Hà Nội xả nước sông Nhuệ
14h chiều 9/8, Công ty Thoát nước Hà Nội đã tháo nước sông Nhuệ tại cống Thanh Liệt vào sông Tô Lịch trong khu vực nội thành nhằm hạ mực nước. Hơn 1.000 máy bơm trên toàn thành phố cũng được huy động để tiêu thoát úng ngập.
Cống Thanh Liệt sau khi được mở. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Ảnh hưởng của bão Mangkhut, mưa lớn liên tục 2 ngày qua khiến toàn bộ lưu vực sông Nhuệ (135 km2) có mưa to. Các hồ Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu (Chương Mỹ), Quan Sơn (Mỹ Đức) và Kèo Cà (Sóc Sơn) đều phải xả tràn. Lũ các sông như Tích, Bùi lên báo động 2. Nghiêm trọng hơn là mực nước sông Nhuệ nằm giữa vành đai 3 và 4 của Hà Nội lên cao hơn một mét so với mực nước sông Tô Lịch trong nội đô.
*Video: Hàng trăm chiến sĩ cứu đê sông Nhuệ |
Để giảm mực nước sông Nhuệ, đồng thời cũng tránh những sự cố tương tự, Công ty thoát nước đã đề xuất lãnh đạo thành phố mở cống Thanh Liệt, xả nước sông Nhuệ vào Tô Lịch để tiêu thoát ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở. Lúc 14h chiều 9/8, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội đã cho phép đơn vị này mở cửa đập Thanh Liệt.
Áp lực nước khiến bờ hữu sông Nhuệ thuộc xã Tây Tựu (Từ Liêm) bị tràn khoảng 600 m vào chiều 8/8 và đã được xử lý ngay sau đó. Đến rạng sáng 9/8, bờ đê sông Cầu Ngà (nhánh của sông Nhuệ) thuộc xã Tây Mỗ (Từ Liêm) bị sạt lở khoảng 20-30 m. Nước tràn vào khu dân cư và tuyến đường xung quanh, trong đó có đường 70, gây ngập sâu 0,7 m. UBND thành phố đã chỉ đạo huyện Từ Liêm, Công ty Thủy lợi Hà Nội và Bộ Tư lệnh thủ đô ứng phó, gia cố bờ đê.
"Chúng tôi sẽ bơm nước từ từ vào sông Tô Lịch rồi bơm ra sông Hồng qua trạm Yên Sở, đảm bảo không tràn vào khu dân cư tại nội đô, không tái ngập cho nội thành. Thời gian xả nước phụ thuộc lượng nước trên sông Nhuệ và từ thượng nguồn đổ về", đại diện đơn vị thoát nước cho biết.
Nước ngập trên đường 70 cạnh sông Nhuệ sáng 9/8. Ảnh: Hoàng Thành |
Bên cạnh việc xả nước sông Nhuệ ra sông Tô Lịch, các công ty thủy lợi cũng đã vận hành 193 trạm bơm với hơn 1.000 máy để tiêu úng ngập cho thành phố, đồng thời đóng điều tiết Cầu Đìa (Từ Liêm), Cầu Sa (Hoài Đức) để hạn chế nước vùng Đan Phượng, Hoài Đức chảy vào sông Nhuệ.
Đến trưa 9/8, trời hửng nắng, nội thành Hà Nội vẫn còn một số điểm úng ngập 20-30 cm. Tại tuyến đường vành đai 3, nhất là "điểm đen" Keangnam vẫn ngập tới 50 cm. Theo Công ty thoát nước Hà Nội, sở dĩ tuyến này khó thoát nước là hệ thống cống bị tắc nghẽn trong quá trình thi công làm đường. Hiện đường cống vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị thoát nước.
Theo cơ quan khí tượng, mưa to chỉ duy trì tại Hà Nội cũng như các tỉnh Bắc Bộ nốt ngày 9/8, sang ngày mai trời sẽ chỉ mưa nhỏ. Vì thế kịch bản úng ngập như năm 2008 chắc chắn sẽ không lặp lại.
