Tin thế giới

Một bé trai 5 tuổi ở Mỹ vô tình bắn chết em gái mới hai tuổi tại nhà khi đang nghịch một khẩu súng trường được tặng.

 

Bé 5 tuổi bắn chết em gái tại nhà

Một bé trai 5 tuổi ở Mỹ vô tình bắn chết em gái mới hai tuổi tại nhà khi đang nghịch một khẩu súng trường được tặng.

Bé gái hai tuổi Caroline Starks vô tình bị anh trai bắn chết. Ảnh: lex18

AFP cho hay vụ việc xảy ra hôm 30/4 tại hạt Cumberland, bang Kentucky. Bé gái hai tuổi tên là Caroline Starks đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu sau vụ nã súng vô tình nhưng không qua khỏi.

Điều tra viên Gary White cho hay mẹ của hai đứa trẻ đang dọn dẹp nhà cửa vào thời điểm xảy ra vụ việc và đang ở ngoài hiên nhà.

"Cô ấy cho biết mới chưa quá ba phút trôi qua thì đột nghiên nghe tiếng súng trường vang lên. Cô ấy chạy vào trong và phát hiện cô con gái nhỏ vừa bị cậu anh nã súng", White nói.

Cậu bé được tặng khẩu súng trên vào năm ngoái và cất nó trong góc một căn phòng. Bố mẹ em không hề nhận ra khẩu súng đã được lấy ra khỏi đó.

"Đó là một khẩu Crickett", ông bố cho biết. "Đó là kiểu súng trường nhỏ cho trẻ con. Thằng bé chỉ quen bắn súng nhỏ".

Một cuộc khám nghiệm tử thi đã được tiến hành vào hôm qua, nhưng ông White cho biết vụ nã súng dự kiến sẽ được xem là sự cố bất ngờ.

"Đây chỉ là một trong những vụ tai nạn điên rồ", ông nói.

Vụ việc này xảy ra khi nước Mỹ đang bị chia rẽ vì vấn đề kiểm soát súng, đặc biệt sau các vụ xả súng đẫm máu ở nước này.

Nhân Mã

 

'Cựu binh Mỹ sống nửa thế kỷ ở Việt Nam' là giả mạo

Người đàn ông xuất hiện trong một bộ phim tài liệu, tự nhận mình là một phi công quân sự Mỹ mà máy bay bị bắn hạ cách đây 45 năm trong chiến tranh Việt Nam, thực ra là một công dân Việt giả danh.
Ảnh gây chấn động về chiến tranh ở Việt Nam
Cuộc trao trả tù binh nổi tiếng 40 năm trước

Quân nhân Mỹ John H. Robertson, người được xác nhận đã thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ năm 1968 trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ảnh: NY Daily News

Bộ phim tài liệu "Unclaimed", do Michael Jorgensen đạo diễn, thu hút sự quan tâm từ khi ra mắt tuần này. Phim kể về việc phát hiện một quân nhân Mỹ tên là John H. Robertson. Ông này 76 tuổi, vẫn còn khỏe mạnh và đang sinh sống ở Việt Nam cùng vợ con, sau 45 năm kể từ ngày máy bay của ông bị bắn rơi.

Tháng 5/1968, quân nhân Robertson đang ở trên khoang một chiếc trực thăng H-34 của không quân Việt Nam Cộng hòa thì bị trúng hỏa lực mạnh của đối phương từ mặt đất. Máy bay rơi xuống Lào và không còn ai trên đó còn sống sót. Robertson được tuyên bố đã thiệt mạng vào năm 1976.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm nay cho hay, người tự nhận là Robertson và có một "cuộc đoàn tụ" đầy xúc động với chị gái trong phim "Unclaimed" đã được xét nghiệm DNA và xác nhận là một công dân người Việt.

