Tin Thế Giới

Quảng trường Tahrir ở thủ đô của Ai Cập không chỉ là nơi những người biểu tình tụ tập chống ông Mohamed Morsi, mà còn là hiện trường của những vụ tấn công tình dục nhằm vào gần 100 phụ nữ trong suốt những ngày qua.

Gần 100 phụ nữ bị tấn công tình dục giữa Cairo

Quảng trường Tahrir ở thủ đô của Ai Cập không chỉ là nơi những người biểu tình tụ tập chống ông Mohamed Morsi, mà còn là hiện trường của những vụ tấn công tình dục nhằm vào gần 100 phụ nữ trong suốt những ngày qua.

1372845845275-cached-1372907419_500x0.jp
Những phụ nữ Ai Cập hô khẩu hiệu khi biểu tình ngoài Dinh tổng thống hôm 2/7. Ảnh: AP

Những người trong đám đông đã tấn công tình dục ít nhất 91 phụ nữ tại quảng trường Tahrir mà không bị trừng phạt, Aljazeera dẫn lời Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm qua cho biết.

Vào tối 28/6, một nữ phóng viên người Hà Lan cũng bị 5 người đàn ông Ai Cập hiếp dâm tập thể ở quảng trường này khi hàng triệu người đổ ra đường đòi lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi. Cô được cho là đã trải qua ca mổ vì những vết thương nghiêm trọng trong vụ tấn công. 

Quấy rối tình dục từ lâu đã trở nên phổ biến ở Ai Cập, nhưng sự gia tăng và mức độ dã man của nó đã làm chấn động phong trào biểu tình. Nhiều phụ nữ cũng trở thành nạn nhân của những vụ tấn công tập thể ở chính quảng trường này trong cuộc cách mạng năm 2011. 

Một số cho rằng những vụ tấn công do những tên côn đồ thực hiện, lợi dụng lỗ hổng an ninh và tự tin rằng có thể thoát việc bị kết án. Số khác lại nói những vụ tấn công nhằm xua đuổi phụ nữ tham gia biểu tình và gây vết nhơ đối với hình ảnh cuộc biểu tình chống chính phủ. 

"Những cuộc tấn công tình dục lan tràn trong suốt các vụ biểu tình ở Quảng trường Tahrir cho thấy sự thất bại của chính phủ, tất cả đảng phái chính trị trong việc đối mặt với tình trạng bạo lực mà phụ nữ ở Ai Cập phải trải qua hàng ngày ở nơi công cộng", phó chủ tịch Trung Đông của HRW nói và kêu gọi chính phủ Ai Cập có những biện pháp ngay lập tức.

Trong cuộc đảo chính quân đội hôm qua, ông Mohammed Morsi đã bị phế truất khỏi vị trí tổng thống và có thể đang bị giam tại một địa điểm của quân đội.

Trọng Giáp

Quân đội Ai Cập lật đổ tổng thống

Ông Mohamed Morsi hôm qua bị quân đội Ai Cập phế truất, sau một tuần đụng độ đẫm máu với hàng triệu người đổ ra đường yêu cầu chấm dứt một năm lãnh đạo hỗn loạn của ông.

abdelfatah-al-sissi-1372897399_500x0.jpg
Tướng Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố về việc phế truất tổng thống Morsi trên truyền hình. Ảnh:AFP

Tuyên bố về việc lật đổ ông Morsi được đưa ra trên kênh truyền hình quốc gia bởi Bộ trưởng Quốc phòng, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi.

Ông Sisi đã vạch ra chi tiết lộ trình chuyển đổi chính trị, tuyên bố đình chỉ Hiến pháp hiện có và sẽ tổ chức bầu cử tổng thống sớm. Lực lượng vũ trang sẽ "tách xa chính trị", ông nhấn mạnh.

