được tỉnh Quảng Ngãi cho phép mở rộng thăm dò, khảo sát tìm kiếm tàu cổ đã huy động kỹ sư, công nhân mang lưới sắt khoanh vùng bảo vệ khu vực tàu đắm chứa cổ vật vừa mới phát hiện.
Khai quật cổ vật trên tàu chìm chứa cổ vật 700 tuổi ở vùng biển Bình Châu trong tháng 6 vừa qua. Ảnh: Trí Tín. |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Đoàn Sung, cố vấn Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương cho biết, tối 15/8, nhiều người dân đã thổi cát phát lộ phần gỗ của thân tàu, đổ xô trục vớt trái phép cổ vật ở vùng biển Bình Châu. "Đây là con tàu chìm thứ hai chứa cổ vật được phát hiện cách con tàu chứa cổ vật 700 tuổi đã khai quật hai tháng trước khoảng 150m về hướng Tây Bắc. Con tàu cổ mới phát hiện này nằm cách bờ chỉ khoảng 200 m, một số hiện vật gốm có màu men trắng xanh", ông Sung nói.
Về vấn đề này, TS Đoàn Ngọc Khôi, phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi nhận định, căn cứ vào hoa văn trên những mảnh gốm vỡ cổ vật tại hiện trường, con tàu chìm chứa cổ vật có niên đại khoảng thế kỷ 16- 17 từng giao thương "con đường tơ lụa trên biển". Hiện vật gốm có vẽ hoa dây xanh, chất liệu men hình trắng xanh. "Niên đại của con tàu cổ mới phát hiện này muộn hơn con tàu chứa cổ vật cùng ở vùng biển Bình Châu đã được khai quật trong tháng 6 vừa qua", TS Khôi khẳng định.
Hiện vùng biển Bình Châu đã được Chính phủ qui hoạch xây dựng cảng nước sâu Dung Quất 2. Trước tình hình này, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đề xuất tỉnh khẩn cấp khảo sát, khai quật khảo cổ học nhằm bảo tồn di sản văn hóa dưới nước lẫn trên bờ ở khu vực này.
Trước đó, trong tháng 6, các chuyên gia, nhà khảo cổ đã khai quật con tàu 700 tuổi ở vùng biển Bình Châu với 4.000 cổ vật có niên đại thế kỷ 13, 14 được sản xuất ở nhiều lò gốm khác nhau. Các chuyên gia khảo cổ nhận định, lần đầu tiên tham gia khai quật con tàu đắm còn khá nguyên vẹn, niên đại sớm nhất so với các con tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam. Con tàu cổ còn nguyên vẹn cụm bánh lái, 13 khoang tàu có 12 vách ngăn. Cấu trúc con tàu khá vững chãi, độc đáo hiếm thấy trên thế giới.
Trí Tín
Đại đức Thích Thanh Huân: 'Đừng để cha mẹ mất trong tâm mỗi người'
"Quan tâm tới cha mẹ cả về vật chất và tinh thần. Hãy đặt cha mẹ vào tim mình cho dù họ còn sống hay đã thác... Đó là đức Hiếu Hạnh trong mỗi người", Đại đức Thích Thanh Huân, chia sẻ với độc giả VnExpress.
Hàng trăm câu hỏi được độc giả VnExpress gửi tới Đại đức Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân, Phó văn phòng trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong buổi phỏng vấn trực tuyến sáng 16/8. Đa số câu hỏi xoay quanh đức Hiếu Hạnh của mỗi người trong cuộc sống hiện đại với bộn bề lo toan. Nhiều người băn khoăn chuyện cân bằng chữ Hiếu giữa mẹ sinh thành, mẹ nuôi và mẹ chồng; số khác lại chia sẻ chuyện dạy dỗ con cái ra sao để chúng hiểu được đức Hiếu Hạnh theo đúng nghĩa.
