Tin Trong Nước

15h ngày 22/5, Nick Vujicic đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Sau khi làm thủ tục, anh về thẳng khách sản để chuẩn bị dự đêm ra mắt "Chào Việt Nam".

 

'Chàng trai không chân tay' đến TP HCM

15h ngày 22/5, Nick Vujicic đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Sau khi làm thủ tục, anh về thẳng khách sản để chuẩn bị dự đêm ra mắt "Chào Việt Nam".

Nick Vijicic mất khoảng 2 giờ để làm thủ tục nhập cảnh. Trong lúc đó, ở ngoài cổng VIP, cả trăm sinh viên cùng hơn 30 phóng viên chờ đợi mong bắt được hình ảnh đầu tiên của "chàng trai không chân tay" nổi tiếng này. Vừa đợi, các bạn trẻ vừa hô to: "Nick Vujicic, I love you!".

Nick Vujicic trong phòng chờ làm thủ tục hải quan. Ảnh: P.N.
Nick Vujicic trong phòng chờ làm thủ tục hải quan. Ảnh: P.N.

Nick cười rạng rỡ khi chụp hình cùng các nhân viên ban tổ chức. Anh mặc khá giản dị với sơ mi đen xám, đầu đội mũ. Nick từng cho biết, điều quan trọng với anh trong chuyến đi này là được gặp gỡ khán giả và trò chuyện, chia sẻ những trải nghiệm về cuộc sống của anh cũng như hành trình vượt qua những thử thách chứ không nghĩ mình là một nhân vật "ngôi sao". Vì vậy, ngay từ đầu, Nick Vujicic đã mong muốn được đón tiếp giản dị tại sân bay.

Sau khi hoàn thành thủ tục, Nick được đưa vào chiếc ôtô màu trắng và chạy thẳng ra cổng cùng đoàn xe hộ tống. Nick về thẳng về khách sạn để chuẩn bị cho buổi giao lưu chủ đề "Chào Việt Nam", diễn ra tối 22/5 tại một trung tâm hội nghị ở quận Phú Nhuận, TP HCM và được phát sóng trực tiếp trên truyền hình.

Các sinh viên trật tự xếp hàng đón Nick tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Ảnh: Mai Nhật.
Các sinh viên trật tự xếp hàng đón Nick tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Ảnh: Mai Nhật.

Có khoảng 2.500 khán giả tham dự đêm giao lưu để chào đón Nick cũng như dự lễ vinh danh lần đầu tiên dành cho 24 gương ý chí nghị lực của Việt Nam như: dịch giả Bích Lan, chị Nguyễn Thị Hồng Tâm hay "Tâm Si Đa" - người mẹ của những đứa con bị bỏ rơi, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (người vừa qua đời đầu năm nay)... Họ được xem là những gương Hạt giống tâm hồn Việt Nam để truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Đêm "Chào Việt Nam" của Nick hứa hẹn những khoảnh khắc hội ngộ cảm động giữa anh và các người khuyết tật đầy nghị lực trong nước, cũng như giữa anh và dịch giả Bích Lan. Nữ dịch giả này đã cố gắng vượt qua sự mệt mỏi về thể xác củacăn bệnh nan y loạn dưỡng cơ, dịch hàng chục đầu sách nước ngoài hay, trong đó có 3 cuốn sách của Nick.

"Chàng trai không chân tay" Nick Vujicic có ba cuốn sách được phát hành ở Việt Nam gồm: Cuộc sống không giới hạnĐừng bao giờ từ bỏ khát vọng và Hãy sống cho điều ý nghĩa hơn. Trong 3 ấn phẩm này, anh chia sẻ nhiều bài học về nghệ thuật sống, những trải nghiệm của một con người vượt qua nghịch cảnh và số phận khắc nghiệt để tìm chỗ đứng của mình trong cuộc đời cũng như trong trái tim những người thương yêu.

Nick Vujicic sinh ra ở Melbourne (Australia) và hiện sống tại California (Mỹ). Từ khi mới chào đời anh đã mắc hội chứng Tetra-amelia bẩm sinh, một rối loạn gene hiếm gặp gây ra sự thiếu hụt chân, tay. Nhiều lúc anh bị trầm cảm và từng muốn tìm đến cái chết. Tuy vậy, anh đã vượt qua số phận để trở thành diễn giả, đi khắp nơi như: Nhật, Australia, Trung Quốc, Cuba, các nước châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Liên bang Nga, Đức, Hàn quốc, Singapore, Việt Nam... để giao lưu và truyền cảm hứng sống với khán giả khắp thế giới.

