Tin Trong Nước Tổng hợp

Trong lúc áp thấp nhiệt đới đang gây mưa gió ở giữa biển Đông thì cơn bão Utor với sức gió lên tới 150 km/h (cấp 13) đang hướng về đảo Luzon (Philippines). Khoảng tối mai, siêu bão sẽ vào biển Đông.

Siêu bão sắp tiến vào biển Đông

Trong lúc áp thấp nhiệt đới đang gây mưa gió ở giữa biển Đông thì cơn bão Utor với sức gió lên tới 150 km/h (cấp 13) đang hướng về đảo Luzon (Philippines). Khoảng tối mai, siêu bão sẽ vào biển Đông.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sáng nay, tâm áp thấp nhiệt đới chỉ còn cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) chừng 140 km về phía bắc tây bắc. Áp thấp vẫn giữ sức gió cấp 6 (tối đa 49 km/h) và chưa có dấu hiệu mạnh thêm trong một ngày tới.

Với hướng di chuyển chậm về phía tây, đến sáng 12/8, áp thấp còn cách bờ biển các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 400 km.

bao-apthap-1376189608_500x0.jpg
Ảnh mây vệ tinh của áp thấp (trái) và bão Utor (phải) sáng nay. Ảnh: HKO.

Hiện, áp thấp nhiệt đới đã gây sóng gió cấp 6 cho giữa biển Đông (gồm cả phía bắc quần đảo Trường Sa). Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam biển Đông (gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6 đi kèm mưa dông mạnh. Nam Bộ và Tây Nguyên có mưa lớn.

Trong lúc đó, ngoài khơi Philippines xuất hiện siêu bão tên quốc tế Utor. Sáng 11/8, tâm bão cách đảo Luzon chừng 480 km với sức gió mạnh cấp 13 (tối đa  149 km/h). Ngày và đêm nay, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ 20 km/h và còn mạnh thêm. Đến sáng mai, bão đạt cấp 14 (sức gió tối đa 166 km/h) và áp sát đảo Luzon rồi vượt qua vào cuối ngày 12/8.

Tính từ đầu năm, Utor là cơn bão mạnh nhất tiến vào biển Đông. Dự báo của các đài khí tượng quốc tế về đường đi của cơn bão dù chưa thống nhất, nhưng đều khẳng định bão chắc chắn gây ảnh hưởng lớn cho đông bắc biển Đông trong những ngày tới.

bao-apthap-3-1376189608_500x0.jpg
Vị trí và dự báo hướng di chuyển của áp thấp và bão Utor sáng 11/8. Ảnh: NCHMF.

Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, đã chỉ đạo cơ quan khí tượng theo dõi sát diễn biến của bão Utor và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông để sớm có cảnh báo. Còn theo Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương Bùi Minh Tăng, với diễn biến của bão Utor, cần phải theo dõi thêm vì hiện bão còn cách khá xa.

Tính cả bão Utor sẽ vào biển Đông trong khoảng 2 ngày tới, chỉ trong 2 tuần, biển Đông hứng chịu 3 cơn bão, một áp thấp nhiệt đới. Cơ quan khí tượng cho hay, từ nay tới cuối năm còn 7-8 cơn bão, áp thấp xuất hiện trên vùng biển này, một nửa số đó ảnh hưởng tới

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương 8h30 sáng nay đã có công điện khẩn gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên yêu cầu thông báo cho tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão và áp thấp nhiệt đới để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Trong 24 giờ tới, khu vực nguy hiểm được xác định là phía bắc vĩ tuyến 11, phía nam vĩ tuyến 16 và đông bắc biển Đông. Địa phương phải giữ liên lạc thường xuyên với các chủ tàu, đặc biệt là tàu đánh bắt xa bờ để kịp thời xử lý tình huống xấu có thể xảy ra.