- Theo thầy chữ "Hiếu" của con đối với ông bà, cha mẹ là phải như thế nào với cuộc sống hiện đại? (Nguyễn Đình Hiện, 30 tuổi, số 6 nguyễn tất thành, p. 12, Q.4, TP HCM)
- Đại đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân: Chữ Hiếu có sẵn trong tâm thức, là nét đẹp trong tâm hồn mỗi con người. Cho tới nay dù cuộc sống có thay đổi, đối mặt với nhiều vấn đề thời hiện đại, thì ý nghĩa chữ Hiếu vẫn không thay đổi. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý người sinh thành dưỡng dục ra mình, và luôn luôn suy nghĩ về trách nhiệm với những đấng sinh thành.
Trách nhiệm là làm sao để bậc sinh thành luôn vui mừng, yên tâm, tự hào về mình. Một phần nữa, chúng ta là sự tiếp nối của ông bà, cha mẹ. Sống đạo đức, tốt đẹp tức là biết bảo vệ mình, không bị đánh mất mình trước những biến đổi của xã hội. Đây chính là thể hiện sự hiếu hạnh với cha mẹ.
Xuất phát từ tâm hiếu với cha mẹ, chúng ta có thể nhìn sâu, nhìn rộng ra ngoài xã hội để thấy được mọi người, những người cao tuổi cũng như ông bà, cha mẹ của mình. Chúng ta xây dựng được mối quan hệ giữa người với người tốt đẹp trong xã hội.
- Xin Đại đức Thích Thanh Huân cho con hỏi, vợ con theo đạo Thiên Chúa Giáo của con, tụi con làm lễ cưới ở nhà thờ và hiện nay đã có 2 cháu. Cách đây 4 năm vợ con tự ý làm bàn thờ Phật tại nhà của hai vợ chồng (nhà đã có bàn thờ Chúa). Vợ con làm vậy có đúng với đạo lý và chữ hiếu của nhà Phật không ạ? Con rất mong được Đại đức quan tâm giảng giải để chúng con hiểu. Con xin cảm ơn. (Đỗ Nhất Thành, 47 tuổi, 109 Ấp chợ, Xã Trung an, TP Mỹ Tho Tỉnh Tiền Giang)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Xã hội ta có rất nhiều người có niềm tin khác nhau, các đức tin đều thánh thiện tốt đẹp, hướng con người trở về cái thiện, tránh xa điều xấu ác. Trong gia đình, mỗi cá nhân nên tôn trọng niềm tin của người khác, trong đó có niềm tin tôn giáo. Niềm tin này không ngừng được xây dựng, củng cố cho tốt lên. Giữa Công giáo, Phật giáo đều có điểm chung là hướng con người tới cuộc sống có đạo đức, coi các vị giáo chủ, sáng lập ra đạo là bậc tốt đẹp, đem đến sự an lành cho nhân loại. Chúng ta kính lễ Phật hay kính lễ Chúa cũng là điều bình thường của con người.
Việc đầu tiên tôn thờ Chúa, sau đó tôn thờ Phật là việc làm rất tự nhiên. Thờ Phật, thờ Chúa, thờ Tổ tiên trong gia đình đều được cả, không khác gì việc chúng ta tôn kính các bậc vĩ nhân, noi theo hạnh đức của các vị ấy, ví dụ từ bi, trí tuệ, vị tha của đạo Phật, tinh thần bác ái của Công giáo. Tất cả như chất liệu để vun đắp cho ta có thêm những đức tính tốt đẹp.
