Sự thực về linh mục bị chặt đầu ở Syria. Một linh mục Công giáo đã bị bắn chết ở miền bắc Syria, chứ không phải như nhiều thông tin cho biết ông là nạn nhân của một vụ chặt đầu trong đoạn video trên YouTube - Telegraph ngày 1.7 đưa tin.
Sự thực về việc một Linh mục bị chặt đầu ở Syria
Một linh mục Công giáo đã bị bắn chết ở miền bắc Syria, chứ không phải như nhiều thông tin cho biết ông là nạn nhân của một vụ chặt đầu trong đoạn video trên YouTube - Telegraph ngày 1.7 đưa tin.
"Cha Murad đã chết khi bị bắn trong nhà thờ ở làng Ghassaniyeh, phía bắc Syria hôm 23.6" - 3 nguồn tin khác nhau đã nói với tờ Telegraph. Trước đó, thông tin Cha Murad là một trong hai người bị chặt đầu đã gây nên làn sóng phẫn nộ trên các blog và báo chí khắp thế giới.
Đoạn clip trên YouTube cho thấy cảnh 3 người đàn ông quỳ gối trên mặt đất, bao quanh là một nhóm chiến binh thánh chiến nước ngoài, được cho là phiến quân Chechnya. Đám đông điên cuồng gào thét, trong khi một số người hành quyết hai tù nhân.
Tuy nhiên, đoạn clip quá mờ để có thể xác định danh tính của Cha Francois. Trong khi tiêu đề của video nói về vụ giết hại một linh mục và giám mục, không có ai trong số những người có mặt trong đoạn video thực sự nhắc đến bất kỳ hành động nào như vậy.
Cha Pizzaballa, cùng nhà thờ với Cha Francois cho tờ La Republica của Italia biết, không có linh mục nào là nạn nhân trong đoạn video. "Không có linh mục nào chết theo cách này. Tất cả linh mục ở nhà thờ chúng tôi đều còn sống. Đọc những thông tin trên truyền thông, tôi cho rằng họ đã lẫn lộn các sự kiện" - ông nói.
Peter Bouckaert, người đứng đầu tổ chức Quan sát nhân quyền cho biết sự nhầm lẫn có thể phát sinh do thời điểm xuất hiện đoạn video trùng với thời gian xuất hiện thông tin Cha Francois bị giết. Yasser, một nhà hoạt động Syria, người đã nghiên cứu kỹ đoạn clip nói rằng vụ việc diễn ra vài tháng trước khi linh mục chết. Một số nguồn tin khác ở Syria cũng xác nhận thông tin này.
Trong khi đó, hãng tin của Vatican khẳng định rằng Cha Francois đã bị giết hôm 23.6 nhưng cho biết "nguyên nhân cái chết chưa được điều tra đầy đủ".
Máy bay gặp nạn ở Mỹ đã bay quá thấp?
Giám đốc điều hành hãng hàng không Asiana Yoon Young-Doo hôm nay cho hay chiếc máy bay Boeing 777 của hãng gặp nạn ở San Francisco khi hạ cánh xuống đường băng chỉ mới được đưa vào sử dụng 7 năm và không hề có trục trặc máy móc nào.
Chiếc máy bay gặp nạn cháy, bốc khói mù mịt. Ảnh: Internet |
Tại buổi họp báo, ông Yoon Young-Doo nói: “Chúng tôi đã mua chiếc máy bay này vào tháng 3/2006… Chúng tôi tin rằng máy bay không có trục trặc nào ở động cơ hay hay các bộ phận cơ khí khác”.
Ông Yoon nói phi hành đoàn đã tiến hành thông báo trong chuyến bay như thường lệ, “yêu cầu hành khách thắt dây an toàn để hạ cánh”. Ông cũng nói thêm “không có báo động khẩn cấp nào” được đưa ra.
Ngoài ra, trong hai phi công điều khiển chiếc máy bay, một người đã có kinh nghiệm hơn 10.000 giờ bay và người còn lại có kinh nghiệm hơn 9.000 giờ bay. “Các phi công của chúng tôi đã tuân thủ chặt chẽ các quy tắc hàng không”, ông Yoon nói.
