Cuộc chiến chống 'giặc lửa' ở cây xăng Hà Nội
Hai lần phải vào viện rửa mắt vì bị sặc khói và ngộ độc xăng, nhưng được sơ cứu xong, cảnh sát trẻ Hoàng Anh lại lao vào hiện trường cùng đồng đội dập lửa.
> Lời kể các nhân chứng về nguyên nhân vụ cháy / Xe tiếp xăng bốc cháy suốt 5 tiếng gần Bệnh viện 108
Chiều 4/6, phòng cấp cứu ở khoa Bỏng bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội chật kín người. Ngoài người nhà của bệnh nhân, còn có các cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến chăm sóc cho đồng đội.
Phạm Văn Phúc (22 tuổi), một trong số 25 cảnh sát chữa cháy có mặt đầu tiên tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, nằm trên giường bệnh với với mặt và hai cánh tay cuốn kín băng.
Các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy cố gắng dập lửa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Anh kể, khoảng 13h30 chiều 3/6, nghe báo động anh cùng đồng đội lên xe lao tới hiện trường. Lúc này ngọn lửa đã bốc cao ngùn ngụt, khói cao thành cột. Cả trạm xăng, quán cơm và nhiều phương tiện gần như chìm trong biển lửa. Anh và đồng đội dùng vòi rồng hối hả phun vào đám cháy.
Sau gần 3 tiếng ngọn lửa được khống chế. Phúc và đồng đội lại gần xe téc múc xăng để hạn chế việc chảy tràn ra phố. Tuy nhiên, ngọn lửa từ xe téc bất ngờ bùng trở lại. Phúc bị lửa táp thẳng vào người. "Mặt nóng rực, tôi chỉ biết cúi mặt té nước dưới đường lên. Chạy được 10 mét thì được đồng đội dìu ra", Phúc nói.
Trong số 10 người phải đưa vào viện cấp cứu, Phúc và chiến sĩ Phạm Văn Phong bị bỏng đến 20%.
Từng tham gia chữa cháy nhiều như vụ 36 nhà gỗ ở đường Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm), cháy cửa hàng nội thất 114 Âu Cơ..., Phúc kể, vụ cháy trạm xăng lần này là "khủng khiếp chưa từng có".
Nguyễn Như Hùng (không băng đầu) kể lại quá trình tham gia cùng đồng đội dập lửa. Ảnh: Thái Thịnh. |
Tỉnh táo nhất trong số những người được đưa vào viện, Nguyễn Như Hùng (25 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) bị bỏng 8%. Khi ngọn lửa bùng lên lần thứ hai, Hùng đang hứng xăng từ téc chảy ra để đổ vào phi. Lường trước ngọn lửa có thể bùng trở lại bất cứ lúc nào nhưng Hùng bảo, vẫn không tránh khỏi vì lửa lan quá nhanh. "Xăng trong téc lúc đó khá nóng...", Hùng kể.
Bên giường bệnh với chi chít thiết bị điện tâm đồ, dây ôxy gắn lên người, cảnh sát trẻ Nguyễn Hoàng Anh kể, suốt 2 tiếng đầu, anh cùng các chiến sĩ ra sức dùng nước làm mát bồn xăng và khống chế lửa. Trong lúc phun bọt, đã 2 lần Hoàng Anh phải chạy vào Bệnh viện 108 gần đó để rửa mắt vì bị sặc khói và ngộ độc xăng.
Được sơ cứu xong, Hoàng Anh lại ra hiện trường cùng đồng đội dập lửa. "Lúc thấy đồng đội bị thương em chỉ nghĩ bằng mọi giá dập tắt được đám cháy, không để nó lan tới khu dân cư", Anh nói. Sau 4 tiếng chiến đấu với biển lửa, Hoàng Anh vào viện trong tình trạng ngất xỉu.
Cán bộ Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy xuống thăm hỏi bệnh nhân. Ảnh: Thái Thịnh. |
Nguyễn Huyền Anh, chị gái của Hoàng Anh chia sẻ, nhận tin em bị nạn, cả gia đình hoảng hốt. Trong lúc 8 chiến sĩ khác đã tỉnh, Hoàng Anh vẫn mê man vì có nguy cơ bỏng đường hô hấp. Mọi người trong gia đình lo vết thương của anh có thể để lại di chứng.
