Biển Đông nóng trong đề thi môn Địa
Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển đảo có ý nghĩa như thế nào là câu hỏi của đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa sáng 3/6.
> Bộ Giáo dục không công bố số liệu vi phạm thi / Gương học sinh dũng cảm cứu người vào đề thi tốt nghiệp
Năm 2012, đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa từng yêu cầu thí sinh nêu hiểu biết về vấn đề biển đảo, đánh bắt hải sản xa bờ có ảnh hưởng như thế nào đối với kinh tế và quốc phòng an ninh. Năm nay, đề thi tiếp tục theo đuổi vấn đề thời sự nóng bỏng này bằng câu hỏi "Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển đảo có ý nghĩa như thế nào?".
Ngoài ra, đề Địa 2013 còn đề cập đến một vấn đề thời sự là việc làm. Trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng do tình hình kinh tế khó khăn, đề Địa đã buộc thí sinh phải tư duy với câu hỏi: "Nguồn lao động nước ta có những thế mạnh gì? Tại sao việc làm là vấn đề kinh tế xã hội lớn ở nước ta hiện nay?".
Tại Hà Nội, ở điểm thi THPT Minh Khai (Từ Liêm), thí sinh Anh Thư cho biết, đề thi tương đối dễ, dựa vào Atlat là có thể làm tốt. Riêng câu hỏi về biển Đông, Thư đã đoán trước sẽ có một câu vì vấn đề này đang nóng. Chính vì vậy, Thư đã đọc trên mạng, tìm hiểu về vấn đề biển Đông và mối quan hệ giữa các nước có liên quan. “Em rất hào hứng với dạng đề thi này bởi không đơn thuần là kiến thức mà nó còn giúp chúng em hiểu hơn về biển đảo đất nước, từ đó thêm yêu và cố gắng xây dựng, bảo vệ quê hương”, Thư nói.
Tại điểm thi ở trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), phần lớn thí sinh nhận định đề Địa dài, khó hơn mọi năm. Nhiều em không làm hết hoặc phải bỏ dở giữa chừng. Không hài lòng lắm với bài thi của mình, Vũ Trọng Hiếu, THPT Lê Quý Đôn tiếc rẻ vì phải bỏ một câu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nam sinh này cho hay, nhiều phần câu hỏi trong đề cậu chưa kịp học. “Đề Địa năm nay sát chương trình nhưng dài và hơi khó. Nếu thầy cô chấm thoải mái thì may ra em mới được 7 điểm”, Hiếu nói.
Tại Thanh Hóa, phần đông thí sinh cho rằng đề không quá khó, bám sát chương trình nhưng dài. Tại điểm thi trường THPT Hoằng Hóa 4, nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm trạng không vui. “Kết thúc 90 phút nhưng em chỉ làm được khoảng 70%. May mắn thì được 5-6 điểm thôi”, thí sinh Lê Ngọc Sỹ, trường THPT Hoằng Hóa 4, nói.
Ngoài ra, ở câu hỏi số 3 trong đề Địa có phần kiến thức về tình hình biển đảo cũng khiến nhiều thí sinh không chuyên bất ngờ. Em Lê Thị Thùy Linh, THPT Hàm Rồng cho biết, vì không theo chuyên ban C nên không quan tâm nhiều đến môn Địa, do đó không tìm hiểu sâu về vấn đề thời sự này. “Em có nghe báo đài nói nhiều về biển Đông, tuy nhiên em không lưu tâm nên bỏ qua câu hỏi này”, Linh nói và cho biết, không ít bạn cùng phòng đã “bỏ qua” câu hỏi mở này.
