Tin Trong Nước Tổng hợp

Trần Anh Thơ, nữ sinh xứ Huế, đã được cả 2 tổng thống George W. Bush và Barack Obama ký tặng bằng khen dành cho các học sinh xuất sắc.

Nữ sinh Huế hai lần nhận bằng khen của Tổng thống Mỹ

Trần Anh Thơ, nữ sinh xứ Huế, đã được cả 2 tổng thống George W. Bush và Barack Obama ký tặng bằng khen dành cho các học sinh xuất sắc.

Trần Anh Thơ là một trong những học sinh xuất sắc của lớp chuyên Anh (niên khóa 2010-2013) trường Quốc học Huế. Năm lớp 12, nữ sinh này sang Đức học tiếp chương trình THPT tại trường John F Kennedy. Trong lễ tốt nghiệp dành cho những học sinh giỏi nhất của trường này cuối tháng 6 vừa qua, Anh Thơ đã vinh dự được nhận bằng khen, có chữ ký tặng của Tổng thống Obama.

t1-1376383852_500x0.jpg
Anh Thơ nhận bằng khen của Tổng thống Obama từ đại sứ Mỹ Philip Murphy.

Bằng khen của Thơ (Presidential Award for Educational Excellence) do Bộ Giáo dục Mỹ cấp, do đích thân các tổng thống Mỹ ký tặng và chỉ dành riêng cho những học sinh có thành tích nổi bật, đạt điểm cao trong kỳ thi SAT hoặc ACT, thành tích tốt trong âm nhạc hoặc có năng lực lãnh đạo...

"Đại sứ Mỹ ở Đức, ông Philip Murphy, là người trao tặng bằng khen cho em. Ông hóm hỉnh đùa rằng sẽ nhớ hoài khuôn mặt em vì em là người cuối cùng ông trao thưởng trước khi về hưu", Anh Thơ nhớ lại.

Đây là lần thứ hai cô gái nhỏ nhận được bằng khen của tổng thống Mỹ. Khi còn nhỏ, cha của Anh Thơ học tiến sĩ ở Mỹ nên cô cũng theo học ở Mỹ 8 năm. Thời Tổng thống Bush, Anh Thơ được nhận bằng khen, có chữ ký tặng của tổng thống trong lễ tốt nghiệp tiểu học tại trường Doyle Elementary School.

t2-1376383852_500x0.jpg
Bằng khen có chữ ký của Tổng thống Mỹ Obama tặng cho Anh Thơ.

Sau khi cha bảo vệ tiến sĩ và về nước, Anh Thơ cùng về Huế và học tiếp lớp 9 ở trường THCS Nguyễn Tri Phương. Lên cấp 3, với khả năng tiếng Anh vượt trội, Anh Thơ thi đậu vào lớp chuyên Anh của trường THPT Quốc học Huế. Năm 2012, cha Thơ sang Đức làm nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại ĐH Potsdam nên hiện nay gia đình em đã chuyển sang Đức để công tác và học tập.

Cô Nguyễn Thị Minh Hương, chủ nhiệm lớp 12 chuyên Anh trường THPT Quốc học Huế, cho biết Anh Thơ còn đạt nhiều thành tích khi là học sinh của lớp, như giải ba kỳ thi quốc gia môn Anh Văn và giải nhì môn này trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. "Anh Thơ là cô bé hiền lành, nhân hậu và ham học hỏi. Tôi rất tự hào về em ấy", cô Hương nói.

Chia sẻ về cách học ở ngoại quốc, Anh Thơ cho biết, học sinh được tự do trong việc lựa chọn môn học mình yêu thích. "Bọn em có thể chọn môn mình muốn theo học từ lớp 10. Mỗi giáo viên có một lớp riêng để giảng dạy môn mình đảm trách và học sinh di chuyển đến lớp theo thời khóa biểu. Trung bình mỗi lớp chỉ có khoảng 20 học sinh", nữ sinh xứ Huế nói.

t3-1376383854_500x0.jpg
Thầy hiệu trưởng Kelly (trường John F Kennedy) trao bằng tốt nghiệp (hết lớp 12) cho Anh Thơ.