Hàng trăm câu hỏi của độc giả về mùa báo hiếu Vu Lan được chuyển tới Đại Đức Thích Thanh Huân |
- Thưa đại sư cho con hỏi, hiện nay con có chí lớn muốn đi xa lập nghiệp, nhưng ba mẹ con không muốn con đi xa mà con vẫn nhất quyết đi, vậy con có bất hiếu không? (Nguyễn Việt Thắng, 8/8 Mạc Đỉnh Chi - Phường 7 - TP Vị Thanh - Hậu Giang)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Tình cảm của cha mẹ với các con là rất tự nhiên, cha mẹ luôn muốn gần gũi, bao bọc, chăm sóc con. Ở bên mình, cha mẹ luôn cảm thấy con được an lành hơn, nếu không thấy con đâu họ sẽ lo lắng, bất an. Việc con đi xa lập nghiệp, tâm lý chung là cha mẹ không muốn. Nhưng không ở bên cha mẹ không có nghĩa là bất hiếu. Cái quan trọng là chúng ta phải thể hiện tình cảm, sự quan tâm, để thể chất cũng như tinh thần của cha mẹ được an vui, mạnh khỏe. Khi bạn quyết định đến lập nghiệp ở nơi xa, thấy nó phù hợp với khả năng, điều kiện của mình thì nên có thời gian chia sẻ, nói rõ cho cha mẹ hiểu và yên tâm với mình. Chúng ta có niềm tin là cha mẹ lúc nào cũng mong muốn con cái tốt đẹp, luôn có đức hy sinh vì sự phát triển của con cái.
* Clip Mùa Vu Lan nói về chữ Hiếu
- Có những trường hợp (hãn hữu) cha mẹ không phải là tấm gương tốt cho con cái, như vậy người con phải thể hiện chữ Hiếu như thế nào đối với cha mẹ, thưa Đại sư? (Bqtung, 40 tuổi, Hà nội)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Đúng là thực tế có những bậc làm cha mẹ có những lời nói, việc làm chưa xứng đáng với vai trò của mình, có những cha mẹ nhẫn tâm bỏ rơi con cái, phó mặc cho xã hội. Có hai khả năng xảy ra, một là đứa trẻ vẫn được sự nâng đỡ của dòng tộc, lớn lên bình an. Hai là sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, cuộc sống khó khăn, trở nên hư, thành gánh nặng cho xã hội.
Hơn ai hết những người không may mắn cần phải có việc làm thiết thực. Phải nhìn lại cha mẹ mình, suy nghĩ thật thấu, có thể do tác động của cuộc sống khiến cha mẹ suy nghĩ, quyết định sai lầm. Lỗi đó có thể không phải do cha mẹ, khiến họ không làm tròn thiên chức, trở thành vô cảm với con cái. Sau khi có sự thông cảm ta hãy đến với cha mẹ mình. Tin rằng với tình cảm chân thực của mình sẽ cảm hóa được cha mẹ. Nhiều khi cha mẹ có suy nghĩ mặc cảm với con cái từ đó không dám gặp. Trường hợp này thì ta phải chủ động gặp, cảm thông với cha mẹ, dùng tình mẫu tử để đánh thức.
Phật giáo dạy chúng ta quan tâm tới cha mẹ ở hai phương diện, vật chất và tinh thần. Vật chất sao cho cha mẹ được no đủ, không bị đói rét, thiếu thốn, bằng lòng với cuộc sống thực tại. Tinh thần là làm cho cha mẹ được an vui, hướng cho cha mẹ cuộc sống tốt đẹp về mặt nhận thức. Trong nhiều gia đình, có cha mẹ say mê với cờ bạc, rượu chè, lô đề. Là con cái chúng ta phải có tình thương, kiên trì tìm cách cảm hóa chuyển đổi nhận thức của cha mẹ.
- Thưa thầy, con nhận thấy cuộc sống hiện đại mang lại nhiều tiện ích cho con người nhưng chữ Hiếu ngày càng bị "thụt lùi" đi thì phải. Con thường xuyên đọc được thông tin như con cháu đánh, giết bố mẹ ông bà, chuyện mà thời trước rất hiếm. Thầy cho con hỏi Luật nhân quả sẽ ứng như thế nào với chữ "Hiếu" của một bộ phận đang sống với tư tưởng lệch lạc như hiện tại ạ. Con xin cảm ơn. (Nguyễn Việt Phong, 29 tuổi, Yên Phụ - Tâ Hồ - HN)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Mỗi con người hiếu hạnh là cội nguồn, là cái gốc để sinh ra muôn vàn đức tính khác. Gốc này không có, hoặc giảm sút thì con người sẽ khô cằn, không tìm được lẽ sống tốt đẹp ở đời. Nếu ta bị những giá trị vật chất chi phối, chạy theo nó mà quên đi giá trị sống tốt đẹp, nhân văn thì tâm hồn ta sẽ trống trải hoang vắng. Mối quan hệ giữa người với người không còn tình, dẫn đến cái cao quý nhất là mối quan hệ phụ tử, huynh đệ bị lung lay, tổn thất. Thậm chí có không ít trường hợp cha mẹ bị con cái đối xử thô bạo, đánh chửi, nguyền rủa.
