Hy vọng không tắt của gia đình cô gái Mỹ bị bắt cóc
"Tôi sẽ không từ bỏ hy vọng", ông Felix DeJesus, cha của Gina DeJesus, nói. "Miễn là con bé vẫn còn đâu đó ngoài kia, tôi vẫn sẽ tìm kiếm con bé". Niềm hy vọng đó đã không tắt suốt những năm dài đằng đẵng.
> Nghi phạm giam phụ nữ 10 năm 'độc đoán và bạo lực'
> Vụ bắt cóc chấn động Mỹ còn nạn nhân thứ tư
Bố của Gina DeJesus, ông Felix DeJesus, vẫn cầu nguyện cho con suốt gần 10 năm kể từ khi cô mất tích. Ảnh: AP |
Vào một ngày mùa xuân lạnh lẽo cách đây 9 năm, cô bé 14 tuổi Gina DeJesus dự định bắt xe buýt từ trường về nhà, nhưng rồi không ai còn nhìn thấy em sau đó.
"Tôi cho con bé 1,25 USD để bắt xe buýt vì bên ngoài trời rất lạnh", mẹ của Gina, bà Nancy Ruiz nhớ lại. "Nhưng nó lại muốn đi bộ về nhà và dùng số tiền này mua đồ ăn vặt sau giờ học".
Khi không thấy cô con gái lớp 7 về nhà, bà Ruiz liền ra quầy tạp hóa để xem có Gina ở đó không, nhưng không tìm thấy con. Hai giờ sau đó, bà Ruiz lo lắng gọi cho bạn bè của Gina ở trường trung học Wilbur Wright để hỏi thăm nhưng không ai nhìn thấy cô bé.
Cuối cùng, vào 17h30 ngày 2/4/2004, bà Ruiz đã quyết định gọi cho cảnh sát.
Hai ngày sau đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng vào cuộc tìm kiếm Gina, trong khi người mẹ với trái tim như tan vỡ cùng các người thân của cô bé dán những thông báo tìm người có hình Gina khắp nơi.
Cha của cô bé, ông Felix DeJesus, suy sụp đến mức phải nhập viện. Mọi người trong gia đình của Gina đều mường tượng đến trường hợp tồi tệ nhất đối với con gái.
"Con bé không bao giờ bỏ nhà đi cả", dì của Gina, Peggy Arida, nói.
Hàng trăm cảnh sát đã gõ cửa từng nhà một trong khắp vùng và lần theo hàng trăm manh mối được cung cấp nhưng hóa đều là giả.
Các nhà tâm lý được mời đến và Gina trở thành "cô gái được truy tìm gắt gao nhất nước Mỹ", cùng với một thiếu niên Cleveland khác cũng mất tích không dấu vết trước đó một năm, Amanda Berry, 17 tuổi. Không ai có thể ngờ được hai cô gái lại cùng bị giam cầm với một nạn nhân thứ ba, Michelle Knight, tại một ngôi nhà ở đại lộ Seymour, thành phố Cleveland.
Hai tháng sau khi Gina biến mất, gia đình DeJesus cũng rời khỏi ngôi nhà của họ, nơi chỉ cách ngôi nhà ác mộng ở đại lộ Seymour có 5 km.
"Tôi sẽ không từ bỏ hy vọng", ông Felix DeJesus nói sau khi họ ra đi. "Miễn là con bé vẫn còn đâu đó ngoài kia, tôi vẫn sẽ tìm kiếm con bé".
Gina DeJesus mới 14 tuổi khi bị bắt cóc năm 2004. Ảnh: NY Daily News |
Trong một sự tình cờ kỳ lạ, một trong những phóng viên từng viết bài về vụ mất tích của Gina lại chính là con trai của Ariel Castro, nghi phạm chính trong vụ bắt cóc ba phụ nữ trên.
Anthony Castro, 31 tuổi, khi đó còn là sinh viên báo chí ở trường đại học Bowling Green, đã phỏng vấn bà Ruiz để viết bài cho một tờ báo cộng đồng. Tựa đề của bài viết là "Sự biến mất của Gian DeJesus đã đảo lộn khu phố cô sinh sống".