Nguyễn Hưng

Cha con 'người rừng' quay quắt nhớ cuộc sống hoang dã

Sau những ngày làm quen với cuộc sống hiện đại, cha con ông Hồ Văn Thanh vẫn khát khao trở lại căn chòi lá trên cây cổ thụ, làm rẫy khai hoang chốn rừng sâu. Ông cứ lẩm bẩm "Tra xú mờ gót" (nghĩa là muốn trở về núi rừng, thăm rẫy).

10-7-Anh2-Nguoi-rung-1376128736_500x0.jp
Sau ba ngày từ rừng sâu trở về, cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (phải) và Hồ Văn Lang (trái) mới có dịp gần nhau trò chuyện. Ảnh: Trí Tín.

Tròn ba hôm trở về làng sau 40 năm sống biệt lập ở núi sâu, cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang vẫn buồn bã, đêm gần như thức trắng. Kiệt sức nằm cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) nhưng mỗi khi mở mắt tỉnh dậy ông lại vùng vẫy muốn mọi người đưa về rừng.

Anh Hồ Văn Tri, chăm sóc cha ở bệnh viện kể, miệng ông Thanh cứ lẩm bẩm ngôn ngữ đồng bào Cor "Tra xú mờ gót" (nghĩa là muốn trở về núi rừng, thăm rẫy). "Hai hôm đầu ông chỉ uống sữa không chịu ăn, đến ngày thứ ba thì đòi ăn cháo nấu bằng gạo đỏ (lúa rẫy). Những đêm qua vợ chồng tôi thay phiên nhau thức trông ở bệnh viện, sợ ông bỏ trốn vào rừng lần nữa khó mà tìm lại được", anh Tri nói. 

Theo anh Tri, mỗi lần tỉnh dậy, ông Thanh hết nhìn ra cửa sổ rồi tìm kiếm dưới gầm giường, gặng hỏi mới biết cha đang lo cho anh Lang. Có đêm, khi đi tắt điện phòng cấp cứu cho các bệnh nhân dễ ngủ, các y, bác sĩ phát hoảng khi thấy ông Thanh bật dậy chui xuống gầm giường lẩn trốn, miệng gầm gừ như tiếng rên của loài thú. Các bác sĩ bật điện, thuyết phục mãi ông Thanh mới chịu lên giường. 

10-7-Anh-1-Nguoi-rung-1376128736_500x0.j
Bếp lửa là nơi kết nối tình cảm "người rừng" Hồ Văn Lang với người thân ở buôn làng. Ảnh:Trí Tín.

Trong khi đó, "người rừng" Hồ Văn Lang ở nhà người anh con bác ruột Hồ Minh Lâm ở xã Trà Phong cũng quay quắt nhớ cuộc sống hoang dã hệt như cha mình. Sáng 9/8, những người thân gia đình ông Lâm tá hỏa khi phát hiện anh Lang bỏ đi.

"Lang ôm ống lồ ô đựng lá thuốc và lọ vôi ăn trầu chạy ra trước ngõ tìm đường trở lại rừng. May mà mấy đứa nhỏ quanh làng phát hiện gọi chúng tôi đến đưa Lang về", ông Lâm thuật lại.

* Ảnh: 'Người rừng' bỡ ngỡ trước cuộc sống hiện đại
* Video: Người rừng làm quen với cuộc sống mới

Trở về nhà, anh Lang ngẩn ngơ không hiểu vì sao nhiều người lại đưa mình và cha rời khỏi rừng sâu. Ông Lâm giải thích, do ông già Hồ Văn Thanh bị bệnh nặng nên phải đưa về cứu chữa, vật dụng của cha con anh vì thế cũng đem theo về.

Đăm đăm nhìn vào những vật dụng sinh hoạt, sản xuất, anh Lang lí nhí nói từng câu ngắt quãng bằng tiếng đồng bào Cor rằng, còn thiếu hai con dao lớn và nhiều ống lồ ô đựng ớt, thuốc lá ở rừng. Anh Lang lo sợ rẫy lúa, bắp bị thú rừng vào phá, những ống lồ ô đựng ớt, thuốc lá bị hư hỏng nên muốn về lại căn chòi lá ở núi sâu.