Tuy nhiên, theo hành khách của chuyến bay số 214 thì vào thời điểm tiến vào sân bay quốc tế San Francisco, chiếc máy bay này đã bay rất thấp. Hành khách Benjamin Levy ngồi ở ghế 30K cho hay lúc nhìn qua cửa sổ, ông có thể thấy Vịnh San Francisco chỉ cách khoảng 3m ở bên dưới. Ông nói: "Tôi chẳng thấy đường băng nào cả. Toàn nước là nước ở bên dưới".
Tại buổi họp báo trên, ông Yoon đã cúi đầu trước ống kính camera và gửi lời xin lỗi tới các nạn nhân và gia đình của họ. Ông nói: “Mong hãy chấp nhận lời xin lỗi chân thành nhất của tôi. Chúng tôi sẽ làm hết khả năng để giải quyết hậu quả thảm kịch này”.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cũng đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân và người thân của họ. Người phát ngôn của bà cho biết “tất cả các bộ phận liên quan của chính phủ sẽ tham gia lực lượng hỗ trợ nhằm cung cấp tất cả sự trợ giúp và tài nguyên cần thiết để ứng phó với thảm kịch”.
Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho biết một nhóm khoảng 20 người Hàn Quốc bao gồm các quan chức chính phủ và thành viên của hãng hàng không Asiana đã bay đến San Francisco trên một chuyến bay đặc biệt.
Theo Bộ này, đuôi của chiếc máy bay đã va vào đường băng và cả chiếc máy bay đã đổi hướng về bên trái, lao ra khỏi đường băng.
Tổng cộng vụ tai nạn đã khiến 181 người bị thương.Hai hành khách ngồi ở phần đuôi của máy bay đã thiệt mạng mang quốc tịch Trung Quốc, sinh năm 1996 và 1997.
Người thân của các nạn nhân đã vây quanh trụ sở của hãng hàng không Asiana tại Seoul để tìm kiếm thông tin về vụ tai nạn cũng như tình trạng và nơi ở hiện tại của các nạn nhân.
Chiếc máy bay gặp nạn cất cánh ở thành phố Thượng Hải, đón khách ở Hàn Quốc trước khi hướng đến San Francisco. Trên chiếc máy bay có 16 thành viên phi hành đoàn cùng 291 hành khách gồm 141 người Trung Quốc, 77 người Hàn Quốc, 61 người Mỹ, 1 người Nhật Bản, 3 người Ấn Độ, 3 người Canada, 1 người Pháp, 1 người Việt Nam, 3 người khác chưa xác định được quốc tịch.
A.M (Theo ASI/AFP/CNN)
Tàu chở dầu phát nổ, nhấn chìm thị trấn trong biển lửa
Tàu chở dầu phát nổ, nhấn chìm thị trấn trong biển lửa. Thảm họa được ví như vụ nổ bom nguyên tử, nhấn chìm cả một thị trấn trong biển lửa khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và 60 người khác mất tích ở Quebec, Canada.
Thảm họa được ví như vụ nổ bom nguyên tử, nhấn chìm cả một thị trấn trong biển lửa khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và 60 người khác mất tích ở Quebec, Canada.
Theo RT, 4 toa tàu chở dầu bị trật bánh và phát nổ gây ra đám cháy với ngọn lửa bốc cao tới cả trăm mét. Khoảng 30 tòa nhà bị phá hủy và 1.000 người phải bỏ nhà cửa tháo chạy khỏi thảm họa kinh hoàng vừa xảy ra thị trấn Lac-Megantic, tỉnh Quebec, Canada hôm qua. Ít nhất một người đã thiệt mạng.
|
|
Đám khói đen cuộn lên mù mịt từ hiện trường vụ nổ. |
“Thật khủng khiếp. Chúng tôi chưa từng gặp thảm họa nào tồi tệ như thế”- ông Claude Bedard, người dân thị trấn Lac-Megantic thuộc tỉnh Quebec, nơi xảy ra vụ cháy nổ 4 toa tàu chở dầu thảm khốc - chia sẻ.
