Tin thế giới

Tuổi thọ cao, tỷ lệ việc làm nhiều, người dân hài lòng và cân bằng giữa cuộc sống với công việc, Australia, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ... được đánh giá là những quốc gia phát triển hạnh phúc nhất thế giới.

10 nước hạnh phúc nhất thế giới

Tuổi thọ cao, tỷ lệ việc làm nhiều, người dân hài lòng và cân bằng giữa cuộc sống với công việc, Australia, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ... được đánh giá là những quốc gia phát triển hạnh phúc nhất thế giới.

Danh sách các nước công nghiệp hạnh phúc nhất thế giới do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá dựa trên các chỉ tiêu độ hài lòng, cân bằng công việc và cuộc sống, thu nhập và nhà ở. Kết quả trong năm thứ ba đánh giá được công bố hôm qua, trong đó Australia là nước hạnh phúc nhất thế giới, gần như miễn dịch với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vẫn tăng trưởng trung bình 3,5% trong 20 năm trở lại đây.

Tỷ lệ việc làm của Australia cao, 73% những người trong độ tuổi từ 15-64 có việc làm, so với 66% của OECD. Thu nhập bình quân 28.884 USD/hộ, nhiều hơn mức trung bình của OECD là 23.047 USD, mặc dù người Australia làm việc ít hơn các nước khác 83 giờ/năm. Tuổi thọ trung bình của Australia cũng cao, 82 tuổi, hơn 2 tuổi so với mức chung và mức độ hài lòng của người dân là 84%, cao hơn trung bình của toàn cầu là 80%. Ảnh: AFP

Thụy Điển đứng thứ hai trong danh sách với tuổi thọ trung bình cao ngang với Australia và thu nhập bình quân là 26.242 USD/hộ. Tỷ lệ việc làm là 74% và "hầu hết người Thụy Điển hài lòng với cuộc sống của mình". Ảnh: AFP

Canada đứng thứ ba với 72% người lao động có việc làm, thu nhập bình quân 28.194 USD/hộ và người dân có ý thức cộng đồng mạnh mẽ. Tuy nhiên, ba quốc gia kể trên cũng có khoảng cách giàu nghèo khá cao, với 20% dân số có thu nhập cao nhất cả nước kiếm nhiều hơn 4-6 lần so với 20% dân số có thu nhập thấp nhất. Ảnh: Gocanada

Có tổng cộng 11 chỉ tiêu đánh giá trong đó có nhà ở, giáo dục, y tế, thu nhập và mức độ chung tay của cộng đồng. Na Uy là quốc gia có độ hạnh phúc thứ 4. Ảnh: Flickr

Số 5: Thụy Sĩ. Ảnh: Wallcoo

Số 6: Mỹ. Ảnh: Goyogo

Số 7: Đan Mạch. Ảnh: AFP

Số 8: Hà Lan. Ảnh: AFP

Số 9: Iceland. Ảnh: AFP
Số 10: Anh. Ảnh: Reuters

Vũ Hà

Tìm thấy mẹ của bé sơ sinh bị vứt vào toilet

Mẹ của một bé trai sơ sinh được giải cứu khỏi ống nước thải toilet ở Trung Quốc bày tỏ "hối hận về những gì đã làm".
> Bé sơ sinh được cứu mạng từ toilet

Em bé được đánh số 59, theo số lồng ấp trong bệnh viện, sau khi được giải cứu. Ảnh: Rex Features

"Cảnh sát địa phương đã tìm thấy người mẹ. Cô ta rất hối hận về hành động của mình", CNN dẫn tin từ trang mạng xã hội Weibo của cảnh sát thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, nơi xảy ra vụ việc.

Hãng AFP dẫn lời một cảnh sát cho hay, mẹ của đứa trẻ đã vứt con vào toilet vì mang thai ngoài ý muốn. Cô ta đã giấu kín việc mang thai. Đứa bé bị rơi vào toilet vì cô này sinh con bất ngờ. "Người phụ nữ đó đã có mặt ở hiện trường trong suốt quá trình giải cứu đứa trẻ và đã thừa nhận cô ta là mẹ của em bé khi chúng tôi thẩm vấn", ông nói.

Ông này cho biết thêm rằng họ chưa quyết định có truy tố người mẹ hay không và cũng chưa có thông tin gì về người bố.

Em bé được giải cứu hôm 25/5 từ ống nước thải của toilet ở một khu nhà dân cư. Những người hàng xóm đã nghe thấy tiếng khóc của em phát ra từ toilet tầng 4 và khi nhìn vào bệ sứ, họ phát hiện một chiếc chân nhỏ ở bên trong.

Đội cứu hỏa được điều đến nhưng do không kéo được đứa trẻ ra ngoài, họ phải đi xuống tầng dưới và xẻ một phần của đường ống nước thải. Sau đó, họ mang cả đứa trẻ và phần ống nước này đến bệnh viện. Đường kính của đường ống này được cho là chỉ 10 cm.

Lực lượng cứu hộ và các bác sĩ đã cùng nhau từ từ xẻ từng phần ống và cuối cùng, sau một giờ, khuôn mặt bé nhỏ của đứa trẻ cũng lộ ra. Em bé cùng với nhau thai chưa cắt được đưa ra ngoài.

