Nam sinh nghèo mơ làm bác sĩ để tự chữa bệnh
Đang học HV Ngân hàng, Đạt phải nghỉ học vì đau tai. Cậu miệt mài ôn thi vào ĐH Y Hà Nội với mong muốn tự chữa bệnh cho mình và giành được 28 điểm.
Không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, Hoàng Đạt (thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) chỉ có tình yêu thương và sự chăm sóc của mẹ. Không có bố đỡ đần, mẹ em, bà Hoàng Thị Mai phải một mình bươn chải nuôi con. Ngoài mấy sào ruộng, bà còn nhận công việc làm vệ sinh môi trường để thêm đồng ra đồng vào. Đạt một buổi đi học, một buổi phụ mẹ việc đồng áng.
Dù vất vả, thiệt thòi, Đạt vẫn học giỏi, chăm ngoan. Năm trước thi ĐH Dược thiếu nửa điểm, Đạt đỗ nguyện vọng 2 vào HV Ngân hàng. Nhưng học được một kỳ, cậu phải xin nghỉ bảo lưu vì đôi tai đau nhói, không thể tập trung nghe giảng.
Trước đó, những cơn đau ở mũi, tai đã dai dẳng cả chục năm, song chẳng có tiền đi viện khám nên Đạt cứ để liều. Khi không thể chịu đựng thêm nữa, em mới đến bác sĩ và biết mình bị hở vách ngăn mũi, đã biến chứng xuống tai. Màng nhĩ cả hai bên đều hỏng.
Hoàng Đạt vừa phẫu thuật cấy ghép màng nhĩ một bên tai. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Đạt không được cho tai tiếp xúc với nước, phải luôn bịt bông tai kín khi ra ngoài. Để chờ mổ, hàng tháng cậu phải ra bệnh viện ở trung tâm Hà Nội khám, lau rửa tai. Bác sĩ cho biết, em phải phẫu thuật mũi hoàn chỉnh rồi mới có thể phẫu thuật nuôi cấy màng nhĩ - một sự can thiệp khá phức tạp, đỏi hỏi công nghệ cao và tỷ lệ thành công không nhiều.
Đạt suy sụp. Một người anh trong làng khuyên nên thi ĐH Y, làm bác sĩ để có thể tự chữa hoặc ít nhất cũng biết cách chung sống với bệnh, Đạt nghe lời. Vừa ôn thi, cậu vừa chuẩn bị phuẫn thuật. Để có hơn 10 triệu đồng cho con mổ mũi, mẹ Đạt đã phải dành dụm và vay mượn thêm.
Khi các trường công bố điểm, xóm nhỏ vui mừng vì Đạt được 28 điểm vào ĐH Y Hà Nội (Toán 8,75, Sinh 9,25, Hóa 9,5) và 25,5 điểm ĐH Dược Hà Nội (đã tính 0,5 điểm ưu tiên khu vực). Với kết quả này, Đạt chắc chắn đỗ ngành Bác sĩ đa khoa của ĐH Y. Niềm vui vỡ òa nhưng nỗi buồn cũng ập đến vì tai em chưa hết đau, kinh tế gia đình lại khó khăn.
Quyết định chữa đôi tai để học tập, Đạt được mẹ đưa xuống Bệnh viện Việt Nam Cuba phẫu thuật. "Nhà chỉ có hai mẹ con, làm lụng vất vả với lương mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng, tôi mua sắm, chi tiêu cái gì cũng phân vân xem có cần thiết hay không vì còn dành chữa bệnh cho con. Đạt đỗ đại học, tôi sẽ cố gắng làm nhiều hơn, nếu cần thì vay thêm ngân hàng cho con học", bà Mai nói.
Ôm một bên tai mới phẫu thuật, Đạt không dám nói to vì sợ đau. Đạt cho biết lần này chỉ phẫu thuật một bên, nuôi cấy màng nhĩ, bên tai còn lại chờ đợt sau.
Cô Kim Anh, giáo viên ôn thi môn Sinh cho Đạt nhận xét, em là học sinh chăm ngoan, có ý thức tự học và tư duy tổng hợp kiến thức tốt. Khi vào học ôn, cô chưa biết hoàn cảnh của Đạt nên đã thu học phí một tháng. Khi được biết em sống cùng mẹ và kinh tế khó khăn, cô đã miễn học phí cho em.
