Tin Trong Nước

Dân Mường Mùn (Hòa Bình) nuôi cá trước tiên để “tiến” gia đình sau mới “tiến” cho thượng khách. Mua một vài yến dân mới bán còn mua 1-2 con ăn cho biết mùi thì xin lỗi, bởi đánh vậy rất hại cá.

Bản nuôi cá tiến vua

Dân Mường Mùn (Hòa Bình) nuôi cá trước tiên để “tiến” gia đình sau mới “tiến” cho thượng khách. Mua một vài yến dân mới bán còn mua 1-2 con ăn cho biết mùi thì xin lỗi, bởi đánh vậy rất hại cá.

Xã Vạn Mai (Mai Châu, Hòa Bình) có 7 bản, trong đó 4 bản nuôi cá rầm xanh (loài quý hiếm từng được sử sách ghi là để tiến vua) gồm: Nghẹ, Củm, Lọng, Khán. Ở đây cứ có ao là người Thái nuôi rầm xanh, riêng bản Củm 93 hộ đã có hàng trăm cái ao nuôi bởi nguồn nước chảy cá lớn nhanh hơn các bản khác.

Người Thái ở Vạn Mai từ đời cụ, kỵ, ông bà cho đến nay đã truyền nghề nuôi cá rầm xanh, hồi môn cho nhau những ao cá quý. Cữ tháng hai, tháng ba âm lịch người ta đổ ra sông Mã xúc cá bột bằng một loại vợt dày mắt, vớt được cả những con chỉ nhỏ bằng sợi tóc. “Sợi tóc” ấy không phân biệt được cá gì, phải gột chừng một năm, khi rầm xanh đã lớn bằng ngón tay mới được nhận diện.

Ao nuôi cá rầm xanh. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Ở suối Sia, đoạn chảy qua Mai Châu có hai “mỏ cá” rầm xanh, là quà tặng của ông trời cho dân bản. Mùa tháng sáu tháng bảy, rầm xanh từ sông Mã ngược dòng Nậm Sia. Người già bảo đó là cá đi thăm quê, dân túa ra vớt có lúc được cả tấn. Người dân không bắt rầm xanh theo kiểu tận diệt mà mỗi mùa họ làm một con mương nhỏ để cá ngược dòng qua Nậm Sia duy trì nòi giống.

Giờ giống rầm xanh chủ yếu được cung cấp từ sông Mã bởi vạn chài mạn huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa (giáp ranh với Mai Châu). Mỗi con cá cỡ bằng ngón tay giá bán 10.000-15.000 đồng, mua số lượng cả nghìn một lúc cũng có. Lúc nhỏ cá được thả trong những ao con, ăn rêu đá, cỏ, lá sắn, cám gạo đến khi 2-3 lạng mới thả sang ao to.

Loại cá tiến vua này đặc biệt khoái khẩu thức ăn tanh như lòng bò, trâu, gà, vịt. Trong một lần anh Hà Công Linh, cán bộ địa chính xã Vạn Mai, làm gà vịt ở dưới cầu ao, sơ sảy bị đàn rầm xanh xúm lại lôi tuột cả lòng lẫn thịt khiến cho phải nhảy ùm xuống mà kịp với theo cái thân, còn bộ lòng đã tan biến vào trong… ruột cá.

Rầm xanh nổi tiếng ăn tạp, ngoài chất tanh chúng cũng rất thích xơi quả sung chín, lá chuối thậm chí cơm thừa, canh cặn, xương xẩu đều ngốn hết. Hằng ngày tiếng băm thức ăn bằm bặp trên thớt như phản xạ có điều kiện khiến cả đàn kéo đến chầu mồi. Mùa đẻ trứng của rầm xanh vào tháng hai, tháng ba âm lịch. Cả đàn quần nhau, đẻ những dây trứng dài như cái xúc xích màu đỏ tươi bám bờ ao, cành mục cuối cùng bị cá ăn hết.

Ở Vạn Mai, nuôi rầm xanh quy mô phải kể đến ông Hà Công Nghị, Khà Văn Xuôi, Khà Văn Dành… Lúc nào trong ao nhà họ cũng ngót nghét cả tấn cá, trong đó con lớn tới 4-5 kg. Rầm xanh nhanh và láu cá nhất hạng. Quăng chài bên trái chúng lườn sang bên phải. Quăng chài phía trước chúng lườn ra phía sau. Quăng đúng chỗ rồi lắm lúc chúng nhảy vọt lên cao mà trốn thoát trong tích tắc.

