Bỏ học tiến sĩ về quê làm mắm
Hoàn thành tấm bằng thạc sĩ ở Australia, tiếp tục nhận được học bổng tiến sĩ, nhưng Đào Thị Hằng quyết định từ bỏ để trở về quê nhà Quảng Trị cùng bà con xây dựng thương hiệu mắm ruốc Thuyền Nan...
Những ngày này, Đào Thị Hằng tất bật đi về giữa TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị để tham dự hội thảo, làm thủ tục kiểm định chất lượng các loại mắm, thiết kế nhãn mác, quảng bá hàng hóa... Vì thế, Hằng hầu như không có nhiều thời gian để thăm nhà.
Sinh ra trong gia đình đông anh em, làm nghề chài lưới ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, nhà Hằng rất nghèo. Trong nhà chưa khi nào có đủ 500.000 đồng nên cô thấy tủi thân khi nghe các bạn bàn tán thi trường này, trường kia. Còn Hằng chỉ tính học xong đi làm lò gạch hoặc thợ may. Thi năm đầu tiên trượt, ở nhà làm lò gạch, nhưng sức con gái yếu, Hằng xin ba mẹ ôn thêm năm nữa.
Hằng chuẩn bị cà làm mắm cùng mẹ. Ảnh: Báo Quảng Trị. |
Năm sau Hằng đỗ thủ khoa ĐH Nông lâm (Huế) với 26 điểm và may mắn nhận được học bổng Tiếp sức đến trường và học bổng thủ khoa của Nhật nên có tiền chi phí trong năm học đầu tiên. Vào đại học, Hằng theo đuổi ước mơ du học. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, cô đã vượt qua 1.000 hồ sơ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để trở thành một trong 20 học sinh Việt Nam nhận học bổng Năng lực lãnh đạo trị giá 112.000 USD của Bộ Ngoại giao Australia. Theo học thạc sĩ về biến đổi khí hậu, vừa hoàn thành luận án, Hằng nhận học bổng tiến sĩ.
“Tôi luôn đặt câu hỏi mình sống trong đời để làm gì? Danh hiệu tiến sĩ quan trọng, tiền tài cũng quan trọng, nhưng được giúp đỡ nhiều người với tôi còn quan trọng hơn", Hằng chia sẻ và cho hay một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định về nước của cô là ý kiến của ông bà Dương Quang Thiện. Ông từng du học ngành máy tính ở Pháp, làm việc cho IBM, lấy vợ Tây, nhưng quyết định trở về nước với quan niệm đất nước cần ông hơn là các nước phát triển.
Trong lần trao đổi với ông Thiện về cách thức giúp đỡ nhiều người dân Quảng Trị, Hằng đặc biệt tâm huyết với ý tưởng khôi phục lại nghề mắm truyền thống và quyết định trở về để thực hiện dự định này. Ký ức của Hằng vẫn vẹn nguyên về những năm tháng vất vả, khó nghèo: "Mùa hè khi ba làm được nhiều cá, tôm, bán không hết, mẹ tôi đưa về nhà ướp muối làm mắm đu đủ, mắm cà. Mùa đông khi trời mưa gió, món thường nhật của cả gia đình tôi là cơm nóng với mắm. Mắm mẹ làm thơm và ngon lắm, nên chị em tôi ăn hết nồi cơm, còn cạo cháy, tráng xoong bằng nước mắm. Mắm mẹ làm đã nuôi 6 chị em chúng tôi khôn lớn”.
Đầu năm 2013, ngay khi trở về Việt Nam, Hằng dành 5 tháng lặn lội khắp các làng chài từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phan Thiết, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... để tìm hiểu, thu thập tư liệu và học hỏi kinh nghiệm của người dân bản địa trong việc làm mắm ruốc và nước mắm, với tất cả 20 loại. Để được người dân chia sẻ, chỉ bảo tận tình kinh nghiệm làm mắm ruốc gia truyền, cô đã về nhà dân ở lại hàng tuần liền, cùng xắn tay làm mắm với bà con.