10-7-Anh3-Nguoi-rung-1376128736_500x0.jp
Bùi nhùi cạo từ vỏ cây đủng đỉnh được cha con ông Thanh gói bằng lá dong dùng để mồi lửa xẹt ra từ hai viên đá chạm mạnh vào nhau. Họ dùng lửa nấu ăn, sưởi ấm suốt 40 năm qua. Ảnh: Trí Tín. 

Những ngày qua, rất đông dân làng kéo đến thăm hỏi cha con "người rừng". Một số người hỏi anh Lang bằng tiếng Cor "Xun manh lé" (Thích ở đâu), anh đáp gọn lỏn "Manh gốc" (Thích ở rừng). Rồi anh Lang đến góc nhà cầm chiếc rìu làm bằng cây rừng cong queo do mình tự chế lên săm soi và lặng lẽ cười. Thấy lạ, một số người hỏi thì anh cho biết, lưỡi rìu làm từ những mảnh bom nhặt trong rừng. 

Nhìn thấy những khúc cây ngoài sân, "người rừng" liền cầm chiếc rìu lao đến bổ từng nhát chắc nịch xuống thân gỗ. Chưa đầy 5 phút, khúc cây lớn rã ra thành nhiều thanh củi nằm vương vãi trên khoảng sân trước nhà. Vừa bổ củi xong thì cơn giông bất chợt ập đến, Lang cởi quần áo đứng ngoài sân tắm mưa như chốn không người.

Lần đầu tiên sau 40 năm sống hoang dã, anh được người thân tắm gội và cho đi dép. Trở về cuộc sống đời thường, "người rừng" 41 tuổi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước môi trường sống hiện đại. Lang chỉ biết quanh quẩn bên bếp lửa hay ngồi lặng lẽ nơi góc nhà ăn trầu. Thỉnh thoảng anh lấy lá thuốc trong ống lồ ô ra rồi dùng bùi nhùi (cạo từ vỏ cây đủng đỉnh trong rừng) mồi lửa xẹt ra từ 2 viên sỏi đánh vào nhau châm thuốc, nhả khói trầm tư.

Không chỉ cuộc sống cha con "người rừng" bị đảo lộn mà những ngày qua hai gia đình ông Hồ Minh Lâm (con của người anh ruột ông Thanh) và Hồ Văn Tri (con ruột ông Thanh) cũng phải tạm gác việc lên nương rẫy để gần gũi người thân sau 40 năm xa cách.

"Dù hiện tại cha và anh vẫn chưa nhận ra người thân thế nhưng gia đình được đoàn tụ sau bao nhiêu năm còn gì vui sướng hơn. Mong sao cha và anh sớm quen với cuộc sống ở buôn làng đừng chạy trốn vào rừng sâu thì niềm vui những ngày tới của gia đình tôi mới thật sự trọn vẹn", anh Tri tâm sự.

Câu cua trinh nữ

Có một loài cua kỳ lạ sống ở đất bãi thôn Vâng, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn, Hoà Bình) từ hàng trăm năm nay. Dân bản địa vẫn quen gọi nó là cua trinh nữ bởi màu trắng sữa và khi luộc cũng không biến sắc.

Người làng Vâng ai cũng khẳng định giống cua kỳ lạ chỉ sống ở làng, kể cả Chủ tịch xã Ngọc Sơn Bùi Văn Dương. “Tôi đố anh tìm được nơi nào trên dải đất hình chữ S này có loài cua mà mọi bộ phận trên cơ thể đều trắng đục như sữa, thậm chí khi đun sôi cũng không biến sắc như cua làng Vâng”, ông Dương nói.