Loài cá tiến vua này là vận động viên nhảy cao thuộc vào hàng cự phách. Ao ở ven suối, cá nghe bên ngoài mới mưa, nước róc rách chảy là nhảy vọt qua rào mà đi. Ao nhà dưới nhà trên rầm xanh cũng nhảy qua “giao lưu” không hề phân cách. Những hàng rào cao trên một mét không mùi mẽ gì với loài cá quý này nên những buổi mưa đi trên đường bản thỉnh thoảng vẫn vấp phải những con cá đang giãy đành đạch mải miết trườn.

Rầm xanh ưa nguồn nước chảy, tắc nước là ngoi lên. Đây cũng là nguyên nhân làm cho hơn một yến cá quý trong ao nhà ông chủ tịch xã vừa rồi nhất loạt bơi ngửa, nổi trắng mặt nước. Một hệ thống đường ống bương hàng vài cây số tinh vi và chằng chịt khắp bản ngày đêm cung cấp nước chảy vào hàng trăm cái ao.

Chủ tịch xã Hà Công Sang và con cá rầm xanh trong ao nhà. Ảnh:Nông nghiệp Việt Nam.

Có một thứ văn hóa tên gọi là rầm xanh bởi dân Mường Mùn nuôi cá trước tiên để “tiến” trong gia đình sau mới “tiến” cho thượng khách sành điệu. Giá bán cá luôn một mình một chiếu, không bao giờ rẻ, không bao giờ hạ mà chỉ có lên. Điều đặc biệt là mua một vài yến rầm xanh dân Vạn Mai mới bán còn mua 1-2 con ăn cho biết mùi cá vua thì xin lỗi không bán bởi đánh vậy rất hại cá.

Vạn Mai chưa ai thành công trong việc để giống loài cá tiến vua này. Mấy năm trước cũng có một dự án phi chính phủ đem mấy cặp cá rầm xuống Trung tâm Thủy sản tỉnh thử nghiệm sinh sản tự nhiên lẫn nhân tạo, tiêm hoóc môn kích thích đủ kiểu đều thất bại.

Người Thái chỉ bán rầm xanh khi cần một món tiền to lo việc cho gia đình. Không như nhiều loại cá tầm thường chỉ ngon khi có kích cỡ lớn, thịt rầm xanh ngon, ngọt lừ từ lúc con cá mới như đầu ngón tay nấu với măng chua, ăn tê say cả một miền vị giác. Lễ cơm mới một năm hai vụ hay khách quý đến nhà là người ta quăng chài thết.

Cá rầm xanh được nuôi đặc theo phong cách truyền thống, chậm lớn nhưng thịt chắc. Cũng đã có hộ thử nghiệm cho chúng ăn cám cò, cá lớn ầm ầm nhưng khi bán nhà hàng nhất loạt trả lại vì thịt nát, ăn không ngon bằng cả trôi, chép.

Một lần Chủ tịch UBND xã Vạn Mai, ông Hà Công Sang, dẫn con gái đi tham quan suối cá thần ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Đang say xe, mắt con bé bỗng sáng lên. Nó nhảy xuống chạy dọc suối mà reo to: “Bố ơi, cá của nhà mình đây này, nhiều lắm!”.

Theo ông Sang, cá ở suối thần mình dẹt, gầy hơn vì không ai chăm sóc, vì mật độ dầy đặc nhưng vẫn có những đặc điểm không lẫn được vào đâu của rầm xanh như: đầu bé, lưng xanh, mắt đỏ, má đỏ, vây đuôi hồng, vảy rất to. Rầm xanh khi nuôi đến trọng lượng một kg trở lên, má trổ đỏ hây hây đánh dấu sự trưởng thành. Riêng vảy cá có loại màu ánh xanh, loại lại màu hơi hồng.

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, cá rầm xanh (tên khoa học là sinilabeo lemassoni) phân bố chủ yếu ở trung và thượng lưu hệ thống sông suối khu vực miền núi phía Bắc và được xếp vào dạng cá quý hiếm cùng với cá lăng (Hemibagrus guttatus), cá chiên (Bagarius yarelli), cá bỗng (Spinibarbus denticulatus) và cá anh vũ (Semilabeo obscorus).

