Tin Thế Giới

Một thanh niên bị tử hình gần 20 năm trước vì tội cưỡng hiếp, nhưng nay có phạm nhân khác thú nhận anh ta mới đích thị là kẻ phạm tội, nhưng tòa án không công nhận lời thú tội mới.

Nghi án nhầm tử tội gây xôn xao Trung Quốc

Một thanh niên bị tử hình gần 20 năm trước vì tội cưỡng hiếp, nhưng nay có phạm nhân khác thú nhận anh ta mới đích thị là kẻ phạm tội, nhưng tòa án không công nhận lời thú tội mới.

84bc6bca-63c3-46f7-a7c8-a47c355d3109-jpe
Zhang Huanzhi, mẹ của Nhiếp Thụ Bân, đấu tranh để vụ án của con trai mình được xem xét lại. Ảnh: CFP

Trong cơn mưa nặng hạt sáng 10/7, bà Trương Hoán Chi bước vào tòa án Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, để theo dõi phiên tòa xét xử Vương Thư Kim. Vương bị nghi ngờ có liên quan đến vụ cưỡng hiếp và sát hại một phụ nữ họ Kang vào tháng 4/1994.

Phiên tòa có liên quan đến bà Trương vì đứa con duy nhất của bà, Nhiếp Thụ Bân, bị tử hình vào năm 1995 khi mới 21 tuổi. Nhiếp chết vì chính cái tội mà Vương đang thừa nhận hôm nay.

'Tôi thực sự hy vọng sau đây vụ án của con tôi sẽ được xét xử lại và sự thật sẽ được làm sáng tỏ", bà Trương nói với Global Times và cho biết thêm rằng tòa không cho phép luật sư của bà tới dự phiên tòa.

Một thập kỷ sau khi Nhiếp bị tử hình, Vương, 46 tuổi, tự thú rằng ông đã bắt cóc, cưỡng hiếp và giết hại ba phụ nữ. Vương thừa nhận mình có tội nhưng các công tố viên bác bỏ lời nhận tội của ông. Công tố viên nói Vương không nói đúng các chi tiết trong vụ việc, ví dụ như thời gian hoặc quần áo của nạn nhân.

Trong phiên tòa tuần trước, 200 người dân và phóng viên ngồi chật kín khán phòng và bên ngoài hành lang. Người dùng mạng xã hội Trung Quốc mô tả đây là phiên tòa "kỳ cục nhất" của Trung Quốc và tranh cãi về hệ thống tư pháp của đất nước.

Đấu tranh cho công lý

Nhiếp bị cảnh sát bắt vào tháng 9/1994 ở Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc. Gia đình Nhiếp bất ngờ khi Nhiếp bị xử tử. Họ chỉ biết Nhiếp không còn sống khi người quản giáo nói rằng không cần gửi thêm đồ ăn vào nữa.

Bà Trương nói bà không bao giờ quên được cái nhìn cuối cùng của con trai trước khi bị kết án tử hình vào năm 1995. "Phòng xử án ở trên tầng hai, một số cảnh sát chặn tôi không cho đến gần nó. Tôi phải hét tên nó lên và nó nhìn tôi và gọi 'mẹ' trong nước mắt", bà nói.

Nhiếp Thụ Bân lúc còn sống. Ảnh: Baidu
Nhiếp Thụ Bân lúc còn sống. Ảnh: Baidu

Bà cho hay sau khi con trai chết, cứ mỗi khi rời việc đồng áng, bà lại đến tòa án tối cao Thạch Gia Trang. "Ngày nào cũng thế, họ bảo tôi đợi và bảo tôi hãy về đi. Tôi không muốn ai phải giải thích gì cả, tôi chỉ muốn vụ án được xem xét lại", bà Trương nói.

Sau khi con trai qua đời, cha của Nhiếp muốn tự sát bằng cách uống thuốc trừ sâu. Ông được cứu sống nhưng sức khỏe sa sút trầm trọng. "Bây giờ tôi già rồi, chồng tôi cũng ốm yếu. Gánh nặng và những trở ngại trên con đường đi tìm công lý làm tôi kiệt sức", bà nói.