"Đây là chuyện không thể hiểu nổi. Bây giờ tôi thực sự choáng váng", con trai nghi phạm nói.
Năm tháng cứ thế trôi đi nhưng cứ đến 2/4 hàng năm, bố mẹ của Gina lại cùng nhau làm lễ cầu nguyện tại giao lộ phố West 105 và đại lộ Lorain, nơi con gái họ lần cuối được nhìn thấy.
Tháng trước, họ lại đến đây, tiếp tục cầu nguyện, tiếp tục hy vọng. Và rồi, như một phép màu, lời cầu nguyện của họ đã được đền đáp vào ngày 6/5.
Amanda Berry, Gina DeJesus cùng Michelle Knight cùng trốn thoát khỏi căn nhà mà ba người bị giam cầm, nhờ sự giúp đỡ của một người hàng xóm và báo cho cảnh sát. Ariel cùng hai người anh em là Onil và Pedro Castro bị bắt ngay sau đó.
"Đây đúng là một món quà tuyệt vời trong Ngày của Mẹ", em họ của Gina, Sylvia Colon nói, nhắc đến một ngày lễ của Mỹ diễn ra vào chủ nhật thứ hai của tháng 5.
Băng rôn có dòng chữ "Chào mừng trở về nhà Gina" và bóng bay treo ở hàng rào nhà cô. Ảnh: AP |
Nhân Mã (theo NY Daily News)
Người bị oan vì vụ bắt cóc phụ nữ Mỹ đòi được xin lỗi
Matthew Hurayt, người từng bị buộc tội bắt cóc và giết một trong ba người phụ nữ mất tích suốt 10 năm qua, muốn nhận được lời xin lỗi từ chính quyền thành phố Cleveland, bang Ohio.
> Ba phụ nữ Mỹ được tìm thấy sau 10 năm mất tích
Gina DeJesus, một trong 3 nạn nhân của vụ bắt cóc chấn động nước Mỹ. Ảnh:Webpronews. |
NBC News dẫn lời Hurayt, nói về việc ba nạn nhân của vụ bắt cóc được giải thoát sau nhiều năm bị giam cầm: "Tôi rất vui khi họ đã trở về nhà và được an toàn".
Tuy nhiên, Hurayt cho biết vẫn còn những bất công liên quan đến vụ bắt cóc cần được giải quyết hợp tình. Anh nói: "Tôi muốn công lý được thực thi đối với những thủ phạm thực sự và chính quyền thành phố Cleveland cần có một lời xin lỗi công khai đối với tôi".
Năm 2006, Hurayt và người bạn cùng phòng McDonough bị cáo buộc tội hiếp dâm rồi giết Gina DeJesus, sau đó chôn cô ở dưới garage mới tại nhà.
Hurayt và McDonough khi đó phải ngồi tù vài ngày trong nhà tù thành phố Cleveland do bị tình nghi giết chết DeJesus, người mất tích vào năm 2004. Cảnh sát và các đại diện của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã lục soát căn nhà của Hurayt trong suốt 10 tiếng đồng hồ. Thậm chí, họ còn đào cả nền của garage và cắt nhỏ sàn xi măng thành nhiều phần nhưng vẫn không tìm được thi thể của DeJesus.
Lúc đó, cảnh sát Thomas Stacho nói với tờ Cleveland Plain Dealer: "Chúng tôi rất thất vọng vì việc tìm kiếm không mang lại kết quả như mong đợi. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu trách nhiệm nếu không tiến hành điều tra như vậy". Tờ báo cũng dẫn lời một đại diện của FBI rằng họ không tìm thấy gì khi kiểm tra ngôi nhà.
|
Huryat đòi được xin lỗi vì bị oan trong vụ bắt cóc Gina DeJesus. Ảnh: Cleveland.com |
Sau khi Hurayt ngồi tù một tuần, một thẩm phán đã ra lệnh thả tự do cho người này vào ngày 25/9/2006. Hurayt đệ đơn lên Ủy ban đạo đức của thành phố Hurayt, đòi bồi thường 20.000 USD cho những thiệt hại đối với căn nhà, nhưng bị từ chối.