Theo gia đình, trước khi đến với nghề, Hoàng Anh đã bỏ học trường cao đẳng công nghệ thông tin. Gia đình một mực phản đối vì lính phòng cháy chữa cháy vất vả và nguy hiểm, song Hoàng Anh vẫn quyết tâm. "Cậu ấy dự định tháng 7 này sẽ thi vào ĐH Phòng cháy chữa cháy nhưng giờ sức khỏe thế này thì làm sao ôn thi được", người chị lo lắng.
2 năm dấn thân với nghề, chữa cháy không biết bao nhiêu vụ nhưng Hoàng Anh bảo đây là vụ để đời. Từ khi xảy ra vụ việc đến chiều 4/6, anh nhận được khá nhiều lời động viên và chia sẻ trên Facebook cá nhân.
“Nếu sợ hãi thì không thể làm được nghề này”, Hoàng Anh cười hiền nói.
Thái Thịnh
Đề xuất đổi lời Quốc ca
Theo đại biểu Huỳnh Thành, giai điệu quốc ca tuy phù hợp nhưng cần thay lời cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Cụ thể, cần thay lời "Đường vinh quang xây xác quân thù" bằng nội dung khác.
Góp ý cho điều 13 (chương 1) dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 4/6, đại biểu Huỳnh Thành cho rằng giai điệu quốc ca hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người, nhưng nên thay lời cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước.
“Ví dụ như chúng ta sẽ sửa nội dung lời "Đường vinh quang xây xác quân thù" bằng nội dung khác. Vì vậy Khoản 3 đề nghị sửa lại là: Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựa trên nền nhạc bài Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao”, ông phát biểu.
Đại biểu Huỳnh Thành. Ảnh: TTXVN. |
Theo ghi nhận của VnExpress, trong quá trình góp ý sửa đổi Hiến pháp 3 tháng qua, một số góp ý trong các hội thảo lấy ý kiến người dân cũng đề cập cụ thể tới nội dung này. Thực tế, đây không phải là đề xuất mới mà đã xuất hiện từ những năm 1970 khi tên nước được đổi từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Thời điểm đó thậm chí còn có một cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới để thay bài Tiến quân ca. Tuy nhiên, sau đó cả lời lẫn giai điệu bài Tiến quân ca vẫn được đa số ý kiến thống nhất giữ lại.
|
Cũng liên quan tới các điều khoản trong chương 1 về chế độ chính trị, các ý kiến phát biểu đều thống nhất quan điểm ở việc quy định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp và không đổi tên nước.
Về điều 54, quy định bản chất và các thành phần của nền kinh tế, các đại biểu không thống nhất với nhau khi 3 phương án đưa ra đều có những ý kiến ủng hộ, phản đối. Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị chọn phương án 3 như nội dung dự thảo. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Bởi, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Còn đại biểu Nguyễn Doãn Khánh lại ủng hộ phương án 1 vì “thể hiện đúng theo tinh thần của Cương lĩnh Đảng cộng sản Việt Nam”. Theo đó, thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Ở một điều 58 dự thảo, các ý kiến cũng không thống nhất khi đề cập đến việc bỏ hay giữ quy định về thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế.
Nguyễn Hưng
'Tôi tự hào vì con mình được đưa vào đề thi Văn'
Được bạn của con trai thông báo đề thi tốt nghiệp THPT nhắc đến Nguyễn Văn Nam, người bố xúc động cho rằng xã hội nhớ đến Nam là nguồn an ủi lớn đối với gia đình sau nỗi đau mất con.
>Gương nam sinh quên mình cứu bạn vào đề thi tốt nghiệp
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Điều (bố em Nguyễn Văn Nam, người đã quên mình cứu 5 em nhỏ trên dòng sông Lam) kể lại, trưa 2/6, chuẩn bị ăn cơm, ông thắp nén nhang cho con trai thì nghe chuông điện thoại reo. Nhấc máy, đầu bên kia vang lên tiếng em Nguyễn Công Tuyền (học cùng lớp với Nam) nói "sáng nay thi môn Văn tốt nghiệp có câu hỏi nói đến Nam nhà mình", rồi Tuyền đọc lại đề thi cho ông nghe.