Thí sinh rời phòng thi môn Địa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại Đà Nẵng, các thí sinh rời trường thi trong tiết trời nắng gắt. Nhiều học sinh chuyên ban A ở các hội đồng THPT Nguyễn Huệ, Trần Phú, Phan Chu Trinh… không mấy hài lòng khi không phải sở trường nhưng vẫn tự tin làm được khoảng 60%. “Kiến thức đều tập trung trong sách giáo khoa nhưng do chủ quan, ôn tủ nên em làm bài không được tốt”, thí sinh Lê Quang Tú, trường THPT Nguyễn Hiền nói.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Hữu Minh Trí (học sinh trường chuyên THPT Phan Chu Trinh) cười tươi khi rời phòng thi tại hội đồng THPT Nguyễn Huệ từ khá sớm. Trí đánh giá đề Địa sát chương trình, câu vẽ biểu đồ không đánh đố khi cho vẽ cột và đường. Việc được mang Atlat vào phòng thi cũng tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh.
Đánh giá câu phân tích sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ, Minh Trí cho rằng kinh tế miền Trung hiện nay cần tập trung vào nguồn lợi thủy hải sản sẵn có. “Em biết Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển khai thác thủy hải sản ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên sự hỗ trợ này cần thực hiện liên tục, đầy đủ và quy mô mở rộng hơn”, Minh trí kiến nghị.
Tại TP HCM, là một trong những thí sinh ra khỏi phòng thi sớm nhất ở Hội đồng thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai(quận 3), thí sinh Nguyễn Thị Phương Uyên cho biết, đề chủ yếu dùng kiến thức thực tế hơn là kiến thức sách giáo khoa. "Bọn em được ôn thi chủ yếu ở các phần trọng tâm gồm 7 vùng kinh tế và phần địa lý tự nhiên, tuy nhiên đề thi chỉ có câu “Trình bày đặc điểm địa hình vùng núi Đông Bắc”, còn lại là câu hỏi theo hướng mở, khai thác kiến thức tổng hợp của thí sinh là chính", Uyên nói.
Còn Nguyễn Minh Tuấn đánh giá đề thi ở mức trung bình, với Tuấn là dân học khối C thì làm bài khá tốt, nhưng với học sinh trung bình thì để đạt điểm cao không dễ. Hơn nữa, đề thi chủ yếu dùng kiến thức bản thân vận dụng vào làm bài, không có khung chuẩn nào, nên không thể đánh giá được mình làm như vậy đã đúng hướng hay chưa. Tuấn cho rằng cái hay của đề là đưa vấn đề thời sự việc làm vào, nếu chịu khó xem thời sự thì có thể làm bài sinh động hơn.
Dưới góc nhìn của giáo viên, cô Nguyễn Thị Minh Đỗ, giáo viên Địa lý THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) nhận định, đề thi năm nay so với năm trước kiến thức nhẹ hơn, nhưng vẫn trải dài chương trình từ tự nhiên đến lao động, việc làm, kinh tế… phù hợp với trình độ học sinh. Câu hỏi về biển đảo tương đối nhạy cảm. Theo cô Đỗ, nếu giáo viên có kinh nghiệm sẽ dạy kỹ phần này vì đây là vấn đề phù hợp với tình hình thời sự và không quá khó. “Điểm thi sẽ cao hơn năm trước, phổ điểm trung bình khoảng 5-7 điểm”, cô Đỗ nói.
Còn cô Bồ Thị Phương Thu, nguyên tổ trưởng Bộ môn Địa lý trường THPT Trần Phú, cho rằng đề Địa khá hấp dẫn khi đưa vấn đề biển đảo mang đậm tính thời sự và có ý nghĩa tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. Dù không đề cập cụ thể, nhưng học sinh vẫn phải trình bày về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vấn đề này đã có trong chương trình nên học sinh chăm chỉ ôn luyện vẫn có thể làm tốt.
Cũng theo cô Thu, đề Địa năm nay thiên về học thuộc nhiều hơn là kỹ năng như những năm trước. Trong khi thực tế hiện nay học sinh chủ yếu chuyên ban A, khi ôn luyện cùng lúc nhiều môn cho kỳ thi tốt nghiệp các em sẽ thiên về ôn luyện kỹ năng đọc Atlat, xử lý số liệu chứ không học thuộc nhiều. “Chỉ có hai câu liên quan đến sử dụng Atlat và xử lý số liệu nên nhiều em sẽ khó đạt điểm cao môn Địa”, cô Thu nhận định.