Từ cấp 3, học sinh đã phải học tập theo hình thức tín chỉ. Để tốt nghiệp, mỗi học sinh phải tích lũy đủ 26 tín chỉ. Nhằm tạo điều kiện cho học sinh giảm căng thẳng, nhà trường quy định thầy cô không được cho bài tập trong các ngày lễ. "Vào thời gian ôn thi, em và các bạn luôn hẹn nhau vào thư viện đề học nhóm", Anh Thơ chia sẻ.

Ngoài học tập, Anh Thơ có sở trường về văn học. Em từng làm biên tập viên cho tạp chí văn học của trường và từng có những bài viết đăng báo Haywire. Thơ cho biết muốn tiếp tục phát triển năng lực của mình bằng cách làm biên tập viên cho các tờ báo của trường đại học cô sắp theo học.

Hiện nay, Anh Thơ đã nhận được sự chấp thuận của 2 trường đại học ở Mỹ, 5 trường ở Anh và 2 trường ở Đức. Thơ đã quyết định học tại Hamburg University với mục đích học công nghệ sinh học. "Sau khi học xong có thể em sẽ về Việt Nam làm việc", nữ sinh này tâm sự.

Thanh Ân

 

'Phía tây Hà Nội sẽ còn úng ngập nhiều'

"Hà Nội mới thực hiện dự án thoát nước nội đô giới hạn từ sông Tô Lịch tới sông Hồng. Còn từ Tô Lịch đến sông Nhuệ, các khu đô thị dọc vành đai 3 vẫn phải úng ngập vài ngày khi mưa lớn", ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết.

- Mặc dù Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống thoát nước, tại sao có nơi vẫn bị úng ngập vài ngày khi mưa lớn?

- Hà Nội được bao bọc phía bắc là sông Hồng, tây nam là sông Nhuệ, có độ dốc thấp, nằm trong sông nên khả năng tiêu thoát nước hạn chế. Quy hoạch thoát nước năm 1995 do Nhật Bản xây dựng chia làm 2 lưu vực, từ sông Hồng đến sông Tô Lịch và từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ. Hà Nội mới thực hiện dự án thoát nước trong khu vực nội đô giới hạn từ sông Tô Lịch tới sông Hồng. 

Thoát nước của 2 lưu vực là khác nhau. Khi mưa nhỏ, nước sẽ chảy theo 4 con sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu theo cửa đập Thanh Liệt xả ra sông Nhuệ. Trường hợp mưa lớn, mực nước sông Nhuệ cao lên do ngoại thành bơm tiêu vào thì phải đóng cửa đập Thanh Liệt lại và bơm cưỡng bức nước từ nội đô ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở.

Trước đây năm 1994 có trận mưa khoảng 220 mm, Hà Nội ngập đến 2 tuần. Dự án thoát nước giai đoạn 1 đã giúp Hà Nội cải thiện tình trạng úng ngập đáng kể, điển hình là trận mưa lịch sử năm 2008, nếu không có trạm bơm Yên Sở thì thành phố có thể ngập hàng tháng. Với trận mưa 290 mm cách đây mấy ngày, hầu hết nội đô đều rút nước trong vài giờ, chỉ có khu vực phía tây nằm ngoài phạm vi dự án bị úng ngập nặng vài ngày.

- Tại sao cơn mưa vừa qua cũng khiến trung tâm thành phố như hồ Gươm úng ngập nhiều giờ?