Kéo khách ra khu vườn ngay cạnh nhà trồng toàn bương tre, ông Dương chỉ tay vào chi chít những lỗ tròn như cổ tay người và nói: “Đấy chính là nơi ở của chúng. Những cái hang này sâu khoảng 3 m, 5 m, thậm chí 7 m". Giống cua vốn sợ người và quen sống ở nước, nhưng kỳ lạ là khoảng đất bãi nhà ông Dương và các hộ lân cận nằm xen lẫn khu dân cư, người qua lại rất nhiều. Xung quanh không hề có sông suối hay kênh mương nào nên nguồn nước rất khan hiếm.

caucua1-1376105229_500x0.jpg

Cần câu cua được làm từ một cành cây thẳng, trên ngọn có 2 lá non. Trong ảnh ông Duyên đang câu cua trinh nữ. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Nghe khách thắc mắc đất đai cằn cỗi thế thì cua sống bằng cách nào, ông Dương bảo: “Chắc chắn nó phải đào hang sâu đến tận nơi có mạch nước ngầm rồi. Còn thức ăn thì tạp nham lắm: giun, dế, côn trùng, bọ gậy, thậm chí cả rong rêu”.

Có lẽ tập tính ẩn mình sâu trong lòng đất, nơi ánh sáng không thể len lỏi tới, là nguyên nhân chính dẫn đến hình hài “bạch tạng” của loài cua này. Và người ta đặt cho nó hàng chục cái tên độc đáo như: cua sữa, cua trinh nữ, cua trắng, cua đất… Ở xóm Vâng chỉ có 2 bãi đất cua đục lỗ ở là bãi Báy và bãi Bương.

Do cua ở sâu trong lòng đất nên người ta phải dùng cần dụ nó ra ngoài rồi mới bắt. Nhắc đến những người câu cua đất giỏi nhất thôn Vâng thì không thể thiếu cái tên Bùi Văn Duyên. Ở tuổi gần 50, kỹ nghệ câu cua của ông khiến ngay cả những người bản địa cũng phải trầm trồ thán phục.

Thấy khách muốn đi câu cùng, ông Duyên lôi ra chiếc áo màu xanh đậm đưa cho khách giải thích: “Chú phải cởi cái sơ mi trắng ra, mặc áo này vào thì tôi mới cho đi câu cua cùng. Vì khi nhìn thấy áo trắng cua rất sợ, nó biết ngay là con người đang tiến đến nên chui tọt xuống hang sâu”.

Theo ông Duyên, muốn câu được nhiều cua thì trước tiên phải có chiếc cần tốt. Có thể dùng bất cứ cành cây nào, chỉ cần nó không cong queo, độ đàn hồi vừa phải và có lá non đầu ngọn để cua tưởng con mồi đang chuyển động là được. Chiều dài lý tưởng của chiếc cần dao động 80-100 cm, tuỳ theo chiều cao của người câu.

caucua2-1376105229_500x0.jpg

Xâu cua của ông Duyên thu được sau một giờ câu. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Lần này, loại cây mà “kỳ tài câu cua thôn Vâng” dùng làm cần là ngọn cỏ hôi mọc đầy vệ đường. Sau khi đã tuốt bỏ toàn bộ lá già, chỉ để lại hai chiếc lá non phía trên cùng, ông gọi con gái mang cuốc ra để đào giun. “Cua rất nhạy với mùi tanh nên phải bắt con giun, con nhái chà xát vào lá non của cần câu để dụ nó ra khỏi hang nhanh hơn”, ông bật mí.

Bắt đầu câu cua đất từ khi lên 10 tuổi, hai bãi cua trong thôn có bao nhiêu lỗ, nằm ở vị trí nào ông Duyên đều kể vanh vách. Đây là điều kiện tối quan trọng để câu thành công. Do miệng hang thường bị che khuất bởi cỏ cây và bụi rậm, nếu cứ đi phăm phăm, thấy có lỗ mới dừng lại thì lúc ấy cua đã bò xuống đáy.

