Đà Lạt cũng là địa điểm được Mẹ Pierre de l’Assomption chọn đặt cơ sở đầu tiên của giai đoạn tái thiết sau di cư. Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã mua một cơ sở của dòng Salésien, hồi đó ở số 5 đường Gia Long. Cơ sở này trước là Đan viện của dòng Biển Đức, mua đi bán lại. Đan viện gồm một nhà nguyện và một nhà cho Đan sĩ ở. Hai nhà nối nhau bằng một dãy hành lang. Phía dưới nhà nguyện có hầm thờ. Đan viện một lầu, chia thành phòng cá nhân. Các cửa ra vào, cửa sổ cũng như vật dụng trong nhà đều sơn màu đen, nói lên vẻ khắc khổ của đời sống ẩn tu. Phía dưới Đan viện có chổ để xe, có nhà cơm, nhà bếp. Một cử chỉ đẹp của các cha Salésien đối với các nữ tu từ phương xa mới đến, chân ướt chân ráo, là khi giao nhà các cha để lại tất cả các vật dụng, kể cả một trại nuôi gà.
Ngày 28/9/1958 Mẹ Marie Pierre de l’Assomption và Mẹ Marie Ozitie từ Qui Hòa vào, và ba chị ở Madagasca về: Yvette - Annick đến ở nhà mới. Sáng ngày 29/4 cộng đoàn đã có Thánh Lễ và giữ Thánh Thể để chầu. Tiếp sau đó, cũng trong năm 1958, cộng đoàn thêm số: 1 chị, chị Marie Domine từ Liban sang, giữ chức Bề trên cộng đoàn, một chị ở Qui Hòa vào, 4 chị từ Singapor về, 4 chị từ Macao về, 11 chị từ Madagasca về, 1 chị từ Strasbourg nước Pháp sang, 1 chị từ Paris nước Pháp về. Cả một đội ngũ hùng hậu: 24 nữ tu. Công tác chủ yếu của cộng đoàn Đà Lạt là mở Tập viện ở Việt Nam. Chị Suzanne - Agnès, ngày 28/11/1959 từ Paris sang, được cử làm chị Giáo tập. Ngày 19/3/1959 Mẹ Marie Pierrre de l’Assomption đã đem một em Tiền tập sinh của nhà Đà Lạt sang Tập viện Trung Ương của dòng ở Grottaferrata, sau lại đưa sang Tập viện ở Les Châteles ở Pháp, và được dâng lời khấn tại đó ngày 19/3/1961. Chị này tên là Phùng Thị Phước (tức là Sr. Monique đã về nhà Cha ngày 17/12/1994).
Tưởng cũng nên nhắc lại, sau Tổng Tu Nghị 1960, dòng chỉ gồm một thành phần: Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, không phân biệt Mẹ hay Chi, cũng không phân biệt Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ và Hiến Tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ nữa. Vậy khóa Nhà tập mở đầu tiên ở Đà Lạt năm 1960 là khóa mở cho 20 chị Hiến tu bồi dưỡng, bổ túc về nhiều phương diện, để đạt tầm cỡ và trình độ toàn cầu. Khóa này kéo dài một năm và được chị em gọi là “làm nhà tập lại”.
Khóa nhà tập chính thức mở ngày 15/12/1960, có 6 tập sinh, 4 đã được ơn bền đỗ và dâng lời khấn trọn đời. Ngày 19/3/1961 một em vào nhà tập, ngày 13/6 ba em vào nhà tập. Khóa tập năm 1962 chỉ có một em. Sau năm 1962, ngừng 5 năm không có nhà tập ở Việt Nam. Tháng 9/1965 chị giáo tập Suzanne Losé về Pháp đưa theo 2 tập sinh còn lại sang tiếp tục ở Les Châteles. Lý do là để bảo đảm an ninh, vì chiến sự ở Việt Nam ngày càng sôi động, bất ngờ, chẳng hạn biến cố Tết Mậu Thân đầu năm 1968, chị bề trên Tỉnh dòng, Marie de St Hilasire đã muốn đưa các tập sinh sang Singapor, nhưng ý định này đã không thực hiện được.