"Nhưng tôi luôn tự nhủ tôi đã theo đuổi việc này nhiều năm và tôi sẽ không bao giờ dừng lại, trừ phi tôi chết". Gia đình bà muốn thuê thêm luật sư để đấu tranh nhưng chị gái của Nhiếp đã bị gây sức ép ở nơi làm việc khi cấp trên cảnh báo gia đình không nên theo đuổi vụ kiện nữa.

Sát thủ thú tội?

Trong phiên tòa đầu tiên năm 2007, Vương bị kết án tử hình vì tội hiếp dâm và sát hại ba phụ nữ từ năm 1994 đến 1995. Tuy nhiên, Vương kháng cáo vì tòa án không chấp nhận lời thú tội của ông từ năm 2005 rằng ông đã cưỡng hiếp và giết hại một phụ nữ khác, họ Kang, ở một ngôi làng gần Thạch Gia Trang tháng 8/1994.

Zhu Aiming, luật sư của Vương, nói rằng Vương không hề biết Nhiếp đã bị xử tử hình từ lâu trước khi ông tự thú. Trong lời tự thú, Vương kể rất rõ các chi tiết tại hiện trường, rất khớp với các chi tiết về vụ án của Nhiếp năm 1994, luật sư Zhu nói.

Lời thú tội này đặt ra câu hỏi rằng liệu Nhiếp có bị xét xử sai. Với bà Trương và luật sư, đây là điểm mấu chốt để lật lại vụ án. 

6 năm sau phiên tòa năm 2007, vụ việc của Vương được xét xử lại từ hôm 25/6, trong đó tòa án cho biết Vương kháng cáo để mong được nhận khoan hồng.

Trong cả hai ngày xét xử 25/6 và 10/7, các công tố viên nói rằng Vương không có tội, do sự khác biệt đáng kể giữa lời khai của ông và các sự kiện, ví dụ như nguyên nhân, thời gian vụ việc và chiều cao của nạn nhân. Hơn nữa, công tố viên nói rằng Vương không biết rằng người phụ nữ bị siết cổ bằng chiếc áo sơ mi, chi tiết mà theo họ là hung thủ thực sự sẽ biết.

Luật sư của Vương nói rằng ông hài lòng với phiên xét xử và tòa án cho phép ông bào chữa và cho ông xem lại vài trang hồ sơ vụ án của Nhiếp. Tuy nhiên, luật sư của gia đình Nhiếp nhiều năm nay không hề được xem hồ sơ này. 

Liu Bojin, một luật sư làm việc tại Bắc Kinh đại diện cho bà Trương, nói rằng tập hồ sơ, bao gồm lời khai của Nhiếp, là chứng cứ quan trọng để kháng cáo vì họ không thể thu thập thêm bằng chứng nào khác bởi vụ việc đã xảy ra nhiều năm trước. Tuy nhiên, bà Trương vẫn lo ngại rằng "tòa án chỉ thực hiện đúng thủ tục chứ không xét xử đúng người".

Vụ án nhận được sự quan tâm rất lớn trong những ngày gần đây. Hồi tháng 3, tạp chí Caixin trích nguồn tin không nêu tên của Tòa án Tối cao Trung Quốc nói rằng có thể tòa án Hà Bắc nên xem xét lại vụ án của Nhiếp vì nó đang trở thành tâm điểm trong việc đánh giá độ tin cậy của ngành tư pháp Trung Quốc.

Ngành tư pháp cũng lưu ý về trường hợp trên. Zhong Qiang, chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc, hôm 4/7 phát biểu nếu một phán quyết không chính xác thì cần phải được sửa chữa vì nó phản ánh độ tin cậy của pháp luật.