Mỗi lần tiến đến gần một lỗ cua, ông Duyên co người, rón rén bước chân thật khẽ. Nếu cua đang ở gần miệng hang, ông co người thật thấp, chân phía sau trùng xuống, chân còn lại thả lỏng như tư thế của vận động viên điền kinh trước vạch xuất phát. Sau đó, ông từ từ đưa cần câu ra, vảy cổ tay rung cần để chiếc lá trên ngọn chuyển động dụ cua đến. Cua tiến đến đâu, cần được kéo lùi tới đó. Khi cua cách miệng hang khoảng 20 cm, ông Duyên từ từ đưa tay còn lại về phía trước rồi nhanh như cắt vồ trúng nó.

Những lần thuận lợi, ông chỉ mất 2 phút là tóm được cua. Nhưng có khi chúng ra một chút lại thụt vào, phải nhử đi nhử lại 15 phút mới thành công. Câu cua cần chọn thời điểm thích hợp, ví dụ sau khi trời mưa, hang bị ngập nước, cua ngộp thở nên bò lên kiếm ăn rất nhiều. Vào mùa đông, chúng lấp miệng hang ngủ nên không ai đi câu.

Khoảng thời gian lý tưởng nhất để “thu hoạch” loài vật này là từ tháng 4 đến 8. Con to nhất mà ông Duyên bắt được bằng cả mu tay người lớn nhưng bây giờ chủ yếu là cua to bằng 3 ngón tay. Mất khoảng một giờ đi câu, ông Duyên đã cầm lủng lẳng trên tay xâu cua hơn 20 con. Ông bảo, chỉ cần bấy nhiêu là đủ một bữa ra trò rồi, không câu thêm nữa. Sau khi rửa sạch, vợ ông Duyên cho vào nồi hấp cách thuỷ, bên dưới có lá sả, ớt, và một số loại lá rừng rất thơm ngon.

caucua3-1376105229_500x0.jpg

Khi hấp chín, thịt cua vẫn giữ nguyên màu trắng đục. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Đúng như Chủ tịch xã Bùi Văn Dương nói, ngay cả khi chín, cua vẫn nguyên màu trắng đục. Vỏ cua mỏng, vị thịt ngọt, thơm và săn chắc. Ngoài hấp, nấu canh rau ngót, dân thôn Vâng còn dùng cua làm nguyên liệu làm mắm chua. Cua được giã nhuyễn, sau đó trộn lẫn thính (làm từ bột ngô rang), muối, hành, ủ trong vại sành khoảng nửa tháng, đến bữa ăn lấy ra hâm lại chấm rau luộc.

Chủ tịch xã Bùi Văn Dương tâm sự, ở đây đất đai khô hạn nên cây lúa không thể phát triển. Đời sống của người dân dựa cả vào bắp ngô, cây mía, củ măng, nhưng ngô, mía lại xuống giá nên rất bấp bênh. Cả xã Ngọc Sơn có 2.496 người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50% với mức thu nhập bình quân khoảng 9,6 triệu một người một năm. Vào mùa giáp hạt, nỗi lo thiếu đói lại chờ chực. Trong mâm cơm thường ngày, rau, dưa vẫn là chính, còn thịt cá vài ba hôm mới xuất hiện một lần.

Thế nên hai bãi cua đất ở thôn Vâng giống như “niêu cơm Thạch Sanh” giúp dân làng bổ sung dưỡng chất. “Từ đời ông, đời cha tôi đã có hai bãi cua này. Đến giờ vẫn duy trì được là bởi người dân không bắt cua vì đồng tiền, khi nào bắt đủ bữa ăn là quay về. Nhiều người vùng khác lân la đến thuê người câu cua với giá cao, thế nhưng không một ai đi. Nhiều khi tỷ phú cũng không mua được đâu anh ạ”, ông Dương nói.

Theo Nông nghiệp Việt NamTrí Tín

Theo Vnexpress