Chiều nay thí sinh sẽ dự thi trắc nghiệm môn Sinh với thời gian 60 phút.
VnExpress.net sẽ đăng gợi ý bài làm các môn thi trong thời gian sớm nhất
Lịch thi hệ THPT:
Ngày | Buổi | Môn thi | Thời gian làm bài | Giờ phát đề thi | Giờ bắt đầu làm bài |
2/6 | Sáng | Ngữ văn | 150 phút | 7h25 | 7h30 |
Chiều | Hóa học | 60 phút | 14h15 | 14h30 | |
3/6 | Sáng | Địa lý | 90 phút | 7h25 | 7h30 |
Chiều | Sinh học | 60 phút | 14h15 | 14h30 | |
4/6 | Sáng | Toán | 150 phút | 7h25 | 7h30 |
Chiều | Ngoại ngữ | 60 phút | 14h15 | 14h30 | |
Vật lý | 60 phút | 14h15 | 14h30 |
Đối với hệ Giáo dục thường xuyên:
Ngày | Buổi | Môn thi | Thời gian làm bài | Giờ phát đề thi | Giờ bắt đầu làm bài |
2/6 | Sáng | Ngữ văn | 150 phút | 7h25 | 7h30 |
Chiều | Hóa học | 60 phút | 14h15 | 14h30 | |
3/6 | Sáng | Địa lý | 90 phút | 7h25 | 7h30 |
Chiều | Sinh học | 60 phút | 14h15 | 14h30 | |
4/6 | Sáng | Toán | 150 phút | 7h25 | 7h30 |
Chiều | Vật lý | 60 phút | 14h15 | 14h30 |
Nhóm phóng viên
Nổ lớn, xe tiếp xăng bốc cháy gần bệnh viện 108
Hơn 13h, cột khói và lửa bốc lên ngùn ngụt bao trùm chiếc xe bồn đậu bên trong cây xăng dầu Quân đội trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Gần 2 giờ sau, xe bồn vẫn bốc cháy và đe dọa gây nổ.
Một số nhân chứng cho hay, khoảng 13h, lửa bốc lên từ chiếc xe bồn đang tiếp nhiên liệu cho cây xăng. Ít phút sau, khói và lửa bốc ngùn ngụt bao trùm cả khu vực, đứng từ cách đó vài trăm mét vẫn thấy khói. Do cây xăng nằm đối diện bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nên cả đoạn phố bị phong tỏa phục vụ việc cứu hỏa.
Cột khói cao hàng chục mét bốc lên từ cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo. Ảnh: Cún Thủy. |
14h15, lửa từ chiếc xe bồn vẫn bốc cháy ngùn ngụt, kèm theo những tiếng nổ lớn. 50 cảnh sát cứu hỏa đang tìm cách khống chế ngọn lửa, gần 10 xe cứu hỏa xếp hàng chờ tới lượt. Còn người dân nhốn nháo tìm cách bỏ chạy.
Một ôtô 4 chỗ đậu trong cây xăng cháy đen. Cửa hàng bia 2 tầng nằm gần đó cùng 6-7 xe máy dựng trước cửa cũng bị lửa thiêu rụi. 3 nhân viên cây xăng bị lửa táp vào tay và mặt được đưa đi cấp cứu.
14h30, xăng vẫn từ bồn trào ra khiến lửa bốc dữ dội. Nhiều cảnh sát phải dùng bình cứu hỏa mini hoặc chân để dập tắt đám cháy đang tràn theo dòng nước trên đường. Hàng trăm người dân đứng cách hàng trăm mét quan sát vụ cháy, nhiều tuyến phố lân cận ùn tắc cục bộ.