Video giải cứu bé sơ sinh từ ống nước thải toilet
Sức khỏe em bé hiện đã ổn định và đang được các y tá chăm sóc. Ảnh: Rex Features

Cảnh sát Kim Hoa cho biết vụ việc vẫn đang được điều tra và đăng tải những bức ảnh cho thấy đứa trẻ đang nằm ngủ trong một chiếc lồng ấp, xung quanh là các y tá.

Em không có tên, nặng chỉ 2,2 kg và được các bác sĩ đánh số 59, theo số của lồng ấp. Lúc nhập viện, nhịp tim của em bé rất yếu, có nhiều vết trầy xước và bầm tím trên cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của em hiện đã ổn định.

Bà chủ khu nhà trên cho rằng không thể xảy ra khả năng đứa trẻ được hạ sinh trong căn phòng, vì bà không tìm thấy vết máu nào và cũng không biết có ai mang thai trong số những người sống ở đây.

Video quay lại quá trình giải cứu bé sơ sinh này đã trở thành tâm điểm của báo chí trên toàn thế giới và khiến dư luận vừa cảm thông vừa phẫn nộ.

Truyền thông quốc gia Trung Quốc cho hay hàng loạt người lạ đã kéo đến bệnh viện với quà cáp tặng cho đứa trẻ, trong đó có nhiều người đề nghị nhận nuôi em. Tuy nhiên, một bác sĩ cho biết ông sẽ bàn giao đứa bé cho tổ chức xã hội nếu bố mẹ của em không đến nhận con.

Một trong các lính cứu hỏa tham gia vụ giải cứu cũng đến thăm em bé và gửi tặng áo quần, tã lót và bột trẻ em. Một người khác gửi tặng các hộp sữa và bột, cùng dòng tin nhắn "Đừng để đứa trẻ bị đói. Hãy cùng nguyện cầu".

Nhân Mã

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ dự Hội nghị an ninh châu Á

Ông Chuck Hagel tuần này sẽ đến Singapore để lần đầu tiên tham dự Đối thoại Shangri-La kể từ sau khi trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc.
> Thủ tướng là diễn giả chính tại Hội nghị an ninh châu Á

Ảnh: AP
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Ảnh: AP

Hagel sẽ có bài phát biểu mở đầu cho Đối thoại Shangri-La thường niên, nơi tụ hội của các bộ trưởng quốc phòng, chuyên gia an ninh từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Xinhua dẫn lời các quan chức quốc phòng cấp cao hôm qua cho biết.

Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông Hagel tới châu Á kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ông cũng dự kiến có cuộc gặp ba bên với người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc bên lề hội nghị, đề thảo luận về vấn đề Triều Tiên, Yonhap dẫn lời các quan chức nói. Căng thẳng và bất ổn trên bán đảo, do những sự khiêu khích và đe dọa của Triều Tiên sẽ là một chủ đề nổi bật, một quan chức cho biết.

Tuy nhiên phía Mỹ không dự định có cuộc thảo luận song phương chính thức với Trung Quốc ở Singapore, bởi Bắc Kinh sẽ cử một đoàn đại biểu do một quan chức quân sự hàng đầu thay vì Bộ trưởng Quốc phòng.

Các trợ lý của Hagel nhấn mạnh ông có mối liên hệ cá nhân với châu Á, khi từng tham chiến tại Việt Nam trước đây. Với tư cách là Thượng nghị sĩ Mỹ, ông cũng giúp thành lập Đối thoại Shangri-La cách đây một thập kỷ. "Với tất cả lý do đó, cá nhân ông ấy thể hiện sự cam kết với an ninh khu vực", một quan chức Lầu Năm Góc nói.

Nhật Bản cũng đề nghị về một cuộc gặp song phương với Hàn Quốc bên lề cuộc đối thoại ở Singapore, nhưng Seoul đã từ chối, một nguồn thạo tin cho biết. Quan hệ hai nước chưa có dấu hiệu cải thiện trong bối cảnh công chúng ở Hàn Quốc bày tỏ sự giận dữ đối với quan điểm về lịch sử của chính quyền ông Shinzo Abe và các chính trị gia hàng đầu ở Nhật Bản.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (hay còn được gọi là Đối thoại Shangri-La) được tổ chức từ ngày 31/5 đến 2/6 tại Singapore. Hội nghị được tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại Singapore theo sáng kiến của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS).

Đối thoại Shangri-La năm nay sẽ tập trung vào một số chủ đề như: tiếp cận của Mỹ đối với an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia, phòng ngừa xung đột; hiện đại hóa quân sự và minh bạch chiến lược; các xu hướng mới trong an ninh châu Á- Thái Bình Dương; thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dự kiến có bài phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị với tư cách là diễn giả chính, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm 23/5 cho biết.

"Bài phát biểu sẽ đề cập chính sách đối ngoại - an ninh - quốc phòng vì hòa bình - an ninh và hợp tác phát triển của Việt Nam; các biện pháp xây dựng lòng tin dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời đề xuất phương hướng xử lý các vấn đề liên quan đến duy trì hòa bình ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề an ninh - an toàn hàng hải ở Biển Đông", ông Nghị nói.

Trọng Giáp

Theo  Vnexpress