Trong cơn mưa lịch sử năm 2008, Hà Nội từng phải tiêu thoát nước cho khu vực ngoại thành bằng cách xả nước từ sông Nhuệ vào hệ thống thoát nước Hà Nội thông qua cửa cống Thanh Liệt. Ngoài ra, thủ đô cũng phải cầu cứu Hà Nam để hút bớt nước sông Nhuệ qua trạm bơm Yên Lệnh.
Sông Nhuệ là nhánh nhỏ của sông Hồng, dài 76 km, bắt đầu từ cống Liên Mạc, huyện Từ Liêm, chảy qua Thanh Trì, quận Hà Đông, các huyện Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên (Hà Nội) và cuối cùng là Phủ Lý (Hà Nam). Nhiệm vụ chính của sông Nhuệ là tiêu thoát nước cho lúa với tiêu chí mưa 3 ngày tiêu 5 ngày. Nhưng nay do đô thị hóa phía Tây Hà Nội, lưu lượng tiêu tăng gấp đôi gây quá tải cho sông và úng ngập cho nội thành Hà Nội. |
Đoàn Loan
Cuộc vật lộn với thủy thần của cặp vợ chồng Mỹ trên con tàu bị đắm
Bị sóng đánh lạc khỏi con tàu chìm, đôi vợ chồng người Mỹ đã dìu theo một công nhân không có áo phao lênh đênh suốt 9 tiếng. Giữa biển đen, cả khi đã tuyệt vọng, họ vẫn luôn nói lời yêu nhau.
Khi nhận được lời mời đi ăn tiệc cưới hôm 2/8, John Heinemann và vợ đã đồng ý ngay. Dù đã làm việc cho công ty PV Pipe được khoảng 2 năm nay, nhưng ông khá bận rộn, gần đây mới có thể mời vợ sang Việt Nam nghỉ cùng mình. Họ có điểm chung là rất thích văn hóa, con người Việt.
“Cuối tuần trước đó, chúng tôi cũng đi ăn cưới với nhau. Mọi thứ rất tuyệt. Chúng tôi giữ nguyên tâm trạng háo hức đó khi bước lên tàu đi cùng mọi người mà không mảy may nghĩ đến tai nạn nào có thể xảy ra”, ông Heinemann nói.
Vợ chồng vị chuyên gia người Mỹ nhập đoàn lên con tàu H29 rời cảng Gò Công Đông khi trời đã chập tối. Biển lúc này khá yên lặng, sóng nhẹ nhàng. Mọi thứ đều ổn và ai cũng thư giãn, râm ran trò chuyện. “Nhưng rồi sau đó, những cơn sóng mạnh từ đâu bất ngờ ập đến. Sóng sau mạnh hơn sóng trước rất nhiều… Khi biết tàu không còn an toàn nữa, vợ chồng tôi dặn nhau phải hết sức bình tĩnh và chuẩn bị tinh thần sẽ phải bơi nếu có sự cố", Heinemann kể. "Thấy mọi người xung quanh rất hoảng sợ, chúng tôi bảo họ bình tĩnh nhưng không nhiều người hiểu tiếng Anh để biết chúng tôi đang nói gì”.
Vợ chồng ông bà John Heinemann và Gloria Heinemann. Ảnh: Thoại Hà |
Tàu bất ngờ lật úp và dần chìm, xung quanh mọi thứ tối đen. Người đàn ông Mỹ chỉ kịp khuyên vài người phải bám chặt vào thân tàu để giữ cho người nổi trên mặt nước. Tuy vậy, do sóng lớn, nhiều người vẫn tuột tay văng ra xa, trong đó có vợ chồng ông. Do đã được phát áo phao trước đó, cả hai luôn tìm cách bơi bám sát để không bị tách rời.
