Tin Trong Nước

Lời kêu cứu "Con muốn về nhà" của bé gái người Việt được cho là bị đưa sang Trung Quốc trên phương tiện truyền thông của nước này khiến nhiều người quan tâm. Một doanh nhân người Việt đã liên hệ với VnExpress, mong muốn đưa cô bé trở về nhận gia đình

 

gái người Việt kêu cứu ở Trung Quốc

Lời kêu cứu "Con muốn về nhà" của bé gái người Việt được cho là bị đưa sang Trung Quốc trên phương tiện truyền thông của nước này khiến nhiều người quan tâm. Một doanh nhân người Việt đã liên hệ với VnExpress, mong muốn đưa cô bé trở về nhận gia đình.

Mẩu tin về Pa Na có kèm ảnh của em được đăng trong mục tìm người của trang mạng xã hội Weibo.

Ngày 8/5, truyền hình Trung Quốc phát bản tin về một bé gái Việt Nam khoảng 12-14 tuổi bị lạc và đang sống trong viện dưỡng lão ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Một doanh nhân người Việt đang kinh doanh ở tỉnh Chiết Giang đã liên lạc với đài truyền hình để tìm hiểu thông tin. Khi biết hoàn cảnh và nguyện vọng của cô bé, vị doanh nhân đã liên hệ với VnExpress bày tỏ mong muốn giúp em được về Việt Nam.

Liên lạc với phóng viên Chen Wei, người thực hiện bản tin này trên truyền hình Trung Quốc, Chen Wei cho hay, qua mạng weibo anh được biết có một bé gái người Việt bị lạc đang sống ở Viện Dưỡng lão thị trấn Phủ Tỉnh, huyện Thẩm Khưu (tỉnh Hà Nam). Tới nơi xác minh, Chen Wei gặp cô bé có nước da trắng, gương mặt nhiều tàn nhang đang rửa bát. Cô bé khóc đề nghị anh giúp để được về nhà ở Việt Nam.

Do cô bé không biết nhiều tiếng Trung nên anh đã yêu cầu ghi tên cha mẹ, địa chỉ nhà ra giấy. Hai mẩu giấy viết bằng thứ tiếng Việt sai chính tả có nói đến "tả Làng Phình", "Xa Pa" và đoạn mô tả: "Nhà nguồng tả Pa Cheo. Tên của bu Thào A Hừ, tên của mẹ Hầu Thị Dả, tên của em Thào Thị Pa Na. Con múa vền nhà nhớ bú mẹ".

Dòng chữ nghuệch ngoạc của Pa Na viết muốn về nhà và nhớ bố mẹ. Ảnh: Weibo.

Từ thông tin này, phóng viên VnExpress đã liên lạc với lãnh đạo các xã Pa Cheo (huyện Bát Xát), xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà) của Lào Cai. Sau một thời gian xác minh, ông Trang A Chúng, Phó chủ tịch hội đồng xã Pa Cheo báo tin, địa phương có một người tên Thào A Hử và ông này có con gái tên Thào Thị Pa Na được mẹ đưa sang Trung Quốc từ hơn 2 năm trước. Còn ông Hử đã lấy vợ hai.

Ngày 19/5, đối chiếu bức ảnh phóng viên cung cấp và ảnh lưu tại hồ sơ của công an xã, ông Chúng xác nhận, cô gái trong bức ảnh chính là Thào Thị Pa Na ở xã Pa Cheo. "Tôi đã tới gặp bố Pa Na nhưng ông ấy nói không có tiền để đưa con bé về. UBND xã sẽ trao đổi về trường hợp này. Nếu cháu có nguyện vọng về nhà, địa phương sẽ giúp cháu đoàn tụ", ông Chúng nói.

Nhận được thông tin này, anh Chen Wei đã quay trở lại Viện Dưỡng lão để giúp phóng viên trò chuyện với Pa Na qua điện thoại. Vừa nghe giọng nói bằng tiếng Việt từ đầu dây bên kia, Pa Na òa khóc. Sang Trung Quốc từ nhỏ nên tiếng Việt của em còn hạn chế trong khi tiếng Trung cũng không biết nhiều. Cô bé cho biết hiện vẫn khỏe và nhắc đi nhắc lại: "Cháu muốn về nhà".