"Dù vất vả nhưng Đạt có lòng tự trọng rất cao. Đợt vừa rồi đi mổ không có tiền, biết là đưa tiền thì em không lấy nên tôi phải nói khéo là em thi môn Sinh được điểm cao nên cô thưởng. Em giành được 9,25 điểm môn Sinh", cô Kim Anh nói.
Ông Nguyễn Văn Long, trưởng thôn Lỗ Khê cho biết, gia đình Đạt thuộc hộ cận nghèo. Đạt không có bố nên mẹ phải vất vả làm lụng nuôi con. Ở thôn, mọi người đều yêu quý Đạt bởi em ngoan ngoãn, chịu khó học tập. Ngoài ra, Đạt cũng tích cực tham gia phong trào Đoàn tại địa phương.
Hoàng Thủy
Người phụ nữ lấy chồng 'da cam'
Biết chồng nhiễm chất độc da cam, lại từng có một đời vợ, chị vẫn quyết làm vợ anh, lo vun vén cho gia đình và hai đứa con nhỏ. Hai đứa trẻ kháu khỉnh càng lớn càng có biểu hiện nhiễm chất độc từ người cha.
Thấy mẹ vừa đặt bình phun thuốc trừ sâu xuống sân, cô bé Anh Đào nhảy chân sáo đến khoe đang giúp bố nấu cơm. Từ trong căn nhà nhỏ, tiếng anh Hiếu vọng ra, nhắc con vào lấy đũa cả quấy cho gạo khỏi bén.
Gọi là nhà cho sang, thực ra đó là căn bếp nhỏ được sửa làm chỗ trú mưa nắng của vợ chồng chị Lê Thị Bảy ở xã Thọ Lộc (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cùng hai đứa con. Gian nhà vừa đủ kê chiếc giường, bàn để tivi. Một góc nhà được ốp vài viên gạch hoa để tạm chiếc bếp gas cùng nồi niêu, bát đũa.
Chiếc tivi hơn 2 triệu đồng là tài sản đáng giá nhất trong gian nhà, được mua từ tiền trợ cấp chất độc da cam của anh Lê Viết Hiếu. “Vẫn còn nợ một triệu đồng nhưng phải cố để cho hai đứa nhỏ không phải sang nhà hàng xóm xem phim nhờ”, người đàn ông 38 tuổi cho hay.
Ngồi ở mép giường, chị Bảy đưa tay vuốt những sợi tóc tơ của đứa con gái gầy guộc. Khuôn mặt người đàn bà ngót 40 tuổi sạm đi vì sương gió, chỉ có nụ cười tươi tắn. Nhắc đến nhân duyên của hai vợ chồng, nhiều người vẫn khen chị Bảy dũng cảm, bởi rất hiếm có con gái chưa chồng nào chấp nhận lấy người bị nhiễm chất độc da cam, lại có một đời vợ như anh Hiếu.
Chị Bảy chấp nhận lấy chồng da cam vì thương hoàn cảnh anh Hiếu. Ảnh: Hoàng Phương. |
Năm 2000, anh chị gặp nhau lần đầu do mai mối. Trước đó, Hiếu đã có vợ và một đứa con trai. Nhưng người vợ không chịu nổi cảnh khốn khó của một gia đình toàn người nhiễm chất độc da cam nên đòi ly hôn và bế con về quê ngoại. Thấy anh thui thủi một mình, người họ hàng thương tình, bảo lên xe đạp chở đi chơi rồi thẳng đến nhà chị ở bên Bắc Lương, cách Thọ Lộc một cánh đồng. Hoàn cảnh gia đình chị cũng khó khăn không kém, nhà đông anh em, chị Bảy là út không chịu lấy chồng mà có ý định ở vậy thờ phụng bố mẹ già.
Nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy anh Hiếu, chị tự ái đến ứa nước mắt. Còn anh lóng ngóng vì bất ngờ bị chở đến nhà chị. Anh Hiếu toan đứng dậy ra về nhưng chân yếu không bước đi nổi, đành ngồi lại uống nước. Sau lần ấy, họ có thêm vài lần gặp gỡ. Chị từ chỗ không ưng đến dần quý mến tính thật thà của anh. Anh Hiếu chân thành, nói hết hoàn cảnh của mình cho chị biết. Mưa dầm thấm lâu, nửa năm sau chị đồng ý về làm vợ anh.
