Tin Trong Nước

"Ánh ơi, con quay về để mẹ chở con đi học. Con về với mẹ đi con ơi...", tiếng gào khóc của mẹ nữ sinh thiệt mạng trên sông Sêrêpok lấn át tiếng trống tang đang đánh liên hồi.

 

Đại tang ở xã nghèo bên dòng Sêrêpok

"Ánh ơi, con quay về để mẹ chở con đi học. Con về với mẹ đi con ơi...", tiếng gào khóc của mẹ nữ sinh thiệt mạng trên sông Sêrêpok lấn át tiếng trống tang đang đánh liên hồi.
>> Nhóm học sinh lớp 6 gặp nạn khi đang chụp ảnh 
>> Nhiều học sinh lớp 6 bị cuốn chìm ở Sêrêpok

Bà Phượng nằm vật vờ cạnh quan tài của con gái Nguyễn Thị Ngọc Ánh. Ảnh: An Nhơn

Con đường đi vào xã nghèo Ea Wer, thị trấn Buôn Đôn, Đắk Lắk sáng nay cờ tang rũ rượi, không khí ảm đạm bao trùm sau cái chết thương tâm của 4 học sinh lớp 6 ở sông Sêrêpok. Trong căn nhà gỗ cuối cùng của 4 đám tang, tiếng gào khóc của người đàn bà thỉnh thoảng lại vang lên não lòng những đoàn khách tới viếng học sinh Nguyễn Thị Ngọc Ánh.

"Hay con gặp nạn, bà ấy ngất lên xuống từ bệnh viện về nhà. Qua đến giờ cứ lúc tỉnh lúc mê, không ăn uống mà nằm liệt bên quan tài", ông Nguyễn Văn Lương, chồng bà Phượng nói.

Ánh là con út trong gia đình có hai anh em. Theo ông Lương, sáng nào hai vợ chồng cũng đưa con đi học, trưa đón về. Ngày 14/5, do cả hai bận đi tỉa bắp cách nhà 2 km nên để ông bà Ánh và anh trai học lớp 9 chạy xe đạp đi học. "Đang làm ngoài đồng, bất ngờ nhận số điện thoại của cô giáo chủ nhiệm Ánh, tôi đã linh tính có chuyện chẳng lành. Cô ấy nhờ kiểm tra cháu Ánh đi học về chưa vì nhiều học sinh lớp 6A đi tắm ngoài sông Sêrêpok, có trường hợp bị chết đuối", ông Lương kể.

Hai vợ chồng tức tốc chạy xe ra hiện trường tìm nhưng không thấy con đâu. Đang hoang mang thì có người nhà làm ở bệnh viện huyện gọi báo rằng Ánh đã chết, thi thể ở nhà xác. "Nhà không khá giả nhưng chúng tôi rất quan tâm, chăm sóc mong cho con sau này giống các anh chị trong họ, học hành thành tài. Cháu nó cao ráo, trắng trẻo, xinh gái và học khá lắm", ông Lương kể.

Tiếng trống đám tang lại bất chợt vang lên khi có đoàn khách tới viếng. Bà Phượng lại tỉnh nhưng không gượng dậy được. Hai tay với về phía quan tài vẫy gọi, bà gào khóc: "Ánh ơi, con về đây để mẹ chở con đi. Con về với mẹ đi con ơi. Mẹ lo cho con ăn học. Mẹ đã dặn con rồi mà…". (Tiếng người mẹ khóc)

Cũng trong nhóm 4 học sinh chết thương tâm, em Nguyễn Thị Minh Hiền đã được gia đình chôn cất ngay sau khi gặp nạn. Tuy nhiên sáng nay, nhiều bạn bè trong lớp gồm cả những học sinh có mặt trong buổi sáng định mệnh và nhiều thầy cô giáo cũng đến thắp hương cho Hiền. Nhìn di ảnh cô nữ sinh cười hồn nhiên, nhiều người quay mặt gạt nước mắt.

Theo anh Nguyễn Xuân Trung (33 tuổi, bố Hiền), trưa hôm qua, thấy bạn bè chung lớp về mà chưa thấy con nên mẹ Hiền gọi điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm hỏi thăm thì nhận được tin dữ. "Trước giờ, tôi luôn dặn cháu đi học không được ra sông suối. Nên khi biết tin, tôi cũng chỉ nghĩ cháu bị tai nạn nhẹ và đang điều trị ở bệnh viện thôi. Nào ngờ...", người bố trẻ gục mặt.