Lịch trình làm việc của Nick Vujicic tại Việt Nam

Tại TP HCM

- Ngày 22/5: 19h30 - 22h: Giao lưu với các Hạt giống Tâm hồn Việt Nam, chủ đề "Chào Việt Nam", được truyền hình trực tiếp trên VTV1.
- Ngày 23/5: 7h30 - 12h: Giao lưu với doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp, chủ đề nói chuyện: "Không bao giờ bỏ cuộc".
- Ngày 25/5: 8h - 12h: Giao lưu với trẻ em đặc biệt khó khăn và cộng đồng người khuyết tật tại Nhà thi đấu Quân khu 7, chủ đề "Hãy sống như Nicky", truyền hình trực tiếp trên VTV6.
- Ngày 25/5: 18h - 21h: Giao lưu với sinh viên, thanh niên, giới trẻ tại Sân vận động Thống Nhất, chủ đề "Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng".

Tại Hà Nội

- Ngày 23/5: 18h30 - 21h30: Giao lưu với sinh viên, thanh niên, giới trẻ tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, truyền hình trực tiếp trên VTV6 dành cho sinh viên, chủ đề "Không bao giờ tự bỏ khát vọng".
- Ngày 24/5: 7h30 - 12h: Giao lưu với doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, chủ đề "Không bao giờ bỏ cuộc".
- Ngày 24/5: 14h - 17h: Giao lưu với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn và cộng đồng người khuyết tật tại Cung thể thao Quần Ngựa, chủ đề "Hãy sống như Nicky".

Thoại Hà

 

Cả miền Nam mất điện vì xe cẩu

Xe cần cẩu chở cây trong khu vực thành phố mới Bình Dương đã khiến cây chạm vào đường dây 500 kV, gây phóng điện và nhảy tất cả tổ máy phát trong hệ thống điện miền Nam. Dự kiến tối nay, nhiều tỉnh thành sẽ có điện trở lại.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Trịnh Đình Chính - Phó giám đốc Truyền tải điện miền Đông cho biết, xe cẩu đã làm đứt đường dây 500 KV tuyến Di Linh - Tân Định. Đây là đường dây tải điện từ Bình Dương, hòa vào trạm biến thế Tân Định, cung cấp điện lực cho toàn bộ khu vực miền Nam, trong đó có TP HCM.

xe-cau-1[1072061918].jpg
Câu dầu dài hơn 10 m đụng vào đường dây 500 KV được cho là nguyên nhân gây mất điện toàn khu vực miền Nam. Ảnh: Nguyệt Triều.

Theo đó, khoảng 13h40 ngày 22/5, tại đoạn đường dây 500 KV tuyến Di Linh - Tân Định, qua khu vực phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), tài xế Ngô Tấn Thảo (ngụ Thuận An, Bình Dương) điều khiển xe cẩu, cẩu cây dầu cao hơn 10 m tại vườn ươm gần đấy. Anh Thảo để phần ngọn cây dầu đụng vào đường dây 500 KV gây ra một tiếng nổ lớn. Ngay sau đó, toàn bộ khu vực này bị mất điện.

Tài xế Thảo kể: "Tôi chỉ biết phần ngọn cây dầu đã bị chạm vào dây điện khi nghe tiếng nổ lớn. Theo phản xạ tôi nhảy khỏi xe nhưng cũng bị choáng váng rất lâu, không biết có phải do điện truyền vào người không. Cây dầu khô héo hết cả". Theo anh Thảo, luồng điện có thể đã truyền đến xe cẩu làm nổ tung bánh xe trước.

xe-cau-2[1072061918].jpg
Bánh xe cẩu phát nổ vì bị phóng điện. Ảnh: Nguyệt Triều

Trên Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, ông Đặng Hoàng An, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết nguyên nhân mất điện toàn miền Nam là do chiếc xe cẩu gây sự cố phóng điện trên đường dây 500 kV. Khi sự cố xảy ra, đã gây ra hiệu ứng dây chuyền và rã lưới. Các trạm biến áp tất cả các tỉnh thành phải ngưng phát để hệ thống điều độ quốc gia rà soát, tìm ra điểm xảy ra sự cố. Hệ thống điện bị rã lưới hoàn toàn, nên các tỉnh từ Ninh Thuận, Bình Thuận trở vào đều bị mất điện.

Thông cáo báo chí Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát đi cuối ngày cũng khẳng định, sự cố xảy ra trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500 KV Bắc - Nam, gây nhảy tất cả tổ máy phát điện, dẫn tới hệ thống điện miền Nam mất điện toàn bộ (với tổng công suất khoảng 9.400 MW).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, các lực lượng đang tập trung xử lý và theo đánh giá, những sự cố như vậy thường mất khoảng 6-8 giờ mới khắc phục hoàn toàn.