“Ban đầu, tôi nghĩ chắc chừng 30 phút nữa hai con tàu đi sau sẽ đến và cứu mọi người. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy gì trong khi chúng tôi đã lạc mất đoàn", ông Heinneman kể.
Đang lênh đênh chống chọi cùng những cơn sóng, họ phát hiện anh Nguyễn Lê Vinh gần như kiệt sức, trên người không mặc áo phao. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là người đàn ông này cần được giúp đỡ và vợ chồng tôi phải cố hết sức có thể để giúp anh. Vì thế, tôi bảo anh ấy bám vào mình để cùng bơi”, vợ ông Heinneman nói.
3 người tiếp tục dập dờn một lúc thì gặp anh Nguyễn Văn Hà cũng đang vật lộn với sóng dữ. "Tôi thấy cái bóng đen cách mình khoảng 20 m. Lại gần hơn tôi nhận ra anh Vinh đang bám vào vợ chồng ông John. Chúng tôi lúc này như tăng thêm sức mạnh dù xung quanh vẫn là biển mênh mông không có một bóng tàu cứu hộ, xa xa là ánh đèn le lói phía Vũng Tàu", anh Hà kể.
Họ bắt đầu bàn về khả năng bơi vào bờ. Lúc đó, anh Hà chỉ cho mọi người thấy hai dãy núi mờ mờ phía trước (ở Vũng Tàu), nhưng để bơi tới đó rất xa, sức người không chịu nổi nên chỉ còn cách chờ cứu hộ.
Càng lúc trời càng lạnh, mọi người có dấu hiệu đuối dần. Anh Hà đổi phương án "bơi vào biết đâu lại sống" nên 4 người chỉ với 3 cái áo phao dìu nhau vượt từng cơn sóng. Càng về khuya, hai vợ chồng người Mỹ hơn 60 tuổi càng có dấu hiệu kiệt sức, sặc nước.
Vốn bơi rất giỏi vì đều là dân mê môn thể thao lặn biển, nhưng phải giữ mình nổi trên mặt nước suốt 9 giờ là điều hai ông bà chưa bao giờ dám nghĩ tới. Có lúc, ông Heinneman hoang mang trước sự sống vì ông nặng gần gấp đôi vợ nên rất khó để giữ mình nổi. Cứ mỗi đợt sóng ập đến, bà Heinneman lại phải tìm cách nâng chồng lên để ông không bị ngạt.
Anh Hà nhớ lại thời điểm áo phao suýt bị rách làm hai mảnh, anh phải tháo thắt lưng buộc chặt lại. Ảnh:An Nhơn. |
Một cơn sóng to ập tới đánh tan nhóm người ra 3 nơi. Ông Heinneman đã cởi chiếc áo phao của mình đưa cho vợ. “Lúc đó tôi chỉ muốn bà ấy được ấm áp, được an toàn. Có một nỗi lo sợ mơ hồ khiến tôi phải thốt ra với bà rằng ‘I love you", người đàn ông nhớ lại.
"Sao thấy ông John cởi áo phao mà còn nói 'I love you' nữa Hà ơi", anh Vinh hét lớn. Cả hai công nhân Việt nghĩ ông ấy định bỏ cuộc nên đã cố bơi lại động viên.
"Tôi nói ông ấy cố lên. Lúc đó là 0h rồi, chỉ 1h sáng sẽ có tàu đánh cá của ngư dân đi ngang cứu giúp. Nghe vậy, ông John từ bỏ ý định và bơi ngửa, dùng áo phao kê ở đầu", anh Hà kể. Sau đó anh tiếp tục quay sang an ủi người đồng nghiệp quê Tiền Giang cùng bơi để hâm nóng cơ thể, chống lại cái lạnh càng lúc càng gay gắt. Dù làm tư tưởng cho mọi người nhưng bản thân anh Hà cũng đã cạn sức, dầu biển bám vào người bỏng rát.