Sự ra đi đột ngột của 4 học sinh khiến không khí u buồn bao trùm xã nghèo
Sự ra đi đột ngột của 4 học sinh khiến không khí u buồn bao trùm xã nghèo Ea Wer. Ảnh:An Nhơn

Cách đó không xa, bà Trịnh Thị Liên cũng đang rũ rượt bên quan tài của cậu con trai Ngô Thế Hiệp. Em cũng là học sinh nam duy nhất trong vụ tai nạn thương tâm. Bà Liên bị u xương cánh tay vừa phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) về nhà. Nghe người ta báo tin con chết đuối, bà Liên một mực không tin nhưng cũng vội chạy ra bệnh viện xem thực hư. Và bà đã ngất lịm khi nhìn thấy cậu con trai duy nhất nằm bất động, thi thể trắng bệch.

"Gần 20 năm trước vợ chồng tôi cũng mất một cháu. Tưởng sinh được Hiệp gia đình sẽ hạnh phúc vì đã có gái có trai. Nhưng giờ lại đau đớn thế này đây", ông Ngô Thế Hòa, cha của Hiệp nói, đôi mắt đỏ hoe.

Tiếng khóc than ai oán cũng văng vẳng vang lên trong căn nhà gỗ bé xíu của em Lê Thị Ngọc Huyền gần đấy. Là con gái út trong gia đình thuộc hộ nghèo nhưng Huyền cũng được cha mẹ gắng gượng nuôi cho ăn học. Biết vậy nên Huyền rất ngoan ngoãn và học giỏi. "Vậy mà nó bỏ chúng tôi đi mất rồi", mẹ Huyền nức nở.

Sáng 14/5, sau giờ học, khoảng 30 học sinh lớp trường Hồ Tùng Mậu, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk rủ nhau vào hồ chứa nước Thủy điện Sêrêpok 4 chơi. Nhiều em nhảy xuống hồ tắm rồi bám vào nhau chụp ảnh bằng điện thoại. Bất ngờ trong nhóm có một em bị hụt chân xuống chỗ nước sâu, kéo theo các bạn. Thấy các bạn gặp nạn, nhiều em hô hoán, chạy về gọi người lớn cứu giúp. Tuy nhiên, trong 5 học sinh bị nước cuốn trôi, chỉ một em may mắn thoát chết.

An Nhơn

Sắp miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính, thay thế Tổng Kiểm toán

Quốc hội sẽ làm thủ tục miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệđể bầu người thay thế. Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cũng sẽ được điều chuyển.

Sáng 15/5, bàn về nội dung công tác nhân sự tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 (khai mạc ngày 20/5), Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Thủ tướng đã có đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính.

Thông tin này sau đó được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rõ thêm. Ông cho biết, Bộ trưởng Tài chính đã được cử làm nhiệm vụ khác nên phải bầu người thay thế. "Đồng chí Tổng kiểm toán Nhà nước lần này sẽ có điều chuyển", ông Hùng nói.

Vuong-Dinh-Hue-15-jpg_1368604220[1072061
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (trái) đang tạm điều hành Bộ Tài chính sau khi Bộ trưởng Vương Đình Huệ chuyển sang làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Hoàng Hà.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ giới thiệu nhân sự Tổng kiểm toán để Quốc hội bầu.

Bộ Tài chính hiện do Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh kiêm nhiệm quản lý. Về mặt thủ tục, Trưởng ban Kinh tế Vương Đình Huệ vẫn chưa được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính.

Tổng kiểm toán Nhà nước hiện là ông Đinh Tiến Dũng. Ông Dũng giữ chức vụ này từ tháng 8/2011 sau khi ông Vương Đình Huệ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính.

dinh-tien-dung-1nm-1367049412-500x0-1-jp
Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cũng sẽ được điều chuyển công việc mới. Ảnh: Nhật Minh

Kỳ họp Quốc hội thứ 5 sẽ khai mạc vào ngày 20/5, dự kiến làm việc trong hơn một tháng với nhiều nội dung quan trong như lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 49 vị lãnh đạo cao cấp; thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai (sửa đổi).

Nguyễn Hưng

 

Hà Nội oi bức trong cái nóng đầu hè

Cái nóng lên tới 35 độ C khiến nhiều người dân ở thủ đô ra đường với muôn kiểu chống nóng khác nhau. 
Hà Nội trải qua đợt nắng nóng đầu tiên trong năm

Sáng sớm, cái nóng oi trên 30 độ C khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt, nóng rát khi ra đường.
Người mặc áo ba lỗ, bịt khẩu trang...
... người choàng vải chống nóng.
Nắng không to nhưng do lặng gió nên đứng trong bóng râm cũng toát mồ hôi.
Nhiều người mệt mỏi sau chuyến hành trình dài về thủ đô lại gặp trời oi bức.
Những vị khách nước ngoài cũng phải trốn nóng trong Văn Miếu.
Một phụ nữ dắt tay con đi chơi mà mướt mát mồ hôi.
Các cụ già tìm nơi trốn nóng tại vườn hoa.
Hai thanh niên vén áo ngồi chơi cờ tướng bên đường.
Bác xe ôm vội vã tu ngụm nước chống cơn khát sau khi chở khách đi và quay về "bến".

Hoàng Hà

TheoVnexpress