Từ 15h54, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa vào vận hành trở lại đường dây 500kV Bắc - Nam và từng bước khôi phục hệ thống điện miền Nam. Dự kiến trong tối nay, điện miền Nam sẽ được khôi phục toàn bộ.

Tại TP HCM, đến 15h đã có một số khu vực có điện trở lại như quận Bình Thạnh, quận 1. Tại nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ), khí điện đạm Cà Mau cũng bắt đầu cung cấp điện trở lại.

Ông Phạm Minh Lương, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam khẳng định, đang dồn tất cả nguồn lực để cấp cho những phụ tải quan trọng trước, trong đó có TP HCM. Trong khi đó, theo đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam, hiện các nhà máy điện đang chạy lại để hòa lưới, nhưng chưa đủ cung cấp nên sẽ có những khu vực chưa thể tái lập điện ngay được.

“Chỉ khi có điện từ hệ thống 500 KV, thì tất cả các nơi mới có thể được tái lập điện như thường”, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam phân tích.

Nhóm phóng viên

 

Ngôi thành cổ bí ẩn ngay sát thủ đô

Nằm giáp ranh giữa Hà Nội và Hòa Bình, ngôi thành cổ bị bỏ hoang bao đời nay. Sự bào mòn của thời gian cùng thăng trầm lịch sử khiến thành chỉ trơ lại hai chiếc cổng vòm cùng bao bí ẩn chôn sâu trong đó...

Nằm trên xã Cao Thắng (Lương Sơn, Hòa Bình), tòa thành cổ rêu phong với lối kiến trúc độc đáo nằm ngay sát tỉnh lộ 424, giao với đường Hồ Chí Minh. Thành hình vuông, diện tích khoảng 40.000 m2. Hiện tại, các cổng dẫn vào đều đã bị phá hủy chỉ còn lại cổng phía tây còn nguyên vẹn.

Cổng này được thiết kế khá đẹp và kiên cố với hình mái vòm cao khoảng 6 m, rộng hơn 3 m. Gạch xây thành màu đỏ, phía dưới nền là gạch có độ dày hơn nhưng cùng kích thước 24x24 cm. Phía trong cổng thành gắn những mộng đá khá lớn có thể được sử dụng để nâng đỡ, chốt giữ cửa gỗ to, nặng.

Ngoài cổng thành được xây bằng gạch thì tường thành chủ yếu được xây bằng đá ong. Ảnh:An ninh thủ đô.

Tại cổng phía nam thành (nằm ngay sát tỉnh lộ 424) được xây cùng loại gạch và kích thước, nhưng phần mái vòm đã bị hư hỏng, chiều cao phần chưa đổ vỡ của chân cổng thành chỉ còn khoảng 2 m. Phía trên tường cây cỏ mọc um tùm càng khiến cho ngôi thành trở nên thâm u, kỳ bí.

Nhiều người dân địa phương cho biết, cổng phía bắc đã bị phá hủy từ lâu, hiện chỉ còn lại dấu tích là hõm đất nhỏ. Anh Lương Đình Thái (39 tuổi), người đang thầu diện tích đất bên trong thành cổ để canh tác cho biết, vị trí cổng phía bắc có thể nằm ngay phía sau vườn của gia đình vì trước kia khi đào móng làm nhà phát hiện đá ong được lát khá bằng phẳng phía dưới, cách mặt đất không sâu lắm.

Đặc biệt, các cụ cao niên tại xã Cao Thắng cho biết cách đây vài chục năm, xung quanh tường thành được xây dựng bằng đá ong đều còn khá nguyên vẹn và chắc chắn. Tuy nhiên, sau này đã bị một số người dân cạy đem về xây nhà cửa, chuồng trại nên hiện tại chỉ còn dấu vết của chân thành bằng đất cao hơn hẳn so với xung quanh.

Cụ Nguyễn Thị Líu (82 tuổi) người thôn Bá Lam 2 xã Cao Thắng khẳng định, cổng phía đông thành bị phá hủy từ những năm 1960. Trong thành cổ khi đó vẫn tồn tại dấu tích của vài dãy nhà, trong đó có ba dãy nhà chạy song song theo hướng Đông - Tây, quay mặt phía Nam. Mỗi nền nhà có diện tích khoảng 100 m2 với gần 10 chân cột.

Vị trí xây thành cổ cũng khá đặc biệt với xung quanh là hào nước và núi non bao bọc. Mặt phía bắc thành dựa vào sông, còn ba mặt đều là hào nước nhân tạo khá rộng và hiện tại toàn bộ hào nước đã được cắt chia để nuôi cá.

