Tin Thế Giới

Hơn 900 người vừa bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ, liên quan đến việc chế biến và bán các loại thịt giả, trong đó có dùng thịt chuột và cáo để làm thịt bò và cừu.

 

Bắt 900 người 'treo đầu bò bán thịt chuột'

Hơn 900 người vừa bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ, liên quan đến việc chế biến và bán các loại thịt giả, trong đó có dùng thịt chuột và cáo để làm thịt bò và cừu.

Một nhà máy chế biến thịt bò và cừu ở Trung Quốc. Ảnh: China.org

AFP dẫn tin từ Bộ Công an Trung Quốc cho hay trong chiến dịch truy quét kéo dài ba tháng, họ đã phát hiện được "382 vụ bơm nước vào thịt, làm thịt cừu và thịt bò giả, thịt của động vật bị bệnh và các sản phẩm thịt độc hại".

904 nghi phạm đã bị bắt, hơn 20.000 tấn sản phẩm thịt giả hoặc có chất lượng kém bị tịch thu.

Những kẻ lừa đảo ở tỉnh miền đông Giang Tô làm giả thịt cừu bằng cách trộn thịt cáo, thịt chuột và hóa chất. Những sản phẩm này sau khi được bán ra các chợ đã mang về cho các nghi can hơn 10 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,6 triệu USD).

Vụ bê bối về an toàn thực phẩm trên hiện là chủ đề nóng nhất trên cộng đồng những người sử dụng mạng xã hội Sina Weibo.

"Không còn chút nhân tính nữa, bất kỳ điều gì họ cũng có thể làm được", một người viết.

"Chúng ta gần như miễn dịch với hàng trăm chất độc rồi, có nên cảm ơn các doanh nhân tuyệt vời này không nhỉ?", một người khác viết.

Bộ Công an Trung Quốc cho hay vụ truy quét các đường dây làm thịt giả là một phần trong chiến dịch điều tra lớn hơn về an toàn thực phẩm, từ vụ hàng nghìn con lợn chết trôi trên sông Thượng Hải hồi tháng ba đến việc sản xuất dầu ăn từ nước cống.

Một trong những vụ bê bối về an toàn thực phẩm rúng động nhất ở Trung Quốc là vào năm 2008, khi hóa chất công nghiệp melamine được phát hiện trong các sản phẩm sữa, cướp đi sinh mạng của ít nhất 6 trẻ em và làm 300.000 người đổ bệnh.

Anh Ngọc

 

Sập mỏ vàng ở Sudan, 60 người thiệt mạng

Một tai nạn sập mỏ vàng ở phía tây Darfur hồi đầu tuần đã cướp đi tính mạng của ít nhất 60 thợ mỏ đang làm việc trong hầm.

Một mỏ vàng ở Sudan. Ảnh: The globe and mail.

Vụ sập mỏ vàng xảy ra hôm thứ hai, tuy nhiên do khu mỏ nằm ở vùng xa xôi nên đến ngày hôm qua, chính phủ Sudan mới nhận được thông tin.

Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm những công nhân còn mắc kẹt trong mỏ vàng. Nguyên nhân của tai nạn chưa được làm rõ.

Telegraph dẫn lời ông Haroun Al-Hussein, một quan chức nơi xảy ra vụ sập, nói: "Số người thiệt mạng hiện giờ là hơn 60. Tôi không thể đưa ra con số chính xác bởi không ai biết chắc rằng có bao nhiêu thợ mỏ đã đi xuống hầm sâu 40 mét này".

Ông Hussein cho hay, lực lượng cứu hộ phải dùng những công cụ truyền thống để tìm kiếm các nạn nhân. Điều đó khiến công tác cứu hộ diễn ra rất chậm, tuy nhiên nếu dùng máy móc thì đất sẽ bị sụt xuống.

Xung đột giữa các bộ lạc thường xảy ra tại Jabel Amir, liên quan đến các tranh chấp về khai thác mỏ vàng. Hồi đầu tháng 1, một vụ xung đột xảy ra khiến hơn 100 người thiệt mạng. Vào tháng 2, cuộc đụng độ giữa bộ lạc Bani Hussein và Abbala xảy ra khiến 53 người thiệt mạng và 83 người bị thương. Các nhà chức trách tại Sudan đã phải can thiệp và ra lệnh ngưng hoạt động khai thác vàng ở Jabel Amir.

Thu Hằng

 

Hải quân Mỹ ra mắt phi đội máy bay không người lái

Hải quân Mỹ vừa giới thiệu phi đội đầu tiên gồm cả phi cơ có người lái và không người lái, để trở thành quân chủng cuối cùng trong quân đội chính thức tích hợp công nghệ không người lái vào hoạt động.

Phi đội Trực thăng tấn công Hàng hải 35 của hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters

Phi đội Trực thăng tấn công Hàng hải 35 dự kiến gồm 8 trực thăng có người lái và 10 chiếc Fire Scout MQ-8 B, một phi cơ không người lái theo dõi các mục tiêu và sẽ được trang bị vũ khí, Telegraph dẫn lời sĩ quan chỉ huy Christopher Hewlett cho biết.

Phi đội sẽ vận hành những chiếc Fire Scout từ các tàu chiến duyên hải mới của hải quân ở Thái Bình dương trong khoảng một năm. Fire Scout sẽ hoạt động một cách tự chủ và có thể bay ở những khu vực nguy hiểm, cho phép các quân nhân trên tàu theo dõi những gì đang diễn ra theo thời gian thực.

Hầu hết các máy bay không người lái của hải quân Mỹ hiện được vận hành bởi các nhà thầu dưới sự giám sát của quân đội. Các nhà vận hành phi đội trên sẽ tham gia huấn luyện về Fire Scout vào tháng tới.

Không quân và Lục quân Mỹ đều đã thành lập các phi đội máy bay không người lái.

Loại phi cơ này đã trở thành một vũ khí then chốt trong chiến tranh hiện đại, cho phép quân đội xâm nhập vào các khu vực quá nguy hiểm cho binh sĩ, và triển khai lực lượng linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, sự gia tăng sử dụng máy bay không người lái cũng gây ra tranh cãi. Các cuộc không kích làm dân thường thiệt mạng của loại phi cơ này vấp phải phản ứng dữ dội ở những nơi như Yemen và Pakistan, và đôi khi phá hủy những nỗ lực của Mỹ trong việc thu hút dân chúng chống lại các phiến quân.

Anh Ngọc

Theo Vnexpress