Con trai lính đảo Trường Sa mắc bệnh hiểm nghèo
Bé Bảo Liêm bị cụt tay phải, dị dạng hai chân, thiếu một dẻ xương sườn, tim nằm bên phải. Cậu em song sinh Gia Bảo cũng mắc bệnh tim bẩm sinh, bộ phận sinh dục không bình thường.
Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa phẫu thuật vòng thắt cổ chân (loại dị tật rất hiếm gặp ở trẻ) cho bé trai Phạm Bảo Liêm (2 tuổi) quê ở huyện Đông Hưng (Thái Bình). Thời gian tới, các bác sĩ tiếp tục mổ nội soi phẫu thuật tim bẩm sinh cho Bảo Liêm và người em sinh đôi Phạm Gia Bảo. Hai bé trai là con của thiếu úy Phạm Tân Văn, đang công tác tại đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Hai bé trai song sinh Bảo Liêm và Gia Bảo mắc nhiều bệnh tật hiểm nghèo từ khi lọt lòng mẹ. Ảnh: Lê Hoàng |
Bảo Liêm và Gia Bảo chào đời hồi tháng 8 năm ngoái ở quê nhà Thái Bình. Không may mắn như những trẻ khác, từ khi lọt lòng mẹ, cặp đôi đã mắc nhiều bệnh tật hiểm nghèo. Bảo Liêm bị cụt tay phải, dị dạng hai chân, thiếu một dẻ xương sườn, tim nằm bên phải... Còn Gia Bảo bị bệnh tim bẩm sinh, bộ phận sinh dục phát triển không bình thường.
Bất hạnh nhất của các bé là sau khi chào đời được 3 tháng, người mẹ đã bỏ con cho gia đình chồng rồi đi biệt xứ. Hoàn cảnh khó khăn, ông bà nội đành gửi hai cháu đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình nhờ chăm sóc.
Chuyện hai bé được Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận, điều trị miễn phí rất tình cờ. Ông nội Phạm Văn Thinh kể, một lần vào Thanh Hóa dự đám cưới con người bạn, nghe có người mách Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thường tiếp nhận, phẫu thuật miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngay buổi chiều, ông đến trình bày hoàn cảnh với các bác sĩ. Phó giám đốc bệnh viện thông báo sẽ cử đoàn ra Thái Bình khám và tiếp nhận chữa trị miễn phí cho hai cháu.
Sau khi khám, bác sĩ Lưu Đức Thọ, Phó trưởng khoa Ngoại - chấn thương - bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, dị tật thắt cổ chân của bé Bảo Liêm khá nghiêm trọng, nếu không được phẫu thuật sớm, chắc chắn hai bàn chân của cháu sẽ bị đứt, mất khả năng vận động.
“Ca phẫu thuật lần thứ nhất khá thành công. Trước mắt chúng tôi đã xử lý một phần vòng thắt ở hai cổ chân, tạo hình vạt da cho bé Bảo Liêm. Sau ba tháng, sẽ phẫu thuật tiếp để xử lý hoàn toàn vòng thắt này, giúp cháu đi, đứng bình thường”, bác sĩ Thọ cho biết.
Thiếu úy Phạm Tân Văn hạnh phúc bên con trai Bảo Liêm vừa được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hoàng |
Theo bác sĩ Thọ, dị tật bộ phận sinh dục của hai bé là do hẹp niệu đạo. Hiện các bé còn rất nhỏ nên phải đợi đến hơn 3 tuổi mới phẫu thuật được. Riêng cánh tay phải bị cụt của Bảo Liêm, bệnh viện có thể phẫu thuật để nới rộng tầm hoạt động của đoạn tay còn lại. Còn bệnh tim bẩm sinh của Gia Bảo, bệnh viện sẽ hội chẩn để có phương pháp can thiệp hợp lý.
Ôm con trai vừa được phẫu thuật, thiếu úy Phạm Tân Văn (29 tuổi) tâm sự, những ngày canh gác biển trời của tổ quốc, lòng anh lúc nào cũng hướng về đất liền vì thương con thơ vắng cha, không mẹ. Nghe tin các con được chữa trị miễn phí, anh đã không cầm được nước mắt. Sau khi thu xếp công việc, anh xin thủ trưởng cho về phép vài ngày thăm hai con rồi lại ra đảo.
“Thấy các cháu khỏe mạnh, chịu chơi mình mừng lắm. Nếu không có vòng tay nhân ái của các bác sĩ và những tấm lòng sẻ chia từ đất liền, không biết tương lai các con sẽ ra sao”, nói xong, người lính đảo quay đi lau vội những giọt nước mắt.