Tâm sự về lý do quyết định gắn bó với người chồng da cam, chị bảo: “Lấy anh ấy vì quý mến sự thật thà, cũng vì thương hoàn cảnh nữa. Có lẽ mọi phụ nữ trên đời đều muốn được nhờ cậy chồng, nhưng là duyên số đưa đẩy rồi nên mình không tìm cách tránh”. Anh Hiếu tiếp lời vợ bảo lúc đầu chỉ lên chơi thôi. Vì anh luôn ý thức được số phận không ưu ái cho mình thì không có quyền đòi hỏi. Nhưng sau đó, thấy cô gái nhanh nhẹn, miệng lúc nào cũng cười tươi, anh dần có cảm tình và quyết định tiến tới.
Sau đám cưới là những tháng ngày vợ chồng vật lộn với cuộc sống áo cơm. Gia đình anh Hiếu thuộc vào diện nhiễm chất độc da cam nặng nhất xã. Bố anh là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên hơn 20 năm. Bốn anh em sinh ra đều nhiễm thứ chất độc quái ác ấy. Ngoài người em út mất sớm, người anh thứ lập gia đình ở trên thị trấn, còn lại Hiếu và anh trai đầu bị nặng nhất, chân tay teo tóp, sinh hoạt khó khăn.
Chị Bảy cùng chồng gánh vác công việc gia đình anh, chăm sóc cha chồng nằm liệt và người anh trai bị nhiễm chất da cam nặng. Hai vợ chồng ở trong gian buồng rộng hơn 2 m2, chỉ đủ kê chiếc giường và đặt cái bàn nho nhỏ uống nước. Mình chị chăm 6 sào ruộng, lúc nông nhàn thì đi làm thuê, đóng gạch, phụ hồ. Anh Hiếu ở nhà lo cơm nước, giặt giũ. Đi lại khó, nhiều lúc không đứng được, anh phải lê lết trên nền đất để làm việc nhà.
Ngày mang thai, chị Bảy ăn ngủ không yên, gầy sọp khi nghe hàng xóm xì xào, bảo cẩn thận sinh con ra cũng bị nhiễm da cam giống bố. Sinh xong, chị cố sức quay đầu nhìn con, thấy đứa trẻ lành lặn, lòng người mẹ như trút được gánh nặng. Nhưng nỗi lo ngày một đè nặng khi con trai Lê Viết Đức (sinh 2001) lớn lên, chân tay bé xíu, đau ốm liên miên. “Thời gian gần đây cháu liên tục kêu đau đầu. 12 tuổi chỉ nặng 18 kg trong khi những đứa trẻ khác cân nặng gấp đôi”, chị lo lắng nói. Con gái 9 tuổi Lê Thị Anh Đào cũng còi cọc như anh trai.
Nghe vợ nói, anh Hiếu ngồi bên im lặng cúi đầu. Hồi bằng tuổi Đức, chân tay anh cũng bị teo nhỏ dần, rồi đến ngày đôi chân không bước nổi. Đến lớp bị bạn bè trêu, anh ấm ức quẳng sách vào góc nhà không đi học nữa. Trước đó, Hiếu là đứa trẻ bụ bẫm, ai đến nhà chơi cũng đòi bế và khen sau này sẽ rất đẹp trai.
Điều lo lắng nhất của người mẹ là con cái bắt đầu có những biểu hiện bị nhiễm chất độc giống bố. Ảnh: Hoàng Phương. |
Hiện nay cứ trở trời là cơ thể anh lại đau nhức, đau quá thì đi nằm viện. Thấy chị cõng chồng lên phòng khám, đi vệ sinh, nhiều người trêu “bồng bồng cõng chồng đi chơi”. Nghe vậy, anh nổi tự ái, không cho vợ cõng nữa. Có hôm chị đi lấy thuốc về, bắt gặp anh ngồi khóc ở hành lang. Chị lại nhẹ nhàng khuyên chồng bởi chị hiểu tâm trí anh luôn đè nặng suy nghĩ không làm gì được để cho vợ con phải khổ. Chị tâm sự: “Bát đũa còn có lúc xô nhau, huống chi cuộc sống vợ chồng. Đôi lúc bất hòa nhưng chị chưa bao giờ hối hận vì lấy anh ấy”.
