Tư vấn phương pháp giáo dục trẻ từ 0 đến 11 tuổi
14h30 ngày 13/6, tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền, chuyên gia giáo dục đầu đời tại VN và cô Kyla Colleen Ellis - giáo viên tiếng Anh, Hệ thống trường Quốc tế Việt Úc sẽ tư vấn cho độc giả VnExpress phương pháp giáo dục trẻ trong giai đoạn 0 - 11 tuổi.
Theo nghiên cứu của Weikart (Mỹ) vào thời điểm 5 tuổi, 70% trẻ được thụ hưởng chương trình giáo dục mầm non tốt sẽ có chỉ số IQ đạt từ 90 điểm trở lên trong khi chỉ gần 30% trẻ không được đi học đạt được mức độ IQ đó. Nhiều bằng chứng khoa học từ Anh, Mỹ, Thụy Điển cho thấy các tác động to lớn và lâu dài của giáo dục những năm đầu đời lên sự phát triển IQ và EQ của học sinh.
Khoảng 50% trẻ có được chương trình giáo dục tốt ở bậc mầm non đạt được những thành công cơ bản ở độ tuổi 14. Ngược lại, chỉ 17% số trẻ không có được giáo dục tốt ở mầm non đạt được những thành công tương tự. Sự vượt trội còn thể hiện ở các khía cạnh khác của cuộc sống vào thời điểm 40 tuổi. Từ nghiên cứu của Weikart Chính phủ Mỹ, 1 USD đầu tư vào giáo dục mầm non sẽ mang lại ít nhất 12 USD lợi nhuận trong tương lai.
Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền, chuyên gia về giáo dục đầu đời tại Việt Nam. |
Giai đoạn từ 0 đến 11 tuổi rất quan trọng để đánh thức các tế bào vỏ não và tạo ra các liên kết thần kinh, nền móng cho sự phát triển các chức năng nhận thức bậc cao và ngôn ngữ. Đây là thời kỳ phát cảm (thuận lợi có một không hai) để phát triển trí tuệ, ngôn ngữ và xây dựng nhân cách. Nếu các bậc phụ huynh không làm được điều đó ở tuổi mầm non, sau này, dù muốn, bố mẹ sẽ không có cơ hội để tác động hiệu quả lên sự phát triển của trẻ.
Tại buổi tư vấn trực tuyến ngày 13/6, tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền và cô Kyla Colleen Ellis sẽ giải đáp thắc mắc của các vị phụ huynh trong việc tìm phương pháp giáo dục hiệu quả cho các con trong những năm đầu đời.
Cô Kyla Colleen Ellis tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý Đại học Bryn Mawr, Mỹ. |
Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền là chuyên gia hàng đầu về giáo dục đầu đời tại Việt Nam, có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục trẻ em. Bà tốt nghiệp Cử nhân Tâm lý - Giáo dục trẻ em (Đại học Sư Phạm Quốc gia Minsk - Liên Xô cũ), là Thạc sĩ Giáo dục (Đại học Leeds, Anh), Tiến sĩ Giáo dục (tại Đại học Monash, Australia) và hiện là chuyên gia tư vấn chương trình giáo dục mầm non tại VAS.
Cô Kyla Colleen Ellis tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý Đại học Bryn Mawr, Mỹ. Cô hiện là giáo viên chuyên trách giảng dạy tiếng Anh lứa tuổi mầm non của Hệ thống trường Quốc tế Việt Úc.
Độc giả có câu hỏi gửi về xahoi@vnexpress.net hoặc media@vnexpress.net.
Phương Thảo
Người đàn ông với thuật tìm vật bị đánh cắp
Người mất của, lạc mất con thường tìm đến ông Trịnh Văn Sửu ở xã Chi Lăng (Chi Lăng, Lạng Sơn) để nhờ tìm. Sau khi hỏi thông tin, bằng vài thao tác đơn giản, ông Sửu đã giúp họ tìm được người thân, của cải bị mất.