Lê Hoàng
34 người sống trong căn nhà 30 m2
Ngôi nhà nhỏ được bà mẹ chia ra thành 10 căn phòng chỉ 1 - 3 m2 cho những người con đã có gia đình. Tất cả các phòng được dựng bằng gỗ ép, bìa cứng ọp ẹp đang là nơi sinh sống của 34 con người.
> Cuộc sống trong căn nhà hơn 2 m2 ở trung tâm Sài Gòn
"Mỗi lần đi ngủ, con phải lấy dây cột chân lại, nếu không, khi ngủ quên là con rơi xuống 'tầng 1' của ba mẹ liền à", cậu bé Lê Thanh Thuận bẽn lẽn kể.
"Tầng 1" của gia đình bé Thuận là căn phòng chỉ rộng chừng một m2 được cất tạm phía bên hông ngôi nhà của bà ngoại. Nó chỉ có ba bức vách, phía còn lại là khoảng trời mênh mông được rào chắn lại bởi mấy thanh củi để ngăn những đứa trẻ không lọt xuống đất.
"Ngày nắng thì nắng vào tận nhà, những ngày mưa gió thì cả 4 người phải ôm đồ di tản, mỗi người đi ở ké mỗi phòng của các anh chị khác", chị Nguyễn Thị Bích Thủy (mẹ bé Thuận) chia sẻ. Chị bảo, hồi đầu, khi chỉ có hai vợ chồng thì còn có chỗ cựa quậy, nhưng từ lúc có thêm hai đứa bé, căn phòng chật chội vô cùng.
Vợ chồng chị lấy miếng ván kê lên thành gác nhỏ phía trên cho cậu con trai làm chỗ học và ngủ. Trên mặt phản rộng chừng nửa mét đấy, chị còn tận dụng để thêm vài vật dụng gia đình, thậm chí cắm nồi cơm điện ngay trên đầu cậu con trai lớn. Có lần, bé Thuận ngủ quên bị lăn xuống "tầng" dưới. Từ đó trở đi, khi ngủ cậu thường "lấy dây cột chân lại cho chắc ăn".
Căn phòng chật chội trong nhà bà Lỉnh. Ảnh: Ngọc Lan. |
Căn phòng của chị Thủy cũng giống như 9 phòng khác trong ngôi nhà 30 m2 của bà Lâm Thị Lỉnh, nằm trên đường An Dương Vương (quận 5, TP HCM). Căn nhà được ba mẹ chồng bà Lỉnh xây từ những năm 40.
Nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ, ngôi nhà được chắp vá chằng chịt bởi những miếng gỗ ép, những thanh củi đóng tạm bợ. Bốn góc tường mọt mối đã gặm nhấm hết, phải kê thêm mấy cột gỗ để trụ lại. 12 đứa con của bà Lỉnh đã chào đời tại đây nhưng 3 người đã mất. 9 người còn lại lớn lên lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái nhưng không có nơi ở nên vẫn bấu víu vào mẹ.
* Ảnh: Cuộc sống của 34 người trong căn nhà nhỏ |
Hiện, gia đình này có tới 34 nhân khẩu. Người chạy xe ôm, người bán nước ở đầu hẻm, người thì làm thợ hồ... Bà Lỉnh bảo, ban ngày nhà còn thông thoáng vì người lớn đi làm, tụi trẻ con đi học nhưng cứ chập tối, mọi người đổ về thì không gian trở nên ngột ngạt, bức bí và cực nhất là việc vệ sinh, tắm rửa. Chừng đó người nhưng chỉ có một nhà vệ sinh bé tẹo ở tầng trệt. Sáng sáng, họ xếp hàng chờ nhau cả tiếng. Người nào đi học hoặc đi làm sớm thì được ưu tiên dùng trước.
Để có không gian riêng cho từng gia đình, bà Lỉnh cơi nới thêm hai "tầng" và chia ra chi chít các phòng nhỏ với diện tích chỉ từ một đến 3 m2 cho mỗi con. Cộng thêm phòng của bà Lỉnh, ngôi nhà này có tới 10 căn phòng. Toàn bộ phòng được kê lên bằng gỗ ép, giấy bìa nên chỉ cần dẫm mạnh chân là có thể lún bất cứ lúc nào. Cầu thang để đi lên từng căn gác cũng là những tấm gỗ được dựng đứng, tối om, người ngoài vào không dám bước lên. Do mỗi phòng là một gia đình riêng nên mọi người đều phải ngăn ra một góc để có chỗ nấu nướng, mặc cho xung quanh chất đầy áo quần, sách vở... có thể gây cháy bất cứ lúc nào.