Năm 1963, dời trường về gần tu viện, mượn một nhà bỏ trống, phía bên kia đường. Sau đó khởi sự xây cất trường tiểu học và trung học, đặt tên là trường Vierge maria, dạy chương trình Pháp… Niên khóa 1963-1964 có đến lớp troisième. Cũng năm này xây cất cư xá nội trú cho nữ sinh, vì Đà Lạt mát mẻ và vì muốn cho con em học sinh ngữ do các nữ tu ngoại quốc dạy, nên ở các nơi, phụ huynh học sinh gởi con em đến. Cộng đoàn Đức Mẹ Vô Nhiễm với cơ sở giáo dục là trường Thương Mại Việt Nữ cũng thu hút giới sinh viên học sinh các nơi về nội trú để học tập trau dồi kiến thức đạo và đời. Nhờ sự tận tâm phục vụ của chị em FMM (lúc ấy có nhiều chị nước ngòai), nên trường phát triển nhanh và được nhiều người tín nhiệm. Ngoài ra trường còn có trường Mẫu Giáo Hừng Đông nữa.
Song song với việc đáp ứng nhu cầu giáo dục, việc huấn luyện ơn gọi vẫn là điều cấp thiết nên chị em FMM đã nghĩ đến việc thành lập lại Tập viện Đà Lạt để làm nơi đào tạo ơn gọi cho tương lai. Chúa Quan Phòng sắp xếp để chị em có được ngôi nhà tại số 6 Cô Giang Đà Lạt. Tập viện Hiển Linh được hình thành và sinh hoạt từ năm 1969 đến 1975. Vốn mang dòng máu Phan Sinh với tinh thần ẩn dật Nazareth, chị em tập sinh dễ dàng thích nghi với môi trường mới, với một lòng hăng say nhiệt tình sống ơn gọi dâng hiến trong con đường Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Hạt giống ơn gọi được gieo xuống và lớn dần theo thời gian cho đến ngày đơm hoa kết trái. Nhưng cuộc đời theo Đức Kitô là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm trong tiếng Vâng của Ngài…
|
Biến cố năm 1975 là một lời mời gọi chị em từ bỏ, can đảm thay đổi nếp sống và “làm lại cuộc đời” cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Tưởng có nằm mơ cũng không nghĩ sự kiện xảy ra bất ngờ như thế. Thôi hết rồi, trường học và Tập viện! Chị em FMM ngậm ngùi chia tay, “Tây - Ta” ai về nhà nấy. Như con thuyền trôi ngược giòng, chị em cố gắng vượt mọi thử thách, cho đến năm 1979 sau khi bàn giao nhà số 5 Gia Long chị em “thong dong” như khách lữ hành, để sống tinh thần nghèo khó và chia sẻ vận mệnh của quê hương với anh em, trong đời sống âm thầm cầu nguyện và lao động tại cộng đoàn Hiển Linh.
“Đất lành chim đậu”, từ 1980 Chúa gởi đến cho cộng đoàn những ơn gọi trẻ, và dần dần cộng đoàn Hiển Linh trở thành chiếc nôi của chị em FMM vùng Lâm Đồng. Nhờ bầu khí yên tĩnh, khí hậu tươi mát, cộng đoàn thành nơi tiếp đón dừng chân cho các chị em Khấn Tạm, Khấn Trọn, các chị Tân Phụ Trách… tổ chức những khóa học hỏi, bồi dưỡng, tĩnh tâm… Từ năm 1993 đến 1998, cộng đoàn trở thành nơi qui tụ các em trong giai đoạn Tiền Tập Sinh, và hiện nay cộng đoàn tiếp đón các em Bình Minh đến tìm hiểu ơn gọi. Cộng đoàn cũng tiếp tục phục vụ giới sinh viên qua những nhóm sinh hoạt khác nhau.
Nhìn lại chặng đường đã qua với những biến cố thăng trầm, không thiếu cả niềm vui lẫn nước mắt, chị em cảm nghiệm được tình yêu và ân sủng Chúa không ngừng dẫn đưa chị em trong quá khứ, hiện tại và còn tiếp tục trong tương lai… Mừng 70 năm của Tỉnh dòng cũng là dịp để cộng đoàn bày tỏ lòng Tri Ân Cảm Tạ Chúa, cám ơn Tỉnh dòng và tất cả chị em đã và đang góp công xây dựng Tỉnh dòng, đặc biệt là xây dựng cộng đoàn Hiển Linh, để cộng đoàn luôn thể hiện đúng tên gọi của mình và noi gương Đức Maria: “Giới thiệu Chúa cho anh chị em mình rồi lui vào bóng tối”.
Chị Em Cộng Đoàn Đà Lạt.