Tình cảm thiêng liêng nhất đã bị họ chà đạp thì không phải đợi quả bảo kiếp sau, mà ngay trong hiện tại họ đã phải sống trong quả báo. Đó là sự bất an, bị chê cười, không tìm được niềm vui cuộc sống, không thể có hạnh phúc an lành. Và họ còn bị pháp luật xử lý. Nhân quả rất kề cận nhau. Hãy thử nghiệm nếu chúng ta có tâm hiếu với cha mẹ, anh em thì sẽ biết cách ứng xử tốt, từ đó ta thấy cuộc sống thanh thản, tự tại.
- Bạch thầy cho con hỏi, nếu con cái đi xuất gia, không lập gia thất theo mong muốn của bố mẹ có gọi là bất hiếu không ạ? Kính xin Đại đức chỉ dạy cho con cách đối diện với cha mẹ trong việc này? (Giấu tên, 32 tuổi, Hà Nội)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Nhìn chung cha mẹ muốn con cái trưởng thành mọi mặt, trong đó có việc sớm thành gia thất, sinh con cái. Phần lớn con cái thuận theo lẽ tự nhiên đó, tuy nhiên cũng có một số chưa muốn hoặc không muốn có gia đình, cho rằng gia đình là cái ràng buộc làm mất tự do cá nhân. Có những vị do niềm tin tôn giáo xuất gia đi tu, không lập gia đình, sinh con cái.
Theo quan niệm Nho giáo ngày xưa, có 3 điều bất hiếu với cha mẹ, trong đó không có con là bất hiếu lớn nhất. Từ quan niệm này dẫn đến hệ lụy trọng nam khinh nữ. Quan niệm này không hẳn là đúng, không phải có con cái mới là có hiếu. Chữ Hiếu ở đây là chăm lo cho cha mẹ được an vui, hướng cho cha mẹ có cuộc sống thánh thiện.
Chúng ta nên dành thời gian gần gũi để cha mẹ hiểu được tâm tư nguyện vọng của mình. Nếu mong muốn của mình là chính đáng thì cha mẹ sẽ đồng thuận. Vì không bậc cha mẹ nào không muốn con mình được hạnh phúc. Miễn là những điều mong muốn của người con hợp lý.
* Clip Hòa Thượng Thích Thanh Nhã thuyết pháp về tích Vu Lan
- Kính thưa Trụ trì, thầy có nói chữ Hiếu tức là phải làm cho bậc sinh thành luôn yên tâm, tự hào về mình. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, cuộc sống với con vẫn đang rất bộn bề, bản thân con vẫn chưa thể làm gì để mình cảm thấy ưng ý chứ đừng nói là để bố mẹ tự hào. Vậy có nghĩa là con bất hiếu rồi đúng không ạ? (Phạm Bình, 28 tuổi, TP.HCM)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Chữ Hiếu thể hiện ở sự quan tâm, luôn tôn kính cha mẹ. Có thể trong lúc này bạn đang gặp khó khăn, chưa báo đáp được về mặt vật chất, nhưng nếu bạn vẫn luôn quan tâm tới cha mẹ thì vẫn không thể coi là bất hiếu. Bạn chỉ cần thể hiện là người có lý tưởng, định hướng trong cuộc sống, khiến cha mẹ yên tâm, thấy con mình đã trưởng thành tức là bạn đã có hiếu rồi.