Theo Pa Na, em bị đưa sang Trung Quốc từ năm 2011, sau đó trốn ra ngoài rồi lưu lạc tới tỉnh Hà Nam. Không biết tiếng Trung Quốc, cô bé lang thang ngoài đường rồi được công an đưa vào Viện Dưỡng lão thị trấn Phủ Tỉnh. Từ đó, Pa Na sống ở đây và hàng ngày làm công việc rửa bát, nhặt rau.

Pa Na sống trong Viện Dưỡng lão thị trấn Phủ Tỉnh. Ảnh: Chen Wei.

Phóng viên Chen Wei cho hay, anh sẽ làm việc với công an Trung Quốc để hoàn tất giấy tờ đưa Pa Na về Việt Nam. Còn vị doanh nhân người Việt đã phát hiện ra Pa Na cũng bày tỏ, sẽ lo chi phí và sẵn sàng giúp đỡ cô bé. Người này còn cho biết thêm, trong thời gian Pa Na chờ được về, vợ chồng ông sẽ đi từ Chiết Giang tới Hà Nam (cách nhau khoảng 1.000 km) đưa bé về nhà mình cưu mang.

Bình Minh - Vũ Hà

EVN Hà Nội xin lỗi vì để mất điện

Do nhu cầu sử dụng điện quá tải trong những ngày nắng nóng, một số khu vực trên địa bàn Thủ đô đã mất điện cục bộ. Tổng công ty điện lực Hà Nội vừa đưa ra lời xin lỗi và cam kết "không cắt điện khi thời tiết trên 36 độ C".

Chị Nguyễn Thị Hiền (xóm 1, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) gửi thư chia sẻ vớiVnExpress về tình trạng mất điện nhiều hôm tại khu vực xóm 1 Mễ Trì. Theo chị Hiền, từ 21h tối 14, 15, 16 và 19/5, khu vực nhà chị liên tục bị mất hoặc điện chập chờn đến tận đêm khuya. “Ít nhất là mất khoảng 6 lần mỗi đêm, mỗi lần mất khoảng 15 đến 30 phút. Riêng tối hôm qua còn mất từ 22h đến 4h sáng”, chị Hiền chia sẻ.

Chị cho biết, tình trạng mất điện nhiều hôm làm người dân trong xóm 1 rất hoang mang. “Trẻ con người già đều mệt mỏi, mất ngủ. Còn các bạn sinh viên đang thời kỳ ôn thi không học hành được”, chị lo lắng.

nganh-dien-1-1369041691_500x0.jpg
Không cắt điện khi thời tiết trên 36 độ C. Ảnh: Hoàng Lan

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Tiến, giám đốc Công ty điện lực Từ Liêm cho biết, xóm 1 Mễ Trì mất điện do bị lệch pha. “Cơ quan điện lực đã cân pha lại. Tình trạng mất điện đã được khắc phục”, ông Tiến cho hay.

Theo ghi nhận, ngày 19/5, thời tiết nắng nóng, một số nhà ở ngõ 164 Vương Thừa Vũ cũng bị mất điện nhưng chỉ sau 5-10 phút lại có. Theo một số người dân, do dùng quá tải nên bị nhảy aptomat. Tại khu vực Tả Thanh Oai, Phú Mỹ điện cũng hay “phập phù”.

Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho hay, khi thời tiết trên 36oC, các Công ty điện trên địa bàn, công ty lưới điện cao thế TP Hà Nội, Trung tâm Điều độ - thông tin sẽ hoãn kế hoạch cắt điện để sửa chữa, đại tu trên lưới. Tổng công ty này cho hay, nhiệt độ tăng cao, làm cho phụ tải sử dụng điện tăng đột biến dẫn đến chênh lệch khá lớn về sản lượng điện tiêu thụ của ngày bình thường. Đặc biệt ngày 16/5, nhiệt độ nhiều khu vực ở Hà Nội lên đến trên 40oC, sản lượng điện là 48.800 MWh, tăng 12% so với ngày cao điểm nhất của năm 2012, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do nhu cầu tăng cao, một số khu vực trên địa bàn Thủ đô bị mất điện cục bộ do quá tải, nhảy aptomat… Các công ty điện lực đã khắc phục để cấp điện ổn định trở lại. “Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội xin cáo lỗi về sự cố mất điện trên và mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ", đại diện doanh nghiệp nói.