Ông Nguyễn Văn Điều: "Xã hội nhớ đến hành động cứu người của Nam là niềm an ủi lớn đối với gia đình". Ảnh: Hải Bình. |
"Nghe xong tôi xúc động không nói nên lời, nỗi nhớ về Nam lại làm tôi trào nước mắt. Nhưng nén nỗi đau, tôi nghĩ đó là niềm tự hào về con trai. Đó cũng là niềm an ủi lớn với gia đình khi được xã hội nhớ đến", ông Điều tâm sự và cho hay không dám nói điều này với mẹ Nam ngay vì bà đang yếu, sẽ lại khóc vì xúc động. Đến buổi chiều ông mới nói chuyện, mẹ Nam chỉ lặng lẽ khóc.
Người bố cho biết, trước hôm thi tốt nghiệp, các bạn cùng lớp đến thắp hương cho Nam rất nhiều. Thấy các cháu trong làng xã đi xem số báo danh, cả gia đình ông đau lòng nhưng chẳng ai nói ra. "Trước khi Nam mất tôi đã nghĩ đến việc năm nay sẽ đưa con trai đi thi tốt nghiệp và thi vào ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh, thế mà giờ không còn cơ hội đó nữa...", ông Điều nghẹn ngào nói.
Riêng bà nội của Nam lại có phần cứng cỏi. Chính bà đã động viên con cháu khi nghe mọi người kể hành động dũng cảm của Nam được đưa vào đề thi: "Mất đi đứa cháu bà cũng đau như đứt ruột rồi. Thôi các con đừng đau lòng quá nữa, xã hội đã quan tâm tới Nam nhà mình như thế là niềm an ủi lớn. Bây giờ các con phấn chấn lên để lo cho hai đứa còn lại ăn học và kiếm được việc làm".
Trước thông tin một số bạn đọc cho rằng Nam nên lường sức để bảo vệ mình trước khi cứu người, bố của nam sinh nói: "Nếu lường sức mình thì không kịp, có lẽ lúc đó Nam nghĩ mình đủ sức. Và trong hoàn cảnh đó ai cũng sẽ làm như thế thôi, chẳng còn kịp thời gian để suy nghĩ nữa".
Di ảnh của em Nguyễn Văn Nam, người đã quên thân mình cứu 5 em nhỏ trên dòng sông Lam chiều 30/4. Ảnh: Hải Bình. |
Là hiệu trưởng trường THPT Đô Lương 1, nơi Nam từng theo học, cô Nguyễn Thị Kiều Hương kể, dứt tiếng trống báo hiệu thi xong môn Văn, một giám thị hồ hởi chạy xuống báo đề thi có nói về em Nam. "Tôi rất bất ngờ, tự hào và thương Nam lắm. Theo dõi thông tin trên các báo viết nhiều về Nam, tôi ấn tượng nhất với một comment rằng nhìn thấy đề muốn nhảy vào làm luôn", cô Hương nói.
Bình luận về comment "cứu người nói chung cần có kỹ năng, nếu không sẽ dẫn đến bi kịch như Nam", cô Hương cho rằng không chỉ Nam mà bất kể người nào có lòng tốt đều làm như vậy. Phần đa sẽ đồng tình với hành động của Nam, bởi khi đó bản năng con người là xả thân ngay, chứ không nghĩ đến chuyện sống chết.
Cô hiệu trưởng cho biết thêm, năm nay số học sinh lớp 12 trường Đô Lương 1 tham dự kỳ thi tốt nghiệp là 633. Xong phần thi môn Văn, cô nhận được nhiều điện thoại của các em nói môn Văn đều làm câu hỏi về Nguyễn Văn Nam trước và làm rất tốt. "Tôi sẽ photo đề thi môn Văn và treo ở phòng truyền thống của trường để học sinh thế hệ mai sau nhớ về tấm gương học trò trường mình...", cô Hương nói.
Trước đó chiều 30/4, 8 học sinh ở xã Trung Sơn (Đô Lương) rủ nhau ra sông Lam tắm, 5 em bị nước cuốn trôi. Đi ngang qua thấy nhóm học sinh chới với giữa dòng nước, Nguyễn Văn Nam không ngại ngần lao xuống cứu. Sau khi đưa 4 em vào bờ an toàn, thấy còn Nguyễn Hữu Đô đang chấp chới, Nam dùng hết sức đẩy em vào bờ, còn mình bị kiệt sức và nước cuốn trôi.
Hành động quên mình cứu người của Nam đã được đưa vào đề thi tốt nghiệp năm 2013. Đề thi yêu cầu thí sinh viết đoạn văn ngắn khoảng 400 chữ bày tỏ suy nghĩ về hành động của nam sinh này.
Hải Bình
Theo Vnexpress