Tướng Sisi cũng khẳng định rằng lực lượng vũ trang Ai Cập đã không thể khoanh tay đứng nhìn và bỏ ngoài tai lời kêu gọi của người dân nước này. Sisi cũng nói về lộ trình cho tương lai, trong đó khẳng định người đứng đầu Tòa án Hiến pháp Tối cao, Adli Mansour sẽ được giao nhiệm vụ điều hành các vấn đề của đất nước trong giai đoạn chuyển giao cho tới khi có một cuộc bầu cử tổng thống mới. Chánh án Tòa án Hiến pháp Adly al-Mansour dự định tuyên thệ trong hôm nay.

Không lâu sau bài phát biểu của tướng Sisi, cả giáo chủ Tawadros II - người đứng đầu giáo hội chính thống giáo Coptic ở Ai Cập - và người lãnh đạo phe đối lập, ông Mohammed El Baradei đã có những phát biểu ngắn trên truyền hình về lộ trình mới cho tương lai của quốc gia Bắc Phi. 

Ông El Baradei cho rằng lộ trình được đề ra nhằm hòa giải dân tộc và mang lại một khởi đầu mới cho cuộc cách mạng hồi tháng 1/2011. Giáo chủ Tawadros thì cho hay: "Lộ trình này đã được lập ra bởi những con người đáng kính trọng, những người theo đuổi lợi ích, đầu tiên và trên hết, của đất nước này".

Thông tin về việc ông Morsi bị lật đổ lập tức nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ hàng nghìn người biểu tình đã cắm trại trên khắp đường phố thủ đô Cairo nhiều ngày nay. Họ ùa ra đường hò hét, huýt sáo, đốt pháo và bấm còi xe inh ỏi để ăn mừng.

Tổng thống được bỏ phiếu đầu tiên của Ai Cập cũng có động thái đáp trả. Trong một đoạn video được đăng tải trên mạng, ông Morsi tuyên bố "Tôi là tổng thống được bầu của Ai Cập" và yêu cầu người dân "bảo vệ tính hợp pháp này". Tuy nhiên, Ayman Ali, phụ tá của tổng thống bị lật đổ cho biết ông Morsi đã bị đưa đến một địa điểm bí mật.

Tại thành phố phía tây Marsa Matruh, 4 người ủng hộ ông Morsi đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát và quân đội sau khi xông vào các trụ sở an ninh của thành phố.

Lực lượng an ninh cũng bắt giữ hai nhân vật mấu chốt của tổ chức Anh em Hồi giáo ủng hộ chính quyền của cựu tổng thống Morsi. Lệnh truy nã được ban ra với tổng cộng 300 thành viên của tổ chức này.

Phản ứng trước diễn biến ở Ai Cập, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" về vụ lật đổ ông Morsi, kêu gọi quân đội Ai Cập khẩn trương bàn giao quyền lực cho một chính phủ dân sự.

Ông Morsi lên nắm quyền ở Ai Cập cách đây một năm sau cuộc bầu cử đầu tiên, kể từ khi tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ trong Mùa xuân Arab.

Đại sứ quán Việt Nam vẫn hoạt động bình thường

Đánh giá về cuộc chuyển giao quyền lực tại Ai Cập, Đại sứ Việt Nam tại Cairo Đào Thanh Chung cho biết tình hình tại Ai Cập vẫn ổn định, cuộc phế truất tổng thống đã được phe đối lập chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo, không xảy ra hỗn loạn.

"Các cuộc biểu tình phản đối dẫn đến lật đổ tổng thống Mohamed Morsi được phe đối lập chuẩn bị từ rất lâu, tổ chức rất trật tự. Biểu tình từ trước 30/6 có sự tham gia của hàng triệu người, lớn nhất trong lịch sử Ai Cập, nhưng không hề xảy ra xung đột và rất hiếm thương vong", ông Chung nói với VnExpress.