Đến khoảng 2h sáng, cả nhóm như tỉnh hẳn khi thấy đèn cứu hộ từ xa. Mọi người tìm còi và đèn pin trên áo phao để ra tín hiệu nhưng chúng bị sóng đánh văng từ lúc nào. Do tàu ở quá xa nên không nghe thấy tiếng kêu cứu và những cái vẫy tay tuyệt vọng của họ. Một lúc sau mọi người lại thấy tàu cá ngư dân đi biển xuất hiện cách đó chừng 50 m, song tất cả gọi đến khàn giọng họ vẫn không nghe.
"Biển hôm đó động mạnh do ảnh hưởng của bão, nhiều cơn sóng lớn và màn đêm đã làm cho những con tàu khác không thể nhìn thấy 4 con người đang vật lộn tìm sự sống trên biển. Chúng tôi bị lẫn trong làn nước nhưng chúng tôi nghĩ nếu cầm cự được đến khi ánh bình minh lên thì ngư dân, tàu thuyền đánh cá sẽ trông thấy và chúng tôi sẽ được cứu sống”, bà Heinneman nói.
Thêm 2 tiếng trôi qua, đến 4h sáng anh Hà thấy tàu đi vào ngọn Hải Đăng. "Tôi nghĩ là đường tàu chạy nên nói mọi người cố sức bơi tới đó chờ tàu. Nửa tiếng sau, một chiếc tàu cá đang trên đường vào bờ đã thấy chúng tôi. Lên được tàu, ai cũng nghĩ mình vừa chết đi sống lại", anh Hà kể về giây phút may mắn của cuộc đời mình. Còn bà Heinneman cho biết, khoảnh khắc đó, bà chỉ có thể nói với những người bà gặp duy nhất một câu "Tôi yêu các bạn".
Đây là 4 người cuối cùng được vớt lên trong số 21 người sống sót trên chuyến tàu định mệnh. Họ đã có 9 giờ lênh đênh trên biển, 17 người khác được cứu hộ khi bám quanh xác con tàu sau 6 giờ bị đắm.
“Tôi rất buồn khi nhiều người mình quen biết đã mất. Các vết sẹo mà chúng tôi phải mang theo người không là gì so với những mất mát quá lớn đó", vị chuyên gia người Mỹ trầm ngâm.
An Nhơn - Thoại Hà
Người đàn bà 40 năm làm nghề vớt xác
Câu chuyện về người phụ nữ từng tham gia vớt hơn 500 xác chết trong vòng 40 năm đã làm nhiều người bị "sốc". Ít ai hình dung ra người phụ nữ "chân yếu tay mềm" ấy lại làm được một điều đáng kinh ngạc.
Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Nguyệt ở khối 1 thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Chúng tôi đến nhà bà giữa lúc trời đổ mưa, từng cơn gió thổi rít lên mang theo hơi lạnh từ dòng sông Lam thỉnh thoảng lại ùa vào, làm căn nhà nằm cheo leo bên dòng sông trở nên lạnh lẽo hơn. Trong căn nhà đơn sơ ấy, bà Nguyệt và các con cháu đang đốt lửa sưởi ấm. Ngồi co ro trong một góc bếp, bà đưa đôi mắt nhìn ra ngoài kia, nơi dòng sông Lam hung dữ đang dâng nước lên cao.
Chị Nguyệt chèo thuyền ra dòng sông Lam để vớt xác một người phụ nữ. |
Bà cho biết: "Tuổi cao, sức khỏe cũng cạn kiệt rồi. Hơn 40 năm vớt xác chết trên sông, do hơi lạnh của người chết để lại, tôi đã bị thoái hóa cột sống, nên mùa mưa phải đốt củi sưởi ấm như thế này cho đỡ bớt đi những cơn đau đang ngày đêm hành hạ mình".