Đại Đức Thích Thanh Huân tại tòa soạn VnExpress |
- Thưa thầy bà ngoại con 97 tuổi có 3 con dâu không chăm sóc mẹ chồng, vậy mà lễ Vu Lan nào cũng linh đình cúng lễ. Vậy có phải cúng nhiều là báo hiếu hay không, thưa thầy?(Nguyễn Thái Định, 40 tuổi, 558 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Báo hiếu phải thể hiện trong cuộc sống thực tại. Với cha mẹ phải quan tâm đến vật chất, tinh thần. Báo hiếu là phải rèn luyện trở thành người tốt, đem lại lợi ích cho xã hội. Cúng lễ chỉ thể hiện một phần tư tưởng, tình cảm của người con có hiếu. Cúng lễ Vu Lan biểu hiện tình cảm của con cháu với ông bà tổ tiên, là mong muốn hướng về cái thiện. Nếu một năm dịp rằm tháng bảy mới cầu phúc, làm phúc, hoặc chăm đi lễ mà quên mất cha mẹ hiện tại của mình thì từ xưa trong dân gian đã chê trách, coi là bất hiếu. Người ta vẫn hay nói đó là có ông Phật ở nhà không thờ mà đi thờ ông Phật ngoài đường.
Trong kinh Đức Phật nói có 2 người khó có thể đền đáp công ơn cho đến hết cuộc đời, đó là cha và mẹ. Cha mẹ chính là 2 vị Phật thiêng liêng mà ta phải biết tri ân, báo hiếu.
- Xã hội bây giờ nhiều người mải làm ăn, quên mất chữ Hiếu. Đến khi bố mẹ mất đi mới giật mình hối hận vì mình chưa đền đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Báo đáp chữ Hiếu với bố mẹ khi đã mất là những việc làm và suy nghĩ thế nào? Bố mẹ ở nơi chín suối có biết không, thưa thầy? (Hoàng Oanh, 45 tuổi, tp Tuy Hòa, Phú Yên)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Trong cuộc sống nhiều người rất dễ mắc sai lầm, sống vô tâm với mình và mọi người xung quanh. Những xô bồ cuộc sống cuốn con người đi, khiến không ít cá nhân xao nhãng trách nhiệm với cha mẹ, gia đình. Đây là điều thiếu sót rất lớn, để đến khi thời gian qua, cơ hội sống tốt với nhau không còn nữa thì ta mới hối hận. Khi cha mẹ mất rồi, ta mới ngộ ra những sơ sót là không báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ.
Trường hợp này ta phải rút ra bài học không được sống vô tâm với gia đình cũng như mọi người xung quanh. Phải thực tập nếp sống rất sâu sắc, quan tâm tới mọi người. Các bạn đừng nghĩ bố mẹ mất đi là mất tất cả, không còn cơ hội báo đáp. Thực tế thì bố mẹ vẫn đang ở trong mỗi chúng ta, trong cơ thể của mình, trong anh em, huynh đệ, dòng tộc mình. Muốn báo đáp cha mẹ thì hãy xây dựng mối quan hệ của mình với mọi người cho tốt, đừng sa vào nếp sống đánh mất bản thân. Khi ta tạo được cuộc sống an lành tốt đẹp cho cá nhân, cho mọi người thì không chỉ nơi chín suối cha mẹ được an vui mà ngay cả cha mẹ trong bản thân chúng ta cũng được an vui.
- Thưa thầy, con và người ấy yêu nhau đã 7 năm, nhưng cha mẹ con ngăn cản vì nhìn tướng người đó không tốt, cha mẹ sợ con khổ về sau. Vậy nếu giờ con vẫn quen người đó thì cha mẹ con buồn, còn chia tay thì con lại khổ. Nếu con tiếp tục quen người ấy có bất hiếu không? Cha mẹ con vừa mất một đứa con út, giờ nhà con ai cũng đau khổ hết, con không biết phải làm sao? Xin thầy chỉ cho con hướng đi (NGUYEN THI KIM NGAN, 84/94 doan van bi, phuon 14, quan 4)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Quan niệm xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì mới gọi là con ngoan, trái lời cha mẹ, tự quyết định là bất hiếu. Điều này không hoàn toàn đúng. Cha mẹ bao giờ cũng mong muốn con cái được tốt đẹp, cha mẹ luôn tin vào kinh nghiệm, nhận thức cuộc sống của mình. Do đó có thể cha mẹ cho rằng người yêu bạn không tốt, lo sợ bạn sẽ vất vả khi lấy người đó. Bạn phải cảm thông cho tâm lý của cha mẹ. Điều quan trọng là bạn phải hiểu hơn ai hết về người bạn thương yêu để có quyết định sáng suốt. Và đừng quên dành thời gian giúp cha mẹ hiểu về người đó.
