Việt Nam giành hai huy chương vàng Olympic Vật lý châu Á
Tám học sinh dự thi Olympic Vật lý châu Á đều đoạt giải, trong đó có hai huy chương vàng, hai huy chương bạc.
> Việt Nam xếp thứ tư cuộc thi Olympic Vật lý châu Á
Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đoàn học sinh tham dự kỳ thi Olympic Vật lý châu Á tại Indonesia đã giành được kết quả tốt. Hai học sinh giành huy chương vàng gồm Bùi Quang Tú (lớp 12, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) và Ngô Phi Long (lớp 12, THPT chuyên Sơn La).
Hai em khác giành huy chương bạc là Trần Minh Vũ (lớp 12, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) và Vũ Trần Đình Duy (lớp 12, THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM). Em Mỵ Duy Hoàng Long (lớp 12 THPT chuyên Lam Sơn) giành huy chương đồng.
Năm 2012, Ngô Phi Long từng đoạt huy chương bạc trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và xuất sắc giành huy chương vàng trong kỳ thi cấp quốc tế. Thành tích toàn đoàn năm trước là một huy chương vàng, năm huy chương bạc, hai huy chương đồng và xếp thứ tư toàn đoàn trên tổng số 21 nước tham dự.
Kiều Trinh
Bức thư cổ nhất từ An Nam gửi Nhật Bản
Bảo tàng Quốc gia Kyushu (thành phố Saifu, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản) vừa công bố tìm thấy bức thư cổ nhất từ An Nam gửi đến Nhật Bản.
Ông Trần Văn An, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (Quảng Nam) cho biết, bức thư được viết vào năm Quang Hưng 14 (1591) gửi Quốc vương Nhật Bản. Người viết là An Nam quốc Phó Đô đường Phúc Nghĩa hầu, họ Nguyễn. Thư bày tỏ ý muốn thiết lập quan hệ giao thương của người viết thư với triều đình Nhật Bản.
Đường Cầu Nhật Bản (nay là đường Trần Phú ở phố cổ Hội An), một minh chứng cho quan hệ Hội An - Nhật Bản. Ảnh tư liệu. |
Ông An cho biết, dựa vào cách xưng hô, tước hiệu của người viết thư, có thể xác định đó là một nhân vật quan trọng của chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong lúc bấy giờ. Đây là tư liệu liên quan hoạt động giao thương của Nhật Bản ở Hội An (Đàng Trong), qua đó thể hiện chính sách mở cửa kinh tế khá sớm của các chúa Nguyễn.
So với bức thư bang giao sớm nhất được biết trước đây là thư của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng gửi tướng quân Tokugawa Ieyasu năm 1601, bức thư này sớm hơn 10 năm.
Theo Tiền phong
Tàu ngầm của Việt Nam thử nghiệm ra khơi
Chuyến chạy thử huấn luyện trên biển cho thủy thủ đoàn của tàu ngầm Kilo mang tên Hà Nội vừa bắt đầu thử nghiệm xa bờ ở tỉnh Kaliningrad, nơi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến đến thăm hôm nay.
> Tàu ngầm Kilo - hố đen trong đại dương
> Tàu ngầm Kilo 636 Hà Nội "rất hiện đại"
Tàu ngầm Hà Nội Đề án 636 lớp Kilo trong quá trình thử nghiệm ở Nga. Ảnh: Shipspotting |
"Về lý thuyết, tiếp sau nội dung ven biển sẽ là nội dung huấn luyện trên biển, bao gồm 5 chuyến chạy thử, mỗi chuyến kéo dài 10 ngày", Interfax dẫn nguồn tin thuộc đơn vị đóng tàu của Nga cho hay.
"Kể từ khi bắt đầu thử nghiệm tại nhà máy mà đại diện của khách hàng cũng tham gia kiểm tra, thì tàu ngầm dòng xuất khẩu đầu tiên này đã thực hiện thành công 23 lần lặn", ông nói.
Năm 2013, nhà máy đóng tàu Admiralteiskiye Verfi sẽ cung cấp cho Hải quân Việt Nam hai tàu ngầm động cơ diesel/điện trong số 6 tàu ngầm của hợp đồng, nguồn tin trong Bộ Công nghiệp Quốc phòng Nga cho biết. .
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dự kiến đến thị sát tàu ngầm hôm nay, trong chuyến công du chính thức đến Nga từ 12 đến 15/5. Ông có kế hoạch gặp gỡ các êkip đang huấn luyện trên tàu.
Hợp đồng mua tàu ngầm của Nga được ký trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới nước này năm 2009. Ngoài việc đóng tàu, hợp đồng còn bao gồm nội dung huấn luyện cho các thủy thủ Việt Nam và cung cấp các thiết bị kỹ thuật cần thiết.
Các tàu ngầm động cơ diesel/điện Đề án 636 là thế hệ tàu ngầm thứ ba, có khả năng nâng cấp tốt để có thể trang bị, bổ sung vũ khí mới, bao gồm hệ thống tên lửa chống hạm Club, mở rộng phạm vi mục tiêu.
Một trung tâm đào tạo được thành lập để huấn luyện thủy thủ cho các tàu ngầm Việt Nam ở Cam Ranh với sự hỗ trợ của công ty quốc phòng Concern NPO Avrora của Nga. Công ty có trụ sở tại St. Petersburg, từng xây dựng và phát triển 5 hệ thống cho các tàu ngầm này, đặc biệt là hệ thống thông tin điện toán Lama và hệ thống quản lý tàu ngầm Palladiy.
Kilo là lớp tàu ngầm thuộc nhóm các tàu chiến lược của Nga, nổi tiếng nhờ khả năng linh hoạt và hoạt động êm.
Video: Các tàu ngầm chiến lược của Nga
Vũ Hà
Theo Vnexpress
Tin liên quan: