Tin Trong Nước

“Vé số đê, vé số đê. Cô ơi chú ơi, còn 10 vé mua giúp cháu ạ”, tiếng rao của cậu bé bán vé số vang lên nơi cuối con đường. Ngày 1/6, em chẳng ước có quà, chỉ mong kiếm được tiền để gửi về cho cha mẹ.

Tết thiếu nhi buồn của cậu bé bán vé số

“Vé số đê, vé số đê. Cô ơi chú ơi, còn 10 vé mua giúp cháu ạ”, tiếng rao của cậu bé bán vé số vang lên nơi cuối con đường. Ngày 1/6, em chẳng ước có quà, chỉ mong kiếm được tiền để gửi về cho cha mẹ.

Khu vui chơi thiếu nhi ở tầng trệt của nhà sách Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP HCM tối 31/5 đông hơn thường ngày. Vài đứa trẻ vui đùa, nhảy nhót, một số khác nũng nịu đòi cha mẹ mua quà cho ngày Tết thiếu nhi. Chỉ cách đó một tấm kính, phía ngoài đường, cậu bé Nguyễn Văn Lý cầm trên tay tập vé số, ánh mắt không giấu nỗi sự thèm thuồng.

Ngắm đám trẻ trong những bộ đồ mới tinh, đôi giày nhiều màu sắc, Lý cúi xuống nhìn đôi dép tổ ong của mình đã mòn vẹt, chằn thêm vài miếng dán, chiếc quần short nhăn như cái lò xo lên đến quá đầu gối.

“Mi mà cũng muốn vào đó chơi nữa à. Mơ đi cưng”, tiếng của cậu bạn ở chung phòng làm Lý giật mình. Em hất tay bạn khỏi vai rồi lủi thủi bước vội.

Ước mơ của Lý là có một bộ đồ mới. Hơn môt năm nay em chưa được mua thêm áo quần. Ảnh: Nguyễn Loan

“Vé số đê, vé số đê. Cô ơi chú ơi, còn 10 vé mua giúp cháu ạ”, tiếng rao của Lý vang lên rồi tắt ở cuối con đường, nơi còn một vài người đang say sưa nhậu. Đường khuya đã vắng người, quán cũng chỉ còn vài khách lai rai, chẳng ai đoái hoài tới lời rao của em.

“Mọi khi đến giờ này ế ẩm lắm cũng chỉ còn vài tờ. Hôm nay trời đổ mưa từ chiều, mà lúc tối em lại mãi quên đứng nhìn tụi nó chơi nên đến giờ vẫn còn chừng này”, cậu bé giơ tập vé số lên vừa trách mình.

Lý là một trong nhiều em nhỏ đã rời gia đình ở những vùng thôn quê để vào Sài Gòn kiếm sống. Lý và 8 đứa trẻ bán vé số trọ trong căn phòng chừng 12 m2 ở đường Thống Nhất (quận Gò Vấp). Đứa lớn nhất 15 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi. Trong đó, Lý là đứa có thâm niên nhất ở đây, 8 đứa còn lại chỉ mới vào Sài Gòn được một tháng nay. “Cũng không chật lắm đâu ạ. Bọn em đi cả ngày, khuya mới về, chỉ cần có đủ chỗ để ngủ là được rồi”, Phúc, cậu anh cả ở đây, nói.

Giữa nền nhà, 9 đứa trẻ rải manh chiếu mỏng rồi ôm nhau ngủ cho đỡ lạnh. Có những đêm, trong lúc mơ ngủ, bất thình lình một đứa bật dậy rao “vé số đê, vé số đê”, để rồi sáng mai khi thức dậy, nó trở thành tiêu điểm của những lời trêu đùa của cả nhóm.

Những đứa trẻ cho hay, chúng chẳng nhớ mỗi ngày đi được bao nhiêu cây số. Cứ 5h, khi chiếc đồng hồ réo gọi, Lý bật dậy rồi đi gọi từng đứa trong phòng để bắt đầu cho một ngày mới. Việc đầu tiên là phải đi bộ ra đại lý cách đó hơn một km để lấy vé số. 7h, với tập vé số trong tay chúng vừa đi vừa nhai ổ bánh mì không vừa bắt đầu rao mỗi khi gặp ai đó. 11h, nếu bán hết thì được về nhà nghỉ, nếu còn phải ra đại lý trả lại. 5h chiều, chúng lại đi nhận thêm 100 tờ bán cho tới 12h đêm mới nghỉ. Một tờ vé số, các em được 1.000 đồng. Hằng ngày, mỗi đứa nhận từ 150 đến 200 tờ nhưng ít khi bán được hết.