Nhưng số phận dường như lại đùa cợt với chị. Năm 2008, chị Bảy phát hiện mình bị viêm gan B. Những ngày nằm viện vắt kiệt sức lực lẫn kinh tế của cả gia đình. Anh Hiếu không lên viện chăm vợ được, chỉ quẩn quanh ở nhà với hai đứa con nhỏ. Nằm viện hơn hai tháng, chị xin về, tiếp tục đi làm. Từ đó đến nay chị cũng không lấy thuốc mà tìm cây thuốc trong vườn nhà uống để kìm hãm bệnh.
Tháng 6/2012, được địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng, chị vay mượn thêm 15 triệu sửa lại gian bếp cũ làm chỗ ở tạm. Cả gia đình chuyển từ căn buồng hơn 2 m2 xuống gian nhà. Hơn 12 năm nay, bốn người ngủ chung một chiếc giường. Hôm rồi, ba bố con anh Hiếu vừa trèo lên định đi ngủ thì giường sập. Chị Bảy vội chạy đến đỡ các con rồi cõng chồng ra ngoài. Những chiếc nan giường mục nát không thể sửa, chị chạy đi lấy búa, dao và những thanh luồng ghè lại để nằm tạm.
Lâu nay không đi làm thuê được, cả gia đình tằn tiện, nhờ cả vào số tiền trợ cấp chất độc da cam hơn một triệu đồng một tháng của chồng. Anh Hiếu học xong lớp sơ cấp sửa chữa điện dân dụng nhưng chưa có vốn để mở tiệm. "Việc quan trọng nhất bây giờ là đưa hai đứa bé đi giám định chất độc da cam. Nếu đúng bị thật thì đành chấp nhận, không thể tránh được”, người phụ nữ cười như mếu.
Ông Phạm Ngọc Thơm, trưởng thôn 2 xác nhận gia đình anh Hiếu là hộ bị chất độc da cam nặng nhất xã. Trước đây, chính quyền và nhân dân giúp đỡ, nhưng mới chỉ sửa sang lại gian nhà tạm để ở. "Thương nhất hai đứa con ngoan ngoãn, nhưng cũng bắt đầu có biểu hiện bị chất độc da cam giống bố”, ông Hiếu nói.
Hoàng Phương
Nghi vấn 2 ca nô bỏ mặc tàu chìm ở Cần Giờ
Nhiều người trên 2 chiếc canô đi phía sau tàu HP 29 cho biết họ có nhìn thấy con tàu này gặp nạn nhưng do thời tiết xấu nên không thể tiếp cận để cứu hộ.
Là một trong số những người sống sót sau 6 giờ vật lộn trên biển, anh Nguyễn Văn Cương cho biết, ngoài chiếc tàu H29 chở anh và đồng nghiệp, khi xuất bến ở Tiền Giang còn có 2 chiếc khác chở nhân viên về Vũng Tàu.
Khoảng 19h, khi tàu của anh Cương đến vùng biển Cồn Ngựa (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP HCM) đã bị một cơn sóng to đánh lật úp. Ngoài một phụ nữ bị kẹt trong khoang tàu, 29 người khác rơi xuống biển nhưng sau đó bơi ngược lại bám quanh xác con tàu. Cách đó khoảng 500 m có hai tàu khác đi ngang qua mà theo anh Cương có thể là những tàu đi cùng đoàn đi phía sau. "Mọi người kêu cứu rất to, thấy có dấu hiệu các tàu này dừng lại, mọi người rất mừng. Nhưng sau đó không hiểu sao họ đi tiếp về phía Vũng Tàu mà bỏ mặc chúng tôi", anh Cương nói.
Chiếc tàu 29H được tìm thấy tại vùng biển Cần Giờ. Ảnh: Duy Công. |
Tường trình với cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Hà Ngọc Phước, Giám đốc Nhà máy sản xuất ống thép dầu khí - PV PIPE cho biết ông có mặt trên một trong ba chiếc canô chở người đi dự đám cưới và có nhận được tin ca nô bị nạn. Theo ông Phước, khoảng 17h40 ngày 2/8, H29 xuất phát trước, hai canô còn lại đi sau khoảng một tiếng. Trên đường đi, đến khoảng 20h10, ông Phước có nhận một cuộc điện thoại từ số máy của anh Cương nhưng không nghe rõ, ông Phước liên lạc lại thì nhận được tin tàu bị nạn.