Người dân trong khu vực xem thành cổ là “chứng nhân” duy nhất chứng kiến biết bao biến cố của vùng đất này. Theo ông Trần Văn Sản, nguyên cán bộ coi kho của kho xăng dầu cho biết, trong những năm kháng chiến chống Mỹ thì khu thành cổ là vị trí được bảo vệ nghiêm ngặt của quân đội do toàn bộ những thùng xăng dầu phục vụ cho chiến trường được chuyển vào trong thành và chôn sát dưới tường thành để tránh bom Mỹ.

Đặc biệt thời Pháp thuộc, khi quân Pháp kéo về lập đồn bốt tại khu vực Xuân Mai - Chợ Bến thì thành cổ là địa điểm để người dân lánh nạn. Đến những năm 1951-1952, khi quân đội mở “Chiến dịch Hòa Bình” thì khu vực này là nơi diễn ra những trận đánh giằng co với địch. Khi đó, quân Pháp chết rất nhiều, chủ yếu là lính Tây đen nên khu vực thành cổ được biến thành nghĩa địa chôn địch và sau này mới được chuyển đi hết.

Gốc tích của ngôi thành cổ hiện vẫn là điều bí ẩn. Theo cụ Nguyễn Thị Líu, các cụ ngày xưa đều nói thành cổ có từ thời nhà Mạc và không rõ ai xây dựng, xây như thế nào, trong thời gian bao lâu? Về mục đích sử dụng, cụ Nguyễn Thị Líu cho biết, người xưa kể lại nơi đây là chỗ nhốt tù binh và việc xây thành ở vị trí hiểm yếu với tường cao, hào sâu có thể là nhằm ngăn chặn việc cướp tù và tránh cho tù nhân không thể bỏ trốn.

Cũng có một truyền thuyết khác là thành cổ xây từ thời Nguyễn đời vua Gia Long và tên gọi là thành Tỉnh Đạo. Theo đó, trước đây có một vị tướng quân thời Tây Sơn tên là Đinh Công Bản. Sau khi Nguyễn Ánh đánh dẹp nhà Tây Sơn, hai cha con ông chiêu mộ binh lính, đào hào, đắp thành để bảo toàn lực lượng. Sau này khi thất thủ do bị đánh úp, vị tướng quân bị bắt đem đi và thành Tỉnh Đạo bị bỏ hoang từ đó. Hiện ông được coi là Thành hoàng làng.

Gốc tích của ngôi cổ thành ở xã Cao Thắng vẫn là điều bí ẩn cần các nhà khoa học giải mã. Ảnh: An ninh thủ đô.

Ông Nguyễn Xuân Đăng, Phó chủ tịch UBND xã Cao Thắng, khẳng định trong sử sách cũng như giấy tờ tại địa phương lưu giữ không có bất cứ tư liệu nào nói về ngôi thành cổ này. Đã có nhiều đoàn công tác về khảo sát kiểm tra, tìm hiểu đánh giá về ngôi thành cổ. Trong đó Bảo tàng tỉnh Hòa Bình rất quan tâm tới nguồn gốc của ngôi thành cổ này và đã nhiều lần thành lập đoàn công tác xuống thực địa điều tra, khảo sát, thu thập tư liệu về ngôi cổ thành này và lên kế hoạch bảo tồn.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Quản lý di tích (Bảo tàng tỉnh Hòa Bình) cho biết thời gian tới, nhằm tìm ra nguồn gốc của thành cổ, Bảo tàng tỉnh đã lập kế hoạch đề xuất với các cơ quan chức năng để tiến hành khai quật khảo cổ tại khu vực thành nhằm lấy tư liệu và tìm ra bằng chứng khoa học về nguồn gốc của ngôi thành.

Trong chuyến khảo sát thực tế ngôi thành cổ, tiến sĩ Vũ Thế Long (Viện Khảo cổ học Việt Nam) nhận định, căn cứ vào vị trí địa hình xung quanh cũng như kiến trúc xây dựng thì rất có thể ngôi thành cổ là một trại binh khá lớn, được xây dựng cho mục đích quân sự. Ngoài ra, thành có kiến trúc khá đặc biệt là cổng được xây bằng gạch nung trong khi đó tường lại xây bằng đá ong chứ không phải gạch. Điều này có thể lý giải bởi đá ong là thứ nguyên liệu phổ biến và dễ tìm tại khu vực này, chỉ cần đào sâu xuống dưới lớp đất đồi là có, khi gặp không khí sẽ khô cứng lại rất nhanh. Từ đó cho thấy ngôi thành này được xây dựng với một khoảng thời gian sao cho ngắn nhất nhưng cũng phải hiệu quả nhất.

Theo An ninh thủ đô

Theo Vnexpress