- Thưa thầy, mẹ con vừa mới qua đời không lâu, càng suy nghĩ con càng hối hận vì trước kia lúc mẹ còn sống con không hiếu nghĩa, thường xuyên cãi lời mẹ. Mẹ con là Phật tử rất ngoan đạo thường dặn dò con phải theo gương mẹ. Xin thầy cho con lời khuyên con phải làm sao để chuộc lại lỗi lầm mà ngày xưa con phạm phải. (tran thi minh tam, 38 tuổi, 220/118a1hoanghoatham,f5.bthanh)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Trong cuộc sống thường nhật, việc con cái cãi cha mẹ đôi khi là chuyện không dễ tránh khỏi. Một phần trong tâm thức con người ai gần gũi với mình nhất thì mình lại gieo cho người đó những hờn dỗi, thậm chí có những lời nói không phải. Khi xa cha mẹ, hoặc cha mẹ mất rồi thì ta mới cảm nhận một cách sâu sắc về những điều trước kia mình sơ suất. Để sám hối chuộc lại lỗi lầm, bạn nên tự nhủ với lòng mình, hứa với cha mẹ sẽ không mắc phải lỗi lầm tương tự đối với mọi người. Thường xuyên làm như vậy, tâm hồn bạn sẽ thanh thản và sẽ có những ứng xử tốt đẹp với người xung quanh.
Đại Đức Thích Thanh Huân |
- Thưa thầy, nếu cha bỏ rơi con cái, không lo lắng yêu thương, con cái đã hết lòng khuyên ngăn nhưng không được. Vì vậy mà tình cảm dành cho cha cũng nhạt dần, vậy có phạm phải đạo làm con không thưa thầy, mong thầy chỉ dẫn cho con! (Nguyễn Thị Hương, 24 tuổi, Bình Thạnh, TP HCM)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Thực tế không ít người rơi vào trạng thái giống bạn. Có trường hợp cha mắc phải nhiều lỗi lầm, như đánh mẹ, đánh con cái. Khi con cái lớn lên, đủ khả năng can thiệp, khuyên răn cha cũng không được, từ đó tình cảm phai nhạt đi, không còn lòng tôn kính với cha. Trước hết bạn phải xác định, đạo làm con là bạn đã khuyên ngăn cha hết lòng, và thấy trách nhiệm với người cha. Việc làm của bạn không phải là bất hiếu. Còn tình cảm phai nhạt phần nào bạn nên nghĩ đó là do không ưa tính cách của cha, chứ không phải ghét bỏ cha. Bạn hãy nhìn cha như một người bệnh, cha càng nhiều bệnh thì càng nên thương, quan tâm chăm sóc nhiều hơn và không vì thế mà xa lánh.
- Thầy ơi, cho con hỏi là làm sao để cân bằng chữ hiếu với cha mẹ mình và cha mẹ chồng? (Nguyễn Thị Thanh Nga, 26 tuổi, Ngân hàng Quân Đội)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Trong cái hiếu của người Việt không phân biệt cha mẹ mình và cha mẹ chồng, đều coi tứ thân là phụ mẫu, có trách nhiệm ngang bằng nhau. Nếu người con trai cưới vợ, con gái lấy chồng thì trong mỗi người đều xác định là ta có thêm cha mẹ mới, phải quan tâm chăm sóc như cha mẹ đẻ của mình. Có trường hợp phụ nữ khi lấy chồng bị cha mẹ chồng ứng xử không cân bằng, thương con trai hơn con dâu. Nhưng người con dâu đã nhẫn nại, tỏ ra hiếu hạnh với cha mẹ chồng. Điều này đã cảm hóa được cha mẹ chồng, được con cái ngưỡng mộ và trở thành tấm gương sáng.
