Tin quốc tế

Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên chọn một quan chức chính phủ từng du học ở Mỹ và là gương mặt quen thuộc với giới đầu tư phương tây vào cơ quan ra quyết định cao nhất, trong khi nước này đang tìm cách vực dậy nền kinh tế, Bloomberg nhận xét.
 
Báo Mỹ viết về tân ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên chọn một quan chức chính phủ từng du học ở Mỹ và là gương mặt quen thuộc với giới đầu tư phương tây vào cơ quan ra quyết định cao nhất, trong khi nước này đang tìm cách vực dậy nền kinh tế, Bloomberg nhận xét.
> Chân dung hai tân ủy viên Bộ Chính trị

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh:
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Châu An

Ông Nguyễn Thiện Nhân, 59 tuổi, Phó thủ tướng, người có bằng Thạc sĩ ngành quản trị công từ trường Đại học Oregon, vừa được chọn tham gia vào Bộ Chính trị trong một cuộc họp của ủy ban trung ương Đảng. Ông Nhân từng là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khi Intel quyết định rót 1 tỷ USD để xây nhà máy mới tại thành phố này.

"Tôi đã cùng ông ấy sang Mỹ, nơi ông ấy thuyết trình bằng slide PowerPoint cho các nhà đầu tư tiềm năng, và cách tiếp cận của ông ấy thể hiện đẳng cấp thế giới", Fred Burke, Tổng giám đốc công ty luật Baker & McKenzie (Vietnam) có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết. Ông Burke đã biết ông Nguyễn Thiện Nhân hơn một thập kỷ nay. "Ông ấy thuộc về một thế hệ mới với nhiều kinh nghiệm quốc tế đáng kể", ông nói.

"Kỹ năng căn bản của ông Nhân được thể hiện khi làm việc với phương tây", ông Carl Thayer, giáo sư danh dự Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra. "Đây là người có mạng lưới liên hệ quốc tế tuyệt vời".

Ông Nguyễn Thiện Nhân, cựu Bộ trưởng Giáo dục, quê gốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành điều khiển học tại Đông Đức năm 1979 và từng làm giảng viên trước khi tham gia chính trị. Ông tham gia chương trình học bổng Fulbright, với trường nhận học là Đại học Oregon, theo trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nhiều lãnh đạo của Việt Nam đều trưởng thành trong chiến tranh và học tập ở trong nước hoặc tại các nước thuộc khối Xô Viết và đây là lần đầu tiên có một ủy viên Bộ Chính trị tốt nghiệp từ các trường Mỹ, hãng tin Mỹ nhận xét.

Đảng Cộng sản Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, vốn bị cản trở bởi tăng trưởng tín dụng chậm do sức khỏe của hệ thống ngân hàng và các công ty nhà nước. Việt Nam bắt đầu chuyển sang một nền kinh tế thị trường tự do hơn vào năm 1986 và mở sàn chứng khoán năm 2000, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007.

"Đối với một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn, những lựa chọn như tinh giản khu vực nhà nước sẽ không còn khó khăn như đối với những người tiền nhiệm của họ", Zachary Abuza, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Simmons, Boston, người có chuyên môn về Đông Nam Á, dự đoán..

Việt Nam là một trong 12 quốc gia Thái Bình Dương đang đàm phán để tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tháng trước giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho năm nay và năm sau xuống còn 5,2%.

Người phụ nữ thứ hai

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (chính giữa) và bà Tòng Thị Phóng (phải). Ảnh: Hoàng Hà
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (chính giữa) và bà Tòng Thị Phóng (phải). Ảnh: Hoàng Hà

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 59 tuổi, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng được bầu và trở thành thành viên nữ thứ hai của Bộ chính trị, sau khi bà Tòng Thị Phóng, người được bầu năm 2011. Sau khi thêm hai thành viên mới, Bộ Chính trị Việt Nam hiện có 16 người.

Bộ Chính trị là cơ quan chính trị quan trọng nhất của Việt Nam, theo Abuza từ Đại học Simmons. "Họ không phải lúc nào cũng quản lý vi mô về chính sách, nhưng họ đặt ra giới hạn trong đó các chính sách có thể được thi hành", Abuza nói. "Nếu có một quyết định quan trọng, họ chính là những người ra quyết định đó".

Trọng Giáp (theo Bloomberg)

Tổng thống Hàn xin lỗi vì bê bối quấy rối của cấp dưới

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc hôm qua lên tiếng xin lỗi về vụ bê bối liên quan đến hành vi sàm sỡ phụ nữ của một cựu phát ngôn viên trong chuyến thăm Mỹ của bà Park Geun-hye.
> Cựu phát ngôn viên tổng thống Hàn: 'Tôi không quấy rối'
> Tổng thống Hàn sa thải phát ngôn viên

Cựu phát ngôn viên Yoon Chang-jung bị các phóng viên bao quanh sau cuộc họp báo ở Seoul. Ảnh: Yonhap

Yoon Chang-jung, phát ngôn viên của bà Park, bị sa thải hồi cuối tuần trước quanh những cáo buộc rằng ông này quấy rối tình dục một nữ thực tập sinh người Mỹ gốc Hàn, trong thời gian công du cùng tổng thống từ ngày 5 đến 9/5.