Trong khi đó, một chủ nhà hàng địa phương nhấn mạnh, vụ nổ được mô tả “giống như vụ nổ bom nguyên tử”. Các nhân chứng khác nhấn mạnh, họ nghe thấy ít nhất 5 vụ nổ lớn. Ngọn lửa lan rộng tới các hộ gia đình khiến người dân phải bỏ nhà cửa sơ tán ngay trong đêm. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường vụ nổ trong vòng bán kính 1km.
|
|
Cứu hỏa tại hiện trường vụ nổ mù mịt khói. |
Phát biểu tại cuộc họp báo, Cảnh sát trưởng tỉnh Quebec Michel Brunet hôm qua tuyên bố, vẫn còn quá sớm để chốt số lượng thương vong.
“Tôi chưa thể nói gì về số lượng thương vong... Nhiều người không trả lời điện thoại khi chúng tôi gọi đến; nhưng cũng có thể họ ra ngoài thị trấn hoặc đang đi du lịch”- ông Michel Brunet nhấn mạnh.
Hiện cứu hỏa Canada đang tập trung dập tắt đám cháy nổ, dọn dẹp hiện trường và cảnh sát đang tích cực điều tra tìm nguyên nhân gây ra vụ nổ.
Theo Kiến Thức
Cuộc lật đổ chấn động thế giới Ả rập |
Phản ứng của các nước Trung Đông đối với cuộc lật đổ Chính phủ ở Ai Cập vừa qua đã phản ánh những quan điểm khác nhau về vai trò của tổ chức Anh em Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ lên án cuộc đảo chính, trong khi đó một số nước như Israel, các quốc gia Vùng Vịnh, chính quyền Syria…lại tỏ ra vui mừng trước sự kiện đã thổi bay chính quyền Hồi giáo mà cách đây vài tháng còn nắm đầy quyền lực trong tay.
|
Ngay cả sau khi Tổng thống bị lật đổ,
tình hình Ai Cập cũng không mấy lắng dịu
Bất ổn sẽ tiếp diễn thời hậu - Morsi
Nhiều Chính phủ trong khu vực vốn lo ngại sự trỗi dậy của tổ chức Anh em Hồi giáo cũng hài lòng khi chứng kiến quân đội lại một lần nữa nắm quyền lực ở Ai Cập. Họ tin rằng, quân đội Ai Cập sẽ là lực lượng chủ chốt duy trì trật tự, sự ổn định của Ai Cập và giữ tình hình ở mức có thể dự đoán trước. Tuy nhiên, quân đội Ai Cập không hành động đơn độc mà được "khởi động” bằng hàng loạt các cuộc biểu tình rầm rộ - cơ hội để các nhóm cực đoan đơn lẻ, có điểm chung là phản đối chính quyền Morsi, tập hợp. Bài học mà quốc tế thấy được từ câu chuyện này là các cuộc biểu tình vẫn còn uy lực của nó.
Trong khi tương lai của Ai Cập vẫn còn quá biến động để có thể trở thành một hình mẫu cho nhiều quốc gia Trung Đông khác noi theo, làn sóng biểu tình trên đường phố gần đây chắc chắn sẽ trở thành "cảm hứng” cho các phong trào biểu tình đâu đó trong thế giới Ả rập. Nhưng một khi những người biểu tình hoài nghi về vai trò của quân đội, chính phủ các nước đã từng cổ vũ cho sự kiện vừa qua ở Ai Cập có thể sẽ phải hối tiếc.
Chính sách đối ngoại của Ai Cập không thay đổi nhiều dưới thời cầm quyền của tổ chức Anh em Hồi giáo, bởi vậy khó có thể thay đổi các chính sách này dưới một Chính phủ lâm thời còn đang lỏng lẻo về quyền lực. Ngay cả sau các vòng bầu cử, viễn cảnh về một chính phủ liên minh cũng chỉ cho thấy một chính thể nhiều bè phái, tập trung chủ yếu vào chuyện nội bộ chứ không thể thay đổi được chính sách đối ngoại.