Một ngày của Lý bắt đầu từ lúc 5h sáng và kết thúc khi đồng hồ đã điểm qua ngày mới. Ảnh: Nguyễn Loan.

“Nhà nghèo quá, cha em lại đau bệnh liên miên. Học đến lớp 6, không có tiền nữa nên em đi kiếm tiền phụ mẹ", Lý kể về mình. Quê ở tận huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), hơn một năm trước, cậu theo mấy anh cùng làng vào TP HCM kiếm sống. Mấy tháng đầu mới vào, Lý đã làm đủ nghề, từ phụ việc ở quán cơm, theo anh trai đi phụ hồ, cực quá lại chuyển qua bán vé số. Không người thân thích, Lý được một ông chú nhận về cho ở và chịu sự quản lý của ông.

"Mấy ngày đầu mới đi bán, em không quen nên chân đau lắm, sưng vù lên. Có hôm sáng dậy không thể nhấc chân đi được, nhưng nghĩ tới cha mẹ ở ngoài quê em lại ráng", Lý nói, giọng già dặn hơn tuổi 13 của em.

Mỗi tháng sau khi trừ tiền ăn, tiền phòng, Lý vẫn còn dư được khoảng hơn một triệu để gửi ra quê cho mẹ. Cậu bé bảo em sợ trời mưa ở Sài Gòn. “Em không sợ ướt, không sợ lạnh, chỉ sợ ướt vé số sẽ không ai mua dùm”, Lý nói.

Được xem là già nghề nhất trong phòng nhưng không ít lần Lý phải bật khóc giữa phố. Đó là lần mới vào thành phố bán vé số được vài tháng, tiền còn chưa có gửi về nhà, có khi còn phải nhịn đói đi làm, vậy mà sáng đó sau khi nhận 100 tờ vé số thì có một người đàn ông bảo mua, khi xem xong thì giật chạy mất. Sau lần đó, nỗi lo gặp cướp luôn ám ảnh em những khi đi bán khuya.

Lý là đứa trẻ khá ít nói, chỉ cười mỗi khi mấy đứa bạn trêu chọc, hỏi cái gì cũng chỉ nhận được câu trả lời “không”. Chỉ đến khi hỏi có nhớ nhà không thì đôi mắt cậu bé chùng xuống. Nhưng rồi Lý bảo, em đã quen rồi. Cuộc sống của em gắn liền với những tờ vé số, với quán nhậu, với những lời rao mời, với từng ngóc ngách của Sài Gòn mà em đã đi mòn đôi dép.

Khi được hỏi ước mơ của mình vào ngày Quốc tế thiếu nhi, Lý ngẩn ngơ suy nghĩ. “Nếu được, em chỉ ước bán được thật nhiều vé số để có thể có tiền gửi về cho mẹ và mua một bộ đồ mới. Từ khi vào Sài Gòn tới giờ em chưa được mua lần nào”, nụ cười hồn nhiên hiện lên trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió.

Nguyễn Loan

Can đảm như bệnh nhi ung thư máu

Mắc bệnh ung thư máu, suy tủy xương... nhiều năm, ngày nào các em bé ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng bị tiêm, truyền khiến cảm giác đau đớn bị chai lỳ, ngủ dậy là xoa xoa vào chỗ tiêm vì ngứa.

Khu điều trị dành cho bệnh nhi quá đông, hai bé phải nằm chung một giường. Bác sĩ Vũ Thị Hồng Phúc cho biết, hơn 80% trong số 120 em đang nằm viện bị ung thư máu, số còn lại mắc các bệnh suy tủy xương, tan máu bẩm sinh. Có bé mới sinh ra được 23 ngày tuổi đã phát hiện bị máu trắng.