>Thuật cầm máu huyền bí của người Nùng
Ông Trịnh Văn Sửu, bố vợ của cựu Bí thư xã Chi Lăng Dương Ngọc Đại, nổi tiếng với thuật tìm vật hay người mất tích. Ông Sửu năm nay xấp xỉ 90 tuổi, 60 năm tuổi Đảng, nguyên là cán bộ thủy văn người Quảng Nam tập kết ra Bắc rồi học được thuật tìm của mất từ người dân tộc ở huyện Bình Gia. Năm 1971, ông chuyển cả gia đình về Chi Lăng sinh sống.
Người đầu tiên ông Sửu giúp tìm của là ông Lành Văn Sìn, một thầy mo có tiếng trong vùng. Bữa ấy thấy đám đông đang nhốn nháo ở nhà ông Sìn, hỏi ra biết nửa đêm, con trâu trong chuồng nhà thầy mo đã bị trộm dắt đi mất dù then vẫn còn cài. Ông Sửu nói với ông Sìn: “Để tôi tìm giúp trâu cho”. Ông Sìn lắc đầu, không tin và bảo: “Ông chỉ được cái nói phét”.
Ông Trịnh Sửu giờ đã già và lẫn. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
Không hề tự ái, ông Sửu bình tĩnh hỏi giờ mất trâu rồi ghi vào một tờ giấy. Ông lại bảo gia chủ lấy con dao nhọn xiên qua tờ giấy ấy rồi cắm xuống trước cửa chuồng trâu và phán rằng: “Nếu con trâu chưa bị giết, giờ này ngày kia ra cánh đồng phía trước mặt tìm là thấy”. Khi những người giúp việc cho các thầy mo ra đồng tìm, đúng là thấy trâu thật.
Câu chuyện về tờ giấy biết tìm được vật mất của ông Sửu từ đó lan truyền khắp vùng còn nhanh hơn cả nước sông Thương mùa lũ. Hễ mất trâu bò thậm chí lạc mất người thân họ đều cậy nhờ ông Sửu tìm giúp. Thủ tục làm lễ rất đơn giản, một bò gạo, một túi kẹo hoặc gói bánh, một con dao nhọn để thắp hương làm lễ còn tiền ông Sửu không lấy.
Ông Sửu có 6 người con, 4 trai, 2 gái nhưng không một ai theo học được thuật tìm của, tìm người của bố. Muốn học được thuật này phải ngồi thiền một thời gian dài, sáng nhìn lên mặt trời 2 tiếng, chiều nhìn lên mặt trời 1 tiếng, luyện sao cho tâm thật tĩnh mới mong thành công. Ở trong vùng có ông Hoàng Văn Vản cũng rất hâm mộ thuật này, ngỏ ý muốn học nhưng khi nghe ông Sửu bảo, thấy những điều kiện khó quá đành bỏ dở nửa chừng.
Từ hồi vợ mất, ông Sửu suy nghĩ quá đâm ra quên quên, nhớ nhớ, có ai nhờ vả, con cháu cũng không cho ông thực hiện thuật tìm của, tìm người nữa. Ông Sửu giải thích: “Khi thắp hương, tôi cúng ông bà rồi hỏi những chỉ dẫn như con bò, con trâu đó người ta dắt vào buộc cạnh gốc cây này, tảng đá nọ…”.
Anh Hoàng Văn Téo ở xóm Mới A xã Chi Lăng có con gái là Hoàng Thị Xuân. Năm Xuân 15 tuổi, đang học lớp 9 bỗng mất tích. Một bà bán thuốc nam tên là Mã Thị Nhi kể thấy Xuân ngồi cùng đứa con trai lạ trên tàu hỏa liền đến hỏi thì cậu kia lẩn mất, còn Xuân cứ theo tàu ngược về Hà Nội. Nghe tiếng ông Sửu biết tìm người, anh Téo đến nhờ.
Ông Sửu hỏi ngày tháng năm sinh của Xuân, hỏi nghi đi hướng nào rồi viết vào một tờ giấy (làm lễ cho tìm người thì không cắm dao vào giấy như tìm vật) dặn anh về để dưới bát hương bàn mụ (bàn thờ phụ) cứ 12 giờ trưa thắp một nén hương, liên tiếp thực hiện trong 15 ngày. “Trừ khi nó vượt biên còn không chỉ nửa tháng anh sẽ nhận được tin, đón được con về”, ông Sửu nói.