- Hoàn Kiếm là hồ cảnh quan, không tham gia điều hòa nước. Hồ này vì nhiều lý do nên chỉ nạo vét để chống ô nhiễm, chưa phải nạo vét để tiêu nước. Mưa lớn trong hơn 2 ngày lên đến 290 mm tùy khu vực, việc tiêu thoát của hồ Gươm phụ thuộc vào tuyến cống trong khu phố cổ, trục chính là Phan Chu Trinh, Lò Đúc.Hiện tuyến cống này rất hẹp, trong dự án đang làm có 2 cống hộp đường kính 2,6m, khi hoàn thành sẽ giải quyết tiêu thoát trong khu vực này.

mua-ngap-1-1375929861-500x0-1376382217_5
Vành đai 3 Hà Nội luôn úng ngập khi mưa. Ảnh: PV

- Hà Nội đô thị hóa mạnh ở phía tây, tại sao không cải tạo hệ thống thoát nước tại đây?

- Khu vực Keangnam, Mỹ Đình dù là khu đô thị song trục thoát nước vẫn là trục tưới tiêu nông nghiệp, nằm ngoài dự án thoát nước của Hà Nội. Khu vực này có nhiều khu đô thị to đẹp song hệ thống thoát nước vẫn chưa được đầu tư, nên thường xuyên bị ngập khi mưa lớn.

Khu vực này đang xen kẹt giữa đô thị và nông nghiệp, theo quy hoạch thì cần có hệ thống thoát nước song cái chính là nguồn kinh phí như thế nào. Chúng tôi đã trình Chính phủ cho phép thực hiện dự án giải quyết tiêu thoát cho lưu vực sông Nhuệ, có thể dùng vốn dư của dự án thoát nước giai đoạn 2. Sơ bộ cần khoảng 4.000 tỷ đồng để đầu tư, gia cố thân đê sông Nhuệ và các công trình đầu mối, kênh, cống nối vào khu đô thị, nâng cấp 4 trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông, Mễ Trì, Ba Xá.

Hiện nay Công ty thoát nước Hà Nội đã vay vốn nước ngoài đầu tư nâng cấp mấy trạm bơm song để thoát nước hiệu quả cần đồng bộ toàn bộ hệ thống. Bài bản nhất là cần đầu tư hạ tầng khu đô thị như: xử lý nước thải, thoát nước, đường sá... trước khi xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, chúng ta đã có khu Bắc Thăng Long Vân Trì được đầu tư đồng bộ đường, điện, thoát nước mưa, xử lý nước thải bằng vốn ODA song đô thị đó lại không phát triển.

- Ông khuyến cáo người dân khu vực nào sẽ bị úng ngập khi Hà Nội có mưa lớn?

- Trong phạm vi dự án từ sông Tô Lịch hắt vào nội đô thì không bị úng ngập vài ngày nữa mà chỉ mất vài giờ. Khu vực phía tây từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ, các khu đô thị dọc vành đai 3 sẽ vẫn bị úng ngập nhiều. Thực tế, chỉ những cơn mưa cường độ 50-70 mm cũng khiến nhiều khu vực Mỹ Đình, Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Xa La... bị ngập, bởi hệ thống thoát nước mới có trong các khu đô thị còn các trục chính tiêu nước ra sông vẫn còn khó khăn.

Mỗi người dân nên hiểu là đầu tư cho giáo dục, y tế cần nhiều, trong khi mưa lớn một năm chỉ mấy tháng. Các nước Anh, Mỹ, Pháp cũng bị ngập khi mưa lớn, Trung Quốc cũng có đầu tư nhiều song vẫn có úng ngập.

- Ông đánh giá ra sao về khả năng ngập úng nội đô Hà Nội sau năm 2015 khi dự án thoát nước kết thúc?

- Dự án thoát nước giai đoạn 1 với kinh phí 2.700 tỷ đồng, đã cải tạo 4 con sông, 6 hồ điều hòa trong đó có hồ Yên Sở 130 ha, có khả năng chứa 4 triệu m3 nước, xây dựng trạm bơm Yên Sở công suất 45 m3/giây, một số tuyến cống, cửa đập.