Trừ các bệnh nặng phải nằm tại chỗ cả tháng, một số cháu phải nằm truyền hóa chất, truyền máu vài tuần mới được về nhà điều trị ngoại trú.

Việc điều trị bệnh ung thư hết sức tốn kém nhưng các cháu dưới 6 tuổi được miễn phí 100%. Ngoài ra, các học sinh, gia đình khó khăn cũng chỉ phải trả 5 - 20%viện phí.

Bùi Thị Khánh Huyền (dân tộc Mường ở huyện Nho Quan, Ninh Bình) mới 3 tuổi đã bị ung thư máu cấp từ tháng 10/2012. Đầu tháng 5, bé Huyền được chuyển lên Viện Huyết học điều trị, hai mẹ con trông nhau.

Cùng quê Ninh Bình, hoàn cảnh của bé Nguyễn Trần Hiếu còn đáng thương hơn khi vừa bị tự kỷ vừa ung thư máu. Đã 8 tuổi nhưng Hiếu chưa biết nói. Mẹ Hiếu phải bỏ việc để lên chăm con trai, còn con gái 5 tuổi để ở nhà.

Các bệnh nhi được lấy máu hàng ngày để thử máu, truyền hóa chất.

Những ngày đầu, bé nào cũng khóc hết nước mắt nhưng sau vài tháng nhiều bé đã quen dần với cảm giác đau đớn này.

Không còn cảm giác đau nhưng các vết tiêm, vết truyền lại gây nhức và ngứa. Bé Hòa Bình (quê Hải Dương) hễ ngủ dậy là ngồi xoa tay suốt vì ngứa chỗ châm kim.

Tất cả các bé khi được truyền hóa chất đều phải cắt tóc, cạo trọc đầu nên khó phân biệt giới tính. Sau hai tháng nằm viện, bé Hồ Linh Đan (5 tuổi) trông như con trai. Linh Đan từ bệnh viện Vinh (Nghệ An) chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương rồi đến Viện Huyết học, sau khi bị phát hiện bệnh bạch cầu cấp.

Nguyễn Thị Ngọc Lan mới 7 tuổi nhưng đã nằm viện được 4 năm. Dù bị bệnh nặng, một tháng phải lên Hà Nội nằm viện một lần nhưng năm học vừa qua bé vẫn học rất giỏi. Trên giường bệnh, cô bé quê Kim Động (Hưng Yên) vẫn không rời quyển vở, cái bút.

Bé Nguyễn Thị Thúy Hiền đang bị sốt phải đắp khăn. Cô bé cũng trông như con trai khi bị cắt trọc đầu.

Cô bé dân tộc Tày Nguyễn Thị Phương (4 tuổi) và em trai Nguyễn Duy Phòng (2 tuổi, ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang) cùng bị tan máu bẩm sinh. Phương đang chơi đùa với mẹ, còn em trai được bố bế ngoài hành lang. Phương được phát hiện bệnh năm 2 tuổi, còn Phòng nằm viện từ khi 5 tháng.

Hoàng Hà

Gần một triệu thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp

Sáng 1/6, hơn 946.000 thí sinh đến 2.300 hội đồng coi thi để nghe phổ biến quy chế và làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT. Học sinh phải có mặt tại điểm thi để bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp vào 6h hôm sau.
> Thí sinh chỉ được dùng bút chì làm bài thi trắc nghiệm

Tại hội đồng thi trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), gần 700 học sinh của trường THPT Việt Đức và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố có mặt từ rất sớm để nghe quy chế và xem số báo danh, sơ đồ phòng thi.

Cô Nguyễn Thị Thúy Anh, chủ tịch hội đồng thi cho biết, trong buổi tập trung này, cô nhắc lại trách nhiệm của thí sinh, những dụng cụ được phép mang vào, khen thưởng và xử lý vi phạm, lịch thi, giờ thi, sơ đồ thi... Những điểm lưu ý về thi trắc nghiệm cũng được phổ biến. Theo đó, học sinh chỉ được tô chì đen ở ô trả lời, không dùng bút mực, bút bi hoặc để lại ký hiệu riêng. Làm xong bài thi trắc nghiệm phải ngồi tại chỗ, không nộp trước khi hết giờ làm bài.

Cô Thúy Anh phổ biến quy chế và nhắc nhở thí sinh. Ảnh: Hồng Nhung.