"Bản án có sai sót là điều không thể tránh khỏi, nhưng tôi phiền lòng hơn vì cách mà họ sửa chữa sai lầm", Zhang Sizhi, một luật sư khác của gia đình Nhiếp nói. Các luật sư của gia đình cho biết một nguồn tin trong tòa án Hà Bắc nói rằng vụ án của Nhiếp có thể sẽ sớm được đưa ra xử lại vì sức ép từ dư luận. Trong khi đó các tòa án có liên quan đến việc xét xử Nhiếp và Trương đều từ chối trả lời phỏng vấn.

Vũ Hà

Giẫm đạp vì đấm bốc ở Indonesia, 18 người chết

Ít nhất 18 người vừa thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại sân vận động ở Indonesia, khi khán giả gây bạo loạn vì một vận động viên đấm bốc thua trận. 

Relatives mourn around the bodies of Yanus Manibui and his wife Anance Woyaa who were victims in a stampede at Kota Lama Sport Stadium after spectators rioted to protest a local boxer's loss in Nabire, Papua province, Indonesia, Monday, July 15, 2013.
Người thân khóc quanh thi thể hai vợ chồng Yanus Manibui và Anance Woyaa, nạn nhân vụ giẫm đạp trong sân vận động thể thao Kota Lama ở Indonesia hôm 15/7. Ảnh: AP

Các nạn nhân, hầu hết là phụ nữ, bị giẫm đạp đến chết khi khoảng 1.500 người trên khán đài ùa ra khỏi sân vận động để thoát khỏi vụ bạo loạn, nổ ra vào khoảng nửa đêm qua, Sumerta Jaya, phát ngôn viên cảnh sát ở tỉnh Papua, miền đông Indonesia cho biết. 

Theo AP, sân vận động Thể thao Kota Lama ở thị trấn Nabire chỉ có hai lối thoát còn dùng được. 

Trong trận đấu đếm qua, điểm số do một các giám khảo đưa ra tối qua đã quyết định người vô địch đấm bốc trong giải Bupati Cup, hay Regent Cup. Những người ủng hộ vận động viên đấm bốc thua cuộc đã ném ghế vào ban giám khảo còn những cổ động viên của người thắng cuộc đáp lại bằng cách ném chai lọ và ghế gãy, gây hoảng loạn cho người xem tại sân vận động, Jaya nói. 

Ông cho biết trong số người thiệt mạng có 12 nữ, và hơn 40 khán giả khác bị thương, hiện đã nhập viện. Cảnh sát và binh sĩ đã được triển khai để chấm dứt vụ ẩu đả.

Nabire, cách Jakarta khoảng 3.200 km, nằm ở vịnh Cendrawasih, bờ biển phía bắc của Papua. 

xNabire-pagespeed-ic-izvR3Dhu-T-13738735
Cảnh sát Indonesia gác ngoài sân vận động nơi xảy ra tai nạn. Ảnh: AP

Trọng Giáp

Snowden - bóng ma trong sân bay

Hàng chục phóng viên, lỉnh kỉnh với micro và máy quay, mệt mỏi vì những ngày dài chầu chực ở sân bay để rình Snowden, bỗng trở nên nhốn nháo. Họ xúm lại, chỉ là để giáp mặt những người sẽ đi gặp anh ta ở một nơi bí mật.

Hàng chục phóng viên đang cố gắng lấy tin tức về Snowden từ một người đàn ông ở sân bay  Sheremetyevo, Moscow.
Hàng chục phóng viên đang cố gắng lấy tin tức về Snowden từ nhóm các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư ở sân bay Sheremetyevo, Moscow. Ảnh: FP

Trong sân bay, một người phụ nữ tóc vàng nhỏ nhắn hỏi phóng viên của Foreign Policy đầy thảng thốt: "Chuyện gì đang xảy ra thế, anh có biết không?", cô chỉ vào đám đông gồm vài chục phóng viên đang tay xách nách mang micro, máy quay phim, thang nhôm, và la ló cảnh sát. Họ đang tụ tập cạnh một bức tường ở nhà ga F của sân bay quốc tế Sheremetyevo, Moscow.