- Thưa Đại đức, tháng 7 là tháng báo Hiếu, vậy tại sao nhiều người quan niệm tháng 7 là tháng không may mắn, và không ai muốn mua bán gì trong tháng này? (Lan Hương, 30 tuổi, Hà Đông - Hà Nội)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Tháng bảy âm lịch là tháng báo Hiếu. Điều này xuất phát từ cốt truyện của Phật giáo là ngài Mục Kiền Liên đã làm việc phúc để hồi hướng cho mẫu thân đang ở trong cảnh giới khổ đau của địa ngục. Do vậy dịp tháng bảy, mọi người đều hướng tới những việc làm tạo phúc lành để báo hiếu cha mẹ hiện tại cũng như cha mẹ đã khuất. Đây là nét đẹp trong văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, tháng bảy cũng là tháng có nhiều yếu tố bất thường về thời tiết như mưa gió nhiều hơn. Để tránh cho công việc không được thuận lợi, người ta thường kiêng làm những việc trọng đại trong tháng này như: tránh làm nhà, tổ chức lễ hội hoặc cưới xin. Quan niệm tháng bảy không may mắn là không phải.
- Thưa thầy, do công việc bận rộn con không có thời gian chăm sóc cha mẹ nhiều nên bù đắp bằng việc gửi tiền cho cha mẹ, như thế được không ạ?(hoanganh, 21 tuổi, Hai Phong)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Tâm hiếu hạnh được thể hiện ở rất nhiều hình thức, phương diện. Không phải ở bên cha mẹ mới là báo đáp. Nếu không có điều kiện ở bên cha mẹ để chăm sóc thường xuyên thì việc gửi tiền cũng là thể hiện tấm lòng của mình với cha mẹ.
* Clip Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu thuyết pháp về chữ Hiếu
- Xin cho con hỏi, những người xuất gia tu hành mà bỏ vợ con, cha mẹ không chăm sóc. Vậy chữ Hiếu thể hiện ở chỗ nào? (dan, 50 tuổi, Long An)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Một người đi xuất gia nên được sự đồng ý của cha mẹ. Nếu như đã có gia đình, vợ con thì cũng phải được sự đồng thuận của vợ/chồng. Xuất gia là ra khỏi gia đình nhỏ bé của mình, đến với môi trường sống có nhiều điều kiện thích hợp để phục vụ cho nhiều người và cũng là môi trường để trau dồi cho mình đức tính tốt đẹp. Như vậy xuất gia không phải là quay lưng hay phó mặc cha mẹ, vợ con mình. Đức Phật khi ngài thành đạo rồi vẫn quay về phụng dưỡng phụ thân và hướng cho phụ thân hiểu được đạo lý để có được sự an lạc, giải thoát. Đức Phật nhắn gửi đệ tử của ngài nên hướng cha mẹ biết được đạo lý để sống tốt đẹp, có được hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.
- Thưa Đại đức Thích Thanh Huân, đến ngày lễ Vu Lan báo hiếu, các gia đình thường làm lễ cúng tổ tiên. Vậy con cháu đi học, đi làm khi về đến nhà thì cần mua những gì để về cúng bàn thờ tổ tiên thì hợp nhất ạ? Trên mâm lễ thì cần có những gì ạ? (Ngọc Ánh, 19 tuổi, Hà Nội)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Trong lễ Vu Lan tùy theo điều kiện hoàn cảnh của mình có thể mua sắm lễ thích hợp để tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên. Cúng lễ không nhất thiết quy định cứng nhắc là phải có cài này cái kia, đơn giản chỉ là trái cây, hoa quả và thắp nén hương. Chúng ta nên dâng mâm cơm lên tổ tiên để thể hiện tổ tiên đang có mặt cùng chúng ta trong nhà.