Ảnh: Hiển Xăm. |
14h40, cảnh sát dùng xe thang cao hơn 20 mét tiếp cận đám cháy từ sân tennis phía sau cây xăng. Nhờ đó, lửa không còn cháy dữ dội như trước.
Bá Đô
Những đứa trẻ không cha ở 'thánh địa' xứ vàng
Sau mối tình giữa sơn nữ xinh đẹp nổi tiếng Phước Thành với phu vàng xứ Bắc, bé Thảo ra đời. Nhưng do không chịu được tiếng xấu với dân làng, sơn nữ ấy đã bán con cho cặp vợ chồng hiếm muộn rồi bỏ đi biệt xứ.
Thung lũng vàng Phước Thành - nơi có những người đàn bà vọng phu. |
Xã Phước Thành (Phước Sơn, Quảng Nam) nằm giữa bát ngát núi rừng, được mệnh danh xứ sở của vàng ròng. Vàng có ở khắp nơi từ ruộng nương, bờ suối, núi rừng. Con đường mới mở đã nối Phước Thành với bên ngoài, không còn cách trở như xưa. Trước đây, để vào xã phải cần đến những người chuyên chạy xe đường rừng.
Nay, đường vào Phước Thành đỡ hơn, nhưng từ thị trấn Khâm Đức tới đây cũng mất ngót nửa ngày chạy xe máy. Những công nhân làm đường cho hay, nhiều cung đường bạt núi, dân ra làm vàng ngay giữa đường và kiếm được ngày vài phân.
Ngôi nhà của 4 mẹ con chị Hồ Thị Sanh nằm bên trục đường cái, cách trụ sở UBND xã không xa. Chị Sanh vừa đi cõng chuyến hàng về, mồ hôi vẫn còn đầm đìa. 32 tuổi, ba mặt con nhưng chị Sanh vẫn giữ được nét xinh đẹp của thiếu nữ miền sơn cước, dù ánh mắt luôn buồn. Cả 3 đứa con của Sanh là kết quả của những mối tình ngang trái éo le, sớm tan vỡ.
Sinh ra trong gia đình có 4 chị em, khó khăn nên từ nhỏ Sanh đã phải vào các bãi vàng để mưu sinh. Từ những chuyến cõng hàng vào bãi vàng kiếm tiền, Sanh lọt vào mắt của chàng trai phu vàng Quảng Ngãi. Sau cuộc tình vụng trộm, năm 16 tuổi Sanh mang thai. Chàng trai kia nghèo khó chưa thể cưới Sanh được, đành hẹn ước vài năm sau có tiền có sẽ xin cưới hỏi đàng hoàng.
Cái thai ngoài ý muốn, cô gái dân tộc Bhnoong đối diện với sự hà khắc của gia đình và dân làng. Thương con, mẹ Sanh dựng chòi nhỏ tại bìa rừng cho con gái ở chờ ngày vượt cạn.
Mẹ con chị Hồ Thị Sanh. |
Cuối năm 1997, Hồ Văn Quăn con trai đầu lòng của Sanh chào đời ở bìa rừng trong thiếu thốn và mưa rét. Cơm với rau rừng, bữa no bữa đói, Sanh âm thầm một mình nuôi con. Phải hơn 1 năm sau, Sanh mới được bồng con về làng. Mọi người nhìn Sanh với ánh mắt đầy kỳ thị.
Số phận tiếp tục trêu đùa với thiếu nữ trẻ. Khi đứa con vừa hơn 2 tuổi, chàng trai phu vàng tử nạn khi chuẩn bị cưới. Tương lai và hy vọng bỗng chốc sụp đổ. Để có tiền nuôi con, Sanh tiếp tục cõng chuyến vào bãi vàng nằm giữa rừng sâu. Và rồi như định mệnh, Sanh lại yêu thương và mang thai với chàng phu vàng xứ Bắc kèm theo những lời thề thốt.