Chánh văn phòng tổng thống Hàn Quốc, Huh Tae-Yeol hôm qua cho hay ông Yoon liên quan đến một "sự cố đáng xấu hổ và không lành mạnh", đồng thời xin lỗi nạn nhân và gia đình của cô này.

"Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến toàn thể người dân Hàn Quốc, nạn nhân và gia đình của cô cũng như những kiều bào Hàn Quốc đang ở nước ngoài vì sự cố trên", Telegraph dẫn lời ông Huh nói trong một cuộc họp báo. "Đây là một hành động đáng xẩu hổ và không thể chấp nhận được".

Ông Huh thêm rằng ông Lee Nam-ki, phát ngôn viên hàng đầu của bà Park kiêm cấp trên của ông Yoon, đã xin được từ chức để chịu trách nhiệm, nhưng không nói rõ liệu đơn từ chức có được chấp thuận hay không.

Ông Yoon đã quay trở về Seoul từ giữa tuần trước mà không đồng hành cùng bà Park trong chuyến đi đến Los Angeles, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Mỹ của bà.

Cảnh sát Washington cho hay họ đang "điều tra thông tin về hành vi vụ lạm dụng tình dục mức độ nhẹ" của một nam nghi phạm không nêu tên 56 tuổi. Nghi phạm này được cho là đã "bóp mông của nạn nhân mà không được phép".

Tuy nhiên, ông Yoon bác bỏ cáo buộc này, cho rằng ông chỉ đơn thuần "vỗ nhẹ vào eo của cô ấy" trong khi đang uống rượu với nữ thực tập sinh, một sinh viên đại học hơn 20 tuổi, tại một quán bar ở Washington và không hề có ý định quấy rối.

"Tôi xin cô ấy tha thứ cho tôi nếu tôi có làm tổn thương cô ấy vì sự khác biệt về văn hóa", cựu phát ngôn viên nói trong một cuộc họp báo trực tiếp hôm 11/5.

Vụ việc đã phủ bóng đen lên chuyến thăm Mỹ cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng hai của bà Park. Xét ở một mặt khác, chuyến thăm vẫn được đánh giá là thành công.

Triều Tiên hôm qua chế nhạo vụ bê bối này và cho rằng chuyến công cán của bà Park là một thất bại. Báo của đảng cầm quyền Rodong Sinmun nhận xét trong một bài bình luận rằng, một thành viên cấp cao trong đoàn tùy tùng của bà Park đã phạm phải một hành động không đứng đắn "đáng xẩu hổ".

Nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama, nhất trí không khoan nhượng trong vấn đề Triều Tiên. Bà cũng nhấn mạnh Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân trong khi đề xuất các giải pháp hòa bình nhỏ sau nhiều tháng căng thẳng dâng cao.

Anh Ngọc

Số người chết trong vụ nhà sập ở Bangladesh vượt 1.100

Lực lượng cứu hộ tìm thấy hơn 100 thi thể trong đống đổ nát của tòa nhà 8 tầng ở thành phố Dhaka, nâng tổng số người chết trong thảm họa này lên 1.125.
> 17 ngày chiến đấu với tử thần của cô thợ may Bangladesh

Một nhân viên cứu hộ đứng gần đống đổ nát
Một nhân viên cứu hộ đứng gần đống đổ nát tại hiện trường vụ sập tòa nhà Rana Plaza ở ngoại ô thành phố Dhaka, Bangladesh hôm 12/5. Ảnh: AP.

Các nhân viên cứu hộ đưa thêm khoảng 120 tử thi ra khỏi hiện trường vụ sập tòa nhà Rana Plaza ở ngoại ô thành phố Dhaka trong tuần qua, trang BDNews24 đưa tin.

"Hoạt động tìm kiếm nạn nhân tạm ngừng vào buổi sáng và chiều hôm qua do trận mưa lớn từ tối hôm trước. Vào những giờ cuối của buổi tối, lực lượng cứu hộ trở lại hiện trường và sử dụng cần cẩu thủy lực, máy ủi, xẻng và máy cắt sắt để tìm kiếm tử thi, AP cho biết.

"Chúng tôi vẫn di dời các mảnh vỡ một cách thận trọng. Những tử thi mà chúng tôi tìm thấy đã phân hủy tới mức người ta hầu như không thể nhận dạng", Moazzem Hossain, người chỉ huy lực lượng cứu hộ, nói.

Hossain nói thêm rằng nhà chức trách sẽ nhận dạng các tử thi bằng chứng minh thư của họ.

"Nếu chúng tôi tìm thấy chứng minh thư của họ thì đó là điều may mắn", ông nói.

Tòa nhà Rana Plaza sập vào ngày 24/4 và từ đó tới nay nhà chức trách vẫn chưa biết chính xác bao nhiêu người mất tích. Những công nhân sống sót cho rằng hơn 5.500 người làm việc trong tòa nhà khi thảm họa xảy ra. Nhà chức trách đã trao 780 tử thi cho thân nhân.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Dệt may Bangladesh, ông Abdul Latif Siddiky, hôm qua thông báo chính phủ sẽ xem xét đề xuất tăng lương tối thiểu cho công nhân dệt may trong vòng ba tháng tới.

Chí Linh

Theo Vnexpress