Ở đời không ai mà biết được chữ ngờ và câu chuyện bà Nguyệt đến với nghề vớt xác chết trôi sông cũng không phải là ngoại lệ. Năm bà tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, trong lúc nhiều đứa bạn cùng trang lứa chỉ biết ăn chơi, thì bà phải bám biển, bám sông mưu sinh. Trong một lần đánh bắt cá trên sông, thấy một người đàn ông bị lật xuồng rồi ngã nhào xuống dòng nước lớn đục ngầu. Không chút do dự, bà chèo xuồng thật nhanh tới chỗ chiếc xuồng bị lật. Bà cố gắng hít một hơi thật sâu rồi lặn ngụp xuống đáy sông để cứu người, tiếc thay người đàn ông đã chết. Bà vớt xác rồi đưa lên bờ.
"Lúc đó tôi mới 18 tuổi, trước khi nhảy xuống sông, tôi nghĩ mình sẽ chết. Lặn xuống tận đáy, tôi thấy mình khó thở, nước bắt đầu tràn vào miệng. Nhưng rồi, điều kỳ diệu đã xảy ra, tôi dường như có một sức mạnh phi thường, một tay bám vào nạn nhân, một tay tì xuống đất rồi dùng đôi chân cố đạp thật mạnh để ngoi lên mặt nước. Và thế là lần đầu tiên trong đời tôi đã làm được một việc mà tưởng chừng như có nằm trong mơ cũng không bao giờ có được, đó là vớt được một xác chết dưới đáy sông".
Tuy đã dành gần như cả cuộc đời mình để vớt xác, nhưng nghề chính của bà lại là bám sông đánh bắt cá tôm để kiếm từng miếng cơm manh áo. Vì vậy, vớt xác chỉ là cái "duyên", là nghề phụ của người đàn bà có bản lĩnh thép này. Trong nhiều năm lênh đênh trên sông nước vớt xác ấy, bà thấy cái chết của ông Kh ở Phường Lê Mao, TP Vinh là đáng sợ nhất. Chị kể: "Do xác chết quá lâu, tôi đã 5 ngày liền cả ngày lẫn đêm lênh đênh trên sông, quên cả ăn uống tìm kiếm. Mãi đến ngày thứ 6 mới kéo được xác từ đáy sông lên. Nhưng khi kéo lên, một mùi hôi thối nồng nặc bốc lên làm tôi ớn lạnh. Từng sợi tóc, làn da của nạn nhân cũng bị bong ra từng mảng lớn trôi bồng bềnh trên sông", bà Nguyệt kể.
Sau này bà tìm hiểu thông tin mới biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân. Ấy là gần ngày Tết, ông Kh vay tiền ngân hàng để mua bán cây quất bán lấy lời. Nhưng quất bán ế ẩm, về nhà vợ con la mắng, ông ấy đã nhảy cầu tự tử.
Chị Nguyệt chuẩn bị ra sông đánh bắt cá. |
Trong mỗi lần vớt xác, thấy những em bé tuổi còn thơ dại, những cái chết của học sinh, sinh viên buồn chuyện gia đình và tình yêu, tuổi đời còn rất trẻ, chị không ít lần phải thốt lên "Chết như thế này thì tội nghiệp quá". Có lần vớt xác, thấy cả cặp nam nữ cứ quấn chặt vào nhau. Họ yêu nhau, nhưng lại bị gia đình từ chối, vì quá buồn cho cuộc tình éo le, nên đôi nam nữ đã lấy dây buộc chặt lại với nhau rồi quyết định nhảy cầu Bến Thủy kết liễu đời mình và để minh chứng cho tình yêu. Tuy nhiên, cái chết ấy vẫn để lại những ký ức đau buồn trong lòng người đàn bà lương thiện.