Theo ông Chung, trước đó, cựu tổng thống Morsi đã không nắm được các ghế phổ thông và cũng còn lại một mình trong phe Anh em Hồi giáo. Các thành viên khác từng yêu cầu ông Morsi từ chức.

Ngày 2/7, thị trường chứng khoán Ai Cập biến động mạnh, dự báo cho biến động xảy ra sau đó. Một ngày sau, từ buổi sáng, các quan chức quốc phòng đã có lệnh cấm xuất cảnh đối với tổng thống Morsi và một số lãnh đạo đảng Anh em Hồi giáo. Vào buổi chiều, ông Morsi bắt đầu bị quản thúc.

Tuy nhiên, cuộc chuyển giao được nhận định diễn ra trong êm thấm nên không làm đảo lộn nhiều cuộc sống của người dân. Đại sứ quán Việt Nam vẫn hoạt động bình thường.

Anh Ngọc - Vũ Hà

Pháp xin lỗi vì 'đuổi khéo' tổng thống Bolivia

Pháp vừa lên tiếng xin lỗi Bolivia vì đã từ chối cho chuyên cơ của tổng thống nước này đi vào không phận, và giải thích nguyên nhân sự việc là do "mâu thuẫn thông tin".

[Caption]
Người dân Bolivia biểu tình trước sứ quán Pháp ở La Paz. Ảnh: AFP

Phát biểu tại Berlin, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho hay ông đã cấp phép cho máy bay trên ngay khi biết đó là chuyên cơ của Tổng thống Evo Morales.

Bộ Ngoại giao Pháp cũng ra một thông cáo về vụ việc.

"Ngài Ngoại trưởng đã gọi cho người đồng cấp của Bolivia để bày tỏ với ông rằng, Pháp rất lấy làm tiếc về sự cố mà nguyên nhân xuất phát từ việc chậm xác nhận lệnh cho phép máy bay của Tổng thống Morales bay vào lãnh thổ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Philippe Lalliot nói.

Trước đó, Bolivia cáo buộc Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chặn máy bay chở người đứng đầu quốc gia vì nghi ngờ có Edward Snowden, người đang bị Mỹ truy nã với cáo buộc gián điệp, ở trên khoang.

Máy bay chở ông Morales bay từ Nga về Bolivia sau đó đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Vienna, Áo.

Vụ việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ từ các nhà lãnh đạo khắp Mỹ Latin. Khoảng 100 người biểu tình đã tập trung trước sứ quán Pháp ở La Paz, ném đá, đốt quốc kỳ Pháp và kêu gọi trục xuất đại sứ Pháp tại Bolivia.

Tổng thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Jose Miguel Insulza, bày tỏ sự thất vọng sâu sắc về sự thiếu tôn trọng của các nước trên đối với ông Morales. Phó tổng thống Bolivia Alvaro Garcia cho biết một nhóm gồm các lãnh đạo Mỹ Latin sẽ nhóm họp bàn bạc về vụ việc.

Trong khi đó, Pháp đề nghị hoãn cuộc hội đàm thương mại EU-Mỹ giữa những tranh cãi liên quan đến chương trình nghe lén của Washington mà Snowden công bố. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Berlin không ủng hộ việc trì hoãn cuộc hội đàm này.

Snowden được cho là vẫn trú ngụ tại sân bay Sheremetyevo của Moscow và đang tìm kiếm quyền tị nạn chính trị ở Bolivia cùng một số nước khác. Snowden bị Mỹ truy nã với cáo buộc gây rò rỉ những bí mật mà anh này thu thập được trong thời gian làm việc cho nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Vụ rò rỉ hàng nghìn tài liệu tình báo mật tiết lộ rằng Mỹ đang theo dõi có hệ thống một lượng dữ liệu điện thoại và Internet. Trung Quốc, Nga và các nước châu Âu đã bày tỏ sự giận dữ với Mỹ về quy mô của chương trình giám sát này.

Anh Ngọc

Theo Vnexpress