Ngoại trưởng Ecuador phát biểu tại Hà Nội về Snowden
Bộ trưởng Ngoại giao Ecuador tối qua cho biết đang xem xét đơn xin tị nạn cho Edward Snowden và bày tỏ quan điểm ủng hộ việc làm của cựu nhân viên CIA, cho rằng đây là hành động “làm sáng tỏ” các hoạt động của Mỹ.
> 'Kẻ phản bội nước Mỹ' biến mất giữa Moscow
Ngoại trưởng Ecuador, Ricardo Patino trong cuộc họp báo tối qua. Ảnh: AFP |
Trả lời phỏng vấn tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Ricardo Patino nói với các phóng viên rằng Ecuador không biết nơi ở của cựu nhân viên kỹ thuật của CIA. Snowden đang bị Mỹ truy nã với tội danh gián điệp.
Hôm qua, Snowden không lên chuyến bay từ Moscow tới Cuba đã đặt trước. Snowden đến Nga tối 23/6 từ Hong Kong và đệ đơn xin tị nạn ở Ecuador.
“Ecuador đã thông báo đang xem xét đơn xin tị nạn mà ông Snowden đề nghị, do đó chính phủ Nga có thể đưa ra quyết định mà họ cho là phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế”, Patino nói.
Ông cũng cho biết thêm rằng: “Mỹ đã gửi yêu cầu tới Ecuador. Chúng tôi sẽ phân tích và đưa ra quyết định đúng lúc”.
“Chúng tôi đang xem xét các lý lẽ của Mỹ đưa ra và chúng tôi sẽ đưa ra quyết định dựa trên hiến pháp và nghĩa vụ quốc tế cũng như chủ quyền của đất nước chúng tôi”, ông nói thêm trong cuộc họp báo tại Hà Nội..
Tuy nhiên, ông Patino lên tiếng bảo vệ hành động của Snowden, người làm rò rỉ thông tin về các chương trình do thám của Mỹ trong đó thu thập các dữ liệu điện thoại và Internet. Vụ rò rỉ này gây bẽ mặt cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
Ông đọc những đoạn trích trong đơn xin tị nạn của Snowden, trong đó cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ lo sợ bị chính phủ “hành hạ”.
Snowden nói dường như ông sẽ không thể nhận được sự xét xử công bằng tại Mỹ, dẫn đến khả năng nhận án tử hình hoặc chung thân là rất cao.
“Ông ấy chỉ cố làm sáng tỏ và minh bạch những sự kiện có ảnh hưởng đến những người bị theo dõi. Người dân và chính phủ các nước cần nhận được lời giải thích về việc này”, Patino nói.
Ecuador đang che chở cho người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange, tại đại sứ quán nước này ở Anh. Assange đang bị các công tố viên Thụy Điển truy tố vì các cáo buộc tình dục.
Tổng thống Ecuador Rafael Correa hôm qua cũng viết trên tài khoản Twitter rằng Ecuador sẽ xem xét đơn xin tị nạn của Snowden một cách “có trách nhiệm”.
“Hãy yên tâm rằng chúng tôi sẽ đưa ra quyết định mà chúng tôi cho là phù hợp nhất và hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của chúng tôi”, Correa viết.
Vũ Hà
Trang web phủ tổng thống Hàn Quốc tê liệt vì tin tặc
Hàn Quốc vừa thông báo bị tin tặc tấn công làm tê liệt một số trang web của chính phủ, trong đó có trang của phủ tổng thống (Nhà Xanh), đúng vào dịp kỷ niệm 63 năm ngày nổ ra chiến tranh Triều Tiên 25/6/1950.
Nhân viên cơ quan an ninh mạng hàn Quốc kiểm tra vụ tấn công mạng hồi tháng 3. Ảnh: AFP |
"Chính phủ xác nhận một cuộc tấn công mạng chưa xác định, làm tê liệt một số trang web gồm cả Nhà Xanh", thông cáo của Bộ Khoa học Hàn Quốc cho hay. Bộ này cũng nói thêm rằng hệ thống cảnh báo an ninh mạng gồm 5 cấp nay đã được nâng từ cấp 1 lên cấp 2.
Thông cáo của bộ Khoa học Hàn Quốc không suy đoán về người đứng sau sự việc. Các cuộc điều tra về những cuộc tấn công mạng vào các trang web truyền thông và tổ chức tài chính của Hàn Quốc thời gian qua được kết luận là có thể xuất phát từ Triều Tiên.
Một số dòng chữ còn lại trên các trang web bị hack tự xưng làm việc cho nhóm tin tặc toàn cầu Anonymous và cũng lưu lại các dòng chữ ca ngợi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Vào lúc 11h00 (9h giờ Hà Nội), trang web của Nhà Xanh không truy cập được và hiển thị dòng chữ "đang được bảo trì".
Nhóm hacker Anonymous viết trên tài khoản Twitter phủ nhận có liên quan đến sự việc nhưng thừa nhận đã tấn công thành công một số trang web của Triều Tiên trong ngày hôm nay, bao gồm hãng thông tấn KCNA và báo của đảng cầm quyền Rodong Sinmun.
Cả hai trang web có một thời gian ngắn không truy cập được nhưng dường như đã hoạt động bình thường vài giờ sau đó.
Hàn Quốc đã tìm cách tăng cường bảo vệ an ninh mạng từ sau vụ tấn công ngày 20/3, làm sập toàn bộ mạng lưới của các đài truyền hình KBS, MBC, YTN và làm đình trệ các hoạt động tài chính và giao dịch của ba ngân hàng.
Cuộc điều tra chính thức của Hàn Quốc kết luận là lực lượng tình báo quân sự Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về việc này, sau khi đội các chuyên gia dân sự và quân sự của Hàn Quốc lần tìm được dấu vết từ 6 máy tính được sử dụng ở Triều Tiên.
Khoảng 48.700 máy móc gồm máy tính PC, máy trả lời tự động và hệ thống máy chủ bị hư hỏng trong vụ tấn công, đúng vào thời điểm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên tăng cao sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng hồi tháng 2.
Triều Tiên từng bị cáo buộc tấn công mạng vào năm 2009 và 2011, với mục tiêu là các cơ quan tài chính và chính phủ của Hàn Quốc. Trong phiên điều trần năm ngoái trước Ủy ban Vũ trang của Quốc hội Mỹ, chỉ huy của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc, James Thurman, nói rằng Triều Tiên đang sử dụng những "tin tặc tinh vi", được đào tạo qua các vụ tấn công mạng.
"Những cuộc tấn công là lý tưởng cho Triều Tiên" vì họ có thể thực hiện nặc danh và "ngày càng được sử dụng nhiều hơn để chống lại những mục tiêu quân sự, chính phủ, giáo dục và thương mại", ông Thurman nói.
Vũ Hà
Theo Vnexpress