Để tránh tình trạng điện quá tải, EVN Hà Nội khuyến cáo người dân cần tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, rút phích cắm ra khỏi ổ khi không sử dụng, hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm… Khi mất điện, cần ngắt các thiết bị điện ra khỏi nguồn để tránh tình trạng phụ tải cao khi đóng điện trở lại làm ngắt aptomat điện, gây gián đoạn việc cấp điện.

Trước đó, Bộ Công Thương cho hay, tháng 5, điện sẽ đáp ứng đủ cho sản xuất và sinh hoạt trong trường hợp không có biến động bất thường. Tại miền Trung và Tây Nguyên trải qua những đợt hạn hán nghiêm trọng, mực nước tại các hồ thủy điện đang xuống gần mực nước chết. Điện mua từ Trung Quốc tối đa theo điều kiện tải khu vực và chất lượng điện áp. Sản lượng điện tháng 4 ước đạt 10,22 tỷ kWh, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 38 tỷ kWh tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Hoàng Lan

Ước mơ được sống của popper bị suy thận

16 tuổi, Hoa Đức Công biết mình bị suy thận giai đoạn cuối. Hơn 6 năm chạy thận, chàng vô địch popping 9X lấy lại nghị lực sống nhờ nhảy.
>Bạn bè biểu diễn ủng hộ Hoa Đức Công

Trở về nhà sau ca lọc máu dài hơn 3 tiếng ở bệnh viện, popper Hoa Đức Công mệt mỏi ngồi dậy ăn cơm trưa cùng gia đình trong căn phòng trọ chật hẹp trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Khuôn mặt nhợt nhạt, đôi mắt chậm chạp, cánh tay đầy những cục gồ lên, Công cố gắng ăn hai lưng cơm. Trong phòng trọ, Công được dành hẳn một góc để treo bằng khen, giải thưởng, trang phục và những chiếc mũ lưỡi trai đầy màu sắc.

Trên sân khấu, Công đắm mình trong điệu nhạc và những động tác thuần thục. Ảnh: Facebook CK Milky Way Crew.

Học hết cấp hai, Công phải nghỉ vì gia đình khó khăn. Một lần ngang qua tượng đài Lê Nin thấy nhóm bạn trẻ đang nhảy, chàng trai sinh năm 1991 bắt đầu tập tành. Đang tràn trề hạnh phúc vì tìm được niềm vui với hiphop, Công sững sờ khi nghe bác sĩ thông báo bị suy thận giai đoạn cuối. Khi ấy cậu mới 16 tuổi.

Lần đầu tiên chạy thận, Công sợ hãi khi thấy xung quanh mình toàn bệnh nhân mệt mỏi nằm hàng giờ bên chiếc máy lọc. Thời điểm đó do chưa có bảo hiểm nên mỗi tuần Công chạy thận 3 lần hết 2,7 triệu đồng. Số tiền ấy với bố mẹ cậu là quá sức vì thu nhập của gia đình chỉ trông vào tiền công chạy xe ôm của bố và sạp hàng lặt vặt của mẹ. Anh trai Công cũng nghỉ học từ năm cấp hai và không có nghề nghiệp. Để có tiền chạy chữa cho con, bố mẹ Công phải bán nhà.

Ngồi nhìn con uể oải đặt mình xuống đệm, mẹ Công, bà Nguyễn Thị Thạch (47 tuổi) buồn rầu chia sẻ, trong gia đình chỉ có chồng và con trai út cùng nhóm máu. Chồng bà định cho con một quả thận nhưng hiện tại sức khỏe ông đã yếu lại nhiều bệnh nên đành bất lực. Nhiều hôm mưa gió không ra ngoài kiếm tiền được, cả nhà ăn chung mì tôm hoặc mì gạo. Đến ngày lọc máu cho con, người mẹ lại tất tả đi vay mượn. Mỗi tháng riêng tiền nhà đã hơn 3 triệu đồng, chưa tính tiền ăn và chữa bệnh cho Công, nhưng bà Thạch quả quyết "còn nước còn tát".