Ngay sau khi biết tin tai nạn, ông Phước đã báo tin cho những người có trách nhiệm của Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc, đồng thời liên lạc với ông Đinh Văn Quyết và ông Sơn (đều thuộc Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina) báo tin tai nạn để họ gọi cứu hộ. Hai người này xác nhận với ông Phước tàu cứu hộ đã rời Vũng Tàu và ông Sơn đi cùng tàu. Đến 21h34, ông Phước lại nhận được tin nhắn của anh Cương với nội dung "có chiếc ca nô thấy tụi em mà nó không ghé". Ông Phước có nhắn lại "tụi em thử coi đúng không", "tàu anh đi đang gặp nguy, tài công nói quay lại là sẽ bị chìm luôn, trấn an anh em bình tĩnh, tàu cứu hộ đang ra". Sau đó, anh Cương nhắn trả lời "OK".
Ngoài ra, tường trình của vị giám đốc này cũng cho nêu, "ngay khi biết được ca nô bị nạn lúc hơn 20h và nhận tin nhắn trên, ông Phước có yêu cầu lái tàu của mình quay đầu lại để cứu người nhưng người này không đồng ý". Sau đó, ca nô của ông Phước về đến Khu công nghiệp Đông Xuyên vào lúc hơn 23h cùng ngày.
Trên chiếc ca nô của ông Phước còn có ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc công ty Cổ phần Việt Sec - đơn vị đóng và bảo trì các con tàu trên.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, ông Đảo cho rằng "không nhìn thấy tàu bị nạn". Vị giám đốc này cho hay, buổi tối 2/8, ông chỉ "tình cờ đi kiểm tra tàu và nghe được thông báo tàu bị nạn từ ông Phước". Lúc xảy ra vụ việc thời tiết trên biển rất xấu. "Mưa gió bão bùng, trời tối om, trong lòng tôi cảm thấy rất lo lắng và bất an khi các tàu đi trong thời tiết thế này. Một lúc sau, tôi nhận được tin báo là con tàu rời Tiền Giang đầu tiên đã gặp nạn", ông Đảo nói.
Ông Đảo ngồi trên con tàu thứ 3 và cũng là con tàu đi cuối cùng nên "khi nhận được thông tin đã lập tức báo cho lãnh đạo biên phòng cấp cứu khẩn cấp". Ông này cũng cho rằng đã tiếp tục báo vào bờ, nhờ mọi người liên hệ với Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, đồng thời báo một số bạn bè thuê tàu, chuẩn bị phao bơi để ứng cứu.
"Vì là con tàu đi cuối cùng nên tôi đề nghị tất cả mọi người ở 2 con tàu đi sau chú ý tìm kiếm xung quanh xem có thấy tàu bị nạn không để ứng cứu, song không thấy. Đến 22h30 tàu của chúng tôi cập bến", ông Đảo nói và cho biết người lái con tàu bị nạn là một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm. "Có đầy đủ bằng cấp, nhưng có thể do thời tiết quá xấu nên đã không làm chủ được tình huống và có thể lạc đường", ông Đảo thông tin.
Người cầm lái con tàu đi thứ hai- anh Lê Văn Hiếu cho biết, nhận được tin nhắn báo tàu H29 gặp nạn từ ông Đảo nên đã chạy vài vòng tìm kiếm ca nô bị nạn và bảo mọi người cùng quan sát xung quanh. "Một lúc sau thì tôi thấy ca nô H29 nhưng do sóng to gió lớn, trời mưa và tối nên tôi không nhìn rõ ca nô này bị chìm hay chưa. Tôi đã cố tiếp cận nhưng không được. Do lúc này sóng gió lớn, rất nguy hiểm nên tôi phải vượt để cứu nguy cho tàu và mọi người... Khi vào tới bờ, tôi nghe nói mọi người đã gọi được cứu hộ nên yên tâm", anh Hiếu trả lời báo Thanh Niên.
Cảng vụ TP HCM, đơn vị trực tiếp điều vụ tai nạn này cho biết sẽ điều tra, triệu tập những người có liên quan để làm rõ.
Trung Sơn - Thi Hà
Theo Vnexpress