Các bà, các chị giàu kinh nghiệm làm mắm đã tận tình chỉ bảo cho Hằng cách làm các loại mắm, cách nếm, thử mắm xem vị, mùi mắm như thế nào là đạt yêu cầu. Đi đến đâu, Hằng cũng đều tỉ mẩn ghi chép lại công thức, kinh nghiệm làm mắm của từng vùng miền, làm phong phú thêm vốn kiến thức của mình.
Đi nhiều vùng miền, Hằng được biết nhiều loại mắm đặc sản từng được tiến vua như mắm thu, mắm đối, mắm nhum..., nhưng nay rất ít người làm. Nước mắm miền Trung đậm đà, chất lượng nhưng vẫn chưa được bán rộng rãi, chủ yếu bán ở các chợ nhỏ lẻ. Thêm một điều nữa là hầu như con cháu của các dì, các mệ vốn có truyền thống làm mắm ngon lâu đời đều không muốn nối nghiệp gia đình.
"Cộng thêm áp lực từ nước mắm sản xuất công nghiệp vốn rẻ, quảng cáo hoành tráng, chai bao đẹp mắt lại hợp khẩu vị, khiến họ không mặn mà gì với nghề làm mắm ruốc truyền thống. Cứ tiếp tục như vậy thế hệ con cháu mình sẽ không biết nước mắm, mắm ruốc là gì, quan trọng hơn là mất nghề truyền thống vốn được gìn giữ và phát triển cả ngàn năm nay”, Hằng trăn trở.
Hằng cho rằng, nghề làm mắm và nước mắm duy nhất có ở Việt Nam. Thái Lan nhập nước mắm Việt Nam về pha chế rồi xuất khẩu đi khắp thế giới. Bangladesh chỉ có ruốc khá thơm ngon và thường được người dân bỏ vào giấy kẽm, nướng lên cho thơm trước khi nêm vào thức ăn. Qua đi thực tế ở các vùng làm mắm ruốc và nước mắm truyền thống ven biển các tỉnh miền Trung, kết hợp với kinh nghiệm làm nước mắm của gia đình, Hằng nhận thấy, về nước mắm, mỗi loại cá sẽ cho mỗi loại nước khác nhau về màu sắc, mùi thơm và độ ngọt.
Đào Thị Hằng bên sản phẩm của mình tại một hội thảo về môi trường. Ảnh: Báo Quảng Trị. |
Hiện Thuyền Nan có 5 loại nước mắm, đều nguyên chất, đảm bảo thơm ngon, không hóa chất, không chất bảo quản. Hằng trực tiếp làm việc, đặt hàng với hộ gia đình làm mắm ở các vùng biển bãi ngang như Mỹ Thủy, Cửa Tùng. Điều đặc biệt hầu hết gia đình là phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh cảnh khó khăn.
Cô giải thích, sở dĩ chọn những hộ làm mắm lâu đời có hoàn cảnh đặc biệt tham gia dự án sản xuất là giúp họ có nguồn thu nhập đều đặn, có điều kiện cho con cái học hành. Từ khi tham gia dự án của Hằng, các sản phẩm của dì Rỏ, mệ Tùng (ở Mỹ Thủy, Hải Lăng), dì Xây, dì Lê, vợ chồng anh chị Xiêm Cát, dì Thảo, anh Tùng (ở Cửa Tùng, Vĩnh Linh) đã có mặt khắp các tỉnh thành.
Hiện tại, chưa có cơ sở sản xuất, chưa có thương hiệu được đăng ký độc quyền, Hằng phải tích cực phân phối sản phẩm thông qua kênh bán lẻ và bán hàng trên mạng. Khi hoàn thành xong việc đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm và công bố chất lượng, cô sẽ mở rộng phân phối, cũng như ấp ủ xây dựng một cơ sở sản xuất có quy mô, mời những người làm mắm ruốc có uy tín về làm, đồng thời mở rộng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.