Còn Công suốt một năm chỉ nằm nhà và đi lọc máu, đã có lúc cậu cảm thấy tuyệt vọng và buông xuôi số phận. Nhưng rồi cậu quyết định đi tập nhảy lại để tìm niềm vui. Với cậu, chỉ cần tới phòng tập nghe nhạc, nhìn bạn bè nhảy, cuộc sống đã "tươi" trở lại. Thời gian đầu Công chỉ tập vài phút là phải nghỉ, có hôm chỉ lên xem bạn bè nhảy.

Trong căn phòng trọ chật chội của gia đình, Công dành một góc nhỏ để treo những kỷ niệm từ các giải đấu từng tham gia. Trong ảnh, cậu nằm bẹp một chỗ sau khi vừa chạy thận về. Ảnh: Bình Minh.

Trước đây, Công chọn popping vì thấy trang phục của nghệ sĩ trình diễn thật lịch lãm, sang trọng. Theo Công, bộ môn này quan trọng ở cách cảm thụ âm nhạc. Nhiều vũ công theo hướng trình diễn mạnh mẽ sẽ tập trung rèn thể lực, một số thiên về kỹ thuật, còn Công chuộng sự đơn giản. Nghỉ một năm chữa bệnh giờ tập lại, Công bị bạn bè bỏ xa nhiều. Tự học, tự nghiên cứu rồi tập luyện, dần dần cậu lấy lại sự tự tin và nhiệt huyết. Để không phụ thuộc vào gia đình, Công đi dạy nhảy và kiếm được khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Thấy con đi tập nhảy, bố mẹ sợ Công mệt nên ngăn cản. Nhưng sau thấy con trai khỏe ra, tinh thần thoải mái, phụ huynh mới yên tâm. Công lại tiếp tục tham gia các giải đấu trong nước và quốc tế. Công bảo, mỗi lần chinh phục được một giải đấu, cậu thấy hào hứng và có động lực tập luyện để "chinh chiến". Là thành viên của Big Toe và hiện là đội trưởng của nhóm Milky Way, Công đã cùng đồng đội chinh phục nhiều giải đấu danh giá trong nước và thế giới.

Hoa Đức Công từng là ứng cử viên duy nhất của Việt Nam đi dự giải R16 Thế giới năm 2011 (ở Singapore), vô địch Popping ở Malaysia, vô địch toàn quốc Vũ Điệu Xanh 2011, giải nhất Floor Killer 2 (2012) tại Việt Nam, giải nhì Juste Debout 2012 tổ chức ở Singapore... Nhiều lần có giải lớn nhưng trùng đúng vào hôm đi lọc máu hoặc vừa đi lọc về còn mệt nên Công phải bỏ.

Trong những giải từng tham dự, Công không thể quên lần tới Singapore. Phần lớn chuyến đi nước ngoài diễn ra ngắn nên Công có thể về luôn được nhưng lần đấu ở Singapore, do ngủ quên nên cậu và đồng đội bị lỡ chuyến bay. "Cơ thể em phù nề, mệt mỏi vì độc tố trong người chưa được thải loại. Em không dám ăn vì người khó chịu và đồ ăn đắt đỏ. Khi ấy, em và Linh (bạn thân) đã rất sợ. Cả hai phải cầu cứu bạn bè bên Singapore để vay tiền lọc máu và mua vé máy bay về", Công kể.

Bà Nguyễn Thị Thạch (áo đỏ), mẹ Công, từng xúc động khi chia sẻ về nghị lực của con trai trong một chương trình ủng hộ chàng popper này. Ảnh: Bình Minh

Năm nay, sức khỏe yếu hơn nên Công không thi đấu nhiều. Vào các ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần, bố Công lại chở con đi lọc máu. Những bệnh nhân suy thận nặng như Công chỉ có cách ghép thận mới mong duy trì được sự sống. Tuy nhiên, chi phí cho ca phẫu thuật như vậy khoảng 700 triệu đồng trong khi gia đình Công hiện vẫn phải chạy ăn từng bữa.