Hurayt, 35 tuổi, từng có tiền án về bạo lực tình dục đối với hai trẻ em. Năm 2006, anh ta bị kết tội trong một vụ hãm hiếp và phải ngồi tù. Hurayt được thả tự do vào năm 2010 nhưng anh cho biết, người dân địa phương vẫn nhớ về việc căn nhà của anh từng bị lục soát để tìm kiếm thi thể của DeJesus và họ tiếp tục nghĩ rằng anh ta có liên can đến vụ việc đó. Theo lời kể của Hurayt, trong suốt 3 năm qua, người dân đã đập vỡ cửa sổ nhà anh, đốt cháy garage và gọi điện thoại quấy rối anh ta.
Marein, luật sư của Hurayt, nói rằng thân chủ của ông bị quấy rối hàng ngày: "Anh ta không thể đi trên phố mà không bị người dân đàm tiếu". Marein cũng cho hay, Hurayt nộp đơn trình cảnh sát về việc bị quấy rối nhưng cảnh sát đã "làm ngơ".
Thu Hằng
Sống sót sau một tháng lênh đênh giữa Thái Bình Dương
Hai ngư dân của quốc đảo Kiribati vừa được giải cứu sau gần 4 tuần ăn cá sống và uống nước mưa giữa Thái Bình Dương.
Đảo san hô Tarawa, thủ đô của quốc đảo Kiribati. Ảnh: AFP |
Theo Telegraph, một tàu cá mang tên Pacific Princess của vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ đã bắt gặp hai ngư dân trên ở vị trí cách quê hương của họ hơn 700 km.
Thuyền trưởng của Pacific Princess, Alfred Canepa, cho hay ông tìm ra hai người đàn ông sau khi phát hiện những chấm nhỏ như một đàn chim trên radar của mình, lúc đang đánh bắt cá ngừ.
"Tôi liền đi kiểm tra và may mắn thay, tôi tìm thấy con thuyền nhỏ này với hai người đàn ông đang trôi dạt trên biển. Họ bị lạc", ông kể.
Theo ông Canepa, các ngư dân, 20 và 40 tuổi, đang đánh cá thì động cơ của thuyền bị hỏng và sóng đã đánh họ trôi ra giữa biển khơi. Cơ thể của hai người đã bị suy nhược và họ không thể sống sót thêm nữa giữa đại dương bao la.
"Khi họ được đưa lên tàu, chúng tôi đã cho họ uống nước ngay lập tức. Thời tiết khô hạn nên họ không tích trữ được nhiều nước mưa và đã bắt đầu uống nước biển. Họ sẽ không sống thêm được quá ba ngày nếu còn tiếp tục tình trạng này", ông kể.
Ông Canepa cho biết yêu cầu đầu tiên của hai ngư dân sau khi uống nước đó là được dẫn đến bàn thờ ở trên tàu và cầu nguyện suốt ba giờ để mừng cho sự sống sót của họ.
Canepa sau đó đã hủy kế hoạch đánh cá của mình và trải qua một ngày rưỡi để đưa những ngư dân này đến quần đảo gần nhất là Solomon. Tại đây, họ được giúp đỡ để quay trở về quê hương Kiribati.
Bản đồ cho thấy vị trí của quốc đảo Kiribati và quần đảo Solomon. Đồ họa:Defenceanglicans |
Những trường hợp sống sót giữa Thái Bình Dương mênh mông không phải là chuyện hiếm. Năm 2006, ba người Mexico được tìm thấy đang trôi dạt ở giữa Thái Bình Dương trên con thuyền đã hư hỏng nặng, 9 tháng sau khi gặp nạn trong một vụ săn cá mập.
Năm 1992, hai ngư dân, cũng đến từ Kiribati, đã lênh đênh trên biển 177 ngày trước khi cập vào bờ biển Samoa.
Nhân Mã
Theo Vnexpress