“Tôi có một ý tưởng khá đặc biệt là sẽ tập cho người nước ngoài ăn mắm ruốc, bằng cách chế biến mắm ruốc kết tinh thành một dạng muối trộn với salad hoặc ăn với bánh sandwich kẹp thịt, làm sao để giảm mùi mắm ruốc một cách tối đa nhưng vẫn giữ nguyên vị ngon, chắc chắn người nước ngoài sẽ thích”, Hằng chia sẻ.
Hiện tại, ngoài theo đuổi dự án mắm Thuyền Nan, Hằng cùng nhóm bạn trong nhóm Mê Kông 1 thực hiện đề tài báo cáo về thực trạng phát triển đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 28 tuổi, Hằng đã tích lũy được rất nhiều kiến thức bổ ích trong cuộc sống và tự nhận rằng, niềm đam mê với mắm ruốc đã thay đổi cuộc đời mình.
Giải đáp thắc mắc vì sao chọn tên Thuyền Nan để gắn với thương hiệu sản phẩm mắm ruốc, Hằng bộc bạch: “Chiếc thuyền nan ở vùng biển quê mình giờ hiếm lắm, bà con đều đóng tàu lớn để ra khơi. Nhưng dù gì đi nữa, thuyền nan vẫn là hình tượng gắn liền với ngư dân Việt Nam từ bao đời nay, cũng như gắn với các sản phẩm truyền thống từ biển. Tôi cũng trưởng thành và được nuôi lớn nhờ thuyền nan đánh cá của gia đình, nhờ nó tôi đã được đến nước Australiaxa xôi để học tập và giờ quay về để được góp một phần nhỏ bé giúp bà con quê mình”.
Theo báo Quảng Trị
Hôm nay tư vấn cách học tiếng Anh hiệu quả cho người đi làm
14h ngày 25/6, ông Michel Le Quellec, ông Andrew Whitmarsh và ông Ngô Anh Tuyên đến từ trung tâm Anh ngữ quốc tế Wall Street English sẽ tư vấn cho độc giả VnExpress phương pháp học tiếng Anh hiệu quả.
Khi những học viên lớn tuổi đến lớp học tiếng Anh, họ luôn quan tâm về sự tiếp thu của bản thân khi đến một độ tuổi nhất định. Tuy nhiên, điều kiện học tiếng Anh đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều cho người lớn và người đi làm so với 5 hay 10 năm trước.
Ông Michel Le Quellec, CEO Đông Nam Á của WSE. |
Những học viên lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm sống thực tế. Cách diễn đạt và giao tiếp của họ cũng phát triển và hoàn thiện theo yêu cầu muôn màu muôn vẻ của cuộc sống con người. Nói cách khác, kỹ năng đã được tôi rèn trong thức tế là một ưu thế cần phải khai thác giúp họ tiếp thu tiếng Anh tốt hơn. Học viên trưởng thành mặt khác luôn có mục tiêu học tập rõ ràng và cụ thể. Họ không đến lớp để đạt những thành tích cao trong trong học tập mà họ cần "học tiếng Anh hôm nay vì công việc, cuộc sống ngày mai”. Đây là những ưu thế mà không phải học viên trẻ nào cũng có được.
Ông Ngô Anh Tuyên, Giám đốc marketing WSE. |
Học tiếng Anh là một việc, sử dụng tiếng Anh lại là một vấn đề khác. Khó khăn đầu tiên là những học viên lớn tuổi thường rất bận rộn vì học vừa đi học vừa đi làm. Học viên bên cạnh đó không biết cách học thế nào cho hiệu quả với quỹ thời gian hạn hẹp của mình. Một số người phàn nàn rằng họ đã thử xem chương trình truyền hình hay nghe đài phát thanh bằng tiếng Anh nhưng không thấy có tiến bộ gì trong việc học tiếng Anh.
Để giải đáp các thắc mắc về phương pháp học tiếng Anh dành cho người lớn tuổi, 3 vị khách mời của chương trình: ông Michel Le Quellec, CEO Đông Nam Á của WSE cùng ông Ngô Anh Tuyên, Giám đốc marketing và ông Võ Đăng Toàn, chuyên viên PR sẽ tư vấn cho độc giả cách học ngoại ngữ đơn giản và hiệu quả nhất.