Năm 2001 và 2003, Sanh hạ sinh liền một trai, một gái. Những đứa trẻ tiếp tục cất tiếng khóc chào đời bên bìa rừng. Chàng trai kia sau một thời gian chung sống với Sanh đã bỏ đi, cùng lời hứa quay lại. Sanh một mình nuôi con nhỏ và không nguôi hy vọng.
Hồ Thị Thảo, con gái nuôi của Hồ Văn Bia năm nay đã lên lớp 4. Thảo xinh xắn, nhưng ngại tiếp xúc với người lạ, trốn nhanh qua hàng xóm khi nhà có khách. Câu chuyện thương tâm của Thảo dân làng Phước Thành ai cũng biết. Cô bé là kết quả của mối tình giữa sơn nữ xinh đẹp nổi tiếng Phước Thành một thời với phu vàng xứ Bắc. Không chịu được tiếng xấu với dân làng, sơn nữ ấy đã bỏ đi biệt xứ khi bán con cho Hồ Văn Bia giá 2 triệu đồng.
Vợ chồng Bia vốn gia đình khá giả, nhưng hiếm muộn con. Bia nhận con khi bé Thảo mới tròn 3 tháng tuổi. Nuôi nấng, dành hết tình cảm cho con, nhưng vợ chồng Bia không thể bù đắp được nỗi đau, mặc cảm sợ hãi trong tâm hồn đứa bé.
“Dân làng ai cũng biết chuyện. Nó lớn lên rồi biết chuyện của mình. Nó buồn, khóc miết. Vợ chồng yêu thương con hết mực nhưng làm sao bù đắp được. Nhiều đêm nó ôm tôi, rồi hỏi về người mẹ đẻ ra nó, đang ở đâu, bao giờ cho con được gặp mẹ. Nghe ra đau lắm”, Bia tâm sự.
Đường vào Phước Thành lởm chởm đá. |
Hồ Văn Thắng và Hồ Thị Hiền con của Sanh cùng độ tuổi lên mười, nhưng đã sớm biết buồn rầu vì không biết mặt cha. Dẫu người mẹ cố hết sức dành hết tình cảm cho các con. “Thằng Quăn học đến lớp 7 thì nghỉ học hai năm nay. Giờ chỉ mong nuôi được thằng Thắng con Hiền học hành đàng hoàng, chứ không lại tiếp tục nghèo khổ thôi”, Sanh tâm sự.
Hiền, Thắng học khá và rất ngoan, sớm biết thương mẹ. Hiền thích học vẽ, ngày nào cũng cặm cụi vẽ tranh. Những bức tranh của Hiền về gia đình đều có hình cha mẹ anh em quây quần, đoàn tụ. Thắng học lớp 5, nhưng già dặn hơn chúng bạn.
Thắng buồn rầu: “Mấy lần con nói mẹ dẫn con đi gặp cha nhưng mẹ cứ khất hứa miết. Lớn lên con sẽ đi tìm cha”. Còn người mẹ tội nghiệp đến giờ vẫn luôn giấu các con, chỉ dám tâm sự với khách lạ, rằng chị biết rõ cha của tụi nhỏ đang ở đâu.
Theo ông Hồ Văn Phen, Chủ tịch xã Phước Thành chia sẻ mấy năm gần đây các bãi vàng đã đi vào quy củ, những công ty giờ làm riêng biệt, không còn lộn xộn như xưa. Trên địa bàn xã giờ có khoảng 1.000 công nhân của 4 công ty vàng lớn. Công an tăng cường, việc làm vàng được quản lý tốt, nên không còn lộn xộn và phức tạp như xưa.
Kể về những thân phận phụ nữ ở Phước Thành đơn thân, một mình nuôi con của phu vàng, Chủ tịch Phen buồn rầu: “Gần chục trường hợp, hoàn cảnh đều khó khăn, không có cha, các em vẫn lớn lên trong mặc cảm, tự ti tội nghiệp lắm”.
Theo Tiền Phong
Theo Vnexpress