Chị Thủy là con út nên lúc lấy chồng cũng là khi căn nhà đã chật cứng người ở. Vợ chồng chị, người làm mướn, người thì bán hàng rong, không thuê nổi phòng trọ nên chấp nhận ở trong căn phòng bé nhất nhà.
Kế bên phòng chị Thủy là căn phòng rộng nhất nhưng cũng chỉ có 3 m2. Nơi đây, ngoài vợ chồng chị Bích Nga, hộ này còn có thêm 4 đứa con và một đứa cháu ngoại. Dẫu biết con cái giờ cũng lớn, sinh hoạt trong không gian chật chội này rất bất tiện nhưng họ chẳng biết làm sao.
"Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Đêm thì trải chiếu ra cả nhà cùng nằm chung, ngày thì cuốn lại lấy chỗ cho mấy đứa học và tranh thủ bắc bếp nấu ăn cho cả ngày", bà Lỉnh kể về cách sắp xếp của những đứa con.
Cụ bà 80 tuổi cho hay, căn nhà hơn nửa thế kỷ này mục nát, mấy năm gần đây không dám bước mạnh chân vì sàn đã lún hết và có thể sập bất cứ lúc nào. "Chúng nó đứa nào cũng chỉ làm lặt vặt, có khi nhà nước còn phải cấp gạo cứu đói thì nói gì đến việc góp hơn 100 triệu để sửa nhà”, bà Lỉnh nói.
>> Video 9 gia đình sống trong căn nhà 30 m2
Ngọc Lan
Chùa làm bằng mảnh sành lớn nhất Việt Nam
Nằm tại quận 8, TP HCM, các bức tường chùa An Phú được trang trí bằng 30 tấn mảnh gốm sứ từ ngoài vào trong. Ngoài ra, chùa còn có hai cây nến bằng sáp được công nhận kỷ lục lớn và nặng nhất Việt Nam.
> Tượng Phật trên núi Cấm đạt kỷ lục châu Á
Tọa lạc trên đường Chánh Hưng với không gian khá bề thế, chùa An Phú đón nhiều khách tham quan cả ngày thường lẫn ngày rằm. Chùa thuộc phái Bắc Tông, do Hòa thượng Thích Thanh Đức sáng lập từ thời vua Tự Đức mới lên ngôi, đã trải qua 6 đời trụ trì. |
Tam quan chùa được xây dựng theo lối cổ lầu, sân trước có đài Di Lặc, đài Quan Âm, lầu Linh Sơn Thánh Mẫu, tháp Hòa thượng Thích Từ Bạch, cột phướn có hình chiếc thuyền rồng ghép sành, trên có tượng thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh và hai hòn giả sơn lớn có đặt thờ nhiều vị Phật, Bồ tát, Hộ Pháp, Quan Thánh Đế Quân. |
Hệ thống mái vòm được thiết kế độc đáo. |
Từ năm 1961 đến năm 2004, hòa thượng Thích Từ Bạch đã trùng tu lại chùa và các bề mặt tường, cột được gắn những miếng sành sứ. |
Hơn 30 tấn sành sứ phế liệu các loại được gắn trên diện tích 3.886 m2. Những người thợ đã dùng kìm cắt nhỏ khoảng 3.000 chén cùng một số các loại đĩa, tô, lọ hoa, bình và tách uống trà bằng sành, sứ bị sứt, mẻ rồi gắn lên tường. |
Theo Hòa thượng Thích Hiển Đức, các cây cột gắn mảnh sành mang màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng nhằm gửi gắm một triết lý nhân sinh. |
Chánh điện hình chữ nhật tượng trưng núi Tu Di, tầng trên có bốn pho tượng đức Phật Thích Ca lớn đặt ở trung tâm quay về bốn mặt. Tầng dưới, đặt thờ bốn pho tượng đức Phật Thích Ca như tầng trên, hai bên có tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng, tiếp sau là sân lễ và tháp Dược Sư, sau cùng là bàn thờ Hòa thượng Thích Từ Bạch. |
Phần chánh điện có hai cây nến bằng sáp được công nhận kỷ lục lớn và nặng nhất Việt Nam năm 2005. |
Năm 2007, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Chùa An Phú là ngôi chùa được tạo tác bằng mảnh sành nhiều nhất Việt Nam. |
Nhật Anh
Theo Vnexpress