Sự kiện vị Tổng thống đầu tiên đắc cử từ một tổ chức Anh em Hồi giáo vừa bị lật đổ đã khiến toàn thế giới Ả rập chấn động, bởi đây là tổ chức tồn tại dưới nhiều hình thức ở hầu hết các nước Ả rập.
Trong nhiều năm, các nhánh của Anh em Hồi giáo được đánh giá là một trong những phong trào Hồi giáo đối lập được tổ chức quy củ nhất ở nhiều quốc gia Ả rập. Sau "Mùa xuân Ả rập”, các đảng phái phối hợp với tổ chức Anh em Hồi giáo đã tạo nên các nhóm chính trị thành công nhất trong các cuộc bầu cử ở Ai Cập và Tunisia. Họ cũng đóng vai trò lớn trong việc châm ngòi cho các cuộc nổi dậy ở Yemen và Syria. Bên cạnh đó phải kể tới phong trào Hamas - một nhánh của Anh em Hồi giáo đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ở Palestine năm 2006.
Quốc gia duy nhất mà Anh em Hồi giáo còn có thể duy trì quyền lực sau nhiều năm qua là Thổ Nhĩ Kỳ, bởi đảng cầm quyền Công lý và Phát triển có liên hệ với tổ chức này. Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ trong những tuần gần đây cũng phải đối mặt với các cuộc biểu tình, sau khi phe đối lập buộc tội Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan theo tư tưởng áp đặt, chủ chương theo ý kiến số đông và "Hồi giáo hóa đất nước”.
Vì sao ông Morsi mất uy tín?
Cựu Tổng thống Mohammed Morsi cùng những người ủng hộ ông, với hệ tư tưởng được tạo dựng bằng nhiều năm biểu tình chế độ độc tài cũng nhận thức được rằng, họ đang phải đối mặt với sự phản đối trong khu vực. Tuy nhiên, chính quyền Morsi hy vọng rằng một khi không khiêu khích phương Tây, họ sẽ còn tại vị trong văn phòng của mình. Bởi vậy, chính quyền Morsi tập trung vào việc củng cố quyền lực trong nước mà không củng cố được tầm ảnh hưởng của Anh em Hồi giáo trong khu vực. Họ cũng có một số thành tựu đáng chú ý hồi năm ngoái, khi chính quyền Morsi đứng ra làm trung gian hòa giải đề xuất một lệnh ngừng bắn cho cuộc xung đột giữa Israel và các lực lượng quân sự ở Dải Gaza; năm đó Anh em Hồi giáo cũng thể hiện sự cởi mở của mình đối với các khoản đầu tư của phương Tây.
Tuy nhiên, phe đối lập cáo buộc rằng, ông Morsi đã không đại diện cho lợi ích của đại đa số dân chúng mà chỉ là của một bộ phận. Trong số nhiều thất bại trong điều hành đất nước của ông Morsi, có hai điều thất bại đáng chú ý nhất trên bình diện chính trị và kinh tế. Trên bình diện chính trị, ông Morsi đã thất bại trong tư cách là "Tổng thống của tất cả người Ai Cập”, tức là ông chỉ tạo ra hình ảnh là "Tổng thống của phe huynh đệ Hồi giáo”. Nói cách khác, ông Morsi đã không đủ tầm cỡ để dung hòa các phe phái chính trị.
Chính quyền Morsi cũng thường xuyên mắc lỗi khi cố gắng hạ thấp uy tín của các tổ chức chính trị đối lập trong nước, khiến cộng đồng nhìn nhận họ như một tổ chức được phương Tây bảo trợ. Vào thời điểm cần phải xoa dịu phe đối lập, khi phong trào biểu tình đang trở nên rầm rộ ở Ai Cập thì họ tiếp tục hạ uy tín phe đối lập, nói rằng phong trào biểu tình được hậu thuẫn của Ahmed Shafiq - một Bộ trưởng dưới thời Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak, hiện đang sống ở Vùng Vịnh.