Trung tâm Anh ngữ quốc tế Wall Street English có hơn 40 năm kinh nghiệm đào tạo tiếng Anh cho hơn hai triệu học viên. Wall Street English đã được công nhận tỷ lệ thành công 97% tại hơn 26 nước trên thế giới. Phương pháp học tiếng Anh cho người lớn của trường đã được kiểm chứng và chứng nhận bởi cơ quan khảo thí tiếng Anh đại học Cambridge.
Wall Street English dành ít nhất một tháng để đào tạo và đánh giá nhân viên. Đầu tiên, nhân viên cần hiểu phương pháp của Wall Street English cũng như hiệu quả mà nó mang lại. Thứ hai, giáo viên nước ngoài của trường phải có bằng cấp quốc tế và chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh cho người lớn. Trung tâm cho nhân viên lần lượt đảm nhiệm nhiều vai trò và đánh giá họ ở mỗi vị trí. Theo đó, mỗi chuyên viên tư vấn giáo dục cần phải làm một bài thuyết trình bán hàng trước khi họ được chứng nhận…
Độc giả có câu hỏi tư vấn gửi tại đây hoặc media@vnexpress.net hoặc xahoi@vnexpress.net
Phương Thảo
Nữ sinh nuôi hai em nhỏ mơ trở thành công an
Bố mẹ qua đời vì bệnh ung thư, Nguyễn Thị Nụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vừa chăm sóc hai em, vừa ôn thi vào Học viện An ninh với mơ ước được làm công an.
Con ngõ quanh co, cỏ dại mọc um tùm dẫn vào ngôi nhà có ba đứa trẻ mồ côi. Ba gian nhà đặc quánh mùi hương khói. Hai chiếc bàn thờ đặt ngang nhau. Bố mẹ Nụ đều đã qua đời, người mẹ mới mất cách đây ít ngày vì căn bệnh ung thư tử cung, để lại ba chị em côi cút nuôi nhau.
Nụ bảo, cậu em út mới được bác đón lên thành phố chơi, chỉ còn hai chị em ở nhà. Thắp nén hương cho người mẹ quá cố, em báo cho mẹ biết hai chị em mới cấy xong ba sào ruộng. Giờ con gái lớn tập trung cho kỳ thi đại học, còn em Thúy cũng chuẩn bị lên lớp 10.
Nụ khóc khi kể về mẹ. Ảnh: Hoàng Phương. |
Để có tiền trả nợ ngôi nhà đang xây dở, mẹ em đi giúp việc trên thành phố. Mấy chị em ở nhà làm hơn mẫu ruộng, vừa lấy gạo ăn, vừa lấy thóc bán. Ngoài ra còn nuôi thêm đàn lợn, ao cá để trả nợ tiền xây nhà.Cách đây 4 năm, bố em mất vì bệnh ung thư phổi và xương. Căn nhà lúc đó đang xây dở, mới được phần khung, còn chưa lợp mái. “Bố em mất ở căn lều dựng tạm ngoài vườn, còn không được ở nhà mới ngày nào”, nước mắt Nụ rơi lã chã khi nhắc đến bố.
Mỗi buổi chiều, người dân xóm 6, xã Hoằng Quang, đều thấy cô học trò cặp để trước giỏ, sau xe là bao nước rác hoặc mùn cưa chở về nhà. Nụ thường đạp xe ngược lên Nam Ngạn, cách nhà hơn 5 km để xin nước rác về nuôi lợn. Những hôm không đi lấy nước rác, Nụ rủ bạn cùng lớp tới một số xưởng mộc trên thành phố xin mùn cưa về nấu rượu, rồi lấy bã rượu cho cá ăn, nuôi lợn. Hai ổ lợn sề, bốn con lợn thịt và ao cá rộng hơn 5 sào chủ yếu tay Nụ chăm.