Anh Chiến bên chiếc xe máy tìm được. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
15 ngày sau, anh Téo nhận tin một trung tâm nhân đạo ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, báo xuống nhận con. Khi về Xuân bị ngơ ngẩn một thời gian rồi mới hồi phục. Anh Téo mang một cái chân giò, mười bò gạo nếp và hai chai bia đến tạ ơn ông Sửu.
Anh Trần Văn Chiến ở làng Đồn là người có kỷ lục nhờ ông Sửu tới 3 lần. Con trâu đầu tiên bị mất, anh nhờ ông Sửu tìm. Ông chỉ hướng, cuối cùng tìm thấy ở đồng Ruộng xóm Mới. Con trâu thứ hai mất ở cánh đồng Mả Tổ, tìm cả tuần không thấy, ông chỉ hướng, anh tìm thấy ở bìa rừng. "Đến đợt tôi bị người ta lừa mất cái xe máy Dream Thái trị giá hơn 5 cây vàng. Tôi tìm đến nhà ông Sửu, ông hỏi bị lừa lúc mấy giờ, kẻ lừa đảo nó đi hướng nào, hình dạng nó ra sao", anh Chiến kể.
Sau đó ông Sửu làm lễ rồi bảo: “Cứ về đi, không mất được xe đâu mà sợ”. Chừng một tháng sau, Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) báo anh Chiến sang lấy xe về. Như lời anh công an thì kẻ lừa đảo khai chiếc xe cứ đi được một đoạn lại chết máy nên nó gửi lại nhà dân để lừa chiếc khác. Giờ, tuy đã có xe máy mới nhưng anh Chiến vẫn giữ lại chiếc Dream làm kỷ niệm.
Ông Lăng Thạch, Bí thư xã Chi Lăng 3 năm trước cũng mất con trâu đực, tìm hai ngày không được liền nhờ đến ông Sửu, hai giờ sau thấy trâu ở cánh đồng Ải Mới. Ông Thạch bảo: “Tôi rất phục cách tìm vật của ông Sửu. Theo tôi nó không phải mê tín bởi ông ấy không lập đền, mở phủ, không dọa dẫm người ta có ma quỷ này nọ cũng không đòi hỏi bất cứ tiền nong gì mà toàn làm điều tốt lành cho bà con…"
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Vỡ đập thủy điện, nhiều người bị nước cuốn
Sáng nay, 10 người dân đang làm rẫy bất ngờ bị nước từ đập thủy điện Ia Krel 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai) tràn xuống, cuốn xa một đoạn khi đập dâng bị vỡ khoảng 7 mét.
Theo ông Siu Sum, Chủ tịch xã UBND Ia Dom, sự cố xảy ra khoảng 5h sáng và "khá bất ngờ" nên không kịp thông báo cho người dân xung quanh. Do công trình thủy điện này nằm cách khu dân cư khoảng 7 km nên ban đầu chưa xác định có thiệt hại về người.
Tuy nhiên, một diện tích lớn cao su của hai đội sản xuất 20, 21 (Công ty TNHH Cao su 72, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng) và nương rẫy, hoa màu của người dân bị hư hại. "Nguyên nhân ban đầu được cho là kỹ thuật xây dựng không đảm bảo thiết kế", ông Sum nói.
Còn Chủ tịch huyện Đức Cơ Võ Thanh Hùng cho VnExpress biết, lúc đập vỡ 10 người dân đang làm rẫy gần đấy. Nước tràn khắp nơi, cuốn vài người đi một đoạn nhưng sau đó toàn bộ người dân đã được bộ đội biên phòng đưa vào nơi an toàn. Một số vùng xung quanh thuỷ điện đang bị ngập.
Đập thủy điện Ia Krel 2 do Công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai đầu tư xây dựng. Đập thủy điện có 2 tổ máy, công suất 5,5 mW, tổng vốn đầu tư công trình là 120 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2010. Không lâu sau khi ngăn dòng (vào tháng 5), công trình xảy ra sự cố.
Hải Duyên - Nguyễn Loan
Theo Vnexpress