Dự án thoát nước giai đoạn 2 với tổng kinh phí gần 9.000 tỷ, nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên 90 m3/giây, nạo vét 13 hồ để tăng dung tích điều hòa. Hiện còn các hồ như Khương Trung 1, 2, Định Công, Phương Liệt, Tân Mai đang được giải phóng mặt bằng. Hạng mục quan trọng nữa là các tuyến kênh mương nối từ cống ra sông dài khoảng 20 km là các tuyến từ thời Pháp để lại. Qua thời gian, tuyến kênh mương bị bồi lấp, rác thải nên cần khơi thông.

Theo tôi, dự án thoát nước giai đoạn 2 hoàn thành năm 2015 sẽ có hiệu quả cao trong tiêu thoát cho nội đô. Tuy nhiên, nếu xác định đô thị mưa lúc nào thoát lúc đó thì rất khó, ngay khi thoát nước đô thị được hoàn thiện nếu không quản lý tốt vẫn bị úng ngập do người dân bỏ rác, lấn chiếm mương sông.

Đoàn Loan thực hiện

 

Ngày mai bão Utor gây gió mạnh tới 100 km/h ở vịnh Bắc Bộ

Vào biển Đông, siêu bão Utor tiếp tục mạnh lên, đạt gần 170 km/h (cấp 14). Cơn bão với vùng ảnh hưởng rộng hàng trăm km khiến vịnh Bắc Bộ hứng chịu cấp gió nguy hiểm từ ngày mai, 14/8.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho hay, sáng 13/8, tâm bão Utor cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360 km về phía đông đông bắc, sức gió vùng gần tâm đạt cấp 14 (tối đa 166 km/h). Với sức mạnh của một siêu bão, có những lúc gió giật mạnh thêm 3 cấp, đạt trên 210 km/h.

utor-13-8-1376364394_500x0.jpg
So với hôm qua, cơn bão di chuyển chếch nhiều hơn về hướng tây, thay vì đi lên phía bắc. Vì thế, xác suất ảnh hưởng của bão đối với miền Bắc Việt Nam đã tăng lên. Ảnh: NCHMF.

So với dự báo hôm qua, cơn bão có hướng di chuyển chếch nhiều hơn về hướng tây, điều này có nghĩa là khả năng ảnh hưởng tới Việt Nam sẽ nhiều hơn.

Cơ quan khí tượng nhân định, ngày và đêm nay, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, sau đó đổi hướng tây bắc với tốc độ 15-20 km/h và có thể mạnh thêm. Sáng 14/8, tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100 km, mạnh thêm một cấp. Bão dự kiến đi vào tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và nằm trên địa phận tỉnh này vào sáng 15/8.

Siêu bão đang gây gió mạnh 100 km/h tới trên 170 km/h (cấp 11 đến 15) cho khắp bắc biển Đông. Riêng đông bắc Hoàng Sa gió mạnh cấp 9, sau tăng tới cấp 13 (xấp xỉ 150 km/h). Từ ngày mai (14/8), bắc vịnh Bắc Bộ (gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) bắt đầu có gió mạnh nguy hiểm. Riêng phía bắc của vịnh gió có thể đạt trên 100 km/h, cấp độ đánh chìm tàu thuyền đánh cá.

utor-13-8-ve-tinh-1376364394_500x0.jpg
Ảnh mây vệ tinh siêu bão sáng nay. Ảnh: NCHMF.

Để ứng phó, tối 12/8, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương và Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện thứ hai gửi các tỉnh thành Bắc Bộ và ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên cũng như các bộ, ngành liên quan. Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm cho đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đề nghị cơ quan của Trung Quốc tạo điều kiện cho các ngư dân cùng tàu, thuyền của Việt Nam được trú tránh bão và lên bờ khi cần thiết.

Tại cuộc họp chiều 12/8, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó trong tình huống hoàn lưu bão gây mưa lớn cho khu đông bắc và miền núi phía bắc.

Đến sáng nay, lực lượng biên phòng từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 73.354 phương tiện với 315.262 người biết về cơn bão. Trong đó có 952 phương tiện với 8.842 người đang hoạt động ở quần đảo Trường Sa.

Nguyễn Hưng

Theo Vnexpress