Nhắc đến cô học trò với sự khâm phục, cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho hay “thực sự đó là học sinh bản lĩnh rất vững vàng”. Bận công việc nhà nhưng Nụ học vẫn rất khá. Biết học trò làm hồ sơ thi Học viện An ninh, cô góp ý nên chọn một trường nào đó “an toàn” vì trường này lấy điểm khá cao.
Nụ bình tĩnh trả lời: “Em vẫn quyết tâm thi, vì đó là ước mơ từ bé, gia đình em lại quá khó khăn, nếu đậu trường khác cũng không đủ khả năng chi trả mà đi học”. Cô giáo dù lo lắng, cuối cùng vẫn ủng hộ quyết định của học trò.
Nụ tâm sự: “Từ hồi học lớp 5, được xem những bộ phim về ngành công an em đã rất thích. Hơn nữa, gia đình khó khăn, em nghĩ học ngành này là hợp nhất. Chưa bao giờ em từ bỏ ước mơ để nghĩ mình sẽ rẽ sang một hướng khác”. Nụ bắt xe bus lên thành phố đi khám tuyển. Lọt qua hai vòng khám tuyển và làm hồ sơ xong xuôi, nữ sinh mới yên tâm thi tốt nghiệp.
|
Hai chị em vừa ôn thi, nhưng vẫn tích cực chăm sóc ao cá. Ảnh: Hoàng Phương. |
Đối mặt với hai kỳ thi quan trọng cũng là lúc Nụ chứng kiến mẹ bị hành hạ bởi căn bệnh ung thư tử cung giai đoạn cuối. Các dì đều giấu, chờ cháu gái thi tốt nghiệp xong mới gọi riêng ra một góc và cho biết. Nụ choáng váng, nghĩ đến người cha đã qua đời, nay đến lượt mẹ, đêm nào em cũng khóc.
Hai chị em vừa ôn thi, vừa thay nhau chăm mẹ. Đứa này thức trắng đêm để bón sữa, xoa bóp cho mẹ đỡ đau thì đứa kia nằm trong buồng, vừa ôm em trai vừa khóc. “Tội nhất là lúc mẹ qua đời mà vẫn không biết mình bị ung thư vì chúng em vẫn giấu với hy vọng mẹ sẽ qua khỏi. Ngày mẹ mất, đám tang đi trong lặng lẽ, không kèn trống vì sợ ông ngoại đang ốm, sẽ bị sốc. Qua ngày sau ông mới biết, hai ông cháu ngồi ôm nhau khóc”, Nụ kể.
Mấy hôm nay, bác và dì phải thay nhau sang ngủ cùng mấy chị em cho đỡ sợ. Bác bảo sẽ nuôi đỡ cho thằng em út mới vào lớp 1. Nhưng ba chị em còn quấn quýt nhau không nỡ rời xa.
Bố mẹ mất cả, Nụ chăm lo cho hai em từng miếng ăn, giấc ngủ. Em cười bảo nhiều khi cái Thúy còn mạnh mẽ, động viên chị gái phải cứng rắn lên, quyết tâm thi đậu trường an ninh để bố mẹ được vui. Sắp tới đi thi, Nụ vẫn không yên tâm hai đứa em ở nhà, dù đã có các bác chăm lo.
“Bố mẹ mất rồi, em là chị cả phải gánh vác gia đình. Đôi lúc nhọc nhằn, nhưng vẫn thấy vui vì hai đứa em đều ngoan ngoãn, nghe lời chị”, Nụ chia sẻ và cho biết nếu đậu đại học sẽ đi học tiếp, còn không thì đi làm nuôi em vì trông vào mấy sào ruộng không được.
Ông Lê Huy Hùng, trưởng thôn 6 thông tin gia đình Nụ nghèo, nhưng mấy chị em đều ngoan ngoãn. Hiện nay, chỉ mỗi cháu út được hưởng trợ cấp mồ côi 180 nghìn đồng một tháng. Khi mẹ các cháu mất, thôn cũng báo lên chính quyền xã xem xét hoàn cảnh này nhưng tạm thời chưa có hỗ trợ gì.
Hoàng Phương
Theo Vnexpress