Nằm co ro một góc, Công mệt mỏi nói đến ước mơ được sống để tiếp tục đam mê với nhảy và để trả ơn bố mẹ. Biết hoàn cảnh của popper tài năng này, cộng đồng hiphop ở Việt Nam đã chung tay quyên góp tiền bằng việc tổ chức các chương trình nghệ thuật. Nhiều bạn bè, trong giới hiphop, cả những người không quen biết nhưng ngưỡng mộ tài năng của Hoa Đức Công cũng lặn lội tới nhà gửi quà cho cậu. Không có tiền, nhiều người còn mang gạo tới tặng gia đình Công.

Hiện tại, số tiền ủng hộ chàng popper 9X này đã gần 700 triệu đồng. Bạn bè Công vẫn đang tích cực kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ để cậu yên tâm phục hồi sau phẫu thuật. Thời gian này, Công đang bận rộn với các chương trình từ thiện, hoạt động xã hội nên hiếm khi ở nhà, trừ những lúc đi lọc máu về.

Theo anh Nguyễn Viết Thành, Giám đốc Công ty TNHH Ngón chân cái, hiện nay Hoa Đức Công được đánh giá là popper hàng đầu Việt Nam, thậm chí cả ở khu vực Đông Nam Á. Điều này được minh chứng qua nhiều giải đấu lớn, uy tín, điển hình là Juste Debout. Juste Debout là giải đấu hội tụ nhiều cao thủ từ khắp nơi trên thế giới về tranh tài và trong giải năm 2011 diễn ra ở Singapore, Công đã giành giải nhì. Việc Công hạ gục đối thủ người Pháp, popper được đánh giá đẳng cấp, được xem là một chiến thắng của ý chí và tinh thần thép.

"Ảnh hưởng và tiếng tăm của Công khiến Juste Debout để tin quyên góp cho popper này trên trang chủ website. Bạn bè luôn kính nể Công cả về trình độ và cách sống. Cậu ấy luôn sống như hôm nay là ngày cuối cùng", anh Thành nói và cho biết thêm, hàng năm cứ đến mùa diễn vào tháng 9, Bigtoe đều hỗ trợ cho Công một chút tiền ăn, xăng xe, thi đấu và chạy thận.

Bình Minh

 

Cháu vua Thành Thái tặng hơn 200 cổ vật cho Huế

Bà Monie Phương, cháu ngoại vua Thành Thái, đã tặng hơn 200 hiện vật, sắc phong quý hiếm để trưng bày và tạo thêm "phần hồn" cho di sản cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế).

Ngày 18/5, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế tổ chức trưng bày cổ vật do những nhà sưu tập, con cháu hoàng tộc hiến tặng, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng. Trong đó có 42 hiện vật của bà Monie Phương (cháu ngoại vua Thành Thái, đang định cư tại Campuchia) hiến tặng.

Nhiều hiện vật quý triều Nguyễn được con cháu hoàng tộc và người dân hiến tặng được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Lê Khoa
Nhiều hiện vật quý triều Nguyễn được con cháu hoàng tộc và người dân hiến tặng được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Lê Khoa

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, bà Monie Phương hiện là thành viên của hoàng gia Campuchia và đã có nhiều hỗ trợ cho việc giữ gìn tôn tạo lăng miếu triều Nguyễn, như đóng góp xây tường thành lăng Tảo thương, làm lại bộ khăn vải phủ hệ thống sập thờ, khảm thờ tại Thế Miếu, Hưng Miếu...

Trong năm 2013, bà đã tặng cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế 5 đạo sắc phong và 228 hiện vật là gốm sứ có niên đại từ thế kỷ 16 đến 20, trong đó có những hiện vật có giá trị.

"Các triển lãm trên nằm trong chiến lược tăng cường trưng bày nội thất các không gian kiến trúc thuộc quần thể di tích cố đô Huế, tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách đến với di sản Huế. Sự đóng góp cổ vật của con cháu hoàng tộc, trong đó có bà Monie Phương là vô cùng đáng quý", ông Hải nói.

Nguyễn Đông

Theo Vnexpress