Một số quan niệm dịp Vu Lan phải mua thật nhiều đồ vàng mã, xe hơi, nhà lầu... cúng tế, có gia đình mua vàng tiền, hàng mã lên tới vài chục triệu, rất lãng phí. Vu Lan là lễ báo hiếu, làm phúc, nên dành số tiền đó để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người kém may mắn hơn trong xã hội.
Đại Đức Thích Thanh Huân: Hãy thờ cúng cha mẹ bằng cái tâm của mình. |
- Thưa thầy, con bị gay nên không thể kết hôn với con gái, nghĩa là con sẽ không có vợ được. Ba mẹ thì luôn mong con có gia đình. Ba mẹ con không biết chuyện con bị gay. Như vậy con không cưới vợ có nghĩa là mang tội bất hiếu với ba mẹ đúng không ạ? (Nguyễn Minh Phúc, 24 tuổi, Thành Phố Hồ Chí Minh)
- Đại đức Thích Thanh: Hiện vấn đề giới tính được xã hội hiện đại đề cập nhiều. Không phải ai cũng hiểu và cảm thông với những người gặp hoàn cảnh như bạn. Việc bạn không có gia đình, không có con không phải lỗi ở bạn, mà đó là do những vấn đề thuộc về thể chất, những biến đổi trong nội tại. Bản thân bạn đã chịu rất nhiều thiệt thòi khi không được bình thường như bao người khác, không thể có hạnh phúc trọn vẹn.
Như trên tôi đã nói, chữ Hiếu thể hiện ở nhiều hình thức, phương diện. Chữ hiếu ở tâm mỗi con người. Việc không có gia đình, không có con không có nghĩa là bạn bất hiếu. Bạn vẫn có thể chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, thể hiện sự tôn kính với các đấng sinh thành. Bạn phải sống tốt để cha mẹ yên tâm.
- Kính thưa thầy Thích Thanh Huân, ở một xã hội hiện đại như ngày nay, với muôn màu của cuộc sống, con cái phải xa cha mẹ, xa cội nguồn, xa tổ tiên ông bà. Như vậy con cái phải làm như thế nào cho tròn chữ "Hiếu". (pham van tiep, 38 tuổi, Gò Vấp, TP HCM)
- Đại đức Thích Thanh Huân: Trong cuộc sống, nhiều người phải xa cha mẹ, thậm chí phải ra nước ngoài sinh sống, không có điều kiện về quê hương, đất nước để gặp gỡ người thân. Nhưng đó chỉ là khoảng cách về không gian, tôi cho rằng cái tâm hiếu ở mỗi con người không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Nếu bạn ở xa, hoặc cha mẹ đã khuất không còn cơ hội để gần gũi, chăm sóc thì bạn vẫn có thể nuôi dưỡng được tâm hiếu của mình trong cuộc sống hàng ngày.
Chúng ta nên hiểu chữ hiếu một cách rộng, nó không chỉ là mối liên hệ giữa bạn với cha mẹ lúc ở gần, hay lúc còn tại thế mà là với gia đình, người thân, dòng họ, những người lớn tuổi xung quanh. Bạn sống tốt và biết chăm lo cho thế hệ con cháu cũng là thể hiện cái hiếu với ông bà tổ tiên. Bạn hãy vun đắp truyền thống đạo nghĩa tốt đẹp của tổ tiên, của dân tộc, xây dựng hình ảnh người Việt Nam tốt đẹp cũng là một cách thể hiện chữ Hiếu.
Qua hai tiếng trao đổi, tôi rất cảm ơn sự quan tâm của độc giả tới đạo lý truyền thống của dân tộc, đặc biệt là việc giữ gìn chữ hiếu trong thời hiện đại. Buổi phỏng vấn trực tuyến hôm nay, chúng tôi vẫn chưa giải đáp hết câu hỏi của các bạn, song hy vọng mỗi người chúng ta hãy vun đắp và thường xuyên nuôi dưỡng tâm hiếu. Đó là cái cái gốc, là cội nguồn của mọi đức tính, giúp cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp hơn.