"Theo quy định mới thì các thiết bị ghi âm ghi hình được phép mang vào phải không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có bộ phận chức năng truyền thông tin như Bluetooth, WiFi... Nếu có thí sinh sử dụng thì giám thị sẽ dễ dàng phân biệt nên vấn đề này không có gì căng thẳng", cô Thúy Anh nói.

Tuy nhiên, quy định này lại khiến Chủ tịch Hội đồng thi tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Từ Liêm, Hà Nội) Bùi Văn Phúc băn khoăn. Theo ông Phúc, giáo viên và giám thị coi thi chỉ có thể kiểm tra được những thiết bị thông thường, phổ biến. "Chúng tôi khuyến khích học sinh nên tập trung làm bài thi", ông nói.

Điểm thi này có 672 thí sinh đến từ các trường THPT Thượng Cát, Tây Hồ, Xuân Thủy, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Từ Liêm, Minh Khai với 28 phòng thi với 69 giám thị coi thi.

Tại TP HCM, các hội đồng thi cũng tổ chức họp bàn quy chế xem thi, chuẩn bị tâm lý và kỹ năng cho các cán bộ coi thi. Năm nay, thành phố có gần 68.000 thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có gần 59.000 hệ giáo dục THPT và hơn 9.000 hệ giáo dục thường xuyên với 102 hội đồng coi thi.

Sở Giáo dục TP HCM nhắc nhở, thí sinh cần mang đầy đủ giấy tờ khi đi thi, nếu có sai sót thì đến trực tiếp hội đồng thi để giải quyết. Các trường hợp xét đặc cách tốt nghiệp gồm bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt, không quá mười ngày trước ngày thi hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi; bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một môn và không thể tiếp tục dự thi, hoặc sau khi bị ốm hay có việc đột xuất tự nguyện dự thi số môn thi còn lại.

Thí sinh xem số báo danh và phòng thi. Ảnh: Hồng Nhung.

Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), năm nay cả nước có hơn 946.000 học sinh đăng ký dự thi, trong đó học sinh hệ THPT là hơn 854.300 và hệ giáo dục thường xuyên là gần 92.000 em. Với khoảng 2.300 hội đồng coi thi, cả nước có hơn 40.300 phòng thi và 142.300 cán bộ coi thi.

Theo quy định, thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi. Buổi thi đầu tiên các em phải có mặt tại hội đồng thi lúc 6h để nghe phổ biến quy chế. Các buổi thi sau có mặt tại hội đồng thi trước giờ nhận đề thi 30 phút.

10 đoàn thanh tra của Bộ sẽ đến các địa phương dưới hình thức không báo trước. Địa điểm đến cho từng buổi là quyền của đoàn thanh tra, và những trường đến rồi không có nghĩa là không quay lại. Điều này nhằm nâng cao trách nhiệm trong điều hành chỉ đạo tại các hội đồng thi.

Đối với hệ THPT:
 

Ngày Buổi Môn thi

Thời gian

làm bài

Giờ

phát đề thi cho thí sinh

Giờ bắt đầu

làm bài

2/6 Sáng Ngữ văn 150 phút 7h25 7h30
  Chiều Hóa học 60 phút 14h15 14h30
3/6 Sáng Địa lý 90 phút 7h25 7h30
  Chiều Sinh học 60 phút 14h15 14h30
4/6 Sáng Toán 150 phút 7h25 7h30
Chiều Ngoại ngữ 60 phút 14h15 14h30
Vật lý 60 phút 14h15 14h30

Đối với hệ Giáo dục thường xuyên:

Ngày Buổi Môn thi

Thời gian

làm bài

Giờ

phát đề thi cho thí sinh

Giờ bắt đầu

làm bài

2/6 Sáng Ngữ văn 150 phút 7h25 7h30
  Chiều Hóa học 60 phút 14h15 14h30
3/6 Sáng Địa lý 90 phút 7h25 7h30
  Chiều Sinh học 60 phút 14h15 14h30
4/6 Sáng Toán 150 phút 7h25 7h30
  Chiều Vật lý 60 phút 14h15 14h30

Hoàng Thùy - Nguyễn Loan

Theo Vnexpress