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Bộ Công an muốn báo chí tiết lộ nguồn tin

Trả lời cử tri, Bộ Công an cho biết sẽ đề xuất sửa đổi điều 7 Luật Báo chí theo hướng yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin rộng rãi hơn để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng.
'Tham nhũng nghiêm trọng, gây bất bình trong xã hội'

Cho rằng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt kết quả cao, cử tri 3 tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, nhất là đối với vụ xảy ra tại tập đoàn kinh tế lớn như Vinashin, Vinalines, vụ việc có liên quan đến hoạt động ngân hàng...

Trong văn bản trả lời, Bộ Công an thừa nhận, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và trong các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, như vụ Vinashin, Vinalines...

Vấn đề cung cấp nguồn tin một lần nữa được Bộ Công an xới lại trong văn bản trả lời cử tri. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, một trong những hướng giải quyết được Bộ Công an đưa ra là sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, Bộ cho rằng cần nghiên cứu, sửa đổi điều 7 Luật Báo chí theo hướng "chánh án TAND, viện trưởng VKSND và thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng".

So với Luật Báo chí hiện hành, đề xuất này quy định rộng hơn các trường hợp buộc báo chí phải cung cấp nguồn tin. Điều 7 Luật Báo chí hiện hành quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Đề xuất này từng được đề cập vào năm 2012 trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng, cụ thể: "Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”. Tuy nhiên, kiến nghị này đã bị bác bỏ.

Nguyễn Hưng

Hà Nội lập đường dây nóng phản ánh taxi 'bắt chẹt'

Cho rằng hành động thu quá giá của tài xế hãng Trung Việt làm ảnh hưởng đến hình ảnh taxi thủ đô, Hiệp hội taxi Hà Nội đã lập đường dây nóng để hành khách phản ánh những bất cập của loại phương tiện này.
>
Du khách bị bắt chẹt gần một triệu đồng cho 7km taxi/Tài xế taxi bắt chẹt du khách bị phạt 20 triệu đồng

Trao đổi với VnExpress.net, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho rằng tài xế taxi Trung Việt đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh taxi thủ đô trong con mắt du khách quốc tế và người dân. "Những tài xế như vậy phải tẩy chay khỏi ngành để không ảnh hưởng đến các lái xe và hãng hoạt động lành mạnh", ông kiến nghị.

Sau vụ việc này, Hiệp hội đã thiết lập đường dây nóng (04 37710851 và 04 38525252) để hành khách phản ánh về chất lượng phục vụ cũng như giá cước của các hãng taxi.

Theo Sở Giao thông Vận tải, chưa đầy một tháng hãng taxi Trung Việt để xảy ra hai vụ thu giá cước quá quy định và phát hiện có chíp điều khiển đồng hồ cước trên xe. Phó giám đốc Sở Nguyễn Hoàng Linh cho hay đã chỉ đạo Thanh tra và các phòng chức năng kiểm tra hoạt động của hãng này. "Nếu hãng vi phạm nghiêm trọng quy định về kinh doanh vận tải khách thì phải dừng hoạt động", ông Linh nói.

Đại diện hãng taxi cùng Chủ tịch hiệp hội taxi Hà Nội tặng quà và xin lỗi vợ chồng du khách bị 'bắt chẹt". Ảnh: PS

Về phía mình, Giám đốc taxi Trung Việt, ông Đoàn Việt Hà, thừa nhận thời gian qua do công ty thay đổi nhân sự lãnh đạo nên đã sao nhãng việc quản lý tài xế. Tuy nhiên ông Hà khẳng định đây chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", công ty đã lập hội đồng kỷ luật, buộc thôi việc và xử phạt tài xế 20 triệu đồng.

Để không tiếp diễn tình trạng tương tự, công ty đã chấn chỉnh toàn bộ lái xe và sắp tới sẽ tăng mức phạt với tài xế vi phạm về giá cước từ 20 triệu lên 50 triệu đồng.

Trước đó chiều 28/4, khi đi hưởng tuần trăng mật ở Việt Nam, vợ chồng anh David Patrick bị tài xế taxi Trung Việt ép trả 980.000 đồng cho quãng đường gần 7 km từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự đến Bảo tàng Dân tộc học. Họ đã chụp ảnh taxi và tài xế để phản ánh với cơ quan chức năng.

Bá Đô

Theo Vnexpress