Sau ba tuần ẩn náu trong khu vực quá cảnh sân bay này, Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo bị Mỹ truy nã với cáo buộc gián điệp, đã mời một nhóm gồm các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư đến thảo luận về khả năng tị nạn chính trị ở Nga. Vào thời điểm các phóng viên nhốn nháo, các nhà hoạt động được mời đã đi qua một cửa ở phía bên kia của đám đông, 

Người phụ nữ trên không biết Snowden là ai hay tại sao sao anh ta lại sống ở khu vực quá cảnh của sân bay ba tuần nay. "Hoàn toàn điên rồ", cô lẩm bẩm. Đúng là điên rồ.

Các phóng viên bủa vây là một nhóm các nhà hoạt động, những người sắp bước vào cuộc trao đổi với Snowden. "Cô nghĩ anh ta sẽ nói gì?", một phóng viên hỏi Tatyana Lokshina, thuộc văn phòng tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Moscow.

"Tôi không biết. Tôi không phải là thầy bói", Lokshina đáp.

Lokshina có vẻ mệt mỏi. Cô đã trả lời mãi một câu hỏi cả ngày không ngừng nghỉ, trên cả hai điện thoại di động, trước ống kính camera và vào các micro lông lá đang thi nhau chĩa vào mặt cô. 

Các phóng viên đã săn đuổi bóng ma của Snowden nhiều ngày nay xung quanh sân bay. Một số người chôn chân bên ngoài Burger King, ngắm mọi người ra vào mua bánh mỳ kẹp thịt. Những người khác lo xa hơn còn mua sẵn vé máy bay sang Cuba, với hy vọng phỏng vấn được Snowden trên máy bay. 

Và cuối cùng, hôm 12/7, thời cơ cũng đã đến. Snowden gửi mail đến những người bảo vệ nhân quyền Nga, các luật sư và thậm chí phó chủ tịch Hạ viện. Chưa rõ ai là người cung cấp danh sách này cho anh ta. Địa chỉ email mà Snowden sử dụng, cũng như nội dung của bức thư, đã được công bố ngay sau đó và đăng lại trên Facebook. Hàng chục phóng viên đã cố gắng để có được câu trả lời từ Snowden nhưng anh vẫn chưa sẵn sàng để gặp họ.

Ít phút trước cuộc gặp dự kiến diễn ra vào lúc 17h, một người đàn ông mặc áo khoác xanh sẫm xuất hiện. Ông lặng lẽ đưa lên một mảnh giấy có chữ "G-9" đầy bí ẩn. "G-9" dường như không phải là chữ viết tắt của thứ gì. Đó là một mã số nhằm báo hiệu cho những người được mời. 

Các nhà hoạt động và các luật sư được chọn để gặp Snowden cùng đi theo người đàn ông này, giống như một nhóm khách du lịch hoặc trẻ mẫu giáo, hiên ngang chen vào giữa đám đông phóng viên để đi. Cảnh tượng như trong phim.

Sau ít phút, sân bay trở lại ồn ã như thường, tiếp tục công việc kinh doanh thường ngày. Các hành khách đi qua đám đông phóng viên mồ hôi nhễ nhại, đang kiên nhẫn chờ đợi những vị khách mời của Snowden quay ra để hỏi xem anh ta đã nói gì. Cuối cùng thì họ cũng trở lại.

"Snowden trông xanh xao và lo lắng về sự an toàn của bản thân", Sergei Nikitin, giám đốc văn phòng tại Moscow của tổ chức Ân xá Quốc tế nói. "Anh ta không muốn chúng tôi chụp ảnh. Nhưng tôi không cho rằng anh ta đang bị tình báo Nga gây áp lực". 

Một số phóng viên đã quyết định ở lại sân bay cho đến 1 giờ sáng, hy vọng Snowden sẽ trả lời các email và gặp họ ở một góc nào đó yên tĩnh trong sân bay. 

Không rõ anh ta dự định ở sân bay đến bao giờ, nhưng như ông Nikitin nhận xét, thì Snowden "không thấy phiền với tiếng loa oang oang ở sân bay. Đến giờ, anh hẳn đã phải quen với thứ âm thanh đó rồi".

Anh Ngọc (theo FP)

Theo Vnexpress