"Tất cả các trình báo và thông tin về việc nhìn thấy người còn sống liên quan đến Robertson đã được điều tra và xác nhận là giả mạo", AFP dẫn thông báo từ Văn phòng Tù binh chiến tranh/Quân nhân mất tích Mỹ, được cung cấp bởi sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Trailer phim tài liệu 'Unclaimed'
Hình ảnh về người đàn ông tự nhận mình là binh sĩ Robertson trong phim tài liệu Unclaimed. Ông này được xác định là công dân Việt Nam Dang Ngoc Than. Ảnh:movieunclaimed.com

Một trailer, được chỉnh sửa kỹ càng để quảng bá bộ phim đăng trên trang web của hãng sản xuất Myth Merchant Films, không hiển thị bất kỳ hình ảnh nào cho thấy rõ gương mặt của người Việt Nam có tên là Dang Ngoc Than trên.

Các nhà điều tra từng thẩm vấn ông Than hai lần vào năm 2004 và 2009, sau khi nhận được "những thông báo về việc nhìn thấy người còn sống".

Các dấu vân tay thu thập được vào thời điểm đó không trùng khớp với dấu vân tay của Robertson được lưu trong dữ liệu và mẫu DNA cũng "không khớp với bất kỳ anh chị em nào của Robertson".

Trong chiến tranh Việt Nam, gần 60.000 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng. Theo thống kê từ Bộ chỉ huy Kiểm Kê người mất tích và tù binh chiến tranh hỗn hợp Mỹ khi chiến tranh kết thúc, số người Mỹ mất tích là 1.971.

Cuộc chiến cũng đã lấy đi sinh mạng của khoảng ba triệu người dân và binh sĩ người Việt trước khi kết thúc vào năm 1975.

Anh Ngọc

 

Số người chết vì nhà sập ở Bangladesh vượt 400

Giới chức Bangladesh xác nhận ít nhất 402 người đã thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà ở ngoại ô thủ đô Dhaka tuần trước.

Các nhân viên cứu hộ
Các nhân viên cứu hộ dùng máy móc hạng nặng để nhấc từng mảng bê tông ra khỏi đống đổ nát gần thành phố Dhaka, Bangladesh hôm 30/4. Ảnh: AFP.

Rana Plaza, một tòa nhà ở ngoại ô thành phố Dhaka, sập vào ngày 24/4. Khoảng 3.000 người lao động của 5 nhà máy làm việc trong tòa nhà vào thời điểm nó sập. Đây là thảm hỏa công nghiệp nghiêm trọng nhất trong lịch sử Bangladesh.

BBC dẫn lời nhà chức trách thông báo lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 399 tử thi trong đống đổ nát và ba người khác tử vong trong bệnh viện. Một tướng quân đội cho biết 149 người vẫn mất tích và khoảng 2.500 người bị thương.

Lực lượng cứu hộ sử dụng những cỗ máy hạng nặng để nhấc từng khối bê tông trong tòa nhà sập để tìm và di chuyển các tử thi. Nhiều xác đã phân hủy mạnh nên việc nhận dạng họ trở nên khó khăn.

Hàng vạn người tuần hành ở Dhaka và nhiều thành phố khác nhân Ngày Quốc tế Lao động hôm nay. Họ yêu cầu chính phủ quan tâm tới sự an toàn của người lao động và đòi tòa án kết án tử hình chủ của tòa nhà Rana Plaza. Một số người mang biểu ngữ với dòng chữ "Treo cổ những kẻ sát nhân. Treo cổ những chủ nhà máy".

Một người biểu tình nói qua loa phóng thanh: "Anh tôi đã chết. Chị tôi đã chết. Tôi sẽ không để máu của họ chảy một cách vô ích".

Đám đông cũng yêu cầu chính phủ cải thiện điều kiện lao động.

"Chúng tôi muốn giới chủ trả lương đúng thời hạn và tăng cường an toàn lao động trong các nhà máy", Mongidul Islam Rana, một công nhân tham gia cuộc biểu tình, phát biểu.

Cảnh sát đã bắt 8 người liên quan đến vụ sập tòa nhà, bao gồm chủ các nhà máy và các kỹ sư xây dựng. Chủ của tòa nhà, Mohammed Sohel Rana, cũng đang bị giam.

Chí Limh

Theo Vnexpress