Hình ảnh Tổng thống Morsi ngay trước "Thời khắc cuối cùng”,
trước khi bị quân đội phế truất
Thế giới Ả rập nói gì?
Dù tuyên bố trên có đúng hay không thì trên thực tế, nhiều quốc gia ở Vùng Vịnh cũng muốn hạ bệ "thương hiệu” Anh em Hồi giáo trong thế giới Ả rập. Ngoại trưởng của Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nayhan - là một trong những vị quan chức đầu tiên lên tiếng ca ngợi Ai Cập sau khi quân đội nước này tuyên bố thay thế Tổng thống. Sự kiện diễn ra chỉ 2 ngày sau khi UAE tuyên án đối với 68 kẻ có âm mưu lật đổ chính phủ, mà theo họ có liên hệ với tổ chức Anh em Hồi giáo.
Sự kiện ở Ai Cập lại đặt Qatar ở thế "tiến thoái lưỡng nan”, bởi quốc gia này luôn nhanh nhạy trong việc ủng hộ các phong trào biểu tình ở thế giới Ả rập, tuy nhiên lại có mối quan hệ mật thiết với đảng cầm quyền Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và Tunisia. Giờ đây, Qatar có thể sẽ tìm kiếm một liên minh khác cho mình Ai Cập, như Đảng Salafist hay các nhóm cánh tả và tự do. Bằng chứng là Qatar sau đó cũng hoan nghênh việc bầu cử Tổng thống mới ở Ai Cập, tuy không nhanh bằng UAE và Kuwait.
Về phần mình, Israel không đưa ra bất cứ bình luận nào về việc chính quyền Morsi bị lật đổ, bởi họ lo ngại rằng, trong một khu vực vốn đầy rẫy các âm mưu lật đổ, họ sẽ bị chỉ trích và buộc tội. Trên thực tế, Israel cũng cho thấy nhiều ý kiến trái chiều: Israel xem Anh em Hồi giáo như một mối đe dọa an ninh nhưng vẫn tiếp tục hợp tác với chính quyền Ai Cập trong vấn đề an ninh biên giới. Hiện Israel có lý do để lo ngại rằng, bất ổn chính trị ở Ai Cập có thể khiến quân đội nước này xao lãng việc đảm bảo an ninh ở khu vực đầy bất ổn Sinai, gần biên giới Israel.
Mỹ cũng đưa ra các thông điệp nhiều chiều: Washington không muốn kêu gọi lật đổ một chính quyền dân cử mới chỉ cầm quyền được 1 năm, mặc dù đã đưa ra cảnh báo với chính quyền Morsi nên lắng nghe người dân. Tuy nhiên, sau đó Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi lật đổ chính quyền Morsi, mặc dù ai cũng biết rằng việc thay thế Tổng thống và đình chỉ Hiến pháp nhờ sức mạnh quân đội là hành động đảo chính. Mỹ lập tức che đậy hành động của mình bằng một tuyên bố mang tính chính trị: Washington muốn duy trì lực đòn bẩy với quân đội Ai Cập, và nếu họ tự coi hành động của mình là đảo chính, sẽ lập tức mất đi khoản viện trợ cho quân đội trị giá khoảng 1,2 tỉ USD mỗi năm.
Trong khi đó, Tổng thống Syria, Bashar al-Assad cũng tỏ ra hài lòng với cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Morsi, bởi nhóm Anh em Hồi giáo ở Syria đóng góp một lực lượng không nhỏ đối đầu với chính quyền Syria trong cuộc nội chiến ở nước này.
Giới phê bình của Anh em Hồi giáo thì nhìn nhận sự kiện - cùng với chuyển tiếp chính trị ở Qatar và cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ như sự kết thúc kỷ nguyên của người Hồi giáo. Về phần mình, Anh em Hồi giáo chỉ coi đây là một sự hoán vị tạm thời, cũng giống như Thổ Nhĩ Kỷ từng phải đối mặt với đảo chính trước kia.
Khánh Duy (tổng thuật)
|