Mới đây nhất, ở cầu Bến Thủy, một người đàn ông bị chết đuối, thân xác anh lại bị chôn vùi dưới bùn sâu. Việc vớt xác của chị lúc đó cũng gặp vô vàn khó khăn, nhưng cuối cùng chị và các anh em trong nhà đã lặn xuống dùng lưỡi câu để kéo nạn nhân lên. Không chỉ vớt xác ở dòng sông Lam, bà và các anh em trong nhà còn đi đến các vùng biển xa xôi khác ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, ở cầu Đông Danh (Hải Phòng) và ở các vùng biển Xuân Hội, Xuân Hoa, Xuân Yên, Xuân Hải (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), cảng Cửa Lò (Nghệ An)... Hình như tiếng tăm và bản lĩnh của người đàn bà này đã được nhiều người ở các tỉnh xa. Vì vậy, hễ nơi nào trong vùng có người chết đuối, là người ta lại tìm đến nhà bà gõ cửa.
Bà Nguyệt được nhiều người quý mến không chỉ vì sự chăm chỉ, mà sự hy sinh thầm lặng của mình cho những người xấu số. Bà tâm sự: "Mình muốn làm điều thiện để phúc lại cho các con cháu. Phần lớn, tôi làm điều này không lấy tiền. Có nhiều gia đình nghèo, không có thân nhân đến nhận xác, tôi còn phải bỏ tiền túi ra lo chi phí mai táng, rồi tắm rửa, mua quan tài, thuê xe chở ra nghĩa trang địa phương để chôn cất tử tế. Nhiều người nhà nạn nhân giàu cho tôi tiền, nhưng khi lấy của họ, tôi cũng phải xem xét kỹ càng và chỉ lấy một ít tiền chi phí đi lại. Nói thật là chưa bao giờ tôi làm cái điều kiếm tiền trên nỗi đau của người khác".
Hơn 4 thập kỷ làm cái nghề "xưa nay hiếm", sức khỏe của chị giờ đã cạn kiệt. Do thường xuyên tiếp xúc với người chết, hơi lạnh của các tử thi thối rữa đã khiến bà mang rất nhiều căn bệnh. Mùa đông đến, bà thường lên cơn co giật, nhất là vào những buổi đêm, những cơn ác mộng thường hay lởn vởn hiện về. Không những vậy, tay phải và chân phải của bà dường như đã bị tê liệt, cử động vô cùng khó khăn. Bà đi bệnh viện, bác sĩ kết luận bị thoái hóa từ đốt cổ xuống. Đêm ngủ, toàn thân chị thường mệt nhừ, rã rời, buồn nôn. Bây giờ ở nhà, mỗi tháng bà phải mất gần 3,5 triệu đồng tiền tiêm và mua thuốc. Hiện, 30 triệu tiền vay ngân hàng để chữa bệnh mà bà vẫn chưa thể trả xong. Không chỉ có bà, mà ngay những người em cũng đã mang những căn bệnh như trên do đi vớt xác.
Cầu Bến Thủy - nơi bà Nguyệt đã vớt cả hàng trăm xác chết. |
Cuộc sống bám sông mưu sinh chỉ đắp đổi miếng cơm qua ngày. Nhưng khi mùa lũ kéo về, nước sông hung dữ, việc đánh bắt cá gặp khó khăn, nguy hiểm thì đời sống gia đình lại lâm vào cảnh túng quẫn. Đứa con trai duy nhất của bà lại chẳng được người cha chấp nhận. Thương mẹ cả một đời vất vả, dù học giỏi nhưng Đạt cũng phải bỏ học dở chừng để phụ giúp gia đình.
Do gia đình quá nghèo khó, đến bây giờ ước mơ bé nhỏ ấp ủ bấy lâu nay của bà vẫn chưa thành hiện thực. "Tôi mong muốn mình có tiền để mua máy lặn, dụng cụ để vớt xác chết trên sông. Sắm lại chiếc xuồng mới thay cho chiếc xuồng đã cũ kỹ". Ước mơ đó tuy nhỏ, nhưng đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực với người đàn bà đã gần 40 năm đi làm việc thiện.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nhân vật trong bài viết dự thi có cơ hội trở thành người Thụ hưởng Gameshow Vì bạn xứng đáng phát sóng vào 17-18h chủ nhật hàng tuần trên VTV3. |